1.2. Tổng quan về phytosome
1.2.4. Ưu, nhược điểm của phytosome
Ưu điểm
Phytosome có nhiều ưu điểm của một giá mang hoạt chất siêu nhỏ:
- Tăng sinh khả dụng thông qua 2 cơ chế:
14
+ Tăng hấp thu qua đường uống thông qua việc cải thiện độ tan và tốc độ hòa tan của hoạt chất: Độ tan của quercetin sau khi tiến hành tạo phức với lecithin (tỷ lệ 1:1) được cải thiện đáng kể trong tất cả các môi trường, đặc biệt tại dịch ruột pH 5,0 (0,2166 mg/ml) so với quercetin dạng tự do và hỗn hợp vật lý (0,0291 mg/ml và 0,0191 mg/ml) [102]. Sự gia tăng độ tan cũng nhận thấy khi curcumin được bào chế dưới dạng phytosome [15]. Các kết quả nghiên cứu in vitro thu được đã giúp lý giải phần nào khả năng tăng sinh khả dụng in vivo của phytosome. Trên người tình nguyện, giá trị Cmax của nhóm uống quercetin liều 500 mg luôn luôn thấp hơn 10 ng/ml, trong khi Cmax của nhóm uống 250 mg và 500 mg phytosome lần lượt là 126,35 ± 14,79 ng/ml; 223,10 ± 16,32 ng/ml. Đồng thời, giá trị AUC0→∞ của phytosome quercetin 500 mg cao gấp 18 lần so với hoạt chất tự do và gấp 2 lần so với khi dùng phytosome 250 mg [102]. Khả năng cải thiện hấp thu của phytosome cũng được chứng minh trên mô hình chuột thí nghiệm với hoạt chất curcumin. Cụ thể, Cmax của curcumin và hỗn hợp vật lý curcumin - PC lần lượt là 258,64 và 297,32 ng/ml với Tmax tương ứng là 1,72 và 2,03 giờ. Trong khi đó, Cmax của phytosome curcumin là 803,86 ng/ml với Tmax 2,21 giờ. Thông số AUC0-120 phút của phytosome (Meriva) với liều 340 mg/kg cho giá trị cao gấp 5 lần so với curcumin dạng tự do [49]. Sự thay đổi các thông số này đã giúp làm tăng đáng kể hoạt tính bảo vệ gan trên tế bào gan chuột cô lập của phytosome curcumin [14].
+ Kéo dài thời gian tồn tại của hoạt chất trong cơ thể: Năm 2013, Bhattacharyya S. [28] đã chứng minh khả năng cải thiện tác dụng bảo vệ gan in vivo của phức hợp phospholipid với acid gallic so với dạng tự do. Việc tăng sinh khả dụng là do khả năng hấp thu qua đường uống của phytosome cao gấp khoảng 4,31 lần so với acid gallic. Ngoài ra, hoạt chất dạng phytosome có thời gian tồn tại trong cơ thể lâu hơn hoạt chất dạng tự do với t1/2 của phytosome là 2,12 ± 0,18 giờ trong khi 0,98 ± 0,07 giờ là t1/2 của acid gallic. Kết quả này tương tự với kết quả mà Tan Q. và cộng sự [123] đã công bố với thời gian bản thải được kéo dài 2,07 giờ so với evodiamin là 1,33 giờ, giá trị AUC0→∞ của phytosome cao hơn khoảng 2,2 lần. Một nghiên cứu so sánh thời gian bán thải của curcumin dạng tự do và curcumin dạng phytosome nhận thấy t1/2 của curcumin trong môi trường pH 7,2 (tương ứng với môi trường cơ thể) là không quá 10 phút, trong khi với dạng phytosome sau 240 phút ở cùng pH này vẫn còn 82 % hoạt chất không bị biến đổi [128].
- Giảm liều: hoạt chất được hấp thu tối đa nên liều dùng thuốc giảm nhưng vẫn đạt được hiệu quả điều trị mong muốn. Theo tính toán của một nghiên cứu, viên
15
nang chứa 50 mg phức hợp lecithin với dịch chiết hạt nho có hiệu quả tương đương với 150 mg hoạt chất proanthocyanidindạng tự do.
- An toàn: Hai thành phần cơ bản cấu tạo nên tiểu phân phytosome là hoạt chất có nguồn gốc dược liệu và PL. PL là tá dược phân giải sinh học cao, không độc với cơ thể, không gây đáp ứng miễn dịch khi đưa vào tuần hoàn.
- Ngoài hoạt động như một chất mang, PC còn có khả năng bảo vệ gan [64], đồng thời là thành phần quan trọng của màng tế bào, là phân tử gốc để xây dựng nên các lipoprotein và là nguồn cung cấp cholin thiết yếu cho các tế bào trong cơ thể [53].
- Phytosome được sử dụng khá phổ biến trong lĩnh vực mỹ phẩm do có thể làm tăng tính thấm của hoạt chất qua da. Đặc tính này đã được chứng minh trong một số nghiên cứu. Phytosome rutin làm tăng tính thấm qua da chuột thực nghiệm lên 2,6 lần (44 ± 1,52 %) so với rutin (17 ± 1,06 %) [35]. Trên mô hình thử hoạt tính kháng nấm, dạng gel chứa 2 % phytosome Lawson đã thể hiện hiệu quả cao hơn so với gel chứa Lawson cũng như chế phẩm chứa ketoconazol sau 3 ngày sử dụng. Kết quả này có được là do sự gia tăng tính thấm của phytosome (sau 6 giờ có 92,91 % hoạt chất thấm qua da) [119].
Nhược điểm
Một thực tế đang tồn tại trong nghiên cứu phát triển phytosome là hiệu quả áp dụng lâm sàng của hệ mang thuốc này chưa cao, bởi vì phytosome cũng còn nhiều hạn chế:
- Đa số các phương pháp bào chế phytosome đều sử dụng dung môi hữu cơ độc hại để hòa tan lipid gây tác động bất lợi đến môi trường và có thể còn tồn dư dung môi trong sản phẩm. Bào chế phytosome bằng phương pháp siêu tới hạn có thể khắc phục được nhược điểm này nhưng đòi hỏi kỹ thuật phức tạp và không thông dụng.
- Hoạt chất đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu thiết kế dạng thuốc và lựa chọn công nghệ sản xuất phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay số lượng các hoạt chất có nguồn gốc tự nhiên được xây dựng tiêu chuẩn chất lượng hoàn chỉnh vẫn còn khá hạn chế.
- Phospholipid không bền về mặt hóa học (nhạy cảm với pH, dễ bị thủy phân trong môi trường pH acid hoặc kiềm) nên ảnh hưởng tới độ ổn định của phytosome.
- Có rất nhiều thông số tác động đến chất lượng của phytosome trong quá trình sản xuất dẫn đến khó kiểm soát sự đồng nhất giữa các lô mẻ nên khó triển khai sản xuất lớn.