CHƯƠNG 3. THỰC TRẠNG ĐỔI MỚI QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC TẠI VIỆT NAM
3.2. Thực trạng đổi mới quản trị doanh nghiệp nhà nước
3.2.1. Về đổi mới quản trị doanh nghiệp
3.2.1.1. Về đảm bảo một khuôn khổ pháp lý và quản lý hiệu quả cho các
Trên cơ sở của Luật Doanh nghiệp năm 2005, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn như: Nghị định số 09/2009/NĐ-CP ngày 05/02/2009 về việc ban hành Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp khác, Nghị định số 25/2010/NĐ-CP ngày 19/3/2010 của Chính phủ về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH một thành viên...
Bên cạnh khung pháp lý chung là các văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành ban hành đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước, Thủ tướng Chính phủ còn ban hành các quyết định thành lập và phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động của từng tập đoàn kinh tế nhà nước. Các bản điều lệ được phê duyệt này cũng được coi là một bộ phận cấu thành của pháp luật về DNNN và cho hoạt động quản trị DNNN.
Trước khi có Luật Doanh nghiệp năm 2014, việc chuyển đổi DNNN thành công ty TNHH một thành viên và tổ chức quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu được điều chỉnh bởi Nghị định số 25/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 19/3/2010. Đối với tập đoàn, TCT nhà nước, thì vẫn vận dụng
một số quy định của Nghị định số 111/2007/NĐ-CP về tổ chức, quản lý TCT nhà nước và chuyển đổi TCT nhà nước, công ty nhà nước độc lập, công ty mẹ là công ty nhà nước theo hình thức công ty mẹ - công ty con hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Nghị định số 101/2009/NĐ-CP về việc thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Văn bản số 1626/TTg-ĐMDN ngày 13/09/2010 để hướng dẫn các tập đoàn kinh tế nhà nước áp dụng quy định tại Nghị định số 101/2009/NĐ-CP ngày 05/11/2009 của Chính phủ về thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước.
Như trên đã phân tích, việc chuyển đổi các DNNN sang hoạt động theo cơ chế thị trường và trong một khuôn khổ pháp lý bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác là một chính sách nhất quán của Nhà nước. Tuy nhiên, việc chuyển đổi các doanh nghiệp hoạt động theo Luật DNNN năm 2003 sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã dẫn đến một số bất cập trong việc điều chỉnh pháp lý đối với việc quản lý và sử dụng tài sản nhà nước trong các DNNN. Các công ty nhà nước chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên đã không còn chịu sự điều chỉnh của Luật DNNN và Nghị định số 09/2009/NĐ-CP, Nghị định số 132/2005/NĐ-CP... nhưng do chưa có văn bản thay thế kịp thời nên cả Nhà nước lẫn doanh nghiệp đều gặp khó khăn, lúng túng trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh.
Điều này dẫn đến việc áp dụng mô hình bộ máy quản trị chưa được thống nhất giữa các loại hình doanh nghiệp trong giai đoạn này.
Luật Doanh nghiệp năm 2005 được thay thế bởi Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Nhìn chung, những quy định về quản trị DNNN thay đổi chủ yếu từ việc xác định thế nào là doanh nghiệp Nhà nước. Theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì: "DNNN là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn Điều lệ” (khoản 8 Điều 4). Theo tiêu chí này, nhiều doanh nghiệp có phần góp của Nhà nước (một phần) sẽ không thuộc phạm vi của DNNN. Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định DNNN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết (Luật này có hiệu lực từ 01/1/2021).
Nếu xét giác độ cổ phần hóa thì sau khi cổ phần hóa, DNNN thường có những thay đổi sâu sắc trong quản trị doanh nghiệp nhằm tăng tính hiệu quả và đảm bảo
tuân thủ ý chí của cổ đông. Tuy nhiên, do hạn chế về phạm vi nghiên cứu, Luận án chỉ đề cập tới DNNN theo quy định hiện hành – những doanh nghiệp mà nhà nước là cổ đông duy nhất, theo đó quản trị doanh nghiệp sẽ không có áp lực từ phía các cổ đông ngoài nhà nước.
Cũng theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về cơ cấu tổ chức quản lý của DNNN và công ty TNHH một thành viên, có 02 mô hình quản trị và cơ quan đại diện chủ sở hữu có thể lựa chọn một trong hai mô hình sau (Điều 78 và Điều 89):
Mô hình thứ nhất bao gồm: (i) Chủ tịch công ty; (ii) Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và (iii) Kiểm soát viên.
Mô hình thứ hai bao gồm: (i) Hội đồng thành viên; (ii) Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và (iii) Kiểm soát viên.
Tùy thuộc vào việc DNNN lựa chọn hoạt động theo mô hình nào dẫn đến việc quản lý sẽ được thực hiện theo mô hình đó. Nếu DNNN được quản lý theo mô hình thứ nhất – là mô hình không có HĐTV thì chỉ có duy nhất một người đại diện chủ sở hữu trực tiếp là Chủ tịch công ty. Nếu lựa chọn mô hình thứ hai – mô hình có HĐTV thì sẽ có nhiều người (tối đa 07 người) được bổ nhiệm làm người đại diện chủ sở hữu trực tiếp và tổ chức thành HĐTV của công ty.
Kể từ khi Luật Doanh nghiệp năm 2014 có hiệu lực, mô hình công ty cổ phần không còn áp dụng cho DNNN với điều kiện 100% vốn điều lệ do nhà nước sở hữu, tất cả DNNN lúc này chỉ tổ chức theo mô hình công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu.
Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng quy định về các nguyên tắc quản trị trong công ty TNHH một thành viên chủ sở hữu là nhà nước (tức là quy định chi tiết hơn hoặc chặt chẽ hơn so với quy định tương ứng trong Mục II Chương III về công ty TNHH một thành viên). Trong đó, Luật bổ sung quy định cụ thể và chi tiết hơn các quyền và nhiệm vụ của HĐTV; quy định cụ thể hơn và chi tiết các quyền và nhiệm vụ của Chủ tịch và các thành viên của HĐTV; quy định chi tiết chế độ làm việc, điều kiện và thể thức tiến hành họp HĐTV. Đồng thời, quy định điều kiện, tiêu chuẩn cao hơn đối với thành viên HĐTV, như: không đồng thời là cán bộ trong bộ máy quản lý nhà nước hoặc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hoặc các chức vụ quản lý,
điều hành tại các doanh nghiệp thành viên; chưa từng bị miễn nhiệm Chủ tịch HĐTV, thành viên HĐTV, hoặc Chủ tịch công ty, Giám đốc/Tổng giám đốc, Phó Giám đốc/Phó Tổng Giám đốc tại công ty hoặc ở DNNN khác,… Với sự thay đổi của cơ sở pháp lý, quản trị DNNN cũng đã có sự thay đổi phù hợp với các quy định hành của pháp luật.