Chương 3: Một số biện pháp định hướng hành vi truyền thông xã hội của sinh viên một số trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh
3.2. Một số biện pháp định hướng hành vi truyền thông xã hội của sinh viên một số trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh
3.2.4. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng, nhà trường, gia đình và xã hội
Giáo dục là một hoạt động mang bản chất xã hội, là một trong những chất kết dính cộng đồng và là động lực phát triển kinh tế, xã hội. Mục tiêu giáo dục toàn diện cho SV không chỉ được tổ chức trong khuôn khổ nhà trường mà cần có sự phối hợp của các bên. Trong việc định hướng hành vi TTXH của SV cũng không ngoại lệ, sự phối hợp giữa các đơn vị cần phải phát huy. Do đó, cơ chế phối hợp cần phải được thực hiện một cách đồng bộ, khoa học và lâu dài.
a) Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác phối hợp trong việc định hướng hành vi TTXH của SV.
Mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác việc định hướng hành vi TTXH của SV, trong đó nhà trường giữ vai trò chủ đạo. Không những vậy, việc phối hợp này phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Bên cạnh gia đình, nhà trường và xã hội, các cơ quan, tổ chức quản lý các hoạt động an toàn thông tin cũng tham gia vào quá trình định hướng hành vi TTXH của SV. Để đạt được mục tiêu này, các đơn vị, tổ chức, cá nhân cần xác định rõ vai trò của mình trong việc phối hợp. Từ đó, cơ chế phối hợp cần phải được xây dựng dựa trên những nguyên tắc của Đảng và Nhà nước.
b) Xác định và phát huy vai trò của từng đơn vị trong việc định hướng hành vi TTXH của SV.
Trước tiên, vai trò của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác quản lý thông tin trên Internet và TTXH là hết sức quan trọng. Bởi phương tiện truyền thông không ngừng biến đổi, vì vậy, để công tác quản lý đạt hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị có liên quan. Ban ngành, Đoàn thể xây dựng cơ chế, chính sách để định hướng các hoạt động trên TTXH nói riêng, trên Internet nói chung. Không chỉ dừng lại ở đó, Chính phủ cần phải phối hợp các đơn vị cung cấp dịch vụ TTXH để quản lý, ngăn chặn và xử lý những mối nguy hại từ chúng.
Thứ hai, vai trò của nhà trường cần phải được phát huy. Trường đại học không chỉ chú trọng đến việc phát triển kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho SV mà các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh cũng cần được quan tâm. Đây không chỉ là các hoạt động trải nghiệm, lĩnh hội kiến thức, giao lưu của SV… mà còn là phương thức hữu hiệu để tránh lạm dụng TTXH. Bên cạnh việc tuyên truyền các quy định của Nhà nước, nhà trường cần tổ chức các hoạt động tìm hiểu TTXH, văn hóa ứng xử khi sử dụng TTXH cho SV. Dựa trên những hiểu biết về TTXH, SV sẽ có cơ sở để lựa chọn và sử dụng chúng một cách hợp lý và đúng mục đích. Hơn nữa, văn hóa ứng xử trên TTXH là nền tảng xây dựng văn minh cộng đồng mạng. Để các buổi chuyên đề thu hút được sinh viên và đạt hiệu quả, đội ngũ báo cáo viên và hình thức truyền tải cần phải chú trọng. Vì đây là một trong những yếu tố tạo hứng thú tham gia của SV. Trên thực tiễn, một số trường cũng đã tổ chức các buổi báo cáo chuyên đề về sử dụng TTXH cho SV. Tuy nhiên, các buổi báo cáo chỉ mang tính chất tự phát, chưa có sự
đồng bộ hoặc quan tâm đúng mức từ lãnh đạo nhà trường. Do đó, để công tác ngày càng hiệu quả, cần có sự phối hợp giữa các trường tổ chức nhiều chuyên đề phù hợp, thiết thực cho SV.
Thứ ba, nâng cao vai trò của các tổ chức Đoàn thể, Câu lạc bộ. Đoàn Thanh niên – Hội sinh viên là đơn vị tham mưu và tổ chức các hoạt động bổ ích cho SV. Do đó, cán bộ Đoàn – Hội là lực lượng nòng cốt nhà tường cần phải quan tâm. Nhà tường thường xuyên cập nhật, trang bị kiến thức cơ bản cho cán bộ Đoàn – hội làm công tác thanh niên. Cần chú trọng nâng cao năng lực cán bộ Đoàn – Hội trong công tác giáo dục, tuyên truyền trên nhiều phương diện khác nhau như trình độ lý luận chính trị, kiến thức về TTXH, kỹ năng cần thiết trong việc sử dụng TTXH. Hơn nữa, họ cần chủ động trong việc nắm bắt nhu cầu, xu hướng của SV trong việc sử dụng TTXH. Đồng thời, phương pháp giảng dạy, giáo dục, tuyên truyền cần được thay đổi và cập nhật phù hợp theo thị hiếu của người học, đặc biệt là SV. Không những vậy, với vai trò lãnh đạo, các cán bộ Đoàn – Hội cần định hướng cho đoàn viên, thanh niên khi tham gia và sử dụng TTXH. Đặc biệt là theo dõi và có những biện pháp giáo dục phù hợp với những đối tượng có biểu hiện vi phạm pháp luật trong việc đăng tải thông tin. Không chỉ chú trọng vào vai trò của Cán bộ Đoàn – Hội, những Đoàn viên – Thanh niên cũng là lực lượng cũng cần được quan tâm đúng mực. Bởi lẽ đây là lực lượng hỗ trợ các cán bộ Đoàn – Hội thực hiện các nhiệm vụ và thực thi chương trình.
Họ còn là đối tượng gần gũi, giúp đỡ thanh niên trong việc sử dụng TTXH đúng pháp luật. Do đó, họ cũng cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng để có thể nhận diện, phân tích, đánh giá vấn đề, thông tin được đăng tải trên TTXH.
Thứ tư, tăng cường sự định hướng, giám sát của gia đình trong việc sử dụng TTXH. Bên cạnh nhà trường, gia đình là một trong những thành tố của giáo dục. Họ không chỉ giúp nhà trường giám sát, điều chỉnh những hành vi không phù hợp của SV mà còn khuyến khích, động viên họ thể hiện vai trò của mình trong các hoạt động từ học tập đến nhiệm vụ chính trị, xã hội. Do đó, để việc định hướng hành vi TTXH của SV đạt hiệu quả cao, không thể bỏ qua thành tố quan trọng này.