Áp lực các bên liên quan đến Thái độ và Ý định sử dụng EMA

Một phần của tài liệu các nhân tố tác động đến thái độ và ý định sử dụng kế toán quản trị môi trường nghiên cứu các doanh nghiệp tại đồng bằng sông cửu long (Trang 89 - 93)

CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ THUYẾT

2.3. Phát triển giả thuyết nghiên cứu

2.3.3. Áp lực các bên liên quan đến Thái độ và Ý định sử dụng EMA

Trong phạm vi của bài, tác giả chủ yếu xoáy vào áp lực từ bên ngoài, tức là áp lực mang tính xã hội, tính pháp lý và trong chuỗi giá trị. Bởi những áp lực hình thành bên trong (nếu có) thật ra cũng xuất phát từ các áp lực bên ngoài. Vì các yếu tố xã hội, pháp lý là những tiêu chuẩn chung và bao quát mà bất cứ DN dù có đặc điểm gì hay hoạt động trong lĩnh vực nào cũng đều phải tuân thủ.

Trong môi trường kinh doanh hiện đại, PTBV là công cụ hỗ trợ DN tạo ra các giá trị hợp pháp và cải thiện hình ảnh trước các nhóm liên quan bên ngoài (Deegan, 2002; Mistry và cộng sự, 2014). Trong khi đó, với các kỹ năng đánh giá cơ hội và rủi ro của mình, kế toán đóng vai trò chiến lược để hỗ trợ ra quyết định quản lý của cấp trên trong việc định hình khía cạnh bền vững trong quá trình hoạt động cũng như thiết lập các khung báo cáo (Albelda, 2011; Berry và cộng sự, 2009;

Burnett & Hansen, 2008). Do vậy, thực tế không chỉ riêng bộ phận quản lý mà cả những người làm công tác kế toán cũng sẽ cảm nhận được những áp lực xuất phát từ các bên này. Trên tiến trình hội nhập, vấn đề PTBV không nằm ngoài quy luật

phát triển của quốc gia nào, và khi nó đang nóng lên thì những người làm công tác kế toán tại các DN Việt Nam cũng sẽ mang những áp lực tương tự.

Đầu tiên, các bên mang tính xã hội thường bao gồm các nhóm đại diện cho lợi ích chung của công chúng, của xã hội, đó có thể là các tổ chức, hiệp hội, cộng đồng vì môi trường (Etzion, 2007). Các áp lực tạo ra từ các nhóm thuộc các bên này thường rất lớn, vì khả năng dễ dàng tác động rộng lớn lên nhận thức của xã hội thông qua các phương tiện truyền thông, các chiến dịch, các cuộc kêu gọi… Qua đó các nhóm này có khả năng chuyển nhận thức của xã hội thành ủng hộ hoặc chống đối với các DN (Freeman, 1984). Nói cách khác, các nhóm này đang cung cấp cho DN một loại giấy phép để hoạt động trong xã hội (Gunningham và cộng sự, 2004).

Chính vì vậy, sự ủng hộ của các nhóm này là điều vô cùng quan trọng. Chúng ta sẽ dễ dàng thấy được điều này thông qua việc Gould và cộng sự (1996) cho rằng các thông tin từ các bên liên quan mang tính xã hội có thể thuyết phục người tiêu dùng ủng hộ các công ty minh bạch trong vấn đề môi trường. Ngược lại, khách hàng sẽ được khuyến khích tẩy chay sản phẩm, hàng hóa của các DN qua đó hướng các DN này đẩy mạnh các hoạt động gần gũi với môi trường. Đã có nghiên cứu Altman (1998) kết luận áp lực từ các nhóm mang tính xã hội sẽ phần nào tác động đến việc lựa chọn kiểm toán môi trường của DN. Kassinis và Vafeas (2006) cũng đưa ra bằng chứng thể hiện mức độ áp lực của cộng đồng tương quan với tỉ lệ xả thải của các nhà máy. Và một nghiên cứu ở Úc cho thấy sự kỳ vọng của Quỹ toàn cầu vì sự phát triển thiên nhiên có tác động tới sự chuyển biến hành vi công bố thông tin môi trường của các DN trong lĩnh vực khai khoáng (Deegan & Blomquist, 2006). Có thể thấy rằng, áp lực mà DN phải chịu từ các bên thuộc nhóm xã hội là không nhỏ.

Thứ hai là nhóm các bên mang tính pháp lý, nhóm này chủ yếu là các cơ quan chính quyền với vai trò hành pháp sẽ dựa trên các quy định pháp lý để đảm bảo việc thực thi các chính sách về môi trường (Vilchez và cộng sự, 2017). Các đơn vị hoặc thực thi những quy định và những chính sách hoặc phải chịu những chế tài nhất định từ các cơ quan này. Các hình phạt là các nguy cơ mất uy tín và các mối

quan hệ của DN. Chính vì áp lực này bắt buộc DN phải đặt song song hai mục tiêu môi trường và và lợi nhuận. Và trong hoàn cảnh như vậy, việc thiết kế các thực hành liên quan đến môi trường gắn với các hoạt động phải được các DN tính đến.

Vilchez và cộng sự (2017) nhận định áp lực của các bên mang tính pháp lý là một loại áp lực thúc đẩy DN thiết kế các thực hành môi trường một cách toàn diện để giảm thiểu các rủi ro về môi trường. Hay Darnall và cộng sự (2009) dựa trên bộ dữ liệu của OECD để chứng minh mối tương quan giữa áp lực cảm nhận từ các bên pháp lý với loại kiểm toán môi trường được lựa chọn tại các DN.

Cuối cùng, nhóm các bên trong chuỗi giá trị bao gồm khách hàng và nhà cung cấp. Trong đó nhà cung cấp là những người nắm giữ nguồn lực đầu vào cần thiết cho hoạt động của DN nên áp lực từ bên này tạo ra khá lớn, buộc DN phải đảm bảo các vấn đề môi trường (Airike và cộng sự, 2016). Tương tự, người mua cũng có quyền chọn mua những sản phẩm có xuất xứ từ những DN có hoạt động thân thiện với môi trường cũng như tẩy chay các loại hàng hóa của các DN không đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường (Maniatis, 2016). Áp lực không nhỏ được tạo ra cho các DN trong việc xem xét áp dụng các thực hành về môi trường trong quá trình kinh doanh. Vilchez và cộng sự (2017) đã chứng minh rằng khi DN nhận thấy áp lực lớn hơn trong chuỗi giá trị thì họ sẽ thiết kế các thực hành môi trường toàn diện và công khai hơn. Cũng có kết quả cho thấy các bên trong chuỗi cung ứng tạo ra sức ảnh hưởng để các DN chú trọng thông tin môi trường cũng như dễ dàng chấp nhận các thực hành quản lý môi trường một cách chủ động (Zhu & Sarkis, 2004; Zhu và cộng sự, 2005). Tương tự như với áp lực từ các bên pháp lý, các bên thuộc chuỗi giá trị cũng tác động không nhỏ đến việc chọn lựa loại kiểm toán môi trường tại các DN theo bộ dữ liệu của OECD (Darnall và cộng sự, 2009). Như vậy chúng ta có thể dễ dàng thấy được DN về cơ bản phải chịu nhiều áp lực từ nhiều bên, cả bên trong lẫn bên ngoài về vấn đề môi trường.

Trở lại với phần lập luận trước đó trong TPB, một hành vi không hình thành trực tiếp bởi niềm tin (sự ủng hộ hoặc phản đối) thực hiện hành vi đó. Thay vào đó,

một chuẩn mực cảm nhận sẽ tạo ra áp lực xã hội cho cá nhân xem xét thực hiện hành vi. Cho nên áp lực của các bên mà ta vừa đề cập hoàn toàn có thể được giả định tạo ra chuẩn cảm nhận qua đó thúc đẩy hay tạo áp lực cho bộ phận kế toán phát huy vai trò của mình đối với các hoạt động môi trường và rộng hơn là PTBV của DN. Dưới góc độ của người tạo và cung cấp thông tin môi trường phục vụ tham mưu cho các nhà quản lý ra quyết định, áp lực này buộc kế toán phải tìm cho mình một công cụ để thu thập, xử lý toàn diện và hiệu quả loại thông tin này. Và ở thời điểm hiện tại sẽ không có công cụ nào tốt hơn EMA cho mục tiêu vừa nêu nên sẽ là phù hợp cho giả định áp lực các bên ảnh hưởng đến thái độ cũng như ý định dùng EMA của kế toán. Hơn nữa, Fishbein và Ajzen (2011) khẳng định rằng các yếu tố nền tảng ảnh hưởng đến thái độ và ý định là vô cùng đa dạng và khác nhau tùy thuộc vào lĩnh vực. Việc xác định các yếu tố nền tảng này đòi hỏi một cơ sở lý thuyết, như cách mà Petraitis và cộng sự (1995) khuyến khích để hiểu sâu hơn về các yếu tố cấu thành hành vi. Nói cách khác, việc xác định các yếu tố này không thể dựa trên một khuôn mẫu chung, mà phải dựa trên các lý thuyết cụ thể và phù hợp với từng lĩnh vực nghiên cứu. Jayanti and Mutmainah (2016) và Le et al. (2019) qua khảo sát nhân viên kế toán ở các công ty tại Việt Nam hay Indonesia đều xác định được mối liên hệ của áp lực các bên lên việc sử dụng EMA. Hay kết quả phỏng vấn của Bansal and Roth (2000) cho thấy động lực của 53 DN ở Vương quốc Anh và Nhật cho việc vận dụng EMA để hướng tới mục tiêu PTBV là áp lực của các bên liên quan. Tổng hợp các lập luận trên, có cơ sở để giả định về tương quan giữa áp lực từ các bên đến thái độ và ý định sử dụng EMA của bộ phận kế toán. Ta có giả thuyết sau:

H5a: Áp lực các bên liên quan tác động thuận chiều đến Thái độ sử dụng EMA.

H5b: Áp lực các bên liên quan tác động thuận chiều đến Ý định sử dụng EMA.

Một phần của tài liệu các nhân tố tác động đến thái độ và ý định sử dụng kế toán quản trị môi trường nghiên cứu các doanh nghiệp tại đồng bằng sông cửu long (Trang 89 - 93)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(245 trang)
w