Ảnh hưởng của truyền thông xã hội lên thanh niên, sinh viên

Một phần của tài liệu Hành vi truyền thông xã hội của sinh viên một số trường đại học tại thành phố hồ chí minh (Trang 34 - 37)

Chương 1. Cơ sở lý luận về hành vi truyền thông xã hội của sinh viên

1.3. Truyền thông xã hội

1.3.2. Ảnh hưởng của truyền thông xã hội lên thanh niên, sinh viên

Ngày nay, TTXH ngày càng phát triển mạnh mẽ và được công chúng đón nhận, đặc biệt là giới trẻ. Với nguồn thông tin khổng lồ, nội dung giải trí phong phú, người dùng dễ dàng tiếp nhận, chia sẻ và chọn lọc những thông tin phù hợp nhu cầu và nó dần dần chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống con người. Tuy nhiên, nó cũng mang lại những ảnh hưởng tiêu cực cho người sử dụng, đặc biệt là đối tượng thanh niên, sinh viên.

a) Ảnh hưởng tích cực

TTXH đã và đang phát huy những vai trò nhất định trong cuộc sống xã hội ngày nay và nó đang cho thấy một bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trên nhiều phương diện khác nhau. (Lê Thị Thanh Hà, & Trần Tuấn Anh, 2017)

Cũng như đề cập ở trên, TTXH là nguồn thông tin khổng lồ, lưu trữ nhiều thông tin bổ ích sẽ giúp cho người dùng có thể cập nhật thông tin, kiến thức bất kỳ lúc nào và bất kỳ nơi đâu. TTXH đã và đang làm thay đổi văn hóa tìm kiếm, sử dụng thông tin của công chúng, đặc biệt là thanh niên sinh viên. Hơn nữa, TTXH trở thành một trong những kênh thông tin dành cho học tập, trao đổi giữa giảng viên với sinh viên, sinh viên với nhau. Với việc trao đổi thông tin nhanh chóng, không giới hạn về thời gian và khoảng cách, sinh viên có thể cập nhật những thông tin về chương trình học, các sự kiện một cách nhanh chóng và dễ dàng, thậm chí là nơi trao đổi, thảo luận các vấn đề học tập (Nguyễn Thị Hậu, 2010).

TTXH không chỉ mang lại lợi ích trong giáo dục mà còn trên nhiều bình diện khác trong xã hội. Với chức năng kết nối cộng đồng, TTXH đang làm cho sinh viên có lối sống tích cực hơn, có cái nhìn sâu sắc và đa chiều hơn về xã hội, đồng thời họ sống có trách nhiệm hơn với xã hội. Từ sự đồng điệu về nhu cầu, sở thích cá nhân…

các tổ chức thiện nguyện dần dần được hình thành và đi vào hoạt động cả chiều sâu về hình thức lẫn số lượng. Thông qua đó, những hoàn cảnh bất hạnh, cần sự giúp đỡ được kết nối với các mạnh thường quân thông qua việc chia sẻ trên các phương tiện TTXH và giữa các nhóm với nhau. Qua đó chứng minh rằng các phương tiện truyền thông xã hội không chỉ là không gian ảo, nó đang tạo ra sự tương tác giữa cộng đồng trong xã hội hiện thực (Nguyễn Thị Hậu, 2010; Mai Thị Duyên, 2016).

TTXH cũng có những ảnh hưởng nhất định đến ngành quảng cáo, marketing.

Theo kết quả khảo sát của Hội doanh nghiệp HVNCLC cho thấy người tiêu dùng chọn mua online đã tăng lên rõ rệt và Facebook là trang bán hàng trực tuyến phổ biến nhất (66%). Qua đó cho thấy, TTXH đang làm cho các hình thức quảng cáo, kinh doanh thay đổi so với trước khi loại hình này xuất hiện. Nó đang phát huy những ưu điểm vượt trội trong việc kinh doanh và nhiều tổ chức đã sử dụng chúng để thúc đẩy kinh doanh của họ (Akram,& Kumar, 2017). Với tính chất năng động, sáng tạo, có tinh thần cầu thị và mong muốn có cuộc sống tự lập, nhất là ở các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, sinh viên đã và đang sử dụng TTXH trong việc quảng cáo, kinh doanh của mình.

b. Ảnh hưởng tiêu cực

Bên cạnh những tác động tích cực của TTXH, những ảnh hưởng tiêu cực của chúng lên người sử dụng cũng đang tồn tại. Những giá trị ảo từ TTXH đã và đang tác động trực tiếp lên cuộc sống hiện thực của một bộ phận thanh niên, sinh viên.

Một trong những hệ lụy mà TTXH đang tác động lên giới trẻ là giảm khả năng tập trung trong học tập, nghiên cứu, giảm sự giao tiếp trực tiếp, gây lãng phí thời gian, mất động lực học tập, thậm chí là ảnh hưởng đến sức khỏe của chính bản thân sinh viên. Tình trạng này xảy ra bởi chính sinh viên đã dành quá nhiều thời gian vào việc sử dụng TTXH, không có sự điều tiết hoặc mục đích sử dụng không rõ ràng.

Một số ít sinh viên phải chịu những hậu quả khá nghiệm trọng như kết quả học tập sa sút, sức khỏe giảm đi. Một bộ phận sinh viên khác đang sống với thế giới ảo của TTXH mà quên đi cuộc sống hiện thực, thậm chí tâm lí tránh né đời sống thực cũng hình thành trong họ (Nguyễn Thị Hậu, 2010).

TTXH là nơi mà thông tin, hình ảnh được truyền tải một cách nhanh chóng nên rất dễ dàng để các thành viên khác có thể tìm kiếm, xem, bình luận và chia sẻ. Nếu những hình ảnh, thông tin tiêu cực đây sẽ trở thành một trong những vấn đề lớn cho cá nhân hoặc tổ chức. Không những vậy, vấn nạn khủng bố qua tin nhắn, lừa đảo, bị hack, thậm chí là những vấn đề ảnh hưởng đến uy tín cá nhân tồn tại. Đặc biệt, các hình ảnh, video có nội dung không lành mạnh sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nhân cách và lối sống của giới trẻ.

TTXH là nơi chia sẻ những quan điểm cá nhân nên đa phần những thông tin chưa được kiểm duyệt, đã mang lại nhiều hậu quả cho những người sử dụng chúng, đặc biệt là đăng tải những thông tin không đúng sự thật, nguy hại cho xã hội, quốc gia sẽ bị xử trí theo pháp luật. Hiện tượng này diễn ra khá phổ biến trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là trong việc đăng tải thông tin không đúng về tin tức của đại dịch COVID-19 là minh chứng cụ thể.

Qua đó cho thấy, TTXH đang góp phần phát triển xã hội trên nhiều phương diện khác nhau. Giá trị tích cực, lợi ích to lớn mà chúng mang lại được công chúng đón nhận. TTXH đang làm phát triển kinh tế, thay đổi văn hóa, một số chuẩn mực đạo đức của xã hội. Tuy nhiên, một số vấn nạn không mong muốn cũng tồn tại song

song. Nó ảnh hưởng không nhỏ đến một bộ phận người dùng nếu họ chưa có nhận thức đúng đắn, phương thức sử dụng hợp lý, đặc biệt là giới trẻ.

Một phần của tài liệu Hành vi truyền thông xã hội của sinh viên một số trường đại học tại thành phố hồ chí minh (Trang 34 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(164 trang)