Đặc điểm tâm sinh lý sinh viên

Một phần của tài liệu Hành vi truyền thông xã hội của sinh viên một số trường đại học tại thành phố hồ chí minh (Trang 46 - 50)

Chương 1. Cơ sở lý luận về hành vi truyền thông xã hội của sinh viên

1.4. Hành vi truyền thông xã hội của sinh viên

1.4.1. Đặc điểm tâm sinh lý sinh viên

Theo sự phân chia chu kỳ lứa tuổi, sinh viên nằm trong giai đoạn cuối của độ tuổi thanh niên, có độ tuổi từ 18 – 25 tuổi. Hoạt động chủ đạo ở lứa tuổi này là học nghề, lao động và hoạt động xã hội. Mặc dù sinh viên vẫn đang trong giai đoạn giáo dục, nhưng xã hội nhìn nhận họ với vai trò là chủ thể của các hoạt động sản xuất xã hội và họ được đánh giá kết quả theo chuẩn của người lớn. Quá trình học tập của sinh viên không còn mang tính chất chung chung mà đã bước vào giai đoạn cụ thể đã gắn kết vào hoạt động nghề nghiệp, chuyên môn nhất định. Vì vậy, tâm lý xã hội của sinh viên không chỉ phụ thuộc vào nhóm lứa tuổi mà còn phụ thuộc vào vị trí nghề nghiệp trong xã hội.

a) Sự phát triển về thể chất và vai trò xã hội của sinh viên

Đây là giai đoạn phát triển ổn định, đồng đều hệ xương, hệ thần kinh, não bộ, các giác quan, cơ bắp tạo ra vẻ đẹp hoàn mĩ ở người sinh viên. Các tố chất về thể lực như: sức nhanh, sức bền bỉ, dẻo dai, linh hoạt đều phát triển mạnh nhờ sự phát triển ổn định của các tuyến nội tiết cũng như sự tăng trưởng của các hooc môn nam và nữ… Như vậy, với sự phát triển hoàn thiện về thể chất của lứa tuổi sinh viên là điều kiện thuận lợi cho SV thành công trong học tập, các hoạt động văn nghệ - thể thao.

Bên cạnh đó, SV là một tầng lớp xã hội, tổ chức xã hội quan trọng đối với mọi thể chế chính trị. Họ là đội ngũ có tri thức và trình độ tương đối cao trong xã hội, là nguồn dự trữ chủ yếu cho đội ngũ chuyên gia theo nghề nghiệp khác nhau trong cấu trúc của tầng lớp trí thức xã hội. Do đó, họ được trao quyền như một công dân thực thụ của đất nước với đầy đủ quyền hạn và nghĩa vụ trước pháp luật. Không những vậy, SV tham gia vào tổ chức Đoàn TN và Hội SV mang lại cho họ những kinh nghiệm thực sự quý báu để nâng cao tri thức, tích lũy những giá trị sống và hoàn thiện dần những kĩ năng, cũng như xây dựng lý tưởng nghề nghiệp – lý tưởng cuộc sống. Ngoài ra, việc tham gia các tổ chức, câu lạc bộ cũng là một điều kiện thú vị giúp họ thể hiện và phát triển có định hướng hoặc phát triển toàn diện (Nguyễn Hồi Loan, & Trần Thu Hương, 2019).

b) Đặc điểm tâm lý của sinh viên

SV là một nhóm xã hội đặc biệt, quá trình học tập của họ luôn mang tính cụ thể để chuẩn bị cho nghề nghiệp, chuyên môn nhất định tại các trường đại học, cao đẳng (Mai Thị Duyên, 2016).

- Sự phát triển về nhận thức, trí tuệ:

Hoạt động nhận thức, trí tuệ của lứa tuổi SV phát triển cả về chất lẫn về lượng so với các lứa tuổi trước đó. Các hoạt động này kế thừa một cách có hệ thống những thành tựu ở các giai đoạn phát triển trước. Mặt khác, họ phải tiếp cận các thành tựu khoa học đương đại và có tính cập nhật. Do đó, họ cần phối hợp các thao tác tư duy (phân tích, so sánh, tổng hợp, trừu tượng hóa, khái quát hóa…) để tìm ra bản chất của vấn đề. Các hoạt động này diễn ra ở cường độ cao và có tính chọn lọc rõ ràng (Mai Thị Duyên, 2016). Không những vậy, phạm vi hoạt động nhận thức của SV được mở rộng phạm vi như thư viện, phòng thực hành, thí nghiệm, thực tế chuyên môn … vừa rèn luyện kỹ xảo vừa phát huy kỹ thuật nghề nghiệp (Nguyễn Hồi Loan,

& Trần Thu Hương, 2019). Để nâng cao kiến thức, SV chủ động tìm kiếm thông tin, cập nhật các thành tựu khoa học kỹ thuật trên nhiều phương tiện khác nhau. Internet là một trong những lựa chọn phổ biến nhất của SV vì những giá trị mà nó mang lại không thể chối bỏ. Hơn nữa, nhận thức của SV về vai trò của TTXH ngày càng rõ ràng hơn. Từ đó, họ xây dựng cách thức sử dụng và ứng xử phù hợp.

- Sự phát triển đời sống xúc cảm, tình cảm:

Biểu hiện của tình cảm cấp cao (tình cảm trí tuệ, tình cảm đạo đức, tình cảm thẩm mĩ…) ngày càng phong phú, đa dạng và các loại tình cảm này phát triển ổn định ở lứa tuổi SV (Nguyễn Hồi Loan, & Trần Thu Hương, 2019). Tình cảm khác giới ở lứa tuổi SV có định hướng nhất định. Hơn nữa, tình cảm nghề nghiệp là một trong những loại tình cảm được hình thành và phát triển trong giai đoạn này (Mai Thị Duyên, 2016). Đời sống tình cảm của SV vô cùng phong phú. Đó là động cơ thúc đẩy SV giao lưu, kết bạn ở bất cứ nơi đâu. Vì vậy, SV sẽ tìm đến các thiết bị, phương tiện TTXH giúp họ xây dựng, duy trì các mối quan hệ.

- Sự phát triển nhân cách:

Nhân cách SV là nhân cách của người trẻ tuổi đang được chuẩn bị để thực hiện chức năng người lao động có trình độ nghiệp vụ cao trong một lĩnh vực hoạt động nào đó của xã hội (Nguyễn Thị Bắc, 2018). Thông qua quá trình tự đánh giá, SV biết được những ưu điểm, hạn chế của bản thân. Trên cơ sở đó, họ xây dựng kế hoạch phát triển nhằm hoàn thiện và khẳng định bản thân trong nhà trường và ngoài xã hội.

- Sự phát triển về nhu cầu:

Nhu cầu khẳng định bản thân là nhu cầu cao nhất trong tháp nhu cầu của Maslow và nó được phát triển vào lứa tuổi đầu của người trưởng thành, thanh niên, sinh viên. Hệ thống nhu cầu của SV cũng phát triển về lượng lẫn về chất ở giai đoạn này. SV rất dễ rơi vào trạng thái rối nhiễu tâm lý khi họ thiếu môi trường giao lưu, học hỏi, trải nghiệm kỹ năng sống. Đồng thời, nhu cầu được tôn trọng tiếp tục phát triển hơn các giai đoạn trước đó (Nguyễn Hồi Loan, & Trần Thu Hương, 2019).

c) Những hoạt động cơ bản của sinh viên

Thời gian SV tham gia lĩnh hội tri thức tại các trường đại học, cao đẳng là thời điểm diễn ra quá trình phân hóa rất nhanh, mạnh và đa dạng. Đây là thời điểm và là cơ hội để họ định hình, phát triển và hoàn thiện nhân cách. Do đó, các hoạt động mà họ tham gia có vai trò quan trọng trong việc định hình nhân cách, lý tưởng sống về sau.

- Hoạt động học tập

Hoạt động học tập ở đại học là một hoạt động tâm lý được tổ chức độc đáo có mục đích chuẩn bị để họ trở thành người có trình độ, chuyên môn trong lĩnh vực họ được đào tạo. SV cần tiếp cận và thích nghi với môi trường đại học là điều kiện tiên quyết để sinh viên có thể đạt kết quả tốt nhất trong việc lĩnh hội tri thức, đặt nền móng cho các giai đoạn khác. Vì vậy, đòi hỏi SV phải tìm hiểu những môn học, chuyên ngành để có thể nắm được các đối tượng, nhiệm vụ, phương pháp luận và quy luật của ngành khoa học đó. Hoạt động nhận thức của họ một mặt phải kế thừa một cách có hệ thống những thành tựu đã có, mặt khác lại phải tiệm cận với những thành tựu của khoa học đương đại và có tính cập nhật, thời sự. Chính vì vậy, nét đặc trưng cho hoạt động học tập của SV là sự căng thẳng nhiều về trí tuệ, sự phối hợp

của nhiều thao tác tư duy như phân tích, so sánh, tổng hợp, trừu tượng hóa, khái quát hóa. Hoạt động học tập của SV diễn ra một cách có kế hoạch, có mục đích, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp đào tạo theo thời gian một cách chặt chẽ nhưng đồng thời không quá bị khép kín, quá câu nệ mà lại có tính chất mở rộng khả năng theo năng lực, sở trường để họ có thể phát huy được tối đa năng lực nhận thức của mình trong nhiều lĩnh vực. Phương tiện hoạt động nhận thức của sinh viên được mở rộng và phong phú với các thư viện, phòng đọc, phòng thực nghiệm, phòng bộ môn với những thiết bị khoa học cần thiết của từng ngành đào tạo. Do đó phạm vi hoạt động nhận thức của SV đa dạng: vừa rèn luyện kỹ xảo vừa phát huy kỹ thuật nghề nghiệp của mình.

- Rèn luyện sức khỏe

Vai trò của việc tập luyện thể dục, thể thao không thể chối bỏ. Tuy nhiên, không phải sinh viên nào cũng áp dụng được vào cuộc sống hàng ngày. Đây là phương pháp giúp SV giải tỏa căng thẳng, góp phần nâng cao hiệu quả học tập, Vì vậy, SV cần hãy tạo thành thói quen tập thể dục nâng cao sức khỏe cho bản thân cũng như tinh thần học tập.

- Tham gia các hoạt động ngoại khóa

Sinh viên tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa như các câu lạc bộ thể thao hoặc câu lạc bộ âm nhạc... Các hoạt động ngoại khóa không chỉ là nơi SV được thể hiện những tài năng của bản thân, được tham gia những hoạt động mình yêu thích mà còn góp phần tích cực vào quá trình học tập và rèn luyện các kỹ năng trong cuộc sống.

- Hoạt động vui chơi, giải trí

Chăm chỉ học tập không có nghĩa là mọi thời gian bạn đều dành cho sách vở.

Mỗi SV cần có cho mình khoảng thời gian nhất định để vui chơi bên bạn bè, tham gia các hoạt động tập thể của lớp của trường.

TTXH không chỉ phát triển nhanh về số lượng mà chức năng, tiện ích của chúng cũng ngày càng được bổ sung, hoàn thiện. Hơn nữa, chúng được xây dựng trên nền tảng Internet nên TTXH trở thành một trong những nguồn thông tin khổng lồ cho nhân loại. Các thông tin trong đời sống được cập nhật trên các phương tiện TTXH

hàng ngày. Đây sẽ là kênh tìm kiếm thông tin, tin tức cho giới trẻ, đặc biệt là SV.

Không những vậy, SV còn sử dụng TTXH như một kênh học tập, trao đổi kiến thức giữa SV với giảng viên, SV với nhau. Không những vậy, TTXH còn là một kênh truyền tải thông tin học tập nhanh chóng. Do đó, họ có xu hướng sử dụng các loại hình TTXH phục vụ mục đích học tập. Bên cạnh đó, nhu cầu giao lưu, học hỏi của SV cũng phát triển mạnh trong giai đoạn này. Đây là động lực thúc đẩy SV tìm đến các phương tiện truyền thông làm thỏa mãn nhu cầu. Từ đó, làm cho đời sống tình cảm của họ trở nên phong phú hơn.

Một phần của tài liệu Hành vi truyền thông xã hội của sinh viên một số trường đại học tại thành phố hồ chí minh (Trang 46 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(164 trang)