CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIẢNG DẠY CỦA GIẢNG VIÊN TẠI TRƯỜNG CAO ĐẲNG
1.4. Quản lý hoạt động giảng dạy của giảng viên tại trường cao đẳng
1.4.3. Quản lý giai đoạn giảng dạy trên lớp của giảng viên
Quản lý việc thực hiện giảng dạy trên lớp của GV là nội dung quan trọng trong quản lý hoạt động giảng dạy của GV, được thực hiện thông qua công tác xây dựng kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra.
1.4.3.1. Công tác xây dựng kế hoạch
- Lập kế hoạch giảng dạy trên lớp của GV toàn trường (xây dựng thời khóa biểu)
32 CBQL lập kế hoạch giảng dạy của GV toàn trường, xây dựng thời khóa biểu cho các lớp học. Để đảm bảo GV thực hiện tốt sự phân công giảng dạy của khoa, trường, CBQL cần phân công và sắp xếp thời khóa biểu dựa trên năng lực, trình độ chuyên môn của từng GV. Khi phân công và sắp xếp thời khóa biểu, CBQL cũng cần lắng nghe nguyện vọng của GV để đảm bảo tính công bằng, khách quan, phân công đúng người, đúng việc và đúng định mức giảng dạy theo quy định, sắp xếp thời khóa biểu phù hợp (Phạm Thị Hồng, 2017). Trưởng khoa cần triển khai cho GV trong khoa thực hiện đúng việc giảng dạy theo thời khoá biểu đã được sắp xếp, theo đúng quy định về thời gian lên lớp, xuống lớp, báo huỷ, báo bù của nhà trường để đảm bảo GV thực hiện nghiêm túc nề nếp giảng dạy.
- Lập kế hoạch để GV toàn trường đảm bảo chất lượng giảng dạy trên lớp:
Trong xây dựng kế hoạch, CBQL cũng cần vạch ra biện pháp, tiến độ để GV đảm bảo chất lượng giảng dạy trên lớp thông qua việc thực hiện nội dung, phương pháp và hình thức giảng dạy trên lớp theo đề cương môn học. Hoạt động lên lớp không chỉ là việc GV triển khai kế hoạch bài giảng theo đề cương môn học đã thiết kế, mà nó còn thể hiện năng lực sư phạm, kỹ năng truyền đạt, xử lý các tình huống sư phạm xảy ra trong quá trình giảng dạy, do đó, phương pháp giảng dạy của GV có tác động rất lớn đến sự hứng thú học tập và quá trình lĩnh hội kiến thức của SV, nếu phương pháp giảng dạy không phù hợp, hình thức tổ chức lớp học không hiệu quả sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy trên lớp của GV (Phạm Thị Hồng, 2017). Chính vì lý do này, CBQL cần phải có kế hoạch để GV có thể đảm bảo chất lượng giảng dạy trên lớp của mình.
CBQL có thể đánh giá được chất lượng giảng dạy trên lớp của GV thông qua hoạt động dự giờ (Phạm Thị Thanh Dung, 2021). Do đó, CBQL cũng cần lập kế hoạch dự giờ để quản lý chất lượng giảng dạy của GV trên lớp.
1.4.3.2. Công tác tổ chức
- Phân cấp QL đối với việc GV thực hiện thời khóa biểu giảng dạy:
Công tác tổ chức, phân cấp quản lý cụ thể đối với việc xây dựng và thực hiện thời khóa biểu đối với các phòng ban, ban giám hiệu. Thời khóa biểu được xây dựng hợp lý theo quy định, sự phân công giảng dạy, điều kiện cơ sở vật chất, số lượng SV đăng ký, yêu cầu môn học và yêu cầu của GV. Theo quy định của Thông tư 04/2022/TT-
33 BLĐTBXH, thời gian giảng dạy, học tập được thực hiện trong thời gian từ 6 giờ đến 22 giờ hàng ngày, bao gồm cả ngày thứ 7 và chủ nhật, trừ các nội dung học tập đặc thù phải giảng dạy ngoài thời gian này (Bộ LĐTBXH, 2022). Bên cạnh đó, Thông tư 03/2017/TT-BLĐTBXH cũng quy định một ngày học thực hành/tích hợp không quá 8 giờ; một ngày học lý thuyết không quá 6 giờ, mỗi tuần học không quá 40 giờ thực hành/tích hợp hoặc 30 giờ lý thuyết (Bộ LĐTBXH, 2017a). Việc phân bổ thời gian trong mỗi buổi học sẽ được thực hiện theo đề cương môn học đã được phê duyệt. Căn cứ vào các quy định và điều kiện thực tế của trường, khoa và Phòng Đào tạo có trách nhiệm sắp xếp, tổng hợp thời khóa biểu và thông báo cho GV về thời khóa biểu lớp học. Phòng KT&BĐCL có trách nhiệm thành lập Ban thanh tra lớp học để thanh tra, kiểm tra thời gian lên xuống lớp của GV, đảm bảo GV thực hiện nghiêm túc thời gian lên xuống lớp theo thời khóa biểu đã được phê duyệt.
- Phân cấp QL đối với việc GV đảm bảo chất lượng giảng dạy:
Phân cấp quản lý cụ thể đối với việc đảm bảo chất lượng giảng dạy của các phòng ban, ban giám hiệu. Ban giám hiệu, Phòng Đào tạo và Phòng KT&BĐCL chịu trách nhiệm giám sát và đảm bảo chất lượng giảng dạy trên lớp của GV; xây dựng quy trình lên lớp để GV thực hiện; tạo điều kiện để GV thực hiện tốt giờ lên lớp, chấp hành nghiêm túc các quy định về giảng dạy, thực hiện đầy đủ nội dung giảng dạy, khai thác hiệu quả trang thiết bị (Nguyễn Thị Thanh Nga, 2007). Trưởng khoa cũng chịu trách nhiệm về việc GV đảm bảo chất lượng giảng dạy. Bên cạnh đó, CBQL khoa và trường cũng chịu trách nhiệm thực hiện công tác dự giờ để đánh giá và giám sát chất lượng giảng dạy của GV. Theo đó, khoa chịu trách nhiệm lập kế hoạch dự giờ và thông báo trước cho GV về thời gian dự giờ, sắp xếp nhân sự phụ trách công tác dự giờ, đánh giá kết quả, góp ý và đề xuất biện pháp cải thiện cho GV. Phòng Đào tạo và Phòng KT&BĐCL chịu trách nhiệm xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá, lập kế hoạch chung, tổng hợp, thống kê kết quả chung toàn trường, đề xuất giải pháp và báo cáo cho Ban Giám hiệu về công tác dự giờ. Trưởng khoa cũng chịu trách nhiệm về việc bồi dưỡng, nâng cao chất lượng của đội ngũ GV về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm, đổi mới phương pháp giảng dạy để đảm bảo chất lượng của hoạt động giảng dạy nói riêng và hoạt động đào tạo của nhà trường nói chung. Ban Giám hiệu, Phòng Đào tạo, Phòng KT&BĐCL và Khoa có trách nhiệm cung cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, công cụ giảng dạy, các yếu tố hỗ trợ
34 để GV thực hiện tốt hoạt động giảng dạy trên lớp, đảm bảo chất lượng giảng dạy trên lớp của GV.
1.4.3.3. Công tác chỉ đạo
- Chỉ đạo về việc thực hiện thời khóa biểu giảng dạy của GV:
Công tác chỉ đạo, chỉ đạo cụ thể qua các cuộc họp, văn bản về việc thực hiện thời khóa biểu. CBQL khoa, Phòng Đào tạo cần nắm rõ thời khóa biểu, kế hoạch giảng dạy của từng GV. CBQL cần triển khai thời khoá biểu đến từng GV trước khi bắt đầu học kỳ, phổ biến rõ các quy định về việc thực hiện nề nếp giảng dạy, thời gian lên lớp, xuống lớp, hủy lớp, học bù, v.v. và tạo điều kiện thuận lợi cho GV thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy. Thời khóa biểu được thông báo rõ ràng, cụ thể đến từng GV thông qua tài khoản GV trên hệ thống quản lý GV. GV được phổ biến và nắm rõ về thời gian lên lớp, xuống lớp, thời gian ra chơi của các lớp, quy định lên xuống lớp qua các cuộc họp khoa, qua các văn bản thông báo của Phòng Đào tạo và Phòng KT&BĐCL.
- Chỉ đạo về việc đảm bảo chất lượng giảng dạy trên lớp của GV:
Chỉ đạo cụ thể qua các cuộc họp, văn bản về việc đảm bảo chất lượng giảng dạy trên lớp của GV. CBQL phải có biện pháp sâu sát, chỉ đạo quyết liệt việc GV thực hiện đúng kế hoạch giảng dạy, nội dung giảng dạy, hình thức tổ chức dạy học theo đề cương môn học đã được phê duyệt (Phạm Thị Thanh Dung, 2021). Để đảm bảo chất lượng giảng dạy, GV cần phải luôn đổi mới phương pháp giảng dạy tích cực phát triển khả năng sáng tạo, tư duy độc lập của người học để phát huy cao năng lực người học, nâng cao chất lượng đào tạo (Lê Chi Lan & Đỗ Đình Thái, 2017). CBQL cần quán triệt cho GV về định hướng đổi mới phương pháp giảng dạy, đảm bảo chất lượng giảng dạy trên lớp; tổ chức cho GV học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, hướng dẫn cho GV nắm vững và ứng dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy tích cực. Tổ chức thao giảng, họp tổ chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm tập trung vào các nội dung để đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giảng dạy của GV. Công tác chỉ đạo còn được thể hiện qua việc CBQL luôn động viên, đốc thúc GV trong việc thực hiện tốt nề nếp giảng dạy theo thời khoá biểu và đảm bảo chất lượng giảng dạy trên lớp. CBQL cũng cần chỉ đạo đảm bảo các điều kiện hỗ trợ cho thực hiện giảng dạy trên lớp của GV, có các chế độ, chính sách phù hợp đối với GV, nhằm khuyến
35 khích GV thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy trên lớp, đảm bảo chất lượng giảng dạy theo quy định.
1.4.3.4. Công tác kiểm tra
- Kiểm tra việc GV thực hiện thời khóa biểu giảng dạy:
CBQL có thể quản lý việc GV thực hiện hoạt động giảng dạy thông qua thời khoá biểu, kế hoạch giảng dạy, sổ báo giảng của từng GV (Nguyễn Thị Thanh Nga, 2007).
Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động giảng dạy của GV cần được CBQL thực hiện thường xuyên, định kỳ; ghi nhận, nhắc nhở và có biện pháp xử lý đối với các trường hợp GV không thực hiện đúng giờ giấc lên lớp, không dạy đủ số tiết theo thời khóa biểu…(Phạm Thị Hồng, 2017) để đảm bảo việc giảng dạy của GV được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo chung cho nhà trường.
-Kiểm tra việc GV đảm bảo chất lượng giảng dạy trên lớp:
CBQL cần phải theo dõi, kiểm tra việc đảm bảo chất lượng giảng dạy trên lớp của GV của từng bài, từng chương, từng môn học và cả chương trình đào tạo (Nguyễn Thị Thanh Nga, 2007). Dựa trên các yêu cầu chuẩn đầu ra về mặt kiến thức, kỹ năng, thái độ cần đạt được của môn học, các tiêu chuẩn đánh giá môn học đã được quy định CBQL xây dựng tiêu chuẩn đánh giá và thực hiện kiểm tra, đánh giá chất lượng giảng dạy trên lớp của GV trong mỗi lớp học. Thực hiện công tác dự giờ để kiểm tra chất lượng giảng dạy của GV trên lớp: lập kế hoạch dự giờ và thông báo cho GV về lịch dự giờ, trong khi dự giờ cần quan sát và ghi chép đầy đủ tiến trình giảng dạy theo mẫu, sau khi dự giờ cần phân tích giờ giảng, so sánh với các tiêu chí, tiêu chuẩn để có kết quả đánh giá chính xác, khách quan, minh bạch, cần có kế hoạch cải thiện đối với những GV chưa đạt chất lượng theo yêu cầu (Hà Thị Ngọc Thương, 2012). Thông qua việc định kỳ hoặc đột xuất tổ chức dự giờ, phân tích, góp ý giờ giảng cho GV sau khi dự giờ, CBQL có thể quản lý việc thực hiện giảng dạy trên lớp của GV.
Như vậy, quản lý giai đoạn GV giảng dạy trên lớp bao gồm việc lập kế hoạch giảng dạy trên lớp của GV toàn trường và kế hoạch đảm bảo chất lượng giảng dạy trên lớp; tổ chức phân cấp quản lý cụ thể đối với việc GV thực hiện thời khóa biểu giảng dạy và việc GV đảm bảo chất lượng giảng dạy trên lớp; chỉ đạo cụ thể việc thực hiện thời
36 khóa biểu giảng dạy của GV và việc đảm bảo chất lượng giảng dạy; và công tác kiểm tra việc thực hiện hoạt động giảng dạy trên lớp của GV.