Các nghiên cứu về nhận thức, thái độ, ý định sử dụng

Một phần của tài liệu các nhân tố tác động đến thái độ và ý định sử dụng kế toán quản trị môi trường nghiên cứu các doanh nghiệp tại đồng bằng sông cửu long (Trang 22 - 27)

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU

1.1. Các nghiên cứu nước ngoài

1.1.1. Các nghiên cứu về nhận thức, thái độ, ý định sử dụng

Từ khi ra đời vào những năm 1990 cho đến nay, EMA qua từng thời kỳ đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các bên, đặc biệt là DN và các nhà nghiên cứu.

Lần lượt các nghiên cứu thực hiện bóc tách nội dung, khái niệm, mô hình (Bennett

& James, 1998; Schaltegger & Burritt, 2000; UNDSD, 2001) cho đến các nghiên cứu xem xét mức độ sử dụng, lợi ích đạt được (Burritt và cộng sự, 2009; Burritt &

Saka, 2006; Koefoed, 2008) và rồi là những nghiên cứu khám phá các nhân tố thúc đẩy, cản trở việc sử dụng, phát triển của EMA (Ferreira và cộng sự, 2010; Jamil và cộng sự, 2015; Latan và cộng sự, 2018).

Tuy nhiên, hơn 20 năm kể từ khi bản báo cáo Brundtland nhắc đến việc PTBV vào năm 1987, và cũng tương ứng khoảng thời gian đó cho sự ra đời và phát triển của EMA vào những năm 1990 (Qian & Burritt, 2009), sự tồn tại của EMA tại các nước đang phát triển vẫn còn là một thách thức (Chang, 2007; Christ & Burritt, 2013). Chính vì vậy, bất kỳ dạng nghiên cứu nào mở rộng tri thức về EMA đều nên được khuyến khích. Ngoài các nghiên cứu trực tiếp xem xét nội dung, khái niệm, sự tác động từ (đến) EMA thì các nghiên cứu gián tiếp dù không đi vào nội hàm nhưng vẫn có giá trị cho sự phát triển của EMA. Đó là những nghiên cứu về nhận thức, thái độ, ý định sử dụng EMA (Christ & Burritt, 2013; Tashakor và cộng sự, 2019) và việc báo cáo, công bố PTBV, cũng như các thực hành môi trường của DN (Chan và cộng sự, 2020; Kwakye và cộng sự, 2018; Thoradeniya và cộng sự, 2015). Dù đối tượng nghiên cứu của một số bài không trực tiếp liên quan EMA nhưng mục

tiêu chính vẫn là xử lý thông tin môi trường phục vụ PTBV. Nên kết quả từ các nghiên cứu ít nhiều là cơ sở để nhận định, đánh giá cách ứng xử của DN đối với môi trường, làm tiền đề trong công tác triển khai thực hiện EMA cũng như các định hướng nghiên cứu trong tương lai. Nội dung các nghiên cứu cụ thể như sau:

Christ và Burritt (2013) dựa trên lý thuyết ngẫu nhiên để xác định có tồn tại hay không mối quan hệ giữa các nhân tố ngẫu nhiên như chiến lược môi trường, quy mô DN, ngành hoạt động, cấu trúc tổ chức và nhận thức của kế toán viên ở Úc đối với tầm quan trọng của EMA. Bảng hỏi được gửi đến 1.585 kế toán viên theo hệ thống dữ liệu của Hội Kế toán viên Úc, cho kết quả rằng ngành hoạt động, chiến lược môi trường và quy mô có tác động đến nhận thức của kế toán về EMA. Tuy nhiên, mối quan hệ với nhân tố cấu trúc tổ chức là không tồn tại. Tác giả cũng khuyến khích sử dụng nhiều hơn các nhóm lý thuyết khác nhau, thực hiện ở các thị trường khác nhau để có kết quả khái quát hơn.

Cũng một nghiên cứu ở Úc, Tashakor và cộng sự (2019) khai thác TPB của Ajzen (1991) để kiểm định tác động của các nhân tố đến ý định chấp nhận sử dụng EMA của các trang trại sợi bông – là xương sống của ngành công nghiệp dệt may ở Úc. Sau quá trình sàng lọc, phiếu khảo sát được gửi đến 400 trang trại lớn nhất (thuộc New South Wales và Queensland), chủ trang trại là người trực tiếp trả lời các bảng khảo sát này. PLS-SEM được tác giả sử dụng. Hai trong số ba nhân tố (thái độ, KSHV) có tác động đến ý định sử dụng EMA của các trang trại. Nghĩa là chủ trang trại cảm thấy rằng khi làm theo điều mình tin là đúng bằng chính nguồn lực mình đang có thì dễ dàng chấp nhận hơn là việc làm theo những gì người khác muốn họ làm. Đồng thời, chính Thái độ và KSHV cảm nhận tạo ra tác động trung gian của nhân tố Chuẩn chủ quan đến Ý định chấp nhận EMA, dù mối quan hệ trực tiếp của hai biến này là không có ý nghĩa. Kết quả này sẽ phần nào đóng góp vào sự hiểu biết về TPB (tác động trung gian) vốn rất ít được khám phá bởi các nghiên cứu trước đây.

Cùng lĩnh vực nông nghiệp, Aeknarajindawata và cộng sự (2019) kiểm định mối quan hệ gián tiếp của kiến thức khuyến nông đến EMA thông qua thái độ, chuẩn chủ quan và kiểm soát hành vi cảm nhận. Dữ liệu thu thập từ 281 nông dân tại Thái Lan được xử lý và đo lường trên mô hình SEM. Kết quả khẳng định vai trò gián tiếp của các biến này.

Một nghiên cứu tại Nam Phi khám phá vai trò và nhận thức của kế toán viên đối với EMA và thành quả môi trường. Dựa trên dữ liệu phỏng vấn từ 86 Giám đốc tài chính, kế toán viên và các nhà quản lý tài chính tại 40 DN niêm yết, kết quả phân tích của Nyahuna và Doorasamy (2022) cho thấy nhóm đối tượng này thừa nhận rằng mình không hiểu bằng cách nào các vấn đề môi trường có thể tích hợp được vào EMA Điều này dẫn đến việc tích hợp EMA vào hệ thống kế toán và đóng góp của những người làm kế toán khi xây dựng EMA đã không được cân nhắc một cách thận trọng.

Cũng tại Nam Phi, Doorasamy (2016) tìm hiểu về nhận thức của quản lý về lợi ích của việc chấp nhận EMA (như là một công cụ quản lý chất thải). Đây là một nghiên cứu tình huống tại một công ty sản xuất giấy và bột giấy, kế toán chi phí và quản lý về môi trường là những người cung cấp dữ liệu phỏng vấn. Ngoài việc chứng minh quan hệ giữa thành quả môi trường với kỹ thuật, công nghệ sản xuất sạch thì tác giả cũng chứng minh việc các nhà quản lý đánh giá thấp vai trò của chi phí môi trường chính là lý do tại sao EMA không được sử dụng.

Gần đây hơn, Kedisan và cộng sự (2023) vận dụng TPB và lý thuyết hợp pháp và dữ liệu thu thập từ các chủ DN, quản lý tài chính và kế toán viên để kiểm định tác động của thái độ, chuẩn chủ quan và KSHV cảm nhận đến ý định cũng như việc thực hiện EMA. Mối quan hệ giữa thái độ và KSHV đến ý định thực hiện EMA đã được tìm thấy. Và khi chuẩn chủ quan không có mối quan hệ với ý định thực hiện EMA đồng nghĩa với việc DN không chịu bất kỳ áp lực nào từ các bên liên quan đối với công tác này.

Không gói gọn trong phạm vi EMA, phương pháp hỗn hợp được Rajapakse (2006) sử dụng để xem xét thái độ của kế toán viên đối với báo cáo môi trường ở Sri Lanka. Tác giả cho rằng ở quốc gia đang phát triển và khan hiếm tài nguyên như Sri Lanka thì kế toán viên đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp thông tin để các DN quản trị một cách hiệu quả vấn đề môi trường. Dữ liệu 48 bảng hỏi và 10 bảng phỏng vấn từ các thành viên là kế toán viên của Hội kế toán công chứng Sri Lanka cho thấy mặc dù hiểu được vai trò của việc công bố thông tin môi trường nhưng những đóng góp của kế toán viên cho các công bố này là rất ít. Nghĩa là tồn tại thái độ tiêu cực đối với báo cáo môi trường. Tuy nhiên, vẫn có số ít ý kiến cho rằng công tác quản lý môi trường và các chính sách kế toán môi trường cần được phát triển một cách thống nhất ở tầm vĩ mô bởi các cơ quan chuyên môn.

Tương tự, Thoradeniya và cộng sự (2015) với TPB đã thực hiện khám phá sự tác động của nhân tố thái độ và các yếu tố tâm lý khác đối với ý định lập báo cáo PTBV (SR). Nghiên cứu sử dụng công cụ khảo sát và đối tượng nhắm đến là các nhà quản lý cấp trung đến cấp cao của các DN ở Sri Lanka. Tương tự như nghiên cứu trên, dữ liệu được phân tích bằng kỹ thuật PLS-SEM. Kết quả chỉ ra rằng mức độ lập SR ở các nước đang phát triển ở mức rất thấp. Ngoài ra, các nhân tố thái độ, sự cảm nhận về áp lực các bên liên quan và khả năng KSHV lập SR của các nhà quản lý tác động đến ý định gắn kết đối với SR. Tuy vậy, ý định này chỉ dẫn đến hành vi lập SR của các DN niêm yết. Và tác giả cho rằng, chính việc thiếu kiểm soát đối với quy trình lập SR là lý do làm cho không tồn tại mối quan hệ này ở các DN không niêm yết. Sau cùng, tác giả nhận định tâm lý lo sợ định kiến xã hội (social desirability) sai lệch dữ liệu thu thập, dù đây là hạn chế cố hữu của phương pháp khảo sát.

Kwakye và cộng sự (2018) cũng bàn về một loại báo cáo bền vững, nhưng lần này phạm vi được mở rộng hơn với tên gọi là báo cáo và kế toán bền vững (SAR – Sustainability Accounting & Reporting). Nếu SR chủ yếu là các thông tin về trách nhiệm xã hội, môi trường thì SAR ngoài 2 loại thông tin này còn bao gồm kết quả hoạt động của đơn vị. Bài nghiên cứu này xem xét các nhân tố tác động đến

ý định báo cáo SAR của các DN ở Ghana tiếp cận theo lý thuyết TPB. Với tổng cộng 86 phản hồi từ những người làm kế toán chuyên nghiệp, dữ liệu được tập hợp và phân tích bằng kỹ thuật PLS-SEM. Kết quả cho thấy việc sẵn sàng tích hợp SAR bị chi phối chủ yếu bởi tính sẵn sàng của nguồn lực và áp lực từ các bên liên quan, nghĩa là xác nhận tồn tại mối quan hệ của nhân tố Chuẩn chủ quan và KSHV cảm nhận với ý định thực hiện SAR. Tuy nhiên, thái độ của những người làm kế toán đối với SAR lại không có bất kỳ tác động nào đến ý định đối với loại báo cáo này. Quan điểm này trái ngược với Fishbein và Ajzen (1975) khi Thái độ được xác định là nhân tố then chốt để dự đoán hành vi. Dù vậy, tác giả thừa nhận số lượng hạn chế của mẫu thu thập phần nào tác động đến tính khái quát của kết quả bài nghiên cứu này.

Gần đây nhất, nghiên cứu của Chan và cộng sự (2020) vận dụng lý thuyết TPB, mô hình hoạt động chuẩn hóa và tháp nhu cầu Maslow để xem xét các nhân tố thúc đẩy ý định liên quan đến các thực hành môi trường tại các DN niêm yết ở Malaysia. Bảng hỏi được gửi qua e-mail đến nhà quản lý để thu thập dữ liệu. Mặc dù chỉ 107/576 phản hồi, nhưng tỷ lệ phản hồi này là phù hợp cho các nghiên cứu kế toán hay môi trường (Christ & Burritt, 2013; Libby & Lindsay, 2010). Đặc biệt cỡ mẫu này lại không là vấn đề lớn khi kỹ thuật được sử dụng là PLS-SEM. Kết quả cho thấy quan hệ của Quy chế hoạt động (Corporate norm) và Nhu cầu được công nhận (Actualisation needs) với ý định thực hành môi trường là có ý nghĩa. Ngược lại, các nhân tố trong TPB lại không có bất kỳ sự tác động nào đối với ý định này.

Nếu ta đặt các thực hành về môi trường trong bài này dưới góc độ PTBV thì rõ ràng kết quả mang lại hoàn toàn khác với kết quả của Thoradeniya và cộng sự (2015) hay Kwakye và cộng sự (2018). Chính vì vậy, tác giả kết luận rằng để thúc đẩy các DN vận dụng các thực hành môi trường thì vấn đề tự giác trong nội bộ của DN có vai trò quyết định hơn là các áp lực hay ép buộc từ phạm vi bên ngoài.

Dòng nghiên cứu này tập trung tìm hiểu vấn đề ở góc độ khác, xoay quanh chủ yếu về nhận thức, về thái độ, về ý định. Dù số lượng nghiên cứu còn ít nhưng phần nào gợi mở hướng tiếp cận EMA. Đặc biệt, khi EMA chỉ mới nổi gần đây ở

các quốc gia đang phát triển, thì dù tiếp cận ở góc độ nào cũng sẽ mang đến những giá trị nhất định.

Một phần của tài liệu các nhân tố tác động đến thái độ và ý định sử dụng kế toán quản trị môi trường nghiên cứu các doanh nghiệp tại đồng bằng sông cửu long (Trang 22 - 27)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(245 trang)
w