Định hướng nghiên cứu của tác giả

Một phần của tài liệu các nhân tố tác động đến thái độ và ý định sử dụng kế toán quản trị môi trường nghiên cứu các doanh nghiệp tại đồng bằng sông cửu long (Trang 53 - 56)

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU

1.5. Định hướng nghiên cứu của tác giả

Một là thay vì nhắm vào các vấn đề thực hành, tác giả lựa chọn Thái độ và Ý định sử dụng EMA làm đối tượng cho bài nghiên cứu. Việc nghiên cứu nhóm đối tượng phi hành vi (ý định, thái độ, nhận thức…) cũng là một định hướng mới gần đây, số lượng các nghiên cứu hiện tại rất ít mà theo Christ và Burritt (2013) thì đây là khoảng trống cần được quan tâm. Ngoài ra, khi KTQT chưa phát triển như mong đợi tại Việt Nam (Đỗ Thị Dung, 2019; Huỳnh Lợi, 2008) thì lựa chọn này được xem là phù hợp, bởi EMA đã được chứng minh không tồn tại tách biệt mà là một phần tích hợp trong KTQT (Jasch, 2003)

Hai là tiếp tục sử dụng các nhóm lý thuyết nền tảng xã hội phục vụ cho quá trình lập luận biến, cụ thể là lý thuyết ngẫu nhiên, các bên liên quan và dự đoán hành vi. Trong khi TPB được dùng để nghiên cứu Ý định vừa đề cập ở trên thì kết quả một số nghiên cứu từ lý thuyết ngẫu nhiên chưa mang tính khái quát, được các tác giả khuyến khích đưa vào mô hình để xem xét, đánh giá dưới nhiều phạm vi khác nhau. Cùng với đó, khi vấn đề PTBV được các bên quan tâm, DN hoạt động trong nền kinh tế phải chịu nhiều sức ép khác nhau, việc sử dụng lý thuyết các bên liên quan tạo ra sự hòa hợp giữa bối cảnh thực tế và nghiên cứu.

Ba là một mặt kiểm định lại các biến kế thừa, mặt khác mở rộng tìm hiểu các biến thông qua việc thiết lập giả thuyết về các mối quan hệ giữa chúng với nhau.

Đầu tiên, việc kiểm định lại các biến là cách ta tăng cường mức độ khái quát của kết quả đối với biến đó, nhất là tại Việt Nam. Qua đó đảm bảo tính ứng dụng vào thực tiễn của EMA tại các thị trường có đặc điểm khác nhau. Ngoài ra, khi các tác giả trong nước trước đây được cho là chưa chú trọng hay bỏ sót việc xem xét mối quan hệ giữa các biến với nhau thì việc ta mở rộng tìm hiểu các mối quan hệ này có thể được xem là sự đóng góp mang tính mới của bài nghiên cứu đối với sự hiểu biết chung về EMA.

Cuối cùng, khi hầu hết các tác giả trước đây bỏ qua vai trò của bộ phận kế toán thì bài nghiên cứu này xác định thông tin được cung cấp từ bộ phận này là loại dữ liệu chính cần thu thập phục vụ kiểm định mô hình nghiên cứu. Trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, việc tìm hiểu một hệ thống (ở đây là HTTT kế toán) mà bỏ qua vai trò của người vận hành, sử dụng hệ thống đó ít nhiều làm mất đi tính toàn diện, cốt lõi của vấn đề nghiên cứu. Nên đây có thể được xem là định hướng góp phần lấp đầy khoảng trống mà các tác giả trước để lại khi đa số chỉ tập trung vào ý kiến những người quản lý.

Nói tóm lại, với hiện trạng phát triển của KTQT ở Việt Nam, tác giả lựa chọn nghiên cứu “Ý định” thay cho “Thực hành”. Các nhóm lý thuyết nền tảng xã hội được sử dụng để lập luận, lựa chọn các biến, thiết lập các giả thuyết nghiên cứu giữa các biến đến “Ý đinh” và giữa các biến với nhau. Và dữ liệu phục vụ kiểm định các giả thuyết chủ yếu đến từ nhóm đối tượng tham gia vận hành HTTT kế toán tại DN.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 1

Việc khái lược các dòng nghiên cứu về EMA trên thế giới và Việt Nam đã cho ta thấy tình hình tổng quan về EMA, từ các nghiên cứu ban đầu về lý thuyết, mô hình, cách thức vận dụng cho đến các nghiên cứu sâu hơn về các nhân tố ủng hộ, cản trở sự phát triển của EMA tại các DN. Trên cơ sở các mặt làm được cũng như các tồn tại, tác giả nhìn nhận, phân tích khoảng trống và rút ra định hướng, mục tiêu cần giải quyết trong luận án này.

Một phần của tài liệu các nhân tố tác động đến thái độ và ý định sử dụng kế toán quản trị môi trường nghiên cứu các doanh nghiệp tại đồng bằng sông cửu long (Trang 53 - 56)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(245 trang)
w