CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIẢNG DẠY CỦA GIẢNG VIÊN TẠI TRƯỜNG CAO ĐẲNG
1.4. Quản lý hoạt động giảng dạy của giảng viên tại trường cao đẳng
1.4.2. Quản lý giai đoạn chuẩn bị giảng dạy của giảng viên
Công tác chuẩn bị giảng dạy của GV là rất cần thiết và đóng vai trò quyết định chất lượng giảng dạy môn học của GV (Lê Chi Lan & Đỗ Đình Thái, 2017). Do đó, quản lý việc chuẩn bị giảng dạy của GV đóng vai trò quan trọng trong quản lý hoạt động giảng dạy. QL việc chuẩn bị của GV đối với HĐGD bao gồm:
1.4.2.1. Công tác xây dựng kế hoạch
Lập kế hoạch là chức năng cơ bản và có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động quản lý. Lập kế hoạch là “thiết kế các bước đi cho hoạt động tương lai để đạt được những mục tiêu xác định thông qua việc sử dụng tối ưu những nguồn lực đã có và sẽ khai thác”
(Trần Kiểm, 2016, tr.47). Để công tác chuẩn bị giảng dạy của GV được diễn ra thuận lợi, khâu lập kế hoạch là bước quan trọng nhất. CBQL cần lập kế hoạch cụ thể và chi tiết cho việc GV chuẩn bị giảng dạy của GV gồm chuẩn bị đề cương môn học và tài liệu, phương tiện giảng dạy. Kế hoạch cần xác định rõ mục tiêu, nội dung cho công tác chuẩn bị giảng dạy của GV. Kế hoạch cũng cần xác định rõ các điều kiện, yếu tố hỗ trợ cho công tác chuẩn bị đề cương chi tiết môn học, tài liệu, phương tiện giảng dạy.
Để QL khâu chuẩn bị của GV cho HĐGD, lãnh đạo trường CĐ cần thực hiện:
- Lập kế hoạch để GV toàn trường chuẩn bị tốt đề cương môn học:
Căn cứ theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc xây dựng đề cương môn học và các văn bản của nhà trường cùng với tiến độ thực hiện năm học, học kỳ của nhà trường, CBQL xây dựng kế hoạch chi tiết về tiến độ chuẩn bị và phê duyệt đề cương môn học cho GV và trưởng khoa.
Để GV có thể chuẩn bị đề cương môn học phù hợp, đảm bảo chất lượng, CBQL cần phải hướng dẫn các quy định, yêu cầu trong việc chuẩn bị đề cương môn học và tài liệu, phương tiện giảng dạy cho GV. Bên cạnh đó, CBQL cần xác định rõ và phổ biến
29 cho GV mục tiêu, chương trình dạy học nói chung, mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức của từng môn học nói riêng, mục tiêu cụ thể của từng chương, bài (Nguyễn Thị Thanh Nga, 2007, Phạm Thị Thanh Dung, 2021). Đề cương môn học được soạn theo theo quy định của Thông tư 03/2017/TT-BLĐXH phải đáp ứng đầy đủ các nội dung: thông tin về GV, thông tin chung về môn học, mục tiêu của môn học, tóm tắt nội dung môn học, nội dung chi tiết môn học, học liệu, hình thức tổ chức dạy học, chính sách đối với môn học và phương pháp, hình thức kiểm tra – đánh giá kết quả học tập môn học (BLĐTBXH, 2017).
- Lập kế hoạch để GV toàn trường chuẩn bị tốt tài liệu và phương tiện giảng dạy:
CBQL cũng cần lập kế hoạch cho việc GV chuẩn bị tài liệu, phương tiện giảng dạy. Dựa trên nội dung môn học, cách thức tổ chức, phương pháp giảng dạy của từng môn học, CBQL có thể xác định nhu cầu về tài liệu và phương tiện giảng dạy cần thiết cho mỗi môn học. Kế hoạch cần đặt ra thời gian và quy trình để cập nhật tài liệu, và quản lý phương tiện giảng dạy.
1.4.2.2. Công tác tổ chức
Sau khi lập kế hoạch, CBQL nhà trường phải tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch hoạt động. Theo Trần Khánh Đức (2014) tổ chức là “quá trình tạo lập các thành phần, cấu trúc, các quan hệ giữa các thành viên, giữa các bộ phận trong một tổ chức nhằm làm cho họ thực hiện thành công các kế hoạch và đạt được mục tiêu tổng thể của tổ chức” (tr.333). Với ý nghĩa là một chức năng của quản lý, chức năng tổ chức là chức năng thứ hai trong quá trình quản lý đóng vai trò hiện thực hóa các mục tiêu của tổ chức (Phạm Hoàng Đức Linh, 2016).
Để QL việc GV chuẩn bị HĐGD, công tác tổ chức của lãnh đạo trường bao gồm:
- Phân cấp QL cụ thể đối với đề cương môn học của GV:
Về công tác tổ chức, việc chuẩn bị đề cương môn học của GV được phân công rõ ràng cho các khoa, phòng. Theo đó, Trưởng khoa có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn GV trong khoa xác định mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy và thi của từng môn học đảm bảo đáp ứng mục tiêu của chương trình đào tạo. Trưởng khoa có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn các quy định, yêu cầu trong việc soạn thảo đề cương môn học cho GV nắm rõ; quy định mẫu biểu và chất lượng đối với từng loại đề cương
30 môn học; Trưởng khoa có trách nhiệm kiểm tra, phê duyệt đề cương môn học của GV.
Phòng Đào tạo và Phòng Khảo thí và Bảo đảm chất lượng có trách nhiệm lên tiến độ soạn thảo và phê duyệt đề cương môn học của học kỳ, năm học, thẩm định đề cương môn học; xây dựng các quy định, yêu cầu về biên soạn đề cương môn học đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và phổ biến cho các trưởng khoa và GV thực hiện; tổ chức, đảm bảo các nguồn lực về thời gian, cơ sở vật chất để GV thực hiện việc chuẩn bị đề cương môn học. Phòng Đào tạo chịu trách nhiệm trong công tác lưu trữ đề cương môn học. GV là người trực tiếp soạn thảo đề cương môn học.
GV cần phải tìm hiểu kỹ đối tượng người học trong lớp học được phân công giảng dạy để xây dựng lịch trình, kế hoạch bài giảng, nội dung bài giảng và phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp với đối tượng người học để mang lại hiệu quả cao nhất.
- Phân cấp QL cụ thể đối với việc GV chuẩn bị tài liệu và phương tiện giảng dạy:
Lãnh đạo nhà trường phân cấp QL về các khoa. Trưởng khoa, trưởng bộ môn có trách nhiệm QL việc GV sử dụng giáo trình chính và các tài liệu khác của môn học. Dựa vào đề cương môn học, GV chuẩn bị tài liệu, phương tiện giảng dạy. Trên cơ sở các điều kiện sẵn có về phương tiện giảng dạy, GV chuẩn bị chu đáo phương tiện giảng dạy cho lớp học của mình. CBQL chỉ đạo, theo dõi, kịp thời đề xuất với cấp trên để tạo điều kiện về giáo trình, tài liệu, cơ sở vật chất, phương tiện giảng dạy cho GV (Nguyễn Thị Thanh Nga, 2007, Phạm Thị Thanh Dung, 2021).
1.4.2.3. Công tác chỉ đạo
Công tác chỉ đạo được thực hiện cụ thể qua các cuộc họp, văn bản về việc chuẩn bị đề cương môn học, tài liệu và phương tiện giảng dạy:
- Chỉ đạo về việc GV chuẩn bị đề cương chi tiết môn học:
CBQL cần phổ biến hoặc tập huấn cho GV nắm rõ các yêu cầu về đề cương môn học như: nhận diện bài dạy là lý thuyết hay bài dạy kỹ năng, viết mục tiêu bài dạy, thiết kế nội dung, phương pháp giảng dạy, phương tiện, hình thức tổ chức cụ thể cho từng dạng bài (Hà Thị Ngọc Thương, 2012).
31
- Chỉ đạo về việc GV chuẩn bị tài liệu và phương tiện giảng dạy:
CBQL hướng dẫn, tư vấn và hỗ trợ GV trong quá trình chuẩn bị tài liệu và phương tiện giảng dạy. Bên cạnh đó, CBQL tạo động lực, giải quyết khó khăn, đồng thời cung cấp phản hồi kịp thời và hữu ích để GV có thể cải thiện chất lượng hoạt động giảng dạy thông qua việc soạn thảo đề cương môn học và chuẩn bị tài liệu, phương tiện giảng dạy phù hợp cho nội dung giảng dạy. CBQL cũng cần phải tạo điều kiện cho phép GV được sử dụng trang thiết bị dạy học và vận hành thử trang thiết bị trước khi lên lớp nhằm giúp cho GV có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhất về tài liệu và phương tiện giảng dạy.
1.4.2.4. Công tác kiểm tra
Công tác kiểm tra việc GV chuẩn bị cho hoạt động giảng dạy cũng cần được thực hiện nghiêm túc và thường xuyên. Việc kiểm tra cần được thực hiện định kỳ hoặc đột xuất để đảm bảo GV luôn nghiêm túc trong việc chuẩn bị cho hoạt động giảng dạy (Hà Thị Ngọc Thương, 2012).
Nội dung kiểm tra cần bao quát toàn bộ việc chuẩn bị HĐGD của GV, bao gồm:
- Kiểm tra, phê duyệt việc biên soạn đề cương môn học.
- Kiểm tra việc chuẩn bị tài liệu, phương tiện giảng dạy của GV.
Tóm lại, để quản lý công tác chuẩn bị cho hoạt động giảng dạy của GV, CBQL nhà trường cần phải lập kế hoạch để GV chuẩn bị tốt đề cương môn học, tài liệu và phương tiện giảng dạy; tổ chức phân cấp quản lý, trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan trong việc GV chuẩn bị đề cương môn học, GV chuẩn bị tài liệu, phương tiện giảng dạy; chỉ đạo cụ thể và có công tác kiểm tra đề cương môn học của GV và việc GV chuẩn bị tài liệu, phương tiện giảng dạy.