Tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước 58 2.4. Ảnh hưởng của đổi mới quản trị đến năng lực cạnh tranh của DNNN

Một phần của tài liệu Đổi mới quản trị nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong các doanh nghiệp nhà nước (Trang 69 - 76)

CHƯƠNG 2. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC VÀ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

2.3. Vấn đề năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước

2.3.2. Tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước 58 2.4. Ảnh hưởng của đổi mới quản trị đến năng lực cạnh tranh của DNNN

Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nói chung trong nền kinh tế thị trường là yếu tố cốt lõi để tồn tại. Yếu tố này đặc biệt đóng vai trò quan trọng trong điều kiện kinh tế thị trường hoàn chỉnh, hội nhập kinh tế quốc tế, doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh để tồn tại trên thị trường có yếu tố quốc tế và ngày càng khốc liệt. Khi cạnh tranh bình đẳng, DNNN cũng sẽ phải nâng cao NLCT để duy trì sự tồn tại của mình.

Đồng thời, NLCT của DNNN cũng phải dựa vào các chỉ tiêu đánh giá như doanh nghiệp khu vực tư nhân. Tùy theo lĩnh vực hoạt động, mô hình kinh doanh, loại sản phẩm..., tiêu chí đánh giá NLCT của doanh nghiệp có thể khác nhau. Tuy nhiên, những tiêu chí dưới đây có tính phổ quát nhất khi đánh giá NLCT của doanh nghiệp nói chung và DNNN nói riêng:

- Về nguồn lực của doanh nghiệp: nguồn lực hay còn gọi là năng lực của doanh nghiệp trong các khía cạnh cụ thể như năng lực tài chính, nguồn tài nguyên, năng lực công nghệ, thậm chí nguồn lực con người là tiêu chí quan trọng để đánh giá NLCT của một doanh nghiệp. Mỗi loại nguồn lực có ý nghĩa khác nhau đối với mỗi loại doanh nghiệp, chẳng hạn nguồn lực hay năng lực tài chính của ngân hàng thương mại có ý nghĩa hơn với năng lực tài chính của một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khác. Nguồn lực của một doanh nghiệp thực chất đều liên quan đến nguồn lực tài chính, đây là khả năng tạo tiền đề cho mọi hoạt động như tạo dựng hạ tầng cho đến đầu tư kinh doanh, đảm bảo khả năng thanh toán thể hiện ở quy mô vốn, khả năng đầu tư để nâng quy mô, nâng cao chất lượng… đủ để đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh được diễn ra bình thường.

Quy mô nguồn lực (vốn, tổng tài sản, sự tăng trưởng nguồn vốn và hiệu quả sử dụng vốn, công nghệ...) là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá NLCT của DNNN.

Về nguồn nhân lực, yếu tố con người có vai trò quan trọng trong việc quyết định thành công của các chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Nguồn nhân lực hàm chứa trong năng lực giải quyết cộng việc, tay nghề, trình độ và kỹ năng lao động... làm việc, ngoài ra bao gồm cả cấp quản lý, lãnh đạo DNNN chính là người trực tiếp đem lại năng suất, chất lượng và hiệu quả của hoạt động kinh doanh của DNNN. Nguồn nhân lực là yếu tố hạt nhân trong hoạt động, giúp cho doanh nghiệp chiếm giữ thị phần cũng như tăng hiệu quả kinh doanh để nâng cao NLCT của mình.

Nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp chuyên về cung cấp dịch vụ còn có ý nghĩa quan trọng hơn đối với các doanh nghiệp sản xuất thông thường.

Về năng lực công nghệ, việc đầu tư áp dụng công nghệ là một trong những yếu tố tạo nên sức mạnh cạnh tranh của các doanh nghiệp. Để nâng cao chất lượng sản phẩm/dịch vụ nhằm đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng thì công nghệ phải tiên tiến và vượt trội so với đối thủ cạnh tranh. Công nghệ sẽ tạo nên năng suất, chất lượng và những chuyển biến mang tính đột phá giúp các doanh nghiệp có thể đạt được mục tiêu chiến lược kinh doanh của mình.

- Thị phần và khả năng chiếm lĩnh thị trường: thị phần được hiểu là phần thị trường mà doanh nghiệp chiếm giữa trong tổng dung lượng chung của thị trường. Thị

phần và khả năng chiếm lĩnh thị trường là tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá NLCT của doanh nghiệp. Thị phần càng lớn càng chứng tỏ sản phẩm của doanh nghiệp được khách hàng/người tiêu dùng chấp nhận và chứng tỏ NLCT cao nên doanh nghiệp đã chiếm lĩnh được thị trường.

Tiêu chí này càng lớn, càng thể hiện năng lực chiếm được lòng tin của khách hàng, sử dụng hiệu quả nguồn lực và chiếm lĩnh thị trường của doanh nghiệp cao.

- Sản phẩm và chất lượng sản phẩm

Sản phẩm và chất lượng sản phẩm là yếu tố cấu thành quan trọng hàng đầu của năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Tuy nhiên, NLCT của sản phẩm lại là yếu tố cấu thành NLCT của doanh nghiệp vì sản phẩm và chất lượng sản phẩm là thước đo để đánh giá một doanh nghiệp trong mối quan hệ với khách hàng, thể hiện uy tín của doanh nghiệp đối với khách hàng. Nếu một doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm không có năng lực cạnh tranh thì doanh nghiệp đó cũng không có năng lực cạnh tranh. Về sản phẩm, sản phẩm cần phải đảm bảo độc đáo, thẩm mỹ cao, nhiều ưu điểm và tính năng vượt trội so với sản phẩm cùng loại. Đối với chất lượng sản phẩm, sản phẩm phải đảm bảo độ bền, ổn định, dễ sử dụng, thân thiện với môi trường và đặc biệt là an toàn với người sử dụng. Hai yếu tố này quyết định NLCT của sản phẩm. DNNN muốn có NLCT cao, luôn phải duy trì được sản phẩm độc đáo, tính năng vượt trội và chất lượng tốt.

- Năng suất: năng suất của doanh nghiệp là tính hiệu quả của hoạt động sản xuất được đo bằng việc so sánh giữa khối lượng sản xuất trong những thời gian hoặc nguồn lực được sử dụng để tạo ra nó được xác định theo chỉ tiêu hiện vật hoặc giá trị trong doanh nghiệp đó. Thông qua năng suất người ta có thể đánh giá được trình độ quản lí, trình độ lao động và trình độ công nghệ của doanh nghiệp. Năng suất vượt trội hơn so với đối thủ cạnh tranh góp phần tạo nâng cao NLCT cao hơn so với đối thủ cạnh tranh. DNNN với sự dồi dào về nguồn lực thường có năng suất khá cao so với các đối thủ cạnh tranh.

- Lợi nhuận và tỉ suất lợi nhuận: Lợi nhuận là một phần dôi ra của doanh thu sau khi đã trừ đi các chi phí đầu vào của quá trình sản xuất/kinh doanh. Lợi nhuận được coi là một chỉ tiêu tổng hợp đánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Không có lợi nhuận, doanh nghiệp không thể phát triển hay đầu tư vào nghiên cứu phát triển được (R&D). Tỷ suất lợi nhuận là tỷ số tính theo phần trăm giữa giá trị gia tăng và toàn bộ chi phí bỏ ra. DNNN do phải thực hiện nhiều mục tiêu chiến lược, những nhiệm vụ kinh tế khó khăn mà các doanh nghiệp không muốn hoặc không sẵn sàng tham gia nên tiêu chí về lợi nhuận và tỉ suất lợi nhuận thường không cao.

- Uy tín của doanh nghiệp: kinh tế thị trường, yếu tố nổi bật nhất để đánh giá uy tín của doanh nghiệp đó là lòng tin của người tiêu dùng/khách hàng dành cho doanh nghiệp. Uy tín cũng như thương hiệu của doanh nghiệp không chỉ làm cho doanh nghiệp có nhiều đối tác mà còn làm cho doanh nghiệp có thể mở rộng thị phần, quy mô hoạt động. Vì thế, danh tiếng và uy tín của DNNN là giá trị bên trong có ý nghĩa vô cùng to lớn, nó quyết định sự thành công hay thất bại của DNNN đó trên thương trường. Uy tín của DNNN chỉ có thể được tạo lập sau một khoảng thời gian khá dài thông qua việc đưa ra các sản phẩm/dịch vụ có chất lượng cao, các dịch vụ kèm theo đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng. Uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp còn phản ánh chủ yếu ở văn hóa doanh nghiệp, bao gồm: sản phẩm, văn hóa ứng xử, hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước, hoạt động từ thiện, kinh doanh minh bạch… Bởi vậy, để tạo được uy tín và danh tiếng trên thương trường, các DNNN phải nỗ lực và không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm/dịch vụ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng cũng như thực hiện trách nhiệm xã hội.

2.4. Ảnh hưởng của đổi mới quản trị đến năng lực cạnh tranh của DNNN

Ảnh hưởng của đối mới quản trị doanh nghiệp đến NLCT của DNNN là mối quan hệ mang tính bản chất và tác động chủ yếu từ yếu tố quản trị lên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp qua đó có thể nâng cao NLCT. Cạnh tranh là những hành vi mang tính ganh đua nhau để giành lấy lợi thế cạnh tranh so với đối thủ thông qua việc thu hút khách hàng và mở rộng thị phần. Doanh nghiệp sẽ luôn cần tới sự đổi mới, sáng tạo và làm cho các yếu tố của đầu vào của quá trình kinh doanh trở nên hiệu quả. Bản chất của cạnh tranh là sự tranh giành về lợi thế trong kinh doanh so với đối thủ (competitors) khi tham gia thị trường (Tăng Văn Nghĩa 2013, tr. 4). NLCT của doanh nghiệp là khả năng thực tế của doanh nghiệp trong cạnh tranh nhằm giành thị phần, sự chấp nhận của khách hàng và duy trì tăng trưởng trong việc cung cấp hàng hóa hoặc dịch vu của doanh nghiệp trên thị trường một cách bền vững. Cũng

như cạnh tranh, năng lực cạnh tranh luôn luôn được xem xét với các chủ thể cạnh tranh trên cùng một thị trường. Chỉ khi doanh nghiệp có hệ thống quản trị hiệu lực và hiệu quả thì sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp mới có chất lượng, giảm được chi phí và qua đó có thể nâng cao được NLCT trên thị trường. Theo World Bank (2006), mặc dù không trực tiếp đề cập tới ảnh hưởng của quản trị công ty tới NLCT của doanh nghiệp, tuy nhiên thực tiễn quản trị công ty tốt dẫn tới tăng trưởng mạnh đối với giá trị kinh tế gia tăng của các công ty, năng suất cao hơn và giảm rủi ro tài chính hệ thống cho các quốc gia.

Hoạt động quản trị DNNN được đổi mới sẽ tác động tích cực rất lớn NLCT của hàng hóa/dịch vụ và qua đó nâng cao được NLCT của DNNN nói chung. Ngoài ra, hoạt động tái cấu trúc, thay đổi hình thức tổ chức kinh doanh của DNNN (dựa Kinh nghiệm quốc tế) là phương tiện quan trọng để nâng cao NLCT của DNNN Việt Nam (Lê Trung Kiên, 2017). Ảnh hưởng của đổi mới quản trị DNNN đối với NLCT của DNNN thể qua một số khía cạnh như sau:

Thứ nhất, sự cạnh tranh trên thị trường sản phẩm trong nước và nước ngoài là một nhân tố quan trọng, tạo sức áp lực đối với hoạt động quản trị doanh nghiệp. Thị trường sản phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế quyền tự quản lý. Theo lý thuyết kinh tế vi mô, cạnh tranh buộc giá phải ngang bằng với chi phícận biên, mang lại hiệu quả trong việc phân bổ các yếu tố sản xuất. Sự cạnh tranh trong thị trường sản phẩm đòi hỏi hiệu quả tối đa từ doanh nghiệp bởi vì chỉ những doanh nghiệp tốt nhất trong ngành có thể tồn tại. Do đó, cạnh tranh là động cơ khuyến khích quản lý để thực hiện trong khả năng tốt nhất của họ (Allen & Gales, 2011). Nếu thị trường sản phẩm đủ khả năng cạnh tranh, các nhà quản lý sẽ buộc phải hành động theo hướng cạnh tranh hiệu quả để thúc đẩy lợi ích của các cổ đông, nếu không họ sẽ phải chịu thất bại hoặc khủng hoảng tài chính (Chaudhry, 2012, tr.13).

Thứ hai, quản trị công ty tốt có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lành mạnh, tạo nên sự hài hòa của một loạt các mối quan hệ giữa ban giám đốc công ty, hội đồng quản trị, các cổ đông và các bên có quyền lợi liên quan khác, từ đó tạo nên định hướng và sự kiểm soát doanh nghiệp. Từ đó, việc này sẽ thúc đẩy hoạt động và tăng cường khả năng tiếp cận của doanh nghiệp với các nguồn vốn bên ngoài, góp phần tích cực vào việc tăng cường giá trị công ty, giảm thiểu rủi

ro, tăng cường đầu tư và phát triển bền vững cho doanh nghiệp – là những yếu tố tác động đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Việc minh bạch hóa thông tin nếu được thực hiện tốt cũng sẽ lan tỏa các giá trị cốt lõi của doanh nghiệp tốt hơn, làm tăng thêm giá trị thương hiệu của DNNN.Điều này đồng nghĩa với việc NLCT của doanh nghiệp sẽ được nâng cao nhờ hoạt động quản trị hiệu quả.

Thứ ba, trong quản trị sản xuất, kinh doanh

Sản xuất là quá trình sử dụng các yếu tố đầu vào yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất (vật tư, máy móc, hạ tầng, nguồn lực tự nhiên, thông tin...) để tạo ra các sản phẩm/dịch vụ đáp ứng nhu cầu thị trường. Sản xuất và kinh doanh hiệu quả là yếu tố quyết định sự tồn tại của doanh nghiệp nói chung và DNNN nói riêng.DNNN cũng sẽ luôn bị áp lực trong việc đưa các yếu tố đầu vào của sản xuất một cách hiệu quả nhất để tạo sản phẩm. Trong điều kiện cạnh tranh công bằng, doanh nghiệp buộc phải sử dụng nguồn lực của mình một cách có lợi nhất. Hiệu quả của quá trình sản xuất kinh doanh (chi phí thấp) quyết định giá cả mà doanh nghiệp có thể cạnh tranh trên thị trường. Điều này chỉ có thể đạt được nếu DNNN có hệ thống quản trị hiện đại và hiệu lực. Bởi vậy, quản trị tốt các quá trình sản xuất sẽ góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng sản/phẩm dịch và qua đó nâng cao NLCT của DNNN.

Về Marketing, chức năng chung của quản trị Marketing là thực hiện tốt nhất các mục tiêu của doanh nghiệp như: lợi nhuận, tăng doanh thu và nâng cao uy tín của doanh nghiệp. Các nhiệm vụ cụ thể của quản trị Marketing của doanh nghiệp là:

nghiên cứu khách hàng và xây dựng các chiến lược về sản phẩm, chất lượng, quảng cáo, xúc tiến...

Sử dụng các công cụ marketing hữu hiệu giúp sẽ cho doanh nghiệp đưa hàng hóa/dịch vụ của mình đến khách hàng một cách thuận lợi nhất, hiệu quả nhất và qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Cũng thông qua các công cụ Marketing, các doanh nghiệp sẽ có được những thông tin đầy đủ về thị trường, khách hàng, đối thủ cạnh tranh, qua đó đưa ra được chính sách sản phẩm phù hợp, một chiến lược về giá tối ưu, đồng thời tổ chức được quá trình phân phối, mạng lưới phân phối và hỗ trợ tiêu thụ một cách hiệu quả... Trong điều kiện sản xuất hàng hóa, dịch vụ có tính hàng loạt, việc xây dựng và vận hành mạng lưới phối hiệu quả

góp phần làm nên sự thành công của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp có thể giành được lợi thế trong cạnh tranh đề đưa hàng hóa/dịch vụ đến khách hàng, giúp cho quá trình kinh doanh của doanh nghiệp phát triển bền vững.

Về quản trị tài chính, đây là quá trình lập kế hoạch, điều khiển và kiểm tra các dòng lưu thông của các phương tiện tài chính của doanh nghiệp. Quan hệ tài chính là quan hệ phát sinh trong nội bộ doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với các khách hàng bên ngoài. Mục đích của quản trị tài chính là tối đa hoá giá trị doanh nghiệp.

Quản trị tài chính cũng giúp cho việc sử dụng vốn một cách có hiệu quả nhằm thu lợi nhuận tối đa, bảo đảm khả năng thanh toán, bảo toàn và phát triển vốn, bảo đảm an toàn tài chính của doanh nghiệp... Đổi mới quản trị tài chính là một trong những con đường để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp bởi nguồn lực về vốn luôn là một nhân tố có tác động quyết định đến sức cạnh tranh.

Sự sụp đổ của Tập đoàn Enron (năm 2001), hay vụ bê bối của Tập đoàn Worldcom (2002), Công ty Parmalat phá sản (2004), vụ bê bối về gian lận kế toán của Công ty Olympus (2011)… đều do những lỗi, lỗ hổng về quản trị có thể dẫn tới hậu quả to lớn với doanh nghiệp, thậm chí đã dẫn tới phá sản.Riêng vụ việc tập đoàn Enron sụp đổ được xem là hậu quả của quản trị doanh nghiệp yếu kém và những lỗ hổng về quản trị tài chính. Từ vụ việc này, hàng loạt kiến nghị được đưa ra nhằm làm tăng sức mạnh của quản trị doanh nghiệp đã được trình lên Sở Giao dịch Chứng khoán New York - NYSE ngày 06/6/2002 đối với các công ty niêm yết (Nguyễn Quang Trung, 2017).

Tóm lại, như phân tích ở trên, quản trị công ty đóng vai trò đặc biệt trong việc duy trình tính hiệu quả, phát triển bền vững và qua đó duy trì năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Trong mối quan hệ này, để nâng cao năng lực cạnh tranh hoạt động quản trị cần được đổi mới trong các nội dung: năng lực quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường, đảm bảo tuân thủ, doanh nghiệp cũng cần có những chiến lược sản xuất phù hợp để tận dụng cơ hội sản xuất, kinh doanh. HĐQT, HĐTV, ban giám đốc cần phải được xác định là hạt nhân của quá trình đổi mới, sáng tạo trong mọi khía cạnh của hoạt động quản trị nhằm nâng cao NLCT của doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu Đổi mới quản trị nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong các doanh nghiệp nhà nước (Trang 69 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(242 trang)