CHƯƠNG 3. THỰC TRẠNG ĐỔI MỚI QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC TẠI VIỆT NAM
3.2. Thực trạng đổi mới quản trị doanh nghiệp nhà nước
3.2.1. Về đổi mới quản trị doanh nghiệp
3.2.1.4. Về mức độ công khai và minh bạch thông tin của DNNN
Trách nhiệm công khai, minh bạch là yêu cầu bắt buộc đối với DNNN (Khoản 5 Điều 1 Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi 2012) và Nghị định số 81/2015/NÐ- CP ngày 18/9/2015 của Chính phủ về công bố thông tin của DNNN. Tuy nhiên, tự thân các tập đoàn và DNNN thường không tự nguyện áp dụng các chuẩn mực khắt khe về quản trị và minh bạch, tiến dần tới chuẩn mực quản trị công ty của quốc tế (Phạm Duy Nghĩa 2014, tr 6). Bên cạnh đó, là thanh viên của WTO cũng như tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, buộc các DNNN phải công bố và minh bạch thông tin. Đây cũng là yêu cầu mang tính khuyến nghị của OECD đưa ra
trong nguyên tắc minh bạch và công bố thông tin DNNN phải thực hiện. Với cơ sở pháp lý như vậy, công khai và minh bạch thông tin là một yếu tố quan trong được các DNNN quan tâm cải thiện trong thời gian qua.
Việc công bố công khai thông tin hoạt động của DNNN bước đầu đã tạo ra sự minh bạch và công bằng trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, được dư luận, báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng đánh giá cao, tạo ra một công cụ hữu hiệu để Nhà nước giám sát việc sử dụng các nguồn lực của Nhà nước tại các doanh nghiệp này, tránh các gian lận, sử dụng không hiệu quả, thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Việc giám sát tốt hoạt động của các doanh nghiệp này góp phần tăng hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh và sức cạnh tranh, tạo động lực phát triển doanh nghiệp; góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy tăng trưởng bền vững nền kinh tế.
Ðiều này làm tăng tính ổn định, tính hiệu quả, bền vững sẽ kéo theo tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, tạo lòng tin trong xã hội đối với DNNN, bước đầu giúp các cơ quan nhà nước trong việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, hạn chế tình trạng sử dụng vốn lãng phí, thất thoát, tham ô... Việc này được hầu hết các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp là đối tượng CBTT đánh giá cao, tạo điều kiện cải thiện cho việc chia sẻ, minh bạch hóa thông tin trong nội bộ doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với cơ quan chủ sở hữu, giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước; giúp dư luận và xã hội bước đầu có thể tiếp cận các thông tin về hoạt động SXKD, đầu tư phát triển của doanh nghiệp.
Theo đó, đến hết năm 2017, mới chỉ có 265/622 doanh nghiệp (chiếm 42,6%) gửi báo cáo đến Bộ KH&ĐT để thực hiện công bố thông tin trên cổng thông tin doanh nghiệp. Trong số khoảng 357 doanh nghiệp chưa thực hiện công bố thông tin, chủ yếu là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thủy nông, thủy lợi, các công ty nông, lâm nghiệp, xổ số kiến thiết của các địa phương.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những hạn chế trong công khai và minh bạch đang là một trong số các vấn đề lớn của quản trị doanh nghiệp hiện nay ở Việt Nam, đặc biệt đối với DNNN Việt Nam. Nhà nước, cơ quan chủ quản và đối tác luôn có nhu cầu nhận được một cách kịp thời, chính xác và đầy đủ các thông tin cơ bản về
doanh nghiệp để đánh giá được thực trạng hoạt động của doanh nghiệp và quyền lợi của họ. Các thông tin cơ bản đó bao gồm từ tổng tài sản đến đánh giá chính xác về thực trạng tài chính hiện nay và thông tin về lưu chuyển tiền tệ trong quá khứ cũng như các thông tin về dự báo trong tương lai. Nếu thiếu thông tin các cơ quan chủ quản và Nhà nước không thể đánh giá chính xác hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trong hiện tại cũng như tương lai. Các doanh nghiệp chưa có các chuẩn mực công bố thông tin, do vậy khá tùy tiện khi thực hiện. Chất lượng báo cáo tài chính và mức độ công bố thông tin đối với các DNNN chưa cao. Chính vì vậy, một trong những thay đổi lớn đối với hoạt động quản trị DNNN được thể hiện trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 là việc yêu cầu công khai hóa thông tin.
Theo quy định của Chính phủ, các doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu, các công ty con do DNNN sở hữu 100% vốn điều lệ phải công bố thông tin (CBTT) trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, đồng thời gửi các báo cáo CBTT về cơ quan đại diện chủ sở hữu, Bộ KH&ÐT để thực hiện CBTT. Ðiều này góp phần tránh thất thoát, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí các nguồn lực của Nhà nước tại doanh nghiệp, qua đó tăng cường tính minh bạch, hiệu quả sử dụng vốn nhà nước và hiệu quả hoạt động kinh doanh và sức cạnh tranh, tạo động lực phát triển doanh nghiệp.
Theo Nghị định số 81/2015/NÐ-CP ngày 18/9/2015 của Chính phủ về công bố thông tin của doanh nghiệp Nhà nước, có 09 báo cáo thông tin mà DN phải công bố định kỳ là: chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất, kinh doanh (SXKD) và đầu tư phát triển 5 năm, hằng năm, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện SXKD và ba năm gần nhất tính tới năm báo cáo, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công ích và trách nhiệm xã hội khác, báo cáo tình hình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp hằng năm, báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp, báo cáo tài chính sáu tháng và báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp, báo cáo chế độ tiền lương, thưởng.
Các báo cáo này đều được xác định thời hạn công bố rõ ràng theo các mốc thời gian xác định.
Theo Bộ KH&ÐT13, tính đến ngày 31/12/2016, trong tổng số 09 loại báo cáo phải thực hiện công bố theo quy định của Nghị định 81/2015/NÐ-CP thì hầu hết các doanh nghiệp trong số 241 doanh nghiệp đã CBTT chưa thực hiện công bố đầy đủ, trung bình mỗi doanh nghiệp chỉ công bố khoảng 04 trong số 09 loại báo cáo. Trong 379 doanh nghiệp còn lại chưa thực hiện CBTT, chủ yếu là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thủy nông, thủy lợi, doanh nghiệp là các công ty trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, xổ số kiến thiết của các địa phương. Ðặc biệt các công ty con do công ty mẹ nắm 100% vốn tại một số doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (5 doanh nghiệp), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (2 doanh nghiệp), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (6 doanh nghiệp), Tập đoàn Cao-su Việt Nam (4 doanh nghiệp) chưa thực hiện CBTT theo quy định của Nghị định 81/2015/NÐ-CP.
Trong số 41 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phải thực hiện CBTT, hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện CBTT theo quy định tại Nghị định 81/2015/NÐ- CP; nhưng chưa thực hiện đầy đủ và đúng thời hạn theo yêu cầu tại Nghị định này.
Về báo cáo tài chính năm 2015, có sáu TÐKT đã thuê kiểm toán độc lập để hoàn thiện báo cáo tài chính năm 2015 theo quy định. Trong đó, có 03 tập đoàn kinh tế thuê công ty kiểm toán quốc tế tại Việt Nam và 03 tập đoàn kinh tế thuê công ty kiểm toán trong nước để thực hiện kiểm toán, bảo đảm tính công khai, minh bạch và khách quan trong việc đánh giá hoạt động SXKD, doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp.
Theo văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về tình hình công bố thông tin của DNNN năm 2017 của Bộ KH&ĐT, đến đến hết năm 2017 mới chỉ có 265/622 DN gửi báo cáo đến Bộ này. Thậm chí, có DNNN từ khi có Nghị định của Chính phủ vẫn chưa có báo cáo gửi về Bộ KH&ĐT (cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm tập hợp, báo cáo Chính phủ).
Các doanh nghiệp lớn còn chậm/không chịu công bố thông tin như Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc, các doanh nghiệp thuộc Bộ VH- TT&DL… Ngoài ra, một số công ty con do công ty mẹ nắm 100% vốn tại một số
13 Tình hình công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước: http://www.mpi.gov.vn- /PageS/tinbai.aspx?idTin=35939&idcm=188
doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cũng chưa thực hiện công bố thông tin.
Theo quy định tại Nghị định số 81/2015 thì “Cổng hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước phải có chuyên mục riêng về công bố thông tin của doanh nghiệp. Cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước có trách nhiệm đăng tải công bố thông tin của doanh nghiệp đúng thời gian, bảo đảm các thông tin công bố được tiếp cận dễ dàng và thuận tiện”.
Tuy vậy, theo Bộ KH&ĐT, tính đến 31/12/2017, mới có 6/15 bộ và cơ quan ngang bộ, 8/63 tỉnh, thành phố thuộc Trung ương… có chuyên mục riêng về công bố thông tin. Như vậy, mới chỉ có 20/84 cơ quan chủ sở hữu (chiếm 23,81%) thực hiện đúng quy định về tổ chức thực hiện công bố thông tin. Đến năm 2018, trong tổng số 534 doanh nghiệp nhà nước (chưa bao gồm các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an), chỉ có 383 doanh nghiệp, chiếm 71,67%, để thực hiện công bố thông tin theo quy định. Như vậy, vẫn còn tới hơn 150 doanh nghiệp chưa thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin (Hiếu Minh, 2018).
Mặt khác, trong số chín loại báo cáo phải thực hiện công bố thông tin thì đa số 265 doanh nghiệp đã công bố thông tin chưa công bố đầy đủ. Trung bình mỗi doanh nghiệp chỉ công bố khoảng 5/9 loại báo cáo. Đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp lớn thuộc các bộ, địa phương, tính đến hết năm 2017, cũng chỉ có 55/77 doanh nghiệp đã thực hiện công bố thông tin theo quy định nhưng lại chưa thực hiện đầy đủ và đúng thời hạn.
Đánh giá về chất lượng công bố thông tin của một số tập đoàn kinh tế, Bộ KH&ĐT cho rằng: Các báo cáo về kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2017 của các tập đoàn kinh tế là tương đối đầy đủ. Tuy vậy, báo cáo tài chính năm 2016 thì chưa đủ cơ sở để Bộ KH&ĐT đánh giá về tính công khai, minh bạch và khách quan trong việc đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh thu, lợi nhuận của các tập đoàn kinh tế này.
Việc công bố công khai thông tin hoạt động của DNNN được dư luận rất quan tâm, tăng hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, hạn chế được thất thoát, lãng phí, tham
ô…, nhưng Bộ KH&ĐT cho biết tỉ lệ DNNN thực hiện công bố thông tin còn rất thấp. Phần lớn các DN thuộc đối tượng công bố thông tin chưa thực hiện đầy đủ các quy định về công bố thông tin, chưa báo cáo đầy đủ, trung thực cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước để giám sát, đôn đốc thực hiện công bố thông tin.
Do vậy, cần phải có nhiều nỗ lực để xây dựng một văn hóa kinh doanh góp phần nâng cao việc thực thi có trách nhiệm, công bằng và minh bạch. Theo đó DNNN sẽ phải công khai hóa thông tin một cách định kỳ và bất thường và với mức độ công khai hóa thông tin tương tự như công ty cổ phần niêm yết.