- Do đặc điểm, quy mô và yêu cầu quản lý của các DNXL khác các loại hình doanh nghiệp khác nên mô hình tổ chức công tác kế toán cũng không giống
BÁO CÁO TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP XÂY LẮP DO KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC VIỆT NAM THỰC HIỆN
2.2.1. Những nhân tố tác động đến kiểmtoán báo cáo tài chính doanh nghiệp xây lắp do Kiểm toán Nhà nước Việt Nam thực hiện [11][14]
Thứ nhất: Hệ thống chuẩn mực kiểm toán Nhà nước
Chuẩn mực kiểm toán hiểu theo nghĩa chung nhất là những quy định pháp lý, là thước đo giống nhau cho những khách thể và chủ thể khác nhau dựng để điều tiết hành vi của KTV và những bên hữu quan theo định hướng và mục tiêu xác định.
Hệ thống chuẩn mực KTNN là tổng thể các nguyên tắc cơ bản, các yêu cầu, quy định về nghiệp vụ và xử lý các mối quan hệ phát sinh trong kiểm toán mà các Đoàn KTNN và các KTV Nhà nước (gọi chung là KTV) phải tuân thủ khi tiến hành các hoạt động kiểm toán, đồng thời là căn cứ để kiểm tra và đánh giá chất lượng kiểm toán.
Hệ thống chuẩn mực KTNN được xây dựng dựa trên và áp dụng theo các nguyên tắc là tuân thủ pháp luật , phù hợp với môi trường quản lý, môi trường kiểm toán của Việt Nam; Đảm bảo tính độc lập, trung thực và khách quan của hoạt động kiểm toán; Vận dụng một cách có chọn lọc các chuẩn mực kiểm toán của INTOSAI (Tổ chức các cơ quan Kiểm toán tối cao quốc tế) và IFAC (Liên đoàn Kế toán thế giới) cho phù hợp với luật pháp và điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Hệ thống chuẩn mực KTNN được áp dụng trong mọi hoạt động kiểm toán của KTNN từ khâu lập kế hoạch kiểm toán, thực hiện kiểm toán và lập báo cáo kiểm toán cho đến công tác chỉ đạo, quản lý, kiểm tra, đánh giá chất lượng hoạt động kiểm toán. Các chuẩn mực này được áp dụng cho các loại hình kiểm toán đối với mọi đối tượng của KTNN.
KTNN đã ban hành Quyết định 06/2010/QĐ-KTNN ngày 09/11/2010 về việc ban hành Hệ thống chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước thay thế Quyết định 06/1999/QĐ-KTNN ngày 24/12/1999. Theo đó thì Hệ thống chuẩn mực KTNN có 21 chuẩn mực bao gồm tổng thể những quy định về nguyên tắc hoạt động, điều kiện và yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp, năng lực đối với KTV Nhà nước; quy định về nghiệp vụ kiểm toán và xử lý các mối quan hệ phát sinh trong hoạt động kiểm toán mà KTV Nhà nước phải tuân thủ khi tiến hành hoạt động kiểm toán; là cơ sở để kiểm tra, đánh giá chất lượng kiểm toán và đạo đức nghề nghiệp của KTV Nhà nước. Cấu trúc của Hệ thống chuẩn mực KTNN gồm 3 nhóm chuẩn mực: Nhóm chuẩn mực chung (6 chuẩn mực); Nhóm chuẩn mực thực hành (13 chuẩn mực); Nhóm chuẩn mực báo cáo (2 chuẩn mực). Mỗi chuẩn mực kiểm toán đều có 3 phần: mục đích, phạm vi áp dụng và nội dung chuẩn mực.
Các chuẩn mực kiểm toán chính là những nguyên tắc tối thiểu mà các KTV phải tuân theo, là những quy phạm pháp luật, là thước đo chung về chất lượng công việc kiểm toán và được dựng để điều tiết hành vi của KTV cùng các bên hữu quan theo phương hướng và mục tiêu đã xác định. Các chuẩn mực kèm theo các hướng dẫn là cơ sở trực tiếp cho việc thực hành kiểm toán, là căn cứ để KTV đưa ra các ý kiến đánh giá về việc tuân thủ các chế độ, quy định và luật pháp trong quá trình hoạt động của đơn vị được kiểm toán. Với chức năng như đã nêu, các chuẩn mực kiểm toán có tác động không nhỏ tới việc kiểm toán BCTC DNXL.
- Chuẩn mực kiểm toán tác động đến phương pháp thực hiện và thời gian tiến hành kiểm toán. Các chuẩn mực kiểm toán có kèm theo các hướng dẫn chi tiết giúp KTV nắm bắt một cách đầy đủ và chính xác trình tự thực hiện công việc cũng như cách thức tiếp cận đối tượng, xác định đúng được phương pháp kiểm toán thích hợp, để từ đó có biện pháp xử lý hợp lý và tổng hợp kết quả kiểm toán một cách có hiệu quả, giảm được thời gian và chi phí của cuộc kiểm toán. Ngược lại, nếu các
chuẩn mực không cụ thể, rõ ràng đồng thời không bao quát được mọi nội dung công việc sẽ làm cho việc nắm bắt nội dung công việc và cách giải quyết vấn đề không đồng nhất, không chính xác. Điều đó gây ra chất lượng kiểm toán sẽ không được đảm bảo, tiêu thức đánh giá chất lượng kiểm toán không đồng nhất.
- Chuẩn mực kiểm toán tác động đến nội dung, phạm vi và quy mô của hoạt động kiểm toán BCTC. Điều này được thể hiện rõ ở nhóm các chuẩn mực thực hành. Các chuẩn mực thực hành kiểm toán là các yêu cầu, quy định mà các KTV nhà nước phải tuân thủ trong quá trình thực hiện kiểm toán từ khâu lập kế hoạch cho đến khi kết thúc kiểm toán. Như vậy trong mỗi giai đoạn kiểm toán đều phải có những yêu cầu cụ thể, kèm theo các hướng dẫn chi tiết, dễ hiểu và chặt chẽ để KTV tuân theo. Nếu những yêu cầu và hướng dẫn này đầy đủ, chặt chẽ và chi tiết thì việc lĩnh hội và vận dụng chúng giữa các KTV là giống nhau và sẽ đạt kết quả mong muốn, cụ thể là các KTV sẽ đưa ra những phương pháp thích hợp, hiệu quả để thu thập bằng chứng kiểm toán, bố trí hợp lý các yếu tố nguồn lực và thời gian kiểm toán, thống nhất những hoạt động phối hợp giữa KTV và đơn vị được kiểm toán tạo ra các điều kiện cần thiết cho cuộc kiểm toán thực hiện đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ và tiết kiệm, đồng thời đánh giá được tính trọng yếu và rủi ro kiểm toán từ đó sẽ xác định được phạm vi, quy mô, thời gian và phương pháp kiểm toán. Còn nếu những yêu cầu và các hướng dẫn này không đầy đủ, không chặt chẽ và không chi tiết thì sẽ có sự khác biệt giữa các KTV trong việc lĩnh hội và vận dụng các yêu cầu, hướng dẫn này. Hậu quả là việc xác định các phương pháp kiểm toán không phù hợp, các bằng chứng kiểm toán thu thập được không đầy đủ và thích hợp, việc đánh giá tính trọng yếu và rủi ro kiểm toán không được coi trọng, dẫn đến việc xác định phạm vi và nội dung kiểm toán không phù hợp.
- Chuẩn mực kiểm toán còn tác động đến hành vi, trách nhiệm của KTV. Trong hệ thống các chuẩn mực KTNN bao gồm những chuẩn mực quy định về nguyên tắc hoạt động, điều kiện, yêu cầu về phẩm chất, năng lực đối với các KTV Nhà nước. Khi và chỉ khi các chuẩn mực này đưa ra những yêu cầu và hướng dẫn vừa mang tính khái quát lại vừa mang tính cụ thể để các KTV có thể quán triệt chúng một cách sâu sắc và vận dụng chúng một cách phù hợp trong cuộc sống cũng như trong các hoạt động nghề nghiệp thì chất lượng kiểm toán mới được đảm bảo, nhiệm vụ, chức năng của KTV mới hoàn thành. Nếu các chuẩn mực này không cụ
thể, rõ ràng dẫn đến mỗi KTV sẽ lĩnh hội và vận dụng chúng một cách tùy tiện và không nhất quán. Điều này sẽ làm cho chất lượng kiểm toán không được đảm bảo, việc đánh giá hành vi và quy kết trách nhiệm của KTV trở nên khó khăn và phức tạp. Hậu quả là uy tín của cơ quan KTNN cũng như của KTV Nhà nước sẽ bị giảm sút, niềm tin của Quốc hội, Chính phủ và dân chúng đối với KTNN sẽ bị lung lay.
Thứ hai: Quy trình kiểm toán báo cáo tài chính doanh nghiệp nhà nước do Kiểm toán Nhà nước Việt Nam ban hành
Căn cứ Luật KTNN được Quốc hội khóa IX – kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2005, tại Mục 5, Điều 50 đã quy định về Quy trình kiểm toán của KTNN gồm có 4 bước: Chuẩn bị kiểm toán; thực hiện kiểm toán; lập và gửi báo cáo kiểm toán; kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Tại Điều 51 đến Điều 57 của Luật KTNN quy định rõ ràng nội dung từng giai đoạn của quy trình kiểm toán như: khảo sát thu thập thông tin về tình hình tài chính đơn vị được kiểm toán; xác định mục tiêu, nội dung, phạm vi và phương pháp kiểm toán thích hợp; lập kế hoạch kiểm toán; thành lập Đoàn kiểm toán để thực hiện kiểm toán; thu thập bằng chứng kiểm toán, đưa ra đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị về những nội dung đã kiểm toán; lập báo cáo kiểm toán; lập kế hoạch và tổ chức kiểm tra đơn vị được kiểm toán trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN đã nêu trong báo cáo kiểm toán.
Ngày 22 tháng 10 năm 1999 Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ra quyết định Số 04/1999/QĐ-KTNN về việc ban hành Quy trình kiểm toán doanh nghiệp nhà nước. Qua gần 15 năm hoạt động, thực tiễn hoạt động kiểm toán đã có rất nhiều thay đổi, chính sách, chế độ kế toán kiểm toán cũng đã thay đổi rất nhiều, nên các quy trình kiểm toán đã ban hành không còn phù hợp với sự đổi mới của các doanh nghiệp và nền kinh tế. Ngày 27 tháng 1 năm 2010, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ra Quyết định Số 02/2010/QĐ-KTNN về việc ban hành Quy trình kiểm toán doanh nghiệp nhà nước của Kiểm toán nhà nước, thay thế cho quy trình cũ nhằm đảm bảo tính thống nhất trong việc tổ chức, thực hiện kiểm toán doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu quả kiểm toán. Mục đích chính là tạo cơ sở pháp lý và khuôn khổ nghề nghiệp để tổ chức các công việc trong một cuộc kiểm toán, các hoạt động của Đoàn kiểm toán và kiểm toán viên, đồng thời là cơ sở để thực hiện giám sát, kiểm tra, đánh giá chất lượng các cuộc kiểm toán và đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên.
Quy trình KTNN được phân thành hai loại là Quy trình chung và Quy trình riêng (còn gọi là quy trình kiểm toán chuyên ngành). Quy trình chung là trình tự và nội dung các bước công việc được áp dụng cho mọi cuộc kiểm toán và mọi loại hình kiểm toán. Quy trình riêng là những trình tự và nội dung các bước công việc của từng loại hình kiểm toán khác nhau, ví dụ như: Quy trình kiểm toán BCTC DNNN, Quy trình kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN…
Quy trình kiểm toán là cơ sở cho việc lập kế hoạch kiểm toán, giúp KTV chọn được con đường ngắn nhất để đi tới đích, sắp xếp nội dung và trình tự các bước công việc một cách khoa học nhất. Quy trình kiểm toán cũng là căn cứ để bố trí sắp đặt công việc và phối hợp công việc giữa các KTV trong việc thực hiện kiểm toán để đảm bảo về mặt tiến độ cũng như chất lượng kiểm toán.
Hệ thống quy trình là điểm tựa pháp lý trong thực hành kiểm toán cũng như trong việc giải quyết các mâu thuẫn tranh chấp có liên quan tới quyền hạn, trách nhiệm của KTV trong kiểm toán.
Một hệ thống quy trình kiểm toán chuẩn sẽ tạo sự thống nhất trong quá trình tiến hành kiểm toán, cho phép so sánh giữa các cuộc kiểm toán với nhau để rút ra kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả của các cuộc kiểm toán tiếp theo.
Thứ ba: Công tác quản lý chất lượng kiểm toán
Quản lý chất lượng kiểm toán là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến công tác tổ chức các cuộc kiểm toán nói chung và kiểm toán BCTC DNXL nói riêng.
Quản lý chất lượng kiểm toán được hiểu là một hệ thống các giải pháp nhằm tác động vào các hoạt động kiểm toán, đảm bảo cho các hoạt động đó được thực hiện đúng nguyên tắc, quy trình, chuẩn mực kiểm toán phù hợp với yêu cầu và tiêu thức đã đề ra.
Mục đích của công tác quản lý chất lượng kiểm toán là để đảm bảo độ tin cậy, trung thực và khách quan của thông tin kiểm toán, qua đó những tổ chức, cá nhân sử dụng những thông tin kiểm toán có thể tin tưởng vào kết quả kiểm toán. Bởi vì, nếu KTV đưa ra những ý kiến, nhận xét, kết luận không phù hợp, thiếu tin cậy trong báo cáo kiểm toán sẽ gây ảnh hưởng xấu đến lợi ích và quyết định của người sử dụng báo cáo kiểm toán.
Tác động của quản lý chất lượng kiểm toán thể hiện ở mức độ tin cậy, tính trung thực và khách quan của các thông tin kiểm toán. Để các thông tin kiểm toán đạt được ở mức độ tin cậy, tính trung thực và khách quan thì trước hết cơ quan KTNN phải xây dựng và ban hành các quy chế về quản lý, kiểm tra, soát xét chất lượng kiểm toán (ngoài những quy định trong các Nghị định và chuẩn mực kiểm toán). Quy chế này phải hàm chứa những nội dung cụ thể, chi tiết cho công việc cần làm và cách thức thực hiện ngay từ khi chuẩn bị kiểm toán, thực hiện kiểm toán, kết thúc kiểm toán và lập báo cáo kiểm toán, và kiểm tra việc thực hiện kiến nghị kiểm toán đồng thời quy định rõ chức năng, nhiệm vụ cụ thể, trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ của các đối tượng thực thi và tham gia vào hoạt động kiểm toán; xây dựng và áp dụng những biện pháp kiểm soát kết quả của cuộc kiểm toán thông qua việc tổ chức kiểm tra chéo giữa các Vụ chức năng và Vụ chuyên ngành, giữa cấp trên và cấp dưới, giữa các kiểm toán viên với nhau. Khi và chỉ khi đáp ứng được yêu cầu này thì việc kiểm toán BCTC mới đạt được mục tiêu đề ra một cách hiệu quả và hiệu lực.
Thứ tư: Trình độ, năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của KTV
KTV là người trực tiếp thực thi các nghiệp vụ kiểm toán nên trình độ năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của KTV có tác động rất lớn đến chất lượng của cuộc kiểm toán.
Cùng với những kiến thức chuyên môn, các KTV phải có đầy đủ những kiến thức cần thiết về pháp luật điều chỉnh các hoạt động kinh doanh của đơn vị được kiểm toán vì đây là cơ sở để KTV có năng lực thực hiện kiểm toán tuân thủ - một nội dung quan trọng trong kiểm toán báo cáo tài chính.
Về mặt đạo đức nghề nghiệp, KTV phải đảm bảo được những tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp như: Chính trực, khách quan, độc lập và tuân thủ pháp luật. Bên cạnh những tiêu chuẩn đó, các KTV phải là người có ý thức tổ chức kỷ luật cao, có phong cách làm việc cần mẫn, thận trọng và chu đáo, có thái độ giao tiếp, ứng xử văn minh, lịch sự, đúng mực trong công việc.
Thứ năm: Những yếu tố thuộc về khách thể kiểm toán
Những yếu tố thuộc khách thể kiểm toán ở đây được hiểu là hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị được kiểm toán. Các vấn đề như: Có sự hiện diện và hiệu lực của HTKSNB của đơn vị. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến trọng tâm, quy mô, phạm vi và phương pháp thực hiện kiểm toán BCTC DNXL.
Theo Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC), Hệ thống kiểm soát nội bộ là một hệ thống các chính sách và thủ tục nhằm 4 mục tiêu: Bảo vệ tài sản của đơn vị; Bảo đảm sự tin cậy của các thông tin; Bảo đảm việc thực hiện các chế độ pháp lý; Bảo đảm hiệu quả của hoạt động và năng lực quản lý.
Trên cơ sở của việc đánh giá HTKSNB để xác định hiệu lực của hệ thống KSNB, trên cơ sở đó đánh giá mức độ rủi ro kiểm toán đối với từng nội dung kiểm toán; xây dựng mô hình rủi ro kiểm toán để xác định rủi ro phát hiện làm cơ sở cho việc xác định các mô hình kiểm toán cụ thể (phương pháp, quy mô mẫu… cho từng nội dung kiểm toán). Điều này được hiểu là nếu hệ thống KSNB được thiết kế phù hợp và vận hành tốt thì sẽ hạn chế được các rủi ro như rủi ro tiềm tàng, rủi ro kiểm soát. Trong trường hợp này, các KTV chỉ cần áp dụng những phương pháp kiểm toán đơn giản và quy mô mẫu tương đối nhỏ. Ngược lại khi hệ thống KSNB không được thiết kế phù hợp, vận hành không có hiệu quả, hiệu lực – tức độ rủi ro lớn thì KTV phải mở rộng quy mô điều tra, tiến hành nhiều thử nghiệm kiểm toán, điều chỉnh và áp dụng các phương thức phức tạp hơn để có được các bằng chứng kiểm toán đầy đủ và phù hợp.
2.2.2. Thực trạng về đối tượng, mục tiêu và nội dung kiểm toán báo cáo tài chính doanh nghiệp xây lắp do Kiểm toán Nhà nước Việt Nam thực hiện [8]