Về tổ chức và hoạt động của hội đồng thành viên

Một phần của tài liệu Đổi mới quản trị nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong các doanh nghiệp nhà nước (Trang 100 - 103)

CHƯƠNG 3. THỰC TRẠNG ĐỔI MỚI QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC TẠI VIỆT NAM

3.2. Thực trạng đổi mới quản trị doanh nghiệp nhà nước

3.2.1. Về đổi mới quản trị doanh nghiệp

3.2.1.5. Về tổ chức và hoạt động của hội đồng thành viên

Mô hình HĐTV hay Chủ tịch công ty tại DNNN được áp dụng kể từ khi có Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định DNNN là doanh nghiệp do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ (Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định tỷ lệ này giảm xuống còn trên 50% vốn điều lệ). Đối với các DNNN được tổ chức theo mô hình HĐTV (không có chủ tịch công ty), doanh nghiệp được giám sát bởi DNNN (tương đương với ban giám đốc tại các quốc gia khác). HĐTV nhân danh công ty thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu, cổ đông, thành viên đối với công ty do công ty làm chủ sở hữu hoặc sở hữu cổ phần, phần vốn góp. HĐTV bao gồm Chủ tịch và các thành viên khác, số lượng không quá 07 người. Thành viên DNNN làm việc theo chế độ chuyên trách và do cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức hoặc khen thưởng, kỷ luật. Nhiệm kỳ của Chủ tịch và thành viên khác của HĐTV không quá 05 năm. Thành viên HĐTV có thể được bổ nhiệm lại nhưng chỉ được bổ nhiệm làm thành viên HĐTV của một công ty không quá 02 nhiệm kỳ.

Thành viên của HĐTV phải là người có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tế trong quản trị kinh doanh hoặc trong lĩnh vực, ngành, nghề hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt, người này không được phép là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu;

thành viên HĐTV; Giám đốc, Phó Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc và Kế toán trưởng của công ty; Kiểm soát viên công ty. Đồng thời, người này cũng không phải là cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ

chức chính trị - xã hội hoặc không phải là người quản lý, điều hành tại doanh nghiệp thành viên.

- Nghĩa vụ và trách nhiệm

Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Quy chế quản trị doanh nghiệp và Mẫu Điều lệ doanh nghiệp đều nhấn mạnh vào nhiệm vụ trung thành và cẩn trọng của thành viên HĐTV. Mặc dù trọng tâm về trách nhiệm uỷ thác được nhấn mạnh trong khuôn khổ pháp luật, nhưng thực tế cho thấy rằng các thành viên HĐTV vẫn quyết định phần lớn các quyết định của họ vì lợi ích của chủ sở hữu chính nắm giữ vị trí quản lý trong công ty. Nhìn chung, trên thực tế các HĐTV chủ yếu nắm giữ vai trò giám sát quản lý. Đối với các lĩnh vực khác ví dụ như quản lý rủi ro, HĐTV không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào.

- Tính chuyên nghiệp của hội đồng thành viên

Các công ty lớn và các công ty niêm yết được yêu cầu thành lập các tiểu ban để giúp thực hiện các hoạt động của HĐQT, bao gồm một tiểu ban về chính sách phát triển, giám sát tài chính (ủy ban kiểm toán) một tiểu ban nhân sự, ủy ban tiền lương, tiền thưởng và các tiểu ban đặc biệt khác theo Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.

Ở các quốc gia khác, các Ủy ban này được sử dụng để đảm bảo rằng các thành viên độc lập của hội đồng quản trị sẽ giám sát các lĩnh vực chính như thù lao hội đồng quản trị và điều hành, báo cáo tài chính và lựa chọn kiểm toán viên, các giao dịch và xung đột lợi ích của bên liên quan. Ở Việt Nam, các ủy ban này chỉ cần một thành viên độc lập.

Quy chế quản trị doanh nghiệp nhấn mạnh vai trò, chức năng của vị trí thư ký công ty. Một số công ty có xu hướng dành riêng một ban thư ký (ít nhất là hai nhân viên) được đào tạo. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp vai trò của thư ký công ty không được hiểu rõ, và thư ký không đủ để giúp hội đồng hiểu rõ nhiệm vụ và trách nhiệm của họ và hành động một cách chuyên nghiệp.

Về bản chất, HĐTV là đại diện chủ sở hữu tại DNNN do cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định bổ nhiệm, nhưng HĐQT và bộ máy điều hành đều là người làm thuê, họ đều không phải là người sở hữu vốn của bản thân, do đó không có nhiều sự

ràng buộc về mặt lợi ích và trách nhiệm với chủ sở hữu. Đây chính là vấn đề đặt ra trong quản trị doanh nghiệp tại các DNNN. Thậm chí, HĐTV còn có thể lạm dụng quyền hạn để cấu kết, thông đồng với người điều hành nhằm thu lợi ích cá nhân, rút ruột DNNN và kết cục là chỉ có Nhà nước, người đóng thuế là chịu thiệt thòi (Nguyễn Ngọc Thanh 2010, tr. 33). Bên cạnh đó, thành viên HĐTV do cơ quan chủ sở hữu bổ nhiệm phải tuân theo những quy trình mang tính hành chính nên trên thực tế rất khó chọn được những người có đủ năng lực quản lý và trình độ để đảm nhiệm công việc được giao. Việc bổ nhiệm thành viên HĐTV vẫn bị chi phối bởi vấn đề tổ chức quản lý nhà nước, điều này tất yếu ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng HĐTV của DNNN. Thiếu năng lực, thiếu trách nhiệm và thiếu sự ràng buộc dẫn đến công tác định hướng, giám sát của chủ sở hữu đối với bộ máy điều hành doanh nghiệp còn nhiều hạn chế.

Một vấn đề nữa là trong điều kiện Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực (01/1/2021), các doanh nghiệp nhà nước mà nhà nước chiếm 50% số vốn và theo điểm a, khoản 3 Điều 41 của Luật Chứng khoán 2019 cần phải có thành viên độc lập HĐQT14. Điều này có nghĩa là nếu là doanh nghiệp thực hiện niêm yết thì phải có thành viên độc lập HĐQT. Thành viên độc lập sẽ đóng góp lớn vào những quyết định quan trọng của công ty, đặc trong việc đánh giá thanh tích điều hành, đặt ra mức thu lao đối với cán bộ điều hành, thành viên HĐQT, ra soát báo cáo tài chính, giả quyết mâu thuẫn trong nội bộ công ty. Các thành viên độc lập HĐQT sẽ đem lại cho cổ đông niềm tin rằng những quyết định mang tính mà HĐQT đưa ra là vô tư và không thiên vị (Kiều Anh Vũ 2020, tr. 27). Quy định này nhằm đảm bảo tính độc lập trong hoạt động của HĐQT của một số DNNN cổ phần.

Vụ việc điển hình là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - các thành viên của HĐTV, đặc biệt là chủ tịch HĐTV đã lạm dụng quyền hạn trong việc chỉ đạo góp vốn vào OceanBank. Vụ việc này đã làm thất thoát 800 tỷ đồng của PVN. HĐTV của PVN đã thiếu cẩn trọng thông qua đề nghị dẫn đến hậu quả nói trên và 05 thành viên trong HĐTV đều phải chịu trách nhiệm hình sự. Vụ án này cũng chỉ ra hạn chế của quản trị DNNN qua vai trò của các thành viên của HĐTV ở chỗ: ngoài Chủ tịch HĐTV, các thành viên còn lại hầu như chỉ tập trung vào quản lý công việc cụ thể mà

14 Tên gọi theo Cẩm nang QTCT của IFC 2010 là “thành viên HĐQT độc lập”.

chưa chủ động hoặc thiếu chủ động với vai trò là thành viên trong HĐTV để quản lý chung doanh nghiệp.

Thêm vào đó, OECD khuyến nghị thành lập bộ phận chuyên trách hỗ trợ chuyên môn cho HĐTV tại DNNN để thực hiện chức, nhiệm vụ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, HĐTV không có các bộ phận chuyên môn hỗ trợ trực tiếp trong khi bộ máy điều hành và bộ phận giúp việc không phải lúc nào cũng đủ năng lực đảm đương và tách bạch được nhiệm vụ HĐTV như ở các nước. Điều này dẫn đến đến vai trò quản lý, giám sát của HĐTV đối với bộ máy/cá nhân điều hành doanh nghiệp thiếu tính hiệu quả.

Tóm lại, HĐTV là cơ quan đưa ra định hướng và giám sát quan trọng nhất của DNNN mặc dù đã có những chuyển biến tích cực để thực hiện vai trò trong quản trị DNNN, tuy nhiên vẫn chưa mang lại hiệu quả thiết thực cho chủ sở hữu, chưa phát huy được vai trò giám sát mọi hoạt động của DNNN, chưa thực hiện việc tuân thủ theo các quy định hiện hành. Tai nhiều DNNN, hiện tượng lạm dụng quyền hạn của HĐTV ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước, “hoạt động một cách liêm chính và chịu trách nhiệm về hành động của mình” như khuyến nghị của OECD còn hạn chế... Về cơ bản mục tiêu QTDN hướng tới hiệu quả trong hoạt động của DNNN vẫn chưa đạt được.

Một phần của tài liệu Đổi mới quản trị nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong các doanh nghiệp nhà nước (Trang 100 - 103)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(242 trang)