Các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi truyền thông xã hội của sinh viên

Một phần của tài liệu Hành vi truyền thông xã hội của sinh viên một số trường đại học tại thành phố hồ chí minh (Trang 55 - 60)

Chương 1. Cơ sở lý luận về hành vi truyền thông xã hội của sinh viên

1.5. Các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi truyền thông xã hội của sinh viên

Hành vi sử dụng truyền thông xã hội của sinh viên bị chi phối, ảnh hưởng bởi một số yếu tố chủ quan và khách quan. Trong quá trình sử dụng có ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến việc hình thành hành vi sử dụng truyền thông xã hội.

1.5.1. Các yếu tố chủ quan a) Nhận thức của sinh viên

Như đã đề cập ở trên, nhận thức là cơ sở của hành vi, nhận thức đúng sẽ có hành vi đúng và ngược lại. Hơn nữa, dưới sự điều phối của ý thức, hành vi TTXH là những hành vi có ý thức. Do đó, hành vi TTXH cần xem xét chúng trên ba phương diện nhận thức, thái độ và hành vi. Hành vi TTXH là hành vi sử dụng các phương tiện TTXH để làm thỏa mãn nhu cầu nào đó của họ (Nguyễn Thị Bắc, 2018). Với việc xem xét chúng trên ba phương diện như trên, bức tranh tổng thể chân dung tâm lý của SV về hành vi TTXH sẽ được phát họa một cách đầy đủ.

Hành vi có ý thức gắn liền với quá trình tư duy. Các hoạt động cụ thể là biểu hiện của quá trình nhận thức các vấn đề, sự kiện mà con người quan tâm. Nếu thiếu quá trình tư duy, hành vi con người sẽ mất tính tự chủ, chỉ là hành vi bản năng. Hơn nữa, quá trình truyền thụ kiến thức mang tính lịch sử, xã hội. Điều đó chứng minh rằng hành vi của con người là hành vi có nhận thức (Nguyễn Thị Bắc, 2018).

b) Thái độ của sinh viên

Mối quan hệ giữa thái độ và hành vi vô cùng phức tạp, thường không có mối liên hệ nhất quán giữa thái độ và hành vi. Chú ý và mong đợi là yếu tố quan trọng trong việc định hướng thái độ và hành vi (Nguyễn Hồi Loan, & Trần Thu Hương, 2019).

Thái độ cũng được biểu hiện thông qua các hành động cụ thể theo một chiều kích nhất định. Các biểu hiện cụ thể thông qua hành vi, cử chỉ, điệu bộ cũng như

cách ứng xử trong từng tình huống, điều kiện cụ thể. Thái độ là những cảm xúc, những đánh giá của cá nhân về một vấn đề trong cuộc sống (Nguyễn Thị Bắc, 2016).

Thái độ của con người khi sử dụng truyền thông xã hội là những đánh giá về ý thức của họ khi sử dụng các loại hình TTXH. Để hình thành hành vi TTXH có ý thức cần phải nâng cao nhận thức của họ về TTXH. Từ đó, hành vi cụa thể, hành vi được lập đi lập lại nhiều lần sẽ trở thành hành vi có ý thức.

c) Nhu cầu bản thân

Nhu cầu là những đòi hỏi tất yếu, để cá nhân tồn tại và phát triển trong những điều kiện nhất định. Nhu cầu là nguồn gốc tính tích cực bên trong, nền tảng bên của con người và động vật để tồn tại và phát triển (Vũ Dũng, 2008, tr. 568). Do đó, nhu cầu ảnh hưởng đến hành vi con người.

Nhu cầu ngày càng được phát triển mạnh ở giai đoạn SV như nhu cầu giao tiếp xã hội, nhu cầu tôn trọng, nhu cầu tự khẳng định bản thân được phát triển đến giai đoạn cao trào (Mai Thị Duyên, 2016). Bên cạnh đó, những nhu cầu tìm hiểu thông tin, nhu cầu giải trí cũng phát triển đạt đến một mức độ nhất định. Điều đó thúc đẩy họ tìm đến các phương tiện truyền thông nhằm thỏa mãn nhu cầu, đặc biệt là TTXH.

d) Đặc điểm tâm lý lứa tuổi sinh viên

SV là những người trẻ tuổi, nhu cầu chinh phục cái mới thông qua các phương tiện TTXH được bộc lộ ngày càng rõ rệt. Do đó, TTXH trở thành công cụ không thể thiếu trong đời sống SV. Tuy nhiên, có sự phát triển không đồng đều giữa các SV với nhau do quy luật phát triển không đồng đều quy định. Cùng một hệ thống nhu cầu, cùng một loại hình TTXH, nhưng mức độ nhận thức khác nhau, điều kiện sống khác nhau, sức khỏe khác nhau cũng ảnh hưởng đến hành vi sử dụng TTXH của họ.

1.5.2. Các yếu tố khách quan a) Môi trường xã hội

Sinh viên một số trường đại học tại Tp.HCM đa số đến từ những vùng miền khác nhau. Sau khi nhập học họ lại cùng sống trong một môi trường như cùng kí túc xá, xóm trọ, học chung một trường hoặc các trường khác nhau có những sở thích, sở trường khác nhau nhưng khi sống trong một môi trường họ lại có những mong muốn tìm đến nhau để được cùng nhau chia sẻ sở thích, cũng như trong học tập để cùng

giúp nhau những lúc khó khăn nhất. Vì vậy, TTXH được xem là một nơi có tính cộng đồng cao có thể giúp sinh viên kết nối được những điều này.

Sinh viên là tầng lớp tri thức cao của xã hội. SV sử dụng TTXH không chỉ phục vụ nhu cầu học tập mà còn giúp giải tỏa những cảm xúc tiêu cực sau quá trình học căng thẳng. Trong quá trình sử dụng họ trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Từ đó, họ giới thiệu cho bạn bè TTXH để tham gia và sử dụng.

b) Điều kiện sinh hoạt

Nhu cầu của con người được sắp xếp từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp.

Khi nhu cầu cấp thấp đạt được họ sẽ hướng đến một nhu cầu ở cấp cao hơn. Hành vi cũng theo cơ chế đó. Hành vi đơn giản đã đạt được họ có mong muốn chinh phục những hành vi đòi hỏi sự phức tạp cao hơn. Trên cơ sở lặp đi lặp lại, thói quen sẽ được hình thành. Đây là yếu tố quan trọng để hình thành nên những hành vi có ý thức. Thói quen, hành vi có ý thức sẽ được thực hiện tương đối dễ dàng khi điều kiện sinh hoạt phù hợp (Nguyễn Thị Bắc, 2018).

Hành vi TTXH của SV phụ thuộc vào điều kiện sống của họ. Đa phần SV sống xa gia đình, ít có sự quản thúc của gia đình nên họ sẽ thường xuyên sử dụng TTXH.

Mặt khác, TTXH là một trong những phương thức giao tiếp hiện đại ngày nay nên họ sử dụng chúng để liên lạc với gia đình là điều tất yếu. Không những vậy, họ tìm đến các phương tiện TTXH sau những giờ học căng thẳng.

c) Phương tiện vật chất

Sự tiến bộ của khoa học công nghệ đã và đang làm cho đời sống vật chất, tinh thần của con người nói chung, SV nói riêng ngày càng nâng cao và phong phú. Đặc biệt, các phương tiện, máy móc, thiết bị kết nối Internet ngày càng được bổ sung, cải tiến những tính năng hữu ích. Đây là môi trường, điều kiện thuận lợi để SV truy cập và sử dụng TTXH một cách nhanh chóng và dễ dàng.

Tóm lại, hành vi TTXH của SV chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố từ chủ quan đến khách quan. Yếu tố chủ quan thường đề cập đến các khía cạnh tâm lý của SV như nhận thức, thái độ. Chúng có mối quan hệ mật thiết với hành vi TTXH của SV.

Tuy nhiên, việc thay đổi một trong ba yếu tố trên cần phải thực hiện đồng bộ và lâu dài. Các yếu tố khách quan như môi trường sống, phương tiện kỹ thuật là điều kiện

quan trọng hình thành nên hành vi TTXH của SV. Trong điều kiện hiện nay, đây là yếu tố khó kiểm soát.

Tiểu kết chương 1

TTXH là phương tiện rất quan trọng trong đời sống xã hội. TTXH đã và đang phát huy những giá trị tích cực, góp phần phát triển xã hội trên nhiều phương diện khác nhau. Tuy nhiên, những tác động tiêu cực của chúng lên người sử dụng cũng tồn tại không ít. Điều đó còn phụ thuộc vào mức độ nhận thức, cách thức sử dụng TTXH của người dùng.

Lý thuyết sử dụng và hài lòng được nhiều tác giả ứng dụng trong nghiên cứu hành vi truyền thông. Lý thuyết này không chỉ được ứng dụng trong nghiên cứu các phương tiện truyền thông truyền thống mà kể cả những phương tiện truyền thông hiện đại ngày nay. Hơn nữa, lý thuyết đã mở ra một hướng nghiên cứu mới, phù hợp với sự tiến bộ xã hội ngày nay. Tuy nhiên, một số hạn chế của lý thuyết này cũng bộc lộ. Nhìn chung, lý thuyết còn một số hạn chế nhất định nhưng đây là một hướng tiếp cận mới, phản bác những tiền đề lỗi thời trong nghiên cứu hành vi trước đây.

Nội dung cốt lõi của học thuyết nhằm tìm ra đáp án để trả lời cho hai câu hỏi những thao tác của người sử dụng trên TTXH động cơ sử dụng TTXH của người dùng.

SV là tầng lớp trí thức trẻ của quốc gia. Do đó, tạo điều kiện phát triển cho tầng lớp này là nhiệm vụ quan trọng. Đó là cơ sở, môi trường thuận lợi để nhân cách của họ ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, họ cũng được xã hội đánh giá như một người trưởng thành thực sự. Điều đó được minh chứng thông qua kết quả lao động của họ.

Thế nhưng nhiệm vụ chính yếu của họ vẫn là học tập. Với nhu cầu nhận thức, họ sẽ tìm đến những nguồn tư liệu khác nhau. TTXH trở thành nguồn thông tin quan trọng đối với họ. Bên cạnh đó, nhu cầu giải trí, giao lưu, kết bạn, khẳng định bản thân của SV cũng phát triển mạnh mẽ. Mặc nhiên, TTXH trở thành phương tiện không thể thiếu trong đời sống của SV. Tùy thuộc vào mức độ nhận thức, thái độ của họ về TTXH mà cách thức sử dụng (thời gian, địa điểm, không gian …) sẽ được bộc lộ cụ thể. Không những vậy, nhu cầu là nguyên nhân thúc đẩy họ lựa chọn và sử dụng TTXH để làm thỏa mãn nhu cầu.

Hành vi TTXH của sinh viên chịu tác động từ hai phía: các yếu tố chủ quan và yếu tố khách quan. Mức độ tác động của từng nhóm yếu tố đến hành vi TTXH của SV sẽ khác nhau. Nhóm yếu tố chủ quan gắn liền với yếu tố nhận thức, thái độ, nhu cầu và đặc điểm tâm lý của SV. Môi trường, điều kiện sinh hoạt, phương tiện xã hội, loại hình truyền thông là những yếu tố khách quan có tác động đến hành vi truyền thông xã hội của SV. Việc thay đổi hành vi TTXH của SV cần phải tác động vào các yếu tố bên trong của SV, và quá trình đó cần thực hiện lâu dài và đồng bộ.

Một phần của tài liệu Hành vi truyền thông xã hội của sinh viên một số trường đại học tại thành phố hồ chí minh (Trang 55 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(164 trang)