Chương 1. Cơ sở lý luận về hành vi truyền thông xã hội của sinh viên
1.1. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
1.1.2. Một số nghiên cứu tại Việt Nam
a) Những nghiên cứu về vai trò của truyền thông xã hội
Cũng giống như ở các nước khác, các loại hình truyền thông xã hội ngày càng chiếm lĩnh vị trí quan trọng trong đời sống con người. Nó mang lại cho con người những tiện ích thú vị, tương tác cao.
Năm 2012, tác giả Đào Lê Hòa An đã nghiên cứu và công bố bài viết "Nghiên cứu về hành vi sử dụng Facebook của con người - một thách thức mới cho tâm lí học hiện đại". Tác giả chỉ ra rằng mạng xã hội Facebook đã và đang thu hút người sử dụng. Với sự phát triển nhanh chóng của Internet, sự tiếp cận với loại hình mạng xã hội này trở nên dễ dàng. Trong xu hướng gia tăng số lượng người tham gia, trẻ vị thành niên cũng bị thu hút bởi Facebook. Tuy nhiên, khi lạm dụng thái quá vào Facebook, họ sẽ gánh chịu những ảnh hưởng tiêu cực, đặc biệt là những ảnh hưởng đến kết quả học tập.
Năm 2010, thông qua kết quả của hội thảo “Mạng xã hội với lối sống của giới trẻ Thành phố Hồ Chí Minh” do Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, tác giả Nguyễn Thị Hậu đã tìm ra vai trò của mạng xã hội trong đời sống của giới trẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó, tác giả đã nêu rõ những ảnh hưởng của mạng xã hội đến lối sống giới trẻ Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. Thông qua việc tìm hiểu nhu cầu, mục đích và cách thức sử dụng mạng xã hội, bài viết góp phần giúp các bạn trẻ có phương pháp sử dụng truyền thông xã hội đúng đắn, hợp lý.
Những mặt tích cực của mạng xã hội mang lại cho cộng đồng tham gia như nhu cầu sử dụng mạng xã hội trong học tập, giao tiếp và tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp. Hơn nữa, truyền thông xã hội là chiếc cầu nối giúp các nhóm thiện nguyện liên kết với nhau để thực hiện công tác xã hội, tổ chức các hoạt động văn hóa lành mạnh. Tuy nhiên, truyền thông xã hội cũng mang lại nhiều rủi ro cho người sử dụng: hình ảnh, thông tin cá nhân dễ bị tiết lộ, sử dụng mạng xã hội cho những mục đích không lành mạnh của một số đối tượng. Từ đó, tác giả nêu lên một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc sử dụng mạng xã hội của giới trẻ (Bùi Thị Ngọc Hân, 2013).
Nhóm sinh viên gồm Lưu Bá Lộc, Phạm Thùy An và Lâm Thánh Thuận đã nghiên cứu “Tác động của mạng xã hội Facebook đối với sinh viên khoa PR –
Trường Đại học Văn Lang” vào năm 2013. Nhóm tác giả đã cho thấy mạng xã hội Facebook là công cụ, phương tiện để gắn kết mọi người trên thế giới. Nếu sinh viên sử dụng nó không hiệu quả, quá lạm dụng Facebook sẽ mang lại những tác hại không mong muốn. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả nêu lên biện pháp nhằm giúp sinh viên có thể tham gia, sử dụng mạng xã hội một cách tích cực nhất; kiểm soát dược những hoạt động trên Facebook để tránh những tác động tiêu cực từ mạng xã hội Facebook mang lại.
b) Hành vi sử dụng truyền thông xã hội
Trung tâm Vinaresearch đã khảo sát online với 810 người tham gia, trong đó có 380 nam và 430 nữ trong những tháng đầu năm 2018. Theo kết quả khảo sát của Vinaresearch, mạng xã hội dần trở nên phổ biến ở Việt Nam. Trong đó, Facebook là loại hình mạng xã hội phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay, tiếp theo là Zalo. Cũng theo kết quả khảo sát, người dùng tại Việt Nam thường truy cập vào mạng xã hội nhiều nhất từ 18h00 đến 22h00, họ thường truy cập sau thời gian làm việc, học tập.
Mỗi người Việt Nam dành 2,12 giờ trong một ngày để truy cập mạng xã hội. Trong đó, thời gian truy cập Facebook là chiếm nhiều nhất khoảng 3,55 giờ cao hơn mức trung bình. Mục đích sử dụng mạng xã hội của người dùng cũng được khảo sát.
Người dùng sử dụng mạng xã hội chủ yếu để kết nối và liên lạc bạn bè, người thân.
Bên cạnh đó, cập nhật tin tức, chia sẻ ý kiến, tâm sự và quảng cáo cũng được người dùng quan tâm. Mối quan hệ giữa giới tính và mục đích sử dụng mạng xã hội cũng được đề cập. Kết quả cho thấy chia sẻ ý kiến, tâm sự và quảng cáo được nữ giới quan tâm nhiều hơn; cập nhật tin tức đều được hai giới quan tâm giống nhau.
Xu hướng sử dụng truyền thông xã hội và online của người Việt Nam năm 2019 đã được nghiên cứu bởi tổ chức Q&Me. Khảo sát được thực hiện trên 860 người ở độ tuổi từ 18 đến 47 trên cả nước. Kết quả cho thấy, mức độ người dùng sử dụng điện thoại di động để truy cập vào các loại hình truyền thông xã hội tăng lên đến 42%
so với năm 2016, và trở thành phương tiện truy cập mạng xã hội phổ biến nhất. Mạng xã hội được sử dụng để liên lạc với gia đình, bạn bè cũng như tiếp cận các thông tin mới. Đây là những động lực chủ yếu của người dùng khi sử dụng mạng xã hội. Đã có sự chuyển biến một số loại hình truyền thông xã hội mà người Việt Nam sử dụng
giữa năm 2016 với 2019. Trong đó, 02 loại hình truyền thông xã hội mà người Việt Nam sử dụng nhiều nhất là Messenger của Facebook và Zalo. Hai loại hình ít sử dụng hơn là Snapchat và Whatsapp. Khảo sát đã nghiên cứu sâu về hành vi của người dùng về xem, click quảng cáo online. Nguyên nhân và nội dung quảng cáo là những vấn đề sâu mà khảo sát đã thực hiện, nghiên cứu (Q&Me, 2019).
c) Hành vi sử dụng truyền thông xã hội của sinh viên
Năm 2014, tác giả Trần Thị Minh Đức và Bùi Thị Hồng Thái đã tìm ra thực trạng sử dụng mạng xã hội của sinh viên. Nhóm tác giả đã thực hiện khảo sát trên 4.247 sinh viên năm nhất đến năm thứ tư ở 06 thành phố lớn Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Huế, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Tác giả thực hiện nghiên cứu trên 04 chiều kích: thực trạng sử dụng truyền thông xã hội, bảo mật thông tin trên truyền thông xã hội, nhu cầu sử dụng truyền thông xã hội của sinh viên và những áp lực mà SV có thể gặp phải khi sử dụng truyền thông xã hội. Kết quả nghiên cứu cho thấy Facebook là mạng xã hội được sinh viên lựa chọn sử dụng nhiều nhất, ít được sử dụng nhất là Printerest. Thời gian trung bình sinh viên sử dụng các mạng xã hội là từ 1 đến 3 giờ chiếm tỉ lệ cao nhất. Hơn thế nữa, một số sinh viên dành trên 8 giờ để sử dụng mạng xã hội. Qua đó, nhóm tác giả cảnh báo đến hành vi nghiện mạng xã hội của sinh viên. Về nhu cầu sử dụng truyền thông xã hội, nhóm tác giả nghiên cứu trên các phương diện sau: nhu cầu chia sẻ, nhu cầu thể hiện bản thân, nhu cầu giải trí, nhu cầu kinh doanh, nhu cầu tương tác. Trong đó, nhu cầu tương tác là điểm trung bình cao nhất. Điều này phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi của sinh viên.
Năm 2015, các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi sử dụng mạng xã hội Facebook tại Việt Nam đã được nghiên cứu và chứng minh bởi nhóm tác giả gồm Nguyễn Ngọc Bích Trâm và Nguyễn Thị Mai Trang. Trên cơ sở của các công trình nghiên cứu trước đó, tác giả nghiên cứu các yếu tố tác động đến hành vi sử dụng mạng xã hội Facebook bao gồm: tính xã hội, tính vị tha, tính thực tế ảo, tính hữu dụng, tính dễ sử dụng và tính khích lệ. Dữ liệu nghiên cứu của bài viết được thu thập tại 03 thành phố lớn của Việt Nam bao gồm Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả chỉ ra rằng 03 yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp tới hành vi sử dụng mạng xã hội Facebook tại Việt Nam là tính hữu dụng, tính dễ sử dụng và tính khích lệ. Hơn nữa,
nhóm tác giả đưa ra các giải pháp định hướng hành vi sử dụng mạng xã hội Facebook cho công dân Việt Nam.
Năm 2018, Nguyễn Thị Bắc đã nghiên cứu công trình với tên gọi “Hành vi sử dụng mạng xã hội của sinh viên trường Đại học Hải Dương”. Tác giả tiến hành khảo sát trên 300 sinh viên trường Đại học Hải Dương. Loại hình mạng xã hội mà tác giả tiến hành khảo sát gồm: Facebook, Zingme, Zalo, Youtube, Myspace, Twitter và Instagram. Kết quả nghiên cứu cho thấy hầu hết sinh viên đều lựa chọn sử dụng Facebook và thấp nhất là Instagram. Hơn nữa, việc phân bổ thời gian sử dụng mạng xã hội của sinh viên trường Đại học Hải Dương chưa hợp lý, thời gian trung bình từ 2 – 3 giờ trở lên. Nội dung chủ yếu liên quan đến hình ảnh bản thân được đăng tải, chia sẻ trên các trang mạng xã hội. Hơn nữa, tác giả đã cho thấy các yếu tố tác động đến hành vi sử dụng mạng xã hội của sinh viên trường Đại học Hải Dương. Các yếu tố được tác giả phân thành 2 nhóm chính: yếu tố chủ quan (nhận thức, thái độ và đặc điểm tâm lý lứa tuổi); yếu tố khách quan (môi trường sống và phương tiện kỹ thuật).
Trên cơ sở phân tích, nhìn nhận và đánh giá dữ liệu, tác giả đã đưa ra một vài kiến nghị đối tới nhà trường, phụ huynh, nhà quản lý mạng và đặc biệt là đối tượng sinh viên.