Chương 2. Thực trạng hành vi truyền thông xã hội của sinh viên một số trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh
2.1. Tổ chức và phương pháp nghiên cứu thực trạng hành vi truyền thông xã hội của sinh viên một số trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh
2.1.2. Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình nghiên cứu, luận văn đã phối hợp nhiều phương pháp khác nhau và phương pháp khảo sát điều tra bằng bảng hỏi là phương pháp chủ yếu, phương pháp phỏng vấn sẽ là phương pháp bổ trợ.
a) Phương pháp khảo sát điều tra bằng bảng hỏi
Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi là phương pháp chủ yếu mà chúng tôi sử dụng để nghiên cứu. Bảng hỏi được thiết kế theo các bước sau:
- Bước 1: Thiết kế bảng hỏi thử nghiệm
Trên cơ sở xây dựng khung lý thuyết của luận văn và phiếu thăm dò ý kiến sinh viên, bảng hỏi thử nghiệm được thiết kế.
- Bước 2: Phát bảng hỏi thử nghiệm
Bảng hỏi thử nghiệm được khảo sát trên sinh viên tại trường ĐH Sài Gòn thuộc hai nhóm ngành: khoa học xã hội (Quốc tế học, Việt Nam học) và nhóm ngành Kỹ thuật (Công nghệ thông tin, Kỹ thuật Điện tử Viễn thông và Công nghệ kỹ thuật Điện - Điện tử). Tổng số phiếu phát ra: 100 phiếu, mỗi nhóm ngành 50 phiếu. Tổng số phiếu thu về: 69 phiếu, cụ thể:
Bảng 2. 1. Kết quả thu hồi phiếu hỏi thử nghiệm phân theo ngành
STT Ngành Số
lượng Tỉ lệ % Ghi chú
1 Quốc tế học 21 30,4
2 Việt Nam học 20 29,0
3 Công nghệ thông tin 14 20,3
4 Công nghệ Kỹ thuật Điện, Điện tử 9 13,1
5 Kỹ thuật Điện, Điện tử 5 7,2
Tổng cộng: 69 100,0
- Bước 3: Hoàn thiện bảng hỏi
Dựa trên kết quả khảo sát của phiếu hỏi thử nghiệm và một số đề xuất của sinh viên, phiếu hỏi chính thức được điều chỉnh và hoàn thiện. Đề xuất chủ yếu của sinh viên về việc thay đổi cấu trúc của phiếu hỏi để việc khảo sát được thuận lợi hơn. Việc điều chỉnh cụ thể như sau:
Trước tiên, nhóm câu hỏi về nhận thức của SV về TTXH được thiết kế ở phần đầu của bảng hỏi được điều chỉnh sang vị trí thích hợp hơn. Với các câu hỏi quá dài gây ra tâm lí buồn chán, không thoải mái cho sinh viên khi thực hiện khảo sát, vì vậy tỉ lệ thu hồi phiếu chưa cao. Thứ hai, bảng hỏi cũng thiết kế một số câu trả lời “ý kiến khác”, dạng câu hỏi mở để tìm hiểu các câu trả lời mà chúng tôi chưa thể bao quát hết. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã tái cấu trúc bảng hỏi nhằm phù hợp với mục tiêu nghiên cứu và thu được kết quả khảo sát khách quan nhất.
- Bước 4: Phát phiếu hỏi chính thức và thu thập dữ liệu
Sau khi hoàn thiện bảng hỏi, chúng tôi đã thực hiện khảo sát trên sinh viên một số trường Đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Nội dung của bảng hỏi:
Bảng hỏi được thiết kế thành hai phần. Phần thứ nhất chủ yếu thu thập thông tin của khách thể nghiên cứu: Trường, giới tính, ngành học, tình trạng nhà ở và tình trạng việc làm của sinh viên. Phần thứ hai được xây dựng với 18 câu hỏi nhằm làm rõ các nhiệm vụ nghiên cứu của luận văn, cụ thể:
Câu 1, 2, 3, 4, 5, 6: tìm hiểu mức độ thường xuyên truy cập TTXH của sinh viên, nguồn mà sinh viên biết đến các loại hình TTXH, thiết bị sử dụng truy cập TTXH, thời gian, thời điểm và địa điểm mà sinh viên sử dụng TTXH.
Câu 7: tìm hiểu mục đích sử dụng TTXH của sinh viên.
Câu 8: tìm hiểu các hoạt động mà sinh viên thường xuyên tham gia.
Câu 9, 10, 11, 12: tìm hiểu các hoạt động cụ thể và động cơ của sinh viên khi thực hiện các hành vi cụ thể (post, comment, share và like).
Câu 13: tìm hiểu loại hình truyền thông nào đáp ứng nhu cầu của sinh viên.
Câu 14, 15: tìm hiểu nhận thức của sinh viên về TTXH.
Câu 16: tìm hiểu thái độ của sinh viên khi sử dụng TTXH.
Câu 17: tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi TTXH của sinh viên.
Câu 18: tìm hiểu mức độ cần thiết và tính khả thi những biện pháp định hướng hành vi TTXH của sinh viên.
Cách tính điểm:
Câu 1, 3, 5, 6, 8, 9 được thiết kế bằng thang đo Likert 5 mức độ và được quy điểm như sau tương ứng từ 1 đến 5 như sau: 1: Không bao giờ, 2: Hiếm khi, 3: Thỉnh thoảng, 4: Thường xuyên, 5: Rất thường xuyên.
Câu 2, 7, 10, 11, 12 và 13: được thiết kế theo dạng câu hỏi nhiều lựa chọn. Kết quả sẽ được bình luận dựa trên số lượt chọn của sinh viên thông qua tỉ lệ %.
Câu 4, 18 được thiết kế theo dạng câu hỏi một lựa chọn, kết quả sẽ được bình luận theo tỉ lệ % số lượt chọn của sinh viên.
Câu 14, 15, 16 thiết kế bằng thang đo Likert 5 mức độ và quy đổi điểm tương ứng như sau: 1: Rất không đồng ý, 2: Không đồng ý, 3: Phân vân, 4: Đồng ý, 5: Rất đồng ý.
Câu 17: thiết kế bằng thang đo Likert 5 mức độ và quy đổi điểm tương ứng như sau: 1: Rất không ảnh hưởng, 2: Không ảnh hưởng, 3: Trung bình, 4: Ảnh hưởng, 5:
Rất ảnh hưởng.
Câu 18: thiết kế bằng thang do Likert 3 mức độ và quy đổi điểm tương ứng như sau: 1: Không cần thiết, không khả thi; 2: cần thiết, khả thi; 3: rất cần thiết, rất khả thi.
Cách quy đổi điểm:
Đối với những câu hỏi được thiết kế theo thang đo Likert, chúng tôi tiến hành chia khoảng, xác định độ lớn để làm căn cứ xác định mức độ. Việc chia khoảng được phân ra làm 02 nhóm: nhóm A các câu hỏi được thiết kế với 5 mức độ, nhóm B các câu hỏi thiết kế với 3 mức độ.
Độ lớn của khoảng được tính như sau:
Độ lớn khoảng = điểm lớn nhất − điểm nhỏ nhất
số khoảng (2.1)
Từ công thức (2.1), độ lớn khoảng nhóm A = 0,8 và bảng quy đổi điểm nhóm A được tổng hợp như sau (Bảng 2.2):
Bảng 2. 2.Bảng quy đổi điểm nhóm A
Điểm TB Mức độ
Câu 1, 3, 5, 6, 8, 9 Câu 14, 15, 16 Câu 17
1,00 – 1,80 Không bao giờ Rất thấp Rất không ảnh hưởng
1,81 – 2,60 Hiếm khi Thấp Không ảnh hưởng
2,61 – 3,40 Thỉnh thoảng Trung bình Trung bình
3,41 – 4,20 Thường xuyên Cao Ảnh hưởng
4,21 – 5,00 Rất thường xuyên Rất cao Rất ảnh hưởng Tương tự, từ công thức (2.1), độ lớn khoảng nhóm B ≅ 0,66 và bảng quy đổi điểm nhóm B được biểu diễn như sau (Bảng 2.3):
Bảng 2. 3. Bảng quy đổi điểm nhóm B
Điểm TB Mức độ
Câu 18
1,00 – 1,66 Không cần thiết, không khả thi 1,67 – 2,32 Cần thiết, khả thi
2,33 – 3,00 Rất cần thiết, Rất khả thi
Căn cứ vào điểm trung bình của các câu hỏi mà kết quả sẽ được bình luận, diễn giải cụ thể.
b) Phương pháp phỏng vấn
Phương pháp phỏng vấn nhằm điều tra sâu về những trường hợp điển hình và tìm ra một số vấn đề mà bảng hỏi chưa thể chuyển tải hết nội dung. Phương pháp được thực hiện thông qua các bước sau:
- Liên hệ với sinh viên tham gia phỏng vấn
- Nêu lý do, mục đích và nguyên tắc bảo mật thông tin và xin sự đồng thuận phỏng vấn của khách thể
- Tiến hành phỏng vấn và ghi chép kết quả phỏng vấn - Phân tích kết quả phỏng vấn
c) Phương pháp Toán thống kê
Để xử lý số liệu, luận văn sử dụng phần mềm SPSS phiên bản (version) 16.0 và Microsoft Excel (office 365) để đảm bảo yêu cầu phân tích dữ liệu định lượng.
Phương pháp này được sử dụng nhằm để xử lý số liệu thu được từ bảng hỏi và phân tích chúng dựa trên mục tiêu khảo sát, nhiệm vụ nghiên cứu của luận văn. Kết quả sau khi xử lý sẽ được trình bày dưới dạng các bảng hoặc biểu đồ.
Qua đó cho thấy luận văn đã tiếp cận và đồng bộ giữa các phương pháp nghiên cứu trên nguyên tắc đảm bảo khách quan của dữ liệu, và có sự kết hợp hài hòa giữa phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng. Các phương pháp có sự bổ trợ lẫn nhau để độ tin cậy của dữ liệu đạt tính khách quan nhất.