Lý thuyết ngẫu nhiên

Một phần của tài liệu các nhân tố tác động đến thái độ và ý định sử dụng kế toán quản trị môi trường nghiên cứu các doanh nghiệp tại đồng bằng sông cửu long (Trang 77 - 81)

CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ THUYẾT

2.1. Các khái niệm có liên quan

2.2.3. Lý thuyết ngẫu nhiên

Lý thuyết ngẫu nhiên, được áp dụng từ lý thuyết DN vào những năm 1970 và 1980 (Chenhall, 2003; Otley, 1980), cho rằng hoạt động của DN chịu tác động trực tiếp từ yếu tố hoàn cảnh. Theo đó, hiệu quả hoạt động của DN sẽ được cải thiện khi có sự phù hợp giữa các hoạt động với bối cảnh cụ thể (Chenhall, 2003). Khi trình bày quan điểm về lý thuyết ngẫu nhiên trong KTQT, Otley (1980) ghi rõ rằng một lý thuyết ngẫu nhiên phải nhận dạng được các khía cạnh có liên quan của một hệ thống kế toán với các đặc điểm, hoàn cảnh cụ thể và chứng minh, giải thích được mối quan hệ đó. Ý tưởng về lý thuyết ngẫu nhiên trong KTQT bắt đầu phát triển ở thập niên 1970 trong một nỗ lực giải thích sự đa dạng của các thực hành KTQT vào thời điểm đó. Và ý tưởng này cũng hình thành trên nền tảng lý thuyết ngẫu nhiên ứng dụng trong việc hệ thống loại cấu trúc DN nào là phù hợp nhất trong từng đặc điểm, hoàn cảnh cụ thể (Otley, 2016). Khi đó, các nhân tố dùng để giải thích cấu trúc DN được chuyển sang để giải thích cho thiết kế và vận hành của HTTT KTQT.

Dù rằng điều này có mang đến một số rủi ro trong vấn đề đa cộng tuyến khi biến

“Cấu trúc doanh nghiệp” là biến phụ thuộc của lý thuyết trước lại trở thành một

biến độc lập khi nghiên cứu trong lĩnh vực KTQT, nhưng trên thực tế các biến ngẫu nhiên được dùng có tăng lên theo thời gian.

2.2.3.2. Vận dụng lý thuyết vào bài nghiên cứu

Việc nghiên cứu mối quan hệ của các nhân tố ngẫu nhiên (contingent factors) đến thái độ của người làm công tác kế toán đến việc sử dụng EMA là một trong những mục tiêu của nghiên cứu này. Dù các cố gắng tạo động lực phát triển cho EMA rất nhiều nhưng rõ ràng khoảng cách từ sự thúc đẩy đó với những gì diễn ra trong thực tế tại các DN còn rất xa nên Christ và Burritt (2013) cho rằng cần phải phát triển hơn nữa sự hiểu biết xoay quanh việc chấp nhận EMA. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng lý thuyết ngẫu nhiên là phù hợp để kiểm định và phân tích vấn đề này (Abdel-Kader & Luther, 2008; Dent, 1990). Cách tiếp cận này, dựa trên các lý thuyết nền tảng xã hội, đã được áp dụng trước đây với các lý thuyết khác như lý thuyết hợp pháp và lý thuyết định chế trong các nghiên cứu về EMA (Qian và cộng sự, 2011).

Mặc dù lý thuyết này được ứng dụng nhiều trong KTQT hiện đại – là nền tảng mà EMA dựa vào đây để phát triển, nhưng lý thuyết ngẫu nhiên lại rất ít được sử dụng để nghiên cứu về EMA (Bouma & van der Veen, 2002; Christ & Burritt, 2013). Parker (1997) là người đầu tiên tiếp cận, ứng dụng lý thuyết này trong việc nghiên cứu tầm quan trọng của kế toán trong chiến lược môi trường. Kết quả thể hiện sự phát triển của EMA có phụ thuộc vào chiến lược môi trường của các DN. 5 năm sau đó, Bouma và van der Veen (2002) trong một nghiên cứu cụ thể tại một công ty đa quốc gia giấu tên khẳng định rằng các nhân tố ngẫu nhiên có ảnh hưởng đến việc ra quyết định của các nhà quản lý đối với cấu trúc hệ thống và kỹ thuật kế toán, ví dụ như việc thiết lập các nguyên tắc nội bộ cụ thể trong quản lý chi phí giá thành sản phẩm. Những năm gần đây hơn, Christ và Burritt (2013), Mokhtar và cộng sự (2016) và Phan và cộng sự (2017) cũng khẳng định quy mô DN, ngành hoạt động, hệ thống quản lý, chiến lược môi trường, sự hỗ trợ của quản lý cấp cao có tác động đến việc ứng dụng EMA, đây là những nhân tố ngẫu nhiên, hoàn cảnh được

biện luận từ lý thuyết trên. Kể cả ở khu vực công, khi nghiên cứu về chính quyền New South Wale, kết quả nghiên cứu của Qian và cộng sự (2011) cho thấy sự phát triển của EMA có liên quan đến các yếu tố ngẫu nhiên (kết cấu hệ thống, khả năng vận hành công tác tái chế rác thải). Điều này phần nào khẳng định sự phù hợp của lý thuyết ngẫu nhiên để nghiên cứu vấn đề ứng dụng và phát triển EMA trong thực tế. Tuy vậy, vẫn còn tồn tại những kết quả không thống nhất trên bản đồ nghiên cứu đối với lý thuyết này liên quan đến sự chấp nhận sử dụng và phát triển của EMA.

Chẳng hạn như Frost và Wilmshurst (2000) không tìm thấy bất cứ mối quan hệ nào giữa ngành hoạt động với sự chấp nhận EMA. Hay Ferreira và cộng sự (2010) cũng minh chứng được chiến lược không tác động đến việc sử dụng EMA. Như vậy, còn tồn tại nhiều kết quả khác nhau và có lẽ rằng nhiều nghiên cứu hơn nữa cần được thực hiện để chúng ta bàn luận nhiều hơn, mở rộng nhiều hơn các tri thức liên quan đến lý thuyết ngẫu nhiên trong mối quan hệ với EMA.

Để đưa lý thuyết ngẫu nhiên vào xây dựng mô hình nghiên cứu, thường có ba hướng tiếp cận: lựa chọn, tương tác và hệ thống (Drazin & Van de Ven, 1985).

Nghiên cứu này lựa chọn hướng tiếp cận lựa chọn, nghĩa là chỉ xem xét quan hệ giữa biến ngẫu nhiên và hoạt động tương ứng, không xem xét đến kết quả. Mặc dù Otley (1980) cho rằng việc không đề cập đến thành quả có thể làm nghiên cứu trở nên đơn điệu, tác giả đồng tình với Christ và Burritt (2013) rằng lý thuyết EMA còn mới và chưa có bề dày nghiên cứu như lĩnh vực KTQT, nên việc tiếp cận một hướng tại thời điểm này là thận trọng và phù hợp hơn.

Khi các nghiên cứu trước quá tập trung các thang đo chủ yếu vào nhân tố tài chính cũng như phi tài chính đối với các tác động môi trường, luận án này tiếp cận lý thuyết ngẫu nhiên để khám phá nhiều hơn vào thái độ, ý định của người làm công tác kế toán. Nghĩa là nội dung sẽ bao hàm xung quanh sự phản ứng của các đối tượng này ở thái độ và ý định dưới điều kiện của các nhân tố hoàn cảnh, tình huống cụ thể. Đây là cách tiếp cận sẽ giúp chúng ta hiểu tổng thể và có hệ thống hơn nữa trong việc nhận dạng ảnh hưởng của các nhân tố ngẫu nhiên đến vấn đề sử dụng

EMA tại DN. Một phần là do yếu tố về điều kiện, hoàn cảnh trong việc ứng dụng, thực hành KTQT còn rất hạn chế ở các DN tại Việt Nam, điều mà chúng ta đã lập luận ở trên. Thêm vào đó đây chính là những người trực tiếp tiếp cận, thử nghiệm và vận hành nếu EMA được đưa vào ứng dụng, ít nhiều thái độ, ý định của họ sẽ ảnh hưởng đến sự thành công hay thất bại của hệ thống này khi đưa vào thực tế.

Như Fishbein và Ajzen (1975), Weidman và cộng sự (2010) khẳng định thái độ là nhân tố chính để dự đoán ý định, hành vi. Hay Fishbein và Ajzen (2011) trong cuốn sách Dự đoán và Thay đổi Hành vi (Predicting and Changing Beahavior) đã lập luận rằng thái độ là trung tâm để dự đoán một hành vi xã hội, đồng thời ý định là tiền đề quan trọng nhất của bất cứ một hành vi nào đó. Và mô hình hành vi hợp lý trong quyển sách này cũng cho thấy quan hệ tương hỗ giữa thái độ và ý định của một hành vi xã hội. Fishbein và Ajzen (2011) nhấn mạnh rằng các nhân tố nền tảng là đa dạng và khác nhau tùy theo lĩnh vực. Petraitis và cộng sự (1995) khuyến khích mở rộng nhận thức về các yếu tố cấu thành hành vi dựa trên một lý thuyết cụ thể.

Trong một bài viết về bản chất của biến thái độ, Ajzen (2001) cũng đưa ra nhận định rằng trong cùng một chủ thể với bối cảnh khác nhau sẽ hình thành các thái độ khác nhau. Như vậy, việc vận dụng lý thuyết ngẫu nhiên để tiếp cận, dự đoán thái độ, nhận thức hay ý định của người làm kế toán là hoàn toàn có cơ sở.

Trên thực tế, lập luận này được ủng hộ. Ví dụ như Kamla và cộng sự (2012) kết luận các nhân tố hoàn cảnh cụ thể (context-specific factors) tác động đến thái độ và nhận thức về kế toán PTBV. Christ và Burritt (2013) cũng tiếp cận lý thuyết này để nghiên cứu mối liên hệ giữa các biến ngẫu nhiên đối với nhận thức của những đối tượng thực hành công tác kế toán với vai trò của EMA. Trinh Huu Luc và Nguyen Thi Thu (2019) cũng khẳng định mối quan hệ có ý nghĩa của các biến được lập luận từ lý thuyết ngẫu nhiên với nhận thức của kế toán về EMA. Hay sự tương quan của 2 biến ngẫu nhiên (nhận định, sự quan tâm với môi trường) và thái độ, ý định với việc mua các hàng hóa bảo vệ môi trường (green purchase) (Aman và cộng sự, 2012) cũng là một trong các minh chứng cho lập luận trên. Như vậy, việc xác định thái độ và ý định của những người làm công tác kế toán dưới góc độ lý thuyết ngẫu

nhiên là hoàn toàn phù hợp, điều này sẽ hỗ trợ tốt hơn các lãnh đạo trong quá trình hoạch định chiến lược đối với các vấn đề liên quan đến môi trường tại DN, mà trong trường hợp này là thúc đẩy vấn đề ứng dụng và thực hành công cụ EMA. Cụ thể trong luận án này, tác giả khảo sát quan hệ của thái độ, ý định của KTT cho việc sử dụng EMA với các biến ngẫu nhiên Quy mô DN (Size), Ngành hoạt động (Industry), Sự bất định của môi trường (Environmental Uncertainty), Hỗ trợ từ lãnh đạo (Top management Support). Do sự thiếu vắng các nghiên cứu tiếp cận lý thuyết ngẫu nhiên trong lĩnh vực kế toán môi trường cho nên theo Christ và Burritt (2013) sẽ là cần thiết khi chúng ta bám vào các nghiên cứu quản lý môi trường và lý thuyết trong KTQT trong quá trình lập luận lựa chọn các biến ngẫu nhiên cho nghiên cứu này. Thêm vào đó, với các vai trò của kế toán đã lập luận ở trên cộng với điều kiện ứng dụng dè dặt kỹ thuật EMA ở VN, sẽ là phù hợp khi các giả thuyết tập trung vào thái độ, ý định dùng EMA của bộ phận kế toán thay vì công tác thực hành EMA.

Thực tế, Christ và Burritt (2013) cũng sử dụng cách thức lập luận này để thay các thực hành EMA bằng biến nhận thức của kế toán về vai trò của EMA.

Một phần của tài liệu các nhân tố tác động đến thái độ và ý định sử dụng kế toán quản trị môi trường nghiên cứu các doanh nghiệp tại đồng bằng sông cửu long (Trang 77 - 81)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(245 trang)
w