Chương 3: Một số biện pháp định hướng hành vi truyền thông xã hội của sinh viên một số trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh
3.2. Một số biện pháp định hướng hành vi truyền thông xã hội của sinh viên một số trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh
3.2.1. Tuyên truyền sâu rộng những quy định của Đảng và Nhà nước về việc đăng tải thông tin trên Internet cho sinh viên
Ngày nay, Internet đã và đang mang lại cho nhân loại những lợi ích không thể phủ nhận. Internet tăng cường khả năng giao lưu, trao đổi thông tin giữa mọi người với nhau, thúc đẩy xã hội phát triển. Vì thế, nhân loại trở nên gần nhau hơn thông qua các ứng dụng được xây dựng trên nền tảng Internet. Không những vậy, Internet còn là môi trường cung cấp, chia sẻ, trao đổi thông tin cho mọi người. Đây là kho tàng tri thức vô giá được tích lũy qua thời gian. Hầu hết các thông tin trong đời sống xã hội đều được cập nhật thường xuyên để đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân loại.
Nó đang trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống xã hội. Internet tác động trực tiếp lên nhận thức và thay đổi hành vi của người sử dụng. Từ đó, Internet tác động đến sự phát triển của xã hội. Với vai trò thiết yếu, Internet ngày càng được ứng dụng rộng rãi ở nhiều lĩnh vực, quốc gia.
Internet là môi trường thông tin mở, cho phép người sử dụng tự do tìm kiếm và sử dụng thông tin. Phụ thuộc vào nhận thức, động cơ và mục đích sử dụng của mỗi cá nhân mà thông tin đăng tải trên Internet sẽ mang lại giá trị tích cực, tiêu cực. Bên cạnh những thông tin tích cực, trên Internet cũng tồn tại những thông tin sai trái, không đúng sự thật. Do vậy, nhận thức đúng về tính hai mặt của các thông tin trên Internet là cơ sở để xây dựng những giải pháp quản lý thông tin phù hợp.
Hầu hết, các quốc gia trên thế giới đã xây dựng cơ chế, chính sách nhằm bảo đảm thông tin trên mạng Internet. Tuy nhiên, Việt Nam xây dựng cơ chế và chính sách bảo đảm an ninh mạng chậm hơn so với các nước khác. Sau nhiều lần chỉnh sửa, Luật an ninh mạng được Quốc hội thông qua vào ngày 12/06/2018 và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2019. Sau khi ra đời, nhiều cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đã tổ chức tuyên truyền Luật an ninh mạng trong quần chúng nhân dân nhằm nâng cao mức độ nhận thức của họ về luật này bằng nhiều hình thức và các kênh tuyên truyền khác nhau.
Nâng cao nhận thức của công dân về một luật cụ thể được nhiều nhà khoa học trên thế giới quan tâm và nghiên cứu. Tuy nhiên, nhìn chung họ đều cho rằng việc tuyên truyền cần được chú trọng và thực hiện thường xuyên, đồng bộ và bằng nhiều phương pháp khác nhau.
Trước tiên, nội dung tuyên truyền các văn bản, quy định của Đảng và Nhà nước về những quy định trong việc đăng tải thông tin trên Internet phải được xây dựng cụ thể và đảm bảo nội dung, thông tin. Đây là kim chỉ nam cho các hoạt động tuyên truyền. Hiện nay, nội dung các chiến dịch nâng cao nhận thức tại Việt Nam vẫn còn khá chung chung, mang tính rập khuôn chưa có sự đột phá về mặt ý tưởng, cung cấp những thông tin chưa phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của công chúng. Cho nên mức độ tương tác của công chúng với những nội dung của chiến dịch chưa cao (Vũ Hạnh Ngân, 2016). Vì vậy, nội dung tuyên truyền hiện nay cần phải được xây dựng dựa trên những quy luật tâm lý của người tiếp nhận. Nội dung tuyên truyền cho SV cần mang tính đặc thù, khơi dậy tính tò mò, hứng thú của họ. Từ đó, họ chủ động tìm hiểu những vấn đề liên quan đến những quy định này.
Thứ hai, hình thức tuyên truyền cũng phải đa dạng hóa không chỉ gói gọn dưới hình thức văn bản mà còn là hình ảnh, video clip… Mặt khác, vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng cần được chú trọng và phát huy vì đây là cơ quan ngôn luận chính thống của Đảng và Nhà nước. Do đó, tuyên truyền bằng hình thức này sẽ mang lại hiệu quả nhất định trong việc nâng cao nhận thức về các quy định, chính sách của Đảng và Nhà nước về đảm bảo an toàn thông tin cho người dân nói chung và SV nói riêng. Hơn nữa, tuyên truyền, vận động bằng hình thức báo cáo chuyên đề, cuộc thi trắc nghiệm tìm hiểu các quy định, chính sách của Đảng và Nhà nước về quy định an toàn thông tin, tổ chức gameshow… cũng cần được chú trọng. Qua đó, nội dung và hình thức tuyên truyền sẽ phong phú và đa dạng, cơ hội đáp ứng nhu cầu của công chúng càng cao. Không những vậy, TTXH là loại hình mà SV dễ dàng tiếp cận và sử dụng. Do đó, sử dụng TTXH làm kênh truyền thông tuyên truyền luật, các cơ chế, chính sách sẽ rất hữu hiệu. Qua đó cho thấy phương thức truyền thông không chỉ gói gọn trong những phương thức truyền thống mà còn mở rộng với nhiều loại hình truyền thông hiện đại. Vai trò của mỗi loại hình sẽ được phát huy tối đa.
Cuối cùng, nội dung và hình thức tuyên truyền chú trọng đến thái độ của công chúng, đặc biệt là SV. Bởi lẽ, ngày nay truyền thông “cảm xúc” đang thể hiện vai trò rất tốt trong việc nâng cao nhận thức của công chúng. Do đó, các chiến dịch truyền thông, tuyên truyền chú trọng đến ý tưởng, cung bậc của cảm xúc để chiếm được cảm tình của SV trong các chiến lược tuyên truyền (Vũ Hạnh Ngân, 2016).
Tóm lại, việc tuyên truyền các văn bản, quy định của Đảng và Nhà nước về đảm bảo an toàn thông tin trên mạng là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên phải có sự phối hợp và thực hiện đồng bộ thông qua nhiều hình thức khác nhau. Không những vậy, các chiến lược tuyên truyền, truyền thông không chỉ chú trọng đến nhận thức mà còn chú ý đến thái độ của SV. Trên cơ sở đó, mức độ hứng thú, nhu cầu tìm hiểu của họ sẽ được gia tăng.
3.2.2. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về truyền thông và TTXH
TTXH ngày càng được hoàn thiện với những chức năng, cải tiến mới phù hợp với nhu cầu của người sử dụng kéo theo số lượng người tham gia ngày càng đông
đảo. Tuy nhiên, hệ lụy từ việc sử dụng TTXH cũng ngày càng gia tăng. Do đó, việc quản lý thông tin trên TTXH là điều cần thiết và phải thực hiện nhanh chóng. Vì vậy, để quản lý thông tin trên TTXH cần phải thực hiện trên ba phương diện: cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và hành lang pháp lý.
Trước tiên, hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật. Một hệ thống để vận hành Internet cần có đường truyền, máy chủ và trạm trung chuyển. Hiện nay, các nhà cung cấp mạng Việt Nam không ngừng nâng cấp chất lượng dịch vụ với việc mở rộng băng thông, đường truyền ổn định và có sự quản lý chặt chẽ trong việc sử dụng.
Với những lợi thế như vậy, người dùng dễ dàng tiếp cận các thông tin trên Internet.
Do đó, để việc quản lý của Nhà nước về truyền thông và TTXH đạt hiệu quả cao, quản lý cơ sở vật chất cần được thực hiện ở những bước đầu tiên bởi vì đây là tiền đề để nâng cao chất lượng Internet (Trần Hữu Luyến et al., 2015).
Thứ hai, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đi đôi với cơ sở vật chất là nguồn nhân lực phải có trình độ tương xướng để vận hành, quản lý. Những người làm trong lĩnh vực này cần được đào tạo bài bản phù hợp với vị trí việc làm, tính chất công việc (Trần Hữu Luyến et al., 2015). Do đó, các cơ quan chức năng cần chủ động tham mưu đề xuất đào tạo nguồn nhân lực có trình độ và tay nghề trong việc vận hành, quản lý Internet nói chung, TTXH nói riêng. Bên cạnh đó, Nhà nước cần quan tâm đầu tư nguồn lực hỗ trợ, quản lý các nội dung được đăng tải trên Internet, nhất là các phương tiện TTXH. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ Internet quản lý thông tin đăng tải đúng quy định của pháp luật. Ngoài việc đào tạo tay nghề, đội ngũ này cần được đào tạo, bồi dưỡng năng lực xử lý, ứng biến với các sự cố trên Internet. Tuy nhiên, Nhà nước cần phải xây dựng chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút lực lượng có trình độ chuyên môn cao (Nguyễn Thị Lan Hương, 2019).
Cuối cùng, cần xây dựng một hành lang pháp lý đầy đủ. Sau hơn 01 năm kể từ ngày Luật an ninh mạng có hiệu lực nhưng Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành vẫn chưa được ban hành. Tuy nhiên, ngày 03/02/2020, chính phủ ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/04/2020) được đánh giá là có quy định rõ hơn, mạnh mẽ
hơn và phạt nặng hơn so với Nghị định số 174/2013/NĐ-CP trước đây. Nghị định này khi được kết hợp với Luật an ninh mạng đã tạo ra hành lang pháp lý chống những hành vi vi phạm, có hại trên không gian mạng chung của cộng đồng. Cụ thể Điều 101 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP có quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội. Theo đó, người vi phạm có thể bị phạt tiền 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân... Phạt tiền 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Không chỉ phải đối mặt với các mức phạt vi phạm hành chính theo các nghị định, người lợi dụng mạng xã hội để tung tin đồn thất thiệt, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây bất an trong dư luận ở mức độ nặng có thể bị xử lý theo Bộ luật Hình sự với mức án từ 6 tháng tới 7 năm tù.
Nhìn chung, Việt Nam đã có hành lang pháp lý để quản lý việc sử dụng Internet và thông tin trên TTXH. Tuy nhiên, với sự biến đổi không ngừng của ngành CNTT nên một số quy định, chính sách, chiến lược hiện hành trở nên bất cập. Nhiều vấn đề mới xuất hiện đặt ra các yêu cầu mới trong công tác quản lý và điều hành. Do đó, Chính phủ cần phải điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách trong việc quản lý thông tin trên Internet. Trong đó, khung pháp lý cần có tính răn đe, xử lý nghiêm minh những hành vi gây hoang mang dư luận hoặc ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân. Để đạt được mục tiêu, Chính phủ cần hoàn thiện các quy định về quản lý các hoạt động trên TTXH nói riêng, trên các phương tiện truyền thông nói chung. Hiện nay, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật an ninh mạng để hành lang pháp lý đầy đủ và phù hợp với tình hình mới. Đây là nhóm giải pháp cấp thiết nhằm hạn chế các thông tin tiêu cực, đang xu hướng lan truyền nhanh chóng trên TTXH gây ảnh hưởng tiêu cực tới nhận thức và hành vi của một bộ phận TN, SV. Không những vậy, đây còn là cơ sở để nâng cao hiểu biết pháp luật cho thanh niên về không gian mạng nói chung, TTXH nói riêng (Nguyễn Thị Lan Hương, 2019).
Bên cạnh khung pháp lý, bộ quy tắc chung về việc ứng xử trên Internet cũng cần được xây dựng và ban hành. Đây là tiền đề để tiến tới xây dựng văn minh trên cộng đồng mạng. Bộ quy tắc ứng xử được xây dựng dựa trên các quy tắc đạo đức xã hội, phong tục tập quán của Việt Nam; phù hợp đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác quản lý thông tin trên truyền thông nói chung. Khuyến khích các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể là các đơn vị tiên phong xây dựng. Trên cơ sở đó, bộ quy tắc ứng xử chung sẽ chắt lọc và hoàn thiện sao cho phù hợp. Mặt khác, nhà trường xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên TTXH. Bộ quy tắc này cần được xây dựng dựa trên nhiều yếu tố khác nhau nhưng đảm bảo tính khách quan, khoa học và dễ dàng thực hiện. Hiện nay một số đơn vị đã và đang xây dựng và áp dụng bộ quy tắc ứng xử của giáo viên, học sinh. Cụ thể Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long đã đưa nội dung này vào nội quy của học sinh và bộ quy tắc ứng xử của giáo viên và học sinh. Bên cạnh đó, trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cũng đã đưa quy tắc sử dụng MXH trong nội quy nhà trường dành cho học sinh (Nguyễn Thị Lan Hương, 2019, tr.275). Mặc dù có nhiều vấn đề xung quanh về việc áp dụng bộ quy tắc ứng xử trong việc sử dụng TTXH, nhưng trên thực tế bộ quy tắc này rất cần thiết cho việc giáo dục, định hướng cho người sử dụng TTXH hướng đến văn minh trên cộng đồng mạng nhằm phát huy những giá trị tích cực của TTXH và tránh những biểu hiện lệch lạc, hậu quả mà chúng mang lại cho người SV.
Qua đó cho thấy rằng, hoàn thiện cơ chế pháp lý hiện nay là điều cần phải thực hiện nghiêm túc và đồng bộ. Việc hoàn thiện các văn bản, quy định còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan. Tuy nhiên, việc ban hành càng sớm sẽ tạo dựng hành lang pháp lý đầy đủ và cơ sở để bảo vệ người dân nói chung và SV nói riêng trước những thông tin tiêu cực, hành vi chống đối xã hội, lừa đảo v.v.