Chương 1. Cơ sở lý luận về hành vi truyền thông xã hội của sinh viên
1.3. Truyền thông xã hội
1.3.3. Các loại hình truyền thông xã hội
Do chưa có sự thống nhất trong việc xác định nội hàm của khái niệm TTXH nên chúng được phân loại theo nhiều cách khác nhau.
Theo Kennedy và cộng sự (2007) đã phân chia TTXH thành các nhóm sau:
Mạng xã hội (Social networking sites); Blogs; Microblogs; các trang chia sẻ nội dung (Content sharing sites); các trang đánh dấu xã hội (Social bookmaking sites), Wikis, Podcasts và Forums. Cách phân chia này cũng được các tác giả khác đồng tình như Levy (2009), Richardson (2009). Dựa vào tiêu chí chức năng của TTXH mà các tác giả đã phân ra thành các nhóm như trên.
Theo Lee E. (2013), TTXH được phân thành năm nhóm chính sau đây: Mạng xã hội (Social networking sites); Tin tức xã hội (Social news); Các trang chia sẻ phương tiện truyền thông (Media sharing sites); Blogs và Micro blogging. Mặc dù, tác giả cũng phân chia dựa trên chức năng của TTXH, nhưng những chức năng có sự trùng lặp, gần giống nhau sẽ được gom thành nhóm.
Theo Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, truyền thông xã hội bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn, trò chuyện, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác.
Qua đó cho thấy cách phân nhóm các loại hình truyền thông xã hội chưa có sự thống nhất cao. Với nguồn lực và thời gian hạn chế, chúng tôi chỉ thực hiện nghiên cứu trên hai loại hình TTXH sau: Mạng xã hội và các trang chia sẻ nội dung. Chúng tôi lựa chọn hai loại hình này bởi vì có rất nhiều người đã và đang sử dụng.
a) Mạng xã hội
Mạng xã hội (Social networking sites - SNS) là hệ thống truyền thông trực tuyến cho phép người dùng xây dựng các trang cá nhân dùng để giao tiếp, chia sẻ nội dung với nhau (Constantinides, 2009). Willard (2009) cho rằng: “các trang truyền thông xã hội cho phép người dùng chia sẻ ý tưởng, hoạt động, sự kiện và sở thích trong mạng lưới riêng của họ”. Với những tính năng vượt trội, số lượng người tham gia các trang mạng xã hội ngày càng gia tăng. Chỉ tính riêng ở Việt Nam, năm 2019 số
lượng người sử dụng các trang mạng xã hội được sắp xếp từ cao đến thấp như sau:
Facebook, Zalo, Twitter, LinkedIn và Printerest(Hoàng Lâm, 2019). Trong luận văn, chúng tôi tiến hành khảo sát trên 04 mạng xã hội có số lượng người Việt Nam tham gia nhiều nhất là: Facebook, Zalo, Twitter và LinkedIn.
- Facebook là mạng xã hội được sáng lập bởi Mark Zuckerberg với mục đích cho sinh viên trường Đại học Havard sử dụng. Trong thời gian ngắn nó đã vượt ra khỏi phạm vi quốc gia và mang tính toàn cầu. Hơn thế nữa, Facebook là đại diện cho hầu hết tất cả các trang mạng xã hội với số lượng người sử dụng đông đảo nhất (Peters et al., 2013). Ứng dụng cho phép người sử dụng đăng tải những cảm nghĩ, hình ảnh, video… trên trang cá nhân khi người dùng đăng ký tài khoản. Người dùng có thể kết nối bạn bè, nhắn tin, thích, theo dõi, chia sẻ những thông tin, nội dung từ những trang web khác.
- Zalo là trang mạng xã hội được người Việt Nam tạo ra và được phát triển bởi Vinagame. Mặc dù được phát triển ở Việt Nam nhưng nó được tích hợp đầy đủ các tính năng cho người dùng trải nghiệm. Cũng như Facebook, Zalo cho phép người dùng có thể nhắn tin, gọi điện, trò chuyện cùng bạn bè một cách miễn phí ở bất cứ đâu. Hơn thế nữa, người dùng có thể đăng tải các dòng trạng thái kèm theo hình ảnh và một số tính năng mở rộng khác. Mặc dù ra đời vào năm 2012 nhưng cho đến nay, Zalo đã có một vị trí nhất định tại Việt Nam và một số nước trên thế giới cũng đã và đang sử dụng mạng xã hội này như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc1 …
- Twitter là một trong những mạng xã hội cho phép người dùng đăng tải một đoạn thông tin ngắn bằng văn bản và nó chỉ cho phép đăng tải tối đa 140 ký tự. Trong xu thế phát triển nhanh chóng của các việc mua sắm trực tuyến, Twitter còn cho phép người sử dụng để quảng bá kinh doanh một cách mạnh mẽ thông qua các Tweets.
Mặt khác, Twittter có thể được sử dụng cho các cuộc thảo luận mang tính chính trị.
- LinkedIn là một trong những trang mạng xã hội chuyên nghiệp (professional social networking sites) phổ biến nhất, được thiết kế để giúp mọi người tạo kết nối kinh doanh, chia sẻ kinh nghiệm, sơ yếu lý lịch của họ và tìm việc làm. Nó hoạt động
1 https://vi.wikipedia.org/wiki/Zalo, truy cập 08/04/2020
dựa trên các nguyên tắc kết nối bạn bè, đăng tải những trạng thái, chia sẻ, thích và nhắn tin cho người dùng khác. Sự khác biệt rõ nhất so với các mạng xã hội khác là LinkedIn kết nối người dùng với cộng đồng nghề nghiệp, đây là cơ hội cho những người muốn tìm kiếm việc làm. Hiện nay, LinkedIn cung cấp cho người dùng 02 loại tài khoản: miễn phí và trả phí. Tài khoản trả phí có thêm một số tính năng bổ sung như các lớp trực tuyến, cho phép người dùng biết được những người đã xem qua hồ sơ cá nhân và nhắn tin bất kỳ ai kể cả người đó chưa nằm trong danh sách kết nối bạn bè2.
b) Trang chia sẻ nội dung
Trang chia sẻ nội dung (Content sharing sites) là các website có thể lưu trữ và chia sẻ các nội dung đa phương tiện. Chúng cho phép người dùng có thể tạo và chia sẻ nhiều loại nội dung khác nhau như video, music, photo … (Anderson, 2007). Các trang chia sẻ nội dung được nhiều người biết đến như Youtube, Instagram, Flickr, Snapchat, Tiktok … Riêng ở Việt Nam, hai loại phổ biến nhất là Youtube, Instagram.
Trong luận văn, tác giả tiếp cận 04 loại sau: Youtube, Instagram, Flickr và Snapchat vì sự phổ biến của những loại hình này trên thế giới cũng như tại Việt Nam.
- Youtube là dịch vụ chia sẻ video thông qua môi trường Internet. Nó hoạt động chính thức vào năm 2005 và đạt gần 50 triệu người tham gia chỉ trong vòng 1 năm.
Nó cho phép người dùng xem, tải lên, xếp hạng, chia sẻ, nhận xét … Nó cung cấp nhiều loại video do những tổ chức hoặc cá nhân tạo ra thuộc nhiều thể loại khác nhau như video âm nhạc, chương trình Tivi, phim (phim ngắn, phim tài liệu, giới thiệu phim …), những đoạn video được phát trực tiếp.
- Instagram là một dịch vụ mạng xã hội chia sẻ hình ảnh và các đoạn video thuộc sở hữu của tập đoàn Facebook. Ứng dụng cho phép người dùng có thể tải hình ảnh hoặc video được tổ chức bằng các thẻ (tag) và thông tin vị trí. Bài viết được đăng trên Instagram có thể được chia sẻ công khai hoặc chỉ với những người trong danh sách bạn bè. Người dùng có thể xem nội dung của người dùng khác theo thẻ, vị trí và có thể thích ảnh, theo dõi những người dùng khác.
2 https://www.businessinsider.com/what-is-linkedin
- Flickr là một dịch vụ lưu trữ hình ảnh và video. Người dùng có thể xem hình ảnh và video trên trang Flickr khi không cần đăng ký. Đăng ký tài khoản, Flickr cho phép người dùng tạo một hồ sơ cá nhân để chứa hình ảnh và video do người dùng tải lên. Hơn nữa, ứng dụng còn cho phép thêm bạn bè vào danh sách liên hệ. Flickr cũng cung cấp 02 loại tài khoản: miễn phí và trả phí. Đối với tài khoản miễn phí chỉ cho phép lưu trữ tối đa 1000 ảnh và các video có độ dài không quá 03 phút. Những giới hạn này được loại bỏ trên tài khoản trả phí. Flickr cho phép người dùng có thể yêu thích, bình luận, theo dõi … những hình ảnh, video của những người dùng khác.
- Snapchat là một ứng dụng di động truyền thông xã hội cho phép người dùng gửi và nhận ảnh và video nhạy cảm với thời gian hết hạn khi xem (Stec, 2015). Số lượng người dùng Snapchat đã tăng đáng kể trong những năm gần đây vì khả năng ghi lại và phương thức thanh toán. Người dùng có thể giao tiếp với người khác thông qua hình ảnh, video. Đồng thời, một số tính năng như bộ lộc ảnh và video được Snapchat phát triển và bổ sung vào những năm gần đây. Ước tính gần đây cho thấy có hơn 100 triệu người dùng Snapchat trên toàn thế giới. Với khoảng một phần tư thanh niên (18 tuổi 29 tuổi) sử dụng Snapchat, nền tảng này được đánh giá là phổ biến thứ ba nền tảng truyền thông xã hội sau Facebook và Instagram (Duggan, 2013)