Khái niệm quản trị doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Đổi mới quản trị nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong các doanh nghiệp nhà nước (Trang 43 - 47)

CHƯƠNG 2. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC VÀ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

2.1. Những vấn đề chung về doanh nghiệp nhà nước và quản trị doanh nghiệp nhà nước

2.1.2. Khái quát về quản trị doanh nghiệp

2.1.2.1. Khái niệm quản trị doanh nghiệp

Về cơ bản, quản trị liên quan đến quá trình hoạch định, tổ chức, lãnh đạo và kiểm tra hoạt động của các thành viên trong tổ chức, sử dụng các nguồn lực nhằm đạt đến sự thành công trong các mục tiêu đề ra.

Các nghiên cứu dưới giác độ kinh tế học chủ yếu tập trung vào vấn đề quản trị công ty với tính chất là một định chế và tổng thể các nhiệm vụ để chèo lái một hệ thống, hay nói cách khác, tập trung vào các vấn đề chi phí và tính hiệu quả trong hoạt động kinh doanh.

Cho đến nay, có nhiều khái niệm khác nhau về quản trị doanh nghiệp hay quản trị công ty4và nhìn nhận quản trị doanh nghiệp dưới nhiều góc độ khác nhau. Một trong những tác phẩm sớm nhất viết về quản trị, tác giả Berle and Means đã đưa ra khái niệmliên quan đến quản trị công ty:“Quản trị công ty là thuật ngữ mô tả quá trình, các thủ tục, chính sách, quy định, luật pháp và thể chế để định hướng cho tổ chức và doanh nghiệp, cách thức hành động, điều hành và kiểm soát các hoạt động của mình để đạt được mục tiêu đề ra” (Berle & Means 1932, tr. 24). Tương tự, James Stoner và Stephen Robbins cũng đưa ra khái niệm như sau: “Quản trị là tiến trình hoạch định, tổ chức, lãnh đạo và kiểm soát những hoạt động của các thành viên trong tổ chức và sử dụng tất cả các nguồn lực khác của tổ chức nhằm đạt được mục tiêu đề ra” (Stoner & Robbins 1987, tr. 65). Trong tác phẩm “Những vấn đề cốt yếu của quản lý” của Koontz, O’Donnell và Weihrich, khái niệm quản trị được hiểu là thiết kế và duy trì một môi trường mà trong đó các cá nhân làm việc với nhau trong các nhóm có thể hoàn thành các nhiệm vụ và các mục tiêu đã định (Koontz, O’Donnell, Weihrich 1998, tr.36). Nói một cách trừu tượng, Mary Parker Follett cho rằng quản trị là nghệ thuật đạt được mục đích thông qua người khác (Mary Parker Follett 2003, tr. 81). Tiếp cận dưới giác độ của cổ đông và người đại diện, Phạm Duy Nghĩa (2004, tr. 357) cho rằng, nội dung chính của quản trị doanh nghiệp chính là giải quyết vấn đề ý chí của cổ đông và thể hiện chí đó thông qua người đại diện.

Những quan niệm trên đề cập đến các chức năng khác nhau của quản trị trong việc tổ chức và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong Bộ Nguyên tắc Quản trị công ty, tổ chức OECD cũng đưa ra khái niệm:

Quản trị công ty là hệ thống mà các doanh nghiệp được điều hành và kiểm soát. Cơ cấu quản trị công ty quy định việc phân phối quyền lực và trách nhiệm của các thành phần khác nhau tham gia vào doanh nghiệp như hội đồng quản trị, nhà quản lý, cổ đông, các bên có quyền lợi liên quan và việc đặt ra các quy định, thủ tục để ra quyết định đối với các vấn đề của công ty. Bằng cách này, quản trị công ty tạo ra một cơ cấu mà theo đó, xác định các mục tiêu của doanh nghiệp, cách thức thực hiện mục tiêu và duy trì hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp”. Khái niệm này chỉ ra được

4 Trong phạm vi của Luận án này, thật ngữ quản trị công ty hay quản trị doanh nghiệp được sử dụng từ thuật ngữ gốc Corporate Governance và với ý nghĩa tương tự.

mối quan hệ giữa các thành viên của công ty trong quá trình điều hành doanh nghiệp mà thông qua đó mục tiêu của doanh nghiệp được xác định và có cơ chế kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp. Để cụ thể hoá định nghĩa này, OECD đưa ra bộ các nguyên tắc mang tính khuyến nghị về quản trị công ty nhằm hướng tới bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, của người có quyền lợi liên quan khác; tăng tính minh bạch và trách nhiệm của hội đồng quản trị để có thể thu hút được các nguồn lực vào mục đích phát triển kinh doanh.

Theo World Bank (2006) quản trị công ty đề cập đến các cơ cấu và quá trình cho việc định hướng và kiểm soát các công ty. Quản trị công ty liên quan đến mối quan hệ giữa ban giám đốc, HĐQT, các cổ đông lớn, các cổ đông nhỏ và những bên có quyền lợi liên quan. Quản trị công ty tốt góp phần vào phát triển kinh tế bền vững do cải thiện được hoạt động của các công ty và nâng cao khả năng tiếp cận các nguồn vốn bên ngoài của các công ty đó. Ở giác độ khái quát, World Bank xác định quản trị công ty là một hệ thống các yếu tố thể chế và thông lệ quản lý của công ty, nó cho phép công ty có thể thu hút được các nguồn tài chính và nhân lực, hoạt động có hiệu quả, nhờ đó tạo ra các lợi ích lâu dài cho các cổ đông, trong khi vẫn tôn trọng quyền lợi của những người có lợi ích liên quan và của xã hội. Hệ thống quản trị công ty phải đảm bảo tính minh bạch của các thông tin tài chính kinh doanh và quá trình giám sát nội bộ đối với hoạt động quản lý; đảm bảo thực thi các quyền của tất cả các cổ đông;

Thành viên HĐTV có thể hoàn toàn độc lập trong việc thông qua các quyết định phê chuẩn kế hoạch kinh doanh tuyển dụng người quản lý, trong việc giám sát tính trung thực và hiệu quả của hoạt động quản lý và trong việc miễn nhiệm người quản lý khi cần thiết.

Tại Việt Nam, thuật ngữ quản trị doanh nghiệp còn khá mới mẻ đối với các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách và cả các doanh nghiệp. Những quan niệm về quản trị doanh nghiệp được phát triển về bản dựa trên những kiến thức từ nước ngoài và còn có nhiều quan điểm khác nhau. Về cơ bản, các quan điểm về quản trị công ty đều có đặc điểm cho rằng đó là tập hợp cơ chế nhằm định hướng, điều khiển và kiểm soát công ty, phân định quyền hạn và nghĩa vụ giữa các thành viên trong công ty, bao gồm các cổ đông, hội đồng quản trị, các bộ phận quản lý và các bên có quyền lợi liên quan khác. Hệ thống quản trị công ty cũng thiết lập các quy tắc và quy trình cho việc

ra các quyết định về các vấn đề của công ty. Theo Nguyễn Ngọc Bích (2004, tr. 255), quản trị công ty là sự lèo lái công ty, là một tập hợp các cơ chế có liên quan đến việc điều hành và kiểm soát công ty. Nó đề ra cách phân chia quyền hạn và nghĩa vụ giữa các thành viên của công ty bao gồm cổ đông, hội đồng quản trị, ban giám đốc và những người có lợi ích có liên quan khác. Tiếp cận dưới giác độ khoa học quản trị hiện đại, mang tính khái quát và bao trùm, Nhâm Phong Tuân (2013) cho rằng QTCT là một hệ thống các mối quan hệ, được xác định bởi các cơ cấu và các quy trình.

Cùng quan điểm như vậy, Phạm Duy Nghĩa (2004, tr. 364) cho rằng quản trị công ty là một tập hợp các cơ chế có liên quan đến điều hành và quản lý công ty, để ra các phương án phân chia quyền lực giữa các nhân tố tác động đến công ty bao gồm cổ đông, Hội đồng quản trị, bộ máy điều hành và các đối tượng khác (người lao động, chủ nợ, nhà cung cấp, đại lý bao tiêu). Phân tích quản trị công ty theo nghĩa hẹp, Đinh Văn Ân xác định QTCT là cơ chế giám sát của chủ sở hữu đối với người quản lý công ty theo những mục tiêu và định hướng đã định và nghĩa rộng, quản trị công ty gắn liền với quyền lợi của chủ sở hữu, của chủ nợ, người cung cấp, người lao động, thậm chí cả khách hàng của công ty. Còn về tổ chức, quản trị công ty là tập hợp các mối quan hệ giữa chủ sở hữu, hội đồng quản trị và các bên liên quan nhằm xác định mục tiêu và giám sát việc thực hiện mục tiêu của công ty.

Từ những quan điểm về quản trị doanh nghiệp như đã nêu trên, Luận án đưa ra những nhận xét như sau:

Thứ nhất, quản trị doanh nghiệp bao gồm tất cả thiết chế, các cơ chế nhằm tổ chức công ty một cách có hiệu quả vì lợi ích của công ty và của xã hội. Quản trị công ty có sự phân biệt rõ ràng với quản trị kinh doanh liên quan đến hoạt động tác nghiệp, điều hành hoạt động hàng ngày của công ty, chủ yếu chỉ xác định quyền lợi trách nhiệm của các chủ thể quản lý công ty, giám sát công ty cũng như cơ chế đảm bảo thực hiện nó.

Thứ hai, quản trị doanh nghiệp xác định mối quan hệ giữa chủ sở hữu công ty và cơ quan của công ty bao gồm đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, ban giám đốc, ban kiểm soát và các bên có liên quan khác của công ty. Mối quan hệ này dựa

trên việc xác định vai trò, chức năng cũng như quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của các thiết chế trong công ty.

Thứ ba, quản trị doanh nghiệp phân định mối quan hệ tác động và giới hạn trách nhiệm giữa chủ sở hữu công ty với bộ máy quản lý điều hành công ty, tạo ra các quy trình nội bộ cho hoạt động của bộ máy công ty qua đó kiểm soát và ngăn ngừa sự lạm dụng quyền lực, chức vụ của người đại diện công ty, giảm thiểu được những rủi ro đối với công ty và chủ sở hữu của công ty.

Từ những phân tích ở trên, có thể rút ra định nghĩa của luận án về quản trị doanh nghiệp như sau: quản trị doanh nghiệp là tập hợp các yếu tố bao gồm hệ thống, cơ chế điều hành và kiểm soát, xác định cơ cấu quản trị công ty, phân định và xác lập cơ chế thực hiện thẩm quyền và trách nhiệm của các bộ phận như hội đồng quản trị, nhà quản lý, cổ đông, các bên có quyền lợi liên quan và việc đặt ra các quy định, thủ tục để ra quyết định đối với các vấn đề của công ty.

Để quản trị doanh nghiệp hiệu quả, bộ máy quản trị doanh nghiệp cần phải quan tâm và thực hiện tốt các mặt bao gồm quản lý chiến lược (strategic management), quản trị tài chính (finance management), kế toán (accounting), đầu tư (investment), marketing, cung ứng (supply chain), nhân sự (human resources),… Hoạt động quản trị doanh nghiệp không tách rời của hoạt động quản trị kinh doanh trong một doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu Đổi mới quản trị nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong các doanh nghiệp nhà nước (Trang 43 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(242 trang)