Các nghiên cứu về những nhân tố tác động đến việc sử dụng EMA

Một phần của tài liệu các nhân tố tác động đến thái độ và ý định sử dụng kế toán quản trị môi trường nghiên cứu các doanh nghiệp tại đồng bằng sông cửu long (Trang 27 - 36)

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU

1.1. Các nghiên cứu nước ngoài

1.1.2. Các nghiên cứu về những nhân tố tác động đến việc sử dụng EMA

Tiếp nối mạch nghiên cứu về EMA, các nhân tố tác động đến vấn đề sử dụng EMA được nghiên cứu nhằm mở rộng thêm sự hiểu biết của các bên liên quan đối với lĩnh vực này (Christ & Burritt, 2013). Trên thực tế, kể từ khi EMA được nhìn nhận là một phương án thay thế hiệu quả cho KTQT truyền thống trong việc ghi nhận các thông tin liên quan đến môi trường (Jasch, 2003; Papaspyropoulos và cộng sự, 2012), nhiều tác giả dành cho EMA một sự quan tâm nhất định. Các nghiên cứu, ấn phẩm liên quan lần lượt được các nhà nghiên cứu, các tổ chức cho ra đời, từ các tài liệu định nghĩa, hướng dẫn, giải thích nội dung EMA (IFAC, 2005; Schaltegger

& Burritt, 2000; UNDSD, 2001) cho đến các nghiên cứu đánh giá tác động của việc sử dụng EMA (Burritt và cộng sự, 2009; Koefoed, 2008; Kokubu & Nashioka, 2005). Các nghiên cứu này là nền tảng ban đầu cho sự khai phá các hiểu biết về EMA. Tuy nhiên, khi EMA lan tỏa nhanh chóng ở các nước phát triển thì việc tiếp cận của các tổ chức, đơn vị ở các quốc gia đang phát triển vẫn là một thách thức (Chang, 2007; Christ & Burritt, 2013). Thực tế này tiếp tục tạo ra một lỗ hổng trong sự hiểu biết đối với EMA. Chính vì vậy, sự ra đời của các nghiên cứu phân tích tác động của các yếu tố đến việc sử dụng EMA là đương nhiên và cần thiết. Một mặt, các nghiên cứu này cho các bên liên quan thấy được rõ ràng hơn về bức tranh EMA, cụ thể là EMA đang được định vị ra sao, những nhân tố nào thúc đẩy, cản trở quá trình vận dụng EMA tại các đơn vị, tổ chức. Mặt khác, việc này sẽ làm cho sự hiểu biết về EMA trở nên toàn diện và sâu sắc hơn (Chang, 2007). Đặc biệt khi các bên, từ nội bộ đến bên ngoài, từ chủ sở hữu, các cơ quan quản lý đến khách hàng đều quan tâm đến môi trường thì bất cứ sự gia tăng nào về mức độ hiểu biết liên quan đến công cụ này cũng đều mang lại những giá trị nhất định. Điều này giải thích khi phân tích về các nhân tố ngẫu nhiên tác động đến nhận thức về EMA của các DN, Christ và Burritt (2013) đã khuyến khích lặp lại nghiên cứu của mình ở các thị trường khác nhau để tăng tính bao quát của kết quả.

Về phương pháp luận, dòng nghiên cứu này có thể chia làm 2 giai đoạn. Ở giai đoạn đầu, các nhà nghiên cứu tập trung xem xét các vấn đề liên quan đến lý luận và thực tiễn để xác định yếu tố ảnh hưởng đến việc vận dụng EMA (Burritt, 2004; Ferreira và cộng sự, 2010; Setthasakko, 2010), nghĩa là việc tiếp cận và giải thích hiện trạng phát triển của EMA dưới góc độ lý thuyết hầu như rất ít (Bouma &

van der Veen, 2002; Qian và cộng sự, 2011). Chuyển sang giai đoạn thứ hai, việc xuất hiện các lý thuyết trong các nghiên cứu bắt đầu nhiều hơn (Jamil và cộng sự, 2015; Kisher, 2013; Latan và cộng sự, 2018; Mokhtar và cộng sự, 2016; Phan và cộng sự, 2017), đặc biệt nhóm lý thuyết dựa trên nền tảng xã hội (social system based theories) như lý thuyết ngẫu nhiên, lý thuyết các bên liên quan, lý thuyết hợp pháp hay thuyết thể chế được sử dụng khá nhiều để lập luận biến, mô hình nghiên cứu. Cụ thể nội dung và kết quả của các nghiên cứu như sau:

Đầu tiên là nghiên cứu của Frost và Wilmshurst (2000) đã xem xét mức độ nhạy cảm của ngành mà DN đang hoạt động tác động đến sự phát triển của EMA.

Theo đó, tác giả giả định rằng những ngành nhạy cảm cao với môi trường sẽ dễ dàng chấp nhận các quy trình liên quan EMA hơn là nhóm các ngành có độ nhạy cảm thấp với môi trường. Bằng việc khảo sát (qua thư) để thu thập thông tin từ các giám đốc tài chính của 500 DN niêm yết lớn nhất ở Úc. Kết quả phân tích cho thấy phần lớn các DN hoạt động trong lĩnh vực nhạy cảm có báo cáo các thông tin môi trường. Tuy nhiên lại không tồn tại bất cứ minh chứng nào cho thấy có mối liên kết giữa ngành hoạt động với EMA. Gần như không tồn tại sự khác biệt giữa 2 nhóm ngành ở các hoạt động liên quan như ghi nhận chi phí môi trường, chi phí kiểm toán, cải thiện môi trường. Tác giả cho rằng kết quả này minh chứng sự thất bại của KTQT truyền thống trong giám sát và phân bổ chi phí môi trường. Bài viết kết thúc bằng việc khuyến khích tiếp tục xem xét đâu là nhân tố thúc đẩy các DN phát triển EMA.

Tiếp đến là kết quả của Ferreira và cộng sự (2010), vẫn không có nền tảng lý thuyết nào được sử dụng để phục vụ cho việc lập luận các biến và mô hình nghiên cứu, với mục tiêu chính là xem xét tác động của EMA đến quy trình, sản phẩm. Bên

cạnh đó, các giả thuyết về sự tác động của một số nhân tố đối với việc thực hiện EMA được kiểm định. Kết quả khảo sát 298 người làm KTQT và các nhà kiểm soát tài chính cho thấy việc sử dụng EMA có ảnh hưởng đến việc cải tiến quy trình, nhưng đối với cải tiến sản phẩm thì không. Ngoài ra, không tồn tại bất kỳ mối quan hệ nào giữa chiến lược DN và quy mô với việc sử dụng EMA. Nhưng nhân tố ngành thì cho kết quả ngược lại với những DN trong các ngành hóa học, mỏ địa chất và công nghiệp nặng. Nói về các nghiên cứu trong tương lai, tác giả khuyến khích xem xét các nhân tố liên quan đến các yêu cầu pháp lý, áp lực các bên liên quan và thái độ của đơn vị với môi trường

Một nghiên cứu nữa, lần này Setthasakko (2010) thực hiện xem xét các rào cản tác động đến sự phát triển của EMA tại một số DN sản xuất giấy ở Thái Lan.

Không có lý thuyết hay mô hình nào được sử dụng trong nghiên cứu. Bằng cách phỏng vấn các nhà quản lý, KTT và việc quan sát trực tiếp quy trình sản xuất cho kết quả đối với những rào cản đối với EMA là: 1) Thiếu phương pháp đào tạo thích hợp, do đó chưa tạo được kỹ năng cho những người làm kế toán đã quen với kế toán truyền thống, dẫn đến họ bảo thủ và không muốn làm quen với hệ thống kế toán mới. 2) Quá tập trung vào thành quả kinh tế (Economic Performance). Theo truyền thống, các công ty ở Thái Lan chỉ tập trung vào những mục tiêu ngắn hạn thay vì dài hạn, cho nên những vấn đề liên quan đến lợi ích lâu dài thường bị bỏ qua. 3) Không có những hướng dẫn trong việc tổ chức sử dụng EMA. Ở Thái Lan và các nước Đông Nam Á không có những quy định, luật lệ trong việc thực hiện trách nhiệm môi trường của các DN. Việc thiếu các hướng dẫn liên quan đến tổ chức công tác EMA cũng làm hạn chế sự nổ lực của DN cho việc này. Cuối cùng, tác giả đề nghị để kết quả mang tính đại diện và chính xác hơn, cần khảo sát với số lượng mẫu nhiều hơn ở các ngành nghề, lĩnh vực và lãnh thổ khác nhau.

Tương tự, Qian và cộng sự (2015) tiếp tục khám phá sự phát triển và rào cản cho sự phát triển của EMA nhưng là ở 3 DN lớn về công nghiệp nặng tại Trung Quốc. Các góc độ của lý thuyết thể chế được khai thác. Dữ liệu được thu thập bằng phương pháp quan sát và phỏng vấn (giám đốc tài chính, các cá nhân có liên quan

thông qua giới thiệu của giám đốc tài chính), sau đó tập hợp và xem xét thông qua phân tích các nhóm chủ đề (Thematic Analysis Procedure). Kết quả thể hiện: 1) Có dấu hiệu sử dụng EMA trong các DN này, tuy nhiên qua khảo sát cho thấy chưa hình thành một cách có hệ thống công tác này. 2) có những quy định và áp lực nhất định khiến các nhà quản lý trong các DN này có sự chuẩn bị để phát triển EMA. 3) Những nguyên tắc, luật lệ (Normative) trong thể chế hoạt động của các DN nhà nước cũng là rào cản cho việc hình thành và sử dụng EMA. Cuối cùng là những kiến nghị để EMA phát triển trong tương lai, trong đó có việc chính phủ ban hành các luật lệ môi trường cũng như việc vận dụng các luật này tại địa phương. Thêm vào đó, đầu tư nhiều hơn trong việc trang bị kiến thức môi trường cho nhà quản lý cũng như công nhân để nâng cao nhận thức và kỹ năng đối với vấn đề này.

Cũng trong năm này, Jamil và cộng sự (2015) nghiên cứu các nhân tố và rào cản tác động đến việc sử dụng EMA trong các DN sản xuất có quy mô nhỏ và vừa ở Malaysia, trong đó lý thuyết thể chế được sử dụng để lập luận biến. Tác giả gửi bảng hỏi và nhận phản hồi thông qua bưu chính. Mặc dù tỷ lệ phản hồi rất nhỏ, ở mức 9% (32/350) nhưng vẫn được nhóm tác giả chấp nhận với lý do EMA còn là một công cụ kế toán quá mới mẻ đối với DN quy mô này. Một vài kết luận được nêu ra: 1) Đa số các DN (75%) nói là có phân bổ ngân sách cho các hoạt động môi trường, dù vậy đa số không nắm hoặc không tham gia trong việc thực thi EMA; 2) Áp lực cưỡng ép có tác động đến việc thực thi EMA. Tuy nhiên lại không tìm thấy mối quan hệ tương tự cho áp lực quy chuẩn và mô phỏng; 3) Và có 2 rào cản trong việc thực thi EMA, thứ nhất là rào cản tài chính (Financial Barrier), trong đó bao gồm vấn đề nguồn lực tài chính không dồi dào, vấn đề sử dụng nguồn lực kém hiệu quả và cuối cùng sự quan tâm chưa đúng mức đối với chi phí cho môi trường. Rào cản thứ hai là việc thu thập và phân bổ chi phí môi trường, nghĩa là từ trước đến nay họ chưa làm công việc này, nên họ không biết phải làm thế nào.

Quay lại thời kỳ mà EMA bắt đầu được chú ý ở các nước phát triển đầu những năm 2000, Bouma và van der Veen (2002) đã tiếp cận lý thuyết ngẫu nhiên, lý thuyết thể chế cùng với các chỉ số của các nghiên cứu về sử dụng EMA để khám

phá về mức độ và những lý do mà DN chấp nhận sử dụng EMA. Vào thời điểm nghiên cứu, các thực hành được lựa chọn (từ một tình huống thực tế) để phân tích mang dáng dấp của KTQT hơn là EMA, chủ yếu dùng công cụ của KTQT truyền thống, cũng như các chỉ số tài chính đơn giản. Nhưng nhóm tác giả cho rằng điều này có thể được chấp nhận bởi sự hiểu biết về EMA tính đến thời điểm nghiên cứu là rất hạn chế. Kết quả từ các dữ liệu được tác giả đưa ra: thứ nhất, các DN có chiến lược tập trung vào việc cắt giảm và phân bổ chi phí sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh;

thứ hai là ngành nghề của DN có tác động đến sự hiểu biết của lãnh đạo về môi trường. Tác giả khuyến khích tiếp tục sử dụng hai lý thuyết (ngẫu nhiên và thể chế) cho các nghiên cứu về các nhân tố tác động đến việc chấp nhận EMA trong tương lai.

Cũng với lý thuyết ngẫu nhiên, Mokhtar và cộng sự (2016) thực hiện khám phá mức độ sử dụng EMA và xem xét liệu sự khác nhau ở một số đặc tính (mức độ nhạy cảm với môi trường của ngành, quy mô DN, tình trạng sở hữu, sự chấp nhận hệ thống quản lý môi trường, tỷ lệ giám đốc không điều hành) của các DN có tác động đến mức độ sử dụng này hay không. Dù gửi bảng hỏi đến 801 DN niêm yết tại Malaysia, nhưng tỷ lệ phản hồi lại rất thấp, chỉ ở mức 9,7%. Tuy vậy, điều này theo tác giả là bình thường bởi đây là đặc trưng của phương pháp hỏi qua đường bưu điện và bản chất dữ liệu cần thu thập thuộc vấn đề mới. Qua kết quả của phân tích cho thấy mức độ sử dụng EMA ở các công ty này chỉ ở mức vừa phải, nhưng sẽ là cao nếu so sánh với một số nghiên cứu trước đó (Bartolomeo và cộng sự, 2000;

Ferreira và cộng sự, 2010; Frost & Wilmshurst, 2000). Thêm vào đó, các DN niêm yết xem việc tuân thủ các quy định môi trường hơn là việc gắn kết thông tin EMA vào hệ thống kiểm soát, báo cáo. Và ngoại trừ tình trạng sở hữu, tất cả các nhân tố còn lại đều không tác động đến mức độ sử dụng EMA của các DN. Dù vậy, tác giả cho rằng kết quả cần được xem xét một cách thận trọng, bởi dữ liệu thu thập mang tính thời điểm và số lượng mẫu không đạt như kỳ vọng.

Với nhận định việc sử dụng lý thuyết ngẫu nhiên trong nghiên cứu về EMA còn mờ nhạt và chưa đúng với mức mong đợi, Phan và cộng sự (2017) tiếp tục phân

tích mối quan hệ của một số biến ngẫu nhiên (nhận thức về hệ thống quản lý môi trường, quy mô DN, sự hỗ trợ của quản lý cấp cao) với sự chấp nhận EMA. Các phiếu khảo sát được gởi đến các giám đốc của các DN hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Kết quả minh chứng mối quan hệ cùng chiều giữa nhân tố “Nhận thức về hệ thống quản lý môi trường” và “Sự hỗ trợ của quản lý cấp cao” với mức độ sử dụng EMA. Tuy nhiên, trái ngược với mong đợi của tác giả, mối quan hệ giữa quy mô và việc sử dụng EMA lại không có ý nghĩa thống kê, nghĩa là EMA được vận dụng và có hiệu quả như nhau ở các quy mô DN khác nhau. Tác giả nhấn mạnh vai trò của yếu tố hỗ trợ từ cấp trên và sự cần thiết trong việc điều chỉnh hệ thống KTQT truyền thống để quá trình chuyển đổi, thích nghi các thực hành EMA diễn ra một cách thuận lợi và nhanh chóng. Ngoài ra, trong tương lai cần tiếp tục mở rộng sự hiểu biết về các nhân tố khuyến khích DN cam kết vận dụng EMA, đặc biệt là sự quan tâm của các bên liên quan đối với thành quả hoạt động môi trường của đơn vị.

Tiếp cận với góc độ khác, Latan và cộng sự (2018) sử dụng quan điểm dựa trên nguồn lực tự nhiên (Natural resource – based view) để phân tích tác động của chiến lược môi trường, sự cam kết của lãnh đạo và sự bất định của môi trường đến thành quả hoạt động môi trường của DN thông qua vai trò của EMA. Thông qua dữ liệu khảo sát trực tuyến từ 107 phản hồi của lãnh đạo tại các DN niêm yết ở Indonesia, kết quả phân tích cho thấy tồn tại mối quan hệ giữa việc sử dụng EMA với các nhân tố có trong nghiên cứu, từ đó gián tiếp nâng cao thành quả hoạt động môi trường. Điều này một lần nữa khẳng định EMA là hữu dụng để cung cấp thông tin cho các nhà quản lý để ra quyết định. Trong tương lai, việc lặp lại nghiên cứu này ở nước khác và sử dụng các nhân tố ngẫu nhiên được tác giả cho là cần thiết và khuyến khích thực hiện để gia tăng, mở rộng hơn sự hiểu biết về EMA.

Xem xét kết quả của S. Wang và cộng sự (2019), theo lý thuyết thể chế, tác giả phát triển các giả thuyết để kiểm định các giả thuyết rằng các áp lực cưỡng ép, quy chuẩn, mô phỏng có tác động đến việc sử dụng EMA của các DN sản xuất ở vùng đồng bằng sông Trường Giang (Yangtze River Delta). Kết quả cho thấy, có hai trong ba loại áp lực (cưỡng ép, quy chuẩn) có ý nghĩa đối với việc sử dụng

EMA. Tuy vậy, theo tác giả cần phải thận trọng khi kết luận mối quan hệ này trong thực tế mà cần phải xem xét kỹ hơn về các đặc điểm cụ thể vào thời điểm đó. Vì nghiên cứu cũng chứng minh được Sự hỗ trợ của quản lý cấp cao và Lợi ích cảm nhận có tác động điều tiết đến mối quan hệ này. Cụ thể là khi đối mặt với áp lực cưỡng ép (chính phủ, các cơ quan hữu quan) và áp lực quy chuẩn (hiệp hội ngành, truyền thông, xã hội) thì DN nào có lợi ích cảm nhận và hỗ trợ từ cấp trên càng cao thì càng dễ dàng hơn trong việc chấp nhận EMA để đảm bảo tính hợp pháp và đảm bảo mối quan hệ với các bên liên quan. Trong khi đó, tác giả cho rằng chính sự khác nhau đối với bản chất của chi phí bỏ ra (trước mắt) và lợi ích có được (lâu dài) là lý do tại sao áp lực mô phỏng không tạo ra bất cứ tác động nào.

Gần hơn là minh chứng về mối quan hệ giữa áp lực thể chế, chiến lược môi trường với EMA của Gunarathne và cộng sự (2021), ngoài ra EMA cũng đóng vai trò trung gian trong mối quan hệ của chiến lược môi trường đến thành quả hoạt động của DN. Lý thuyết thể chế và ngẫu nhiên được dùng để lập luận mô hình.

Nhóm tác giả thu thập dữ liệu từ 144 DN ở Sri Lanka với xử lý bằng kỹ thuật PLS- SEM đã khẳng định hệ thống này sẽ rất hữu ích trong việc cung cấp cũng như giám sát thông tin cả hoạt động tài chính lẫn môi trường, qua đó phục vụ tốt cho công cuộc PTBV của DN.

Cuối cùng cũng với lý thuyết ngẫu nhiên, Gunarathne và cộng sự (2023) khám phá thêm quan hệ của cách thức sử dụng EMA với các mức độ vận dụng chiến lược quản trị môi trường tại các DN niêm yết ở Sri Lanka. Dữ liệu khảo sát được thu thập bằng bảng hỏi thiết kế sẵn qua nền tảng web. Qua kết quả 142 phản hồi (trên tổng số 1.100 phiếu phát ra) khẳng định các DN với các chiến lược quản trị môi trường khác nhau sẽ có sự khác nhau trong việc sử dụng EMA. DN nào có trình độ quản trị cao hơn, các công cụ sẽ được dùng nhiều hơn, cho nhiều mục đích hơn, đặc biệt khi đã chuyển chiến lược từ phản ứng sang chủ động, EMA sẽ được tối ưu hóa trong việc xử lý các hoạt động quản lý môi trường phức tạp.

Một phần của tài liệu các nhân tố tác động đến thái độ và ý định sử dụng kế toán quản trị môi trường nghiên cứu các doanh nghiệp tại đồng bằng sông cửu long (Trang 27 - 36)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(245 trang)
w