Bàn luận kết quả

Một phần của tài liệu các nhân tố tác động đến thái độ và ý định sử dụng kế toán quản trị môi trường nghiên cứu các doanh nghiệp tại đồng bằng sông cửu long (Trang 154 - 163)

CHƯƠNG 4: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

4.2. Kết quả nghiên cứu định lượng

4.2.2 Kết quả định lượng chính thức

4.2.2.5. Bàn luận kết quả

Nghiên cứu thực nghiệm đã chỉ ra rằng thái độ đối với EMA có tác động thúc đẩy đáng kể đến ý định sử dụng EMA. Nói cách khác, các cá nhân phụ trách kế toán nhận thức tích cực hơn với EMA sẽ có xu hướng sử dụng công cụ này hơn.

Điều này phù hợp và tương đồng với kết quả trước đây về hành vi liên quan đến môi trường (như ngăn chặn ô nhiễm, giảm tiêu thụ tài nguyên, công khai thông, bảo tồn năng lượng) của Cordano & Frieze (2000), Farzana và cộng sự (2015), Weidman và cộng sự (2010). Như vậy, việc mở rộng hành vi sâu hơn vào EMA vừa mở rộng thêm sự hiểu biết về EMA, vừa giúp ta có thêm cơ sở để tin rằng trong vấn đề môi trường, hay có thể rộng hơn là các vấn đề bền vững thì thái độ tốt là một nhân tố thúc đẩy. Điều này gợi ý rằng, các nhà quản trị nếu có ý định đưa EMA vào sử dụng thì nên có những biện pháp làm sao để những người thực hiện công tác kế toán có thái độ tốt hơn với việc tích hợp EMA.

Các biến ngẫu nhiên với thái độ và ý định Sự bất định của môi trường

Kết quả kiểm định khẳng định ý nghĩa thống kê về tác động của Sự bất định của môi trường đến Thái độ và Ý định. Điều này cho thấy, với sự trỗi dậy của vấn đề toàn cầu hóa thì trong quá trình hoạt động các DN ít nhiều có quan tâm đến các vấn đề về luật định, chính sách, sản phẩm, đối thủ cạnh tranh để đáp ứng yêu cầu của thị trường (Mokhtar và cộng sự, 2016). Và khi sự khó lường của môi trường nói chung được nhận thức một cách rõ ràng thì thái độ, ý định của những người điều hành công tác kế toán đối với EMA cũng sẽ thay đổi theo hướng tích cực. Kết quả này khác với kết luận của Pondeville và cộng sự (2013) nhưng lại tương đồng với nghiên cứu của Latan và cộng sự (2018). Tuy nhiên, sự khác biệt này có thể được giải thích bởi những thay đổi trong môi trường kinh doanh và nhận thức ngày càng tăng về tác động của môi trường đối với hoạt động DN. Đặc biệt, ĐBSCL gần đây đã phải đối diện với những khó khăn từ biến đổi khí hậu, dẫn đến các vấn đề môi

trường nghiêm trọng như ngập lụt do nước biển dâng và xâm nhập mặn. Điều này đã thúc đẩy các DN trong khu vực lưu tâm hơn đến các bất định về môi trường.

Nghiên cứu trong tương lai có thể tập trung vào việc xem xét sâu hơn từng ngành và lĩnh vực cụ thể để làm sáng tỏ hơn vấn đề này.

Ngành hoạt động

Như đã đề cập, nhân tố ngành hoạt động đã được nghiên cứu rộng rãi trong lĩnh vực KTQT, đặc biệt liên quan đến thiết kế hệ thống kế toán. Tuy nhiên, ứng dụng của nó trong nghiên cứu về EMA vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Trong nghiên cứu này, kết quả thể hiện ngành hoạt động tương quan với cả thái độ và ý định sử dụng EMA.

Điều này được Frost và Seamer (2002) đồng tình rằng các ngành nhạy cảm với môi trường thường có xu hướng chấp nhận các hoạt động liên quan đến môi trường hơn. Kết quả này cũng tương ứng với kết luận của IFAC (2005) về việc các ngành khác nhau sẽ chịu những áp lực khác nhau về môi trường, cũng như giả định của Frost và Wilmshurst (2000) về sự khác biệt trong quy trình và chính sách quản lý môi trường giữa các DN cùng quy mô nhưng hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau.

Cơ cấu kinh tế tại ĐBSCL đang trải qua quá trình chuyển đổi mạnh mẽ, mặc dù nông nghiệp vẫn là ngành chủ lực, nhưng tốc độ phát triển nhanh chóng đã gây ra nhiều vấn đề môi trường, đặc biệt là sự mất cân đối giữa số lượng khu công nghiệp, nhà máy sản xuất và hệ thống xử lý chất thải. Với bối cảnh PTBV đang trở thành tâm điểm tại khu vực, việc các DN trong các ngành nhạy cảm với môi trường dễ dàng chấp nhận các công cụ hỗ trợ thu thập và xử lý thông tin môi trường là điều dễ hiểu.

Quy mô DN

Kết quả phân tích (Bảng 4.21) cho thấy quy mô DN có mối liên hệ đáng kể với cả thái độ và ý định sử dụng EMA, kết quả phù hợp với Frost và Seamer (2002)

và Christ và Burritt (2013). Điều này thể hiện các DN lớn hơn có xu hướng có thái độ tích cực hơn và ý định sử dụng EMA cao hơn.

Quy mô DN, cùng với ngành hoạt động luôn là biến được quan tâm thường xuyên trong các nghiên cứu KTQT. Điều này có thể được giải thích bởi việc các DN lớn thường có nguồn lực và chuyên môn dồi dào hơn (Abdel-Kader & Luther, 2008), tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng và chuyển đổi các kỹ thuật kế toán quản trị từ căn bản đến phức tạp (Cadez & Guilding, 2008; Ferreira và cộng sự, 2010). Việc triển khai EMA để ghi nhận thông tin môi trường đòi hỏi nguồn lực đáng kể, bao gồm chi phí thiết lập hệ thống mới, thuê chuyên gia và đào tạo nhân viên (Mokhtar và cộng sự, 2016). Do đó, chỉ những DN lớn mới có đủ nguồn lực về nhân sự và tài chính để áp dụng EMA vào hoạt động thực tế.

Một yếu tố khác cần xem xét là sự giám sát chặt chẽ hơn đối với các DN lớn, thúc đẩy họ triển khai hoạt động gần gũi với môi trường (Patten, 2002). Thực tế tại ĐBSCL, khu vực sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, phần lớn các DN có nguồn lực lớn hoạt động trong lĩnh vực này. Với chiến lược PTBV nông nghiệp và nông thôn đến năm 2030, các yêu cầu về sản phẩm xanh, sạch, truy xuất nguồn gốc đang thúc đẩy các DN trong khu vực đầu tư mạnh vào nguyên liệu sạch và nâng cấp hệ thống xử lý chất thải (Minh Cường ở Cà Mau, Nam Việt ở An Giang, Việt Úc ở Bạc Liêu…). Tuy nhiên, một số lại không tìm thấy mối liên hệ giữa quy mô DN và việc thực hiện EMA, nghĩa là vấn đề nguồn lực không phải luôn luôn đóng vai trò quyết định. Do đó, cần nghiên cứu sâu hơn để làm rõ vấn đề này trong tương lai.

Sự hỗ trợ từ quản lý cấp cao

Sự hỗ trợ từ quản lý cấp cao là yếu tố cuối cùng được xem xét trong mô hình và kết quả cho thấy nó có mối quan hệ tích cực đến thái độ và ý định thực hiện EMA. Điều này tương thích với kết quả trước đây về các hệ thống kế toán hiện đại, khẳng định vai trò quan trọng của sự hỗ trợ từ lãnh đạo chấp nhận và triển khai các hệ thống mới (Baird và cộng sự, 2007; Tung và cộng sự, 2011).

Việc này cũng có thể giải thích cho kết quả của luận án, vì EMA cũng là một kỹ thuật kế toán nâng cao. Mặc dù sự hợp tác của nhiều bộ phận là quan trọng cho quản lý môi trường, nhưng lãnh đạo vẫn là người quyết định phân bổ nguồn lực, và nếu không có sự ủng hộ này, việc thực hiện EMA sẽ khó khăn (Catarino và cộng sự, 2011). Mối tương quan của sự hỗ trợ từ quản lý cấp cao và việc thực hiện EMA đã được chứng minh ở các nước phát triển như Nhật Bản và Úc (Kokubu & Nashioka, 2005; Kokubu và cộng sự, 2003; Phan và cộng sự, 2017), nhưng lại chưa được nghiên cứu nhiều ở các nước đang phát triển, bao gồm cả Việt Nam.

Ở khu vực ĐBSCL, ngoài việc EMA là một kỹ thuật mới cần sự hỗ trợ từ cấp trên, mối liên hệ này còn có thể được lý giải bởi chất lượng nguồn nhân lực tại đây. Trong một báo cáo tại Diễn đàn quốc tế phát triển bền vững ĐBSCL – SDMD 2022, GS.TS Hà Thanh Toàn có phân tích lao động tại ĐBSCL hiện nay phần lớn chưa qua đào tạo, chỉ 7% trên tổng số dân ở bậc đại học (so với con số 63% của của nước), cho thấy vấn đề đào tạo và trình độ nguồn nhân lực rất thấp của khu vực này.

Để một HTTT kế toán vận hành hiệu quả với các kỹ thuật hiện đại luôn đòi hỏi chất lượng tương xứng của con người trong bộ máy kế toán. Nên với thực trạng trên, sự hỗ trợ của các cấp quản lý là cần thiết để các bộ phận nói chung thích nghi với các công cụ quản lý hiện đại hay cụ thể trong bài là các cá nhân làm công tác kế toán có động lực để sử dụng EMA trong tương lai.

Các tác động gián tiếp

Trong mối quan hệ giữa các biến ngẫu nhiên và Áp lực các bên với Ý định gián tiếp qua Thái độ, kết quả luận án chỉ ghi nhận sự tương quan của 2 biến Bất định môi trường và Quy mô DN. Nghĩa là thái độ chỉ đóng vai trò bổ sung cho ảnh hưởng của 2 biến này đến ý định sử dụng EMA. Ở phần còn lại, dù các mối quan hệ riêng lẻ của các biến áp lực các bên, ngành hoạt động, sự hỗ trợ của cấp lãnh đạo đến thái độ cũng như thái độ đến ý định được ủng hộ bởi dữ liệu thống kê, nhưng tích số các thành phần lại không đạt mức ý nghĩa nên không đủ điều kiện để công nhận mối quan hệ gián tiếp. Dù chỉ 2/5 giả thuyết về mối quan hệ gián tiếp được

ủng hộ bởi dữ liệu nhưng kết quả này cũng đóng góp thêm cho sự hiểu biết về vị trí trung gian của thái độ trong tương quan của các biến ngẫu nhiên với ý định hành vi nói chung. Tuy nhiên mối quan hệ này vẫn còn rất ít được khám phá trong lĩnh vực KTQT, trong tương lai cần tiếp tục nghiên cứu.

Áp lực các bên đến Thái độ và Ý định sử dụng EMA

Kết quả nghiên cứu khẳng định áp lực các bên có ảnh hưởng đến thái độ sử dụng EMA, góp phần mở rộng hiểu biết về các nhân tố ảnh hưởng đến thái độ trong mô hình TPB, theo khuyến khích xem xét dưới góc độ một hành vi cụ thể của Petraitis và cộng sự (1995). Tương quan thuận chiều giữa áp lực và thái độ cho thấy xu hướng tích cực hơn với EMA của những người phụ trách công tác kế toán khi cảm nhận được áp lực từ bên ngoài. Điều này gợi ý rằng trong bối cảnh hiện nay, khi yếu tố bền vững ngày càng được chú trọng, việc áp dụng EMA có thể trở nên thông dụng hơn. Dù vậy, nghiên cứu chưa đề cập vai trò bổ sung của thái độ trong mối quan hệ giữa áp lực và ý định sử dụng EMA. Đây là một khía cạnh cần được xem xét kỹ hơn trong tương lai để hiểu rõ hơn về hành vi liên quan đến EMA.

Dữ liệu nghiên cứu cũng cho thấy ý định sử dụng EMA của bộ phận kế toán chịu ảnh hưởng bởi áp lực các bên. Điều này chứng tỏ không chỉ riêng bộ phận quản lý mà cả những người làm kế toán cũng chịu áp lực này trong việc dùng EMA.

Điều này phù hợp với thực tế môi trường kinh doanh ngày càng phát triển và phức tạp, khi kế toán đóng vai trò hỗ trợ ra quyết định quản lý liên quan đến PTBV (Albelda, 2011; Berry và cộng sự, 2009; Burnett & Hansen, 2008), một yếu tố then chốt giúp DN nâng cao giá trị trước các nhóm liên quan (Deegan, 2002; Mistry và cộng sự, 2014). Nghiên cứu này cũng đồng nhất với nhiều nghiên cứu khác ở nhiều thời điểm, góc độ và đối tượng không giống nhau về mối quan hệ giữa áp lực từ các bên liên quan và các hoạt động liên quan đến môi trường (Kassinis & Vafeas, 2006;

Vilchez và cộng sự, 2017; Zhu & Sarkis, 2004; Zhu và cộng sự, 2005).

Xuất phát từ những tiêu cực môi trường do biến đổi khí hậu gây ra, chính quyền các địa phương tại ĐBSCL (như Trà Vinh, Long An, Bạc Liêu...) đã tăng cường các biện pháp quản lý môi trường, tài nguyên. Cụ thể, các hoạt động như rà soát và ban hành văn bản pháp luật, kiểm soát việc thực thi pháp luật, định hướng thu hút đầu tư vào các dự án phát triển xanh, công nghệ cao và ưu tiên tín dụng cho các dự án thân thiện với môi trường đã được đẩy mạnh (điển hình là việc phê duyệt dự án Nhà máy điện gió ven biển kết hợp du lịch xanh tại Bạc Liêu). Những nỗ lực này của chính quyền địa phương đã tạo ra áp lực đáng kể lên các DN trong việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường. Do đó, kết quả nghiên cứu về mối tương quan giữa áp lực các bên đến thái độ và ý định sử dụng EMA là hoàn toàn thỏa đáng với bối cảnh thực tiễn.

KSHV với Ý định sử dụng EMA.

Sự tác động thuận chiều của KSHV đến ý định sử dụng EMA được kết quả ủng hộ (β7 = 0,13; t = 2,51; p < 0,05). Điều này gợi ý, trong bối cảnh nghiên cứu, khi những người làm kế tin vào việc thực hiện và kiểm soát kết quả của việc áp dụng EMA, họ sẽ có xu hướng mạnh mẽ hơn trong việc sử dụng công cụ này. Điều này càng minh chứng cho TPB rằng một thái độ phù hợp và cảm nhận được các áp lực từ xã hội có thể chưa đủ để hình thành ý định thực hiện hành vi mà thêm vào đó cần phải có sự tham gia của yếu tố KSHV (Fishbein & Ajzen, 2011). Các tác giả như Weidman và cộng sự (2010), Thoradeniya và cộng sự (2015) khi nghiên cứu vấn đề PTBV cũng tìm thấy mối tương quan của 2 biến này. Để việc tích hợp và khai thác hiệu quả EMA được đảm bảo, đặc biệt là sự ủng hộ từ bộ phận kế toán, các nhà quản lý cần đặc biệt quan tâm đến nguồn lực thực hiện công tác kế toán (nhân sự và vật chất). Đây là yếu tố tác động đáng kể đến KSHV cảm nhận của nhân viên trong hệ thống. Tuy nhiên, một số nghiên cứu trước đây chưa tìm thấy mối tương quan giữa hai biến này, do đó, cần có thêm những nghiên cứu sâu hơn về mối quan hệ giữa KSHV và ý định sử dụng EMA trong tương lai.

Kết quả nghiên cứu cho thấy KSHV cảm nhận có vai trò điều tiết đáng kể trong mối tương quan giữa thái độ, áp lực các bên và ý định sử dụng EMA. Cụ thể, KSHV cảm nhận làm tăng ảnh hưởng của áp lực từ các bên đến ý định sử dụng EMA, nhưng lại làm giảm tác động của thái độ đến ý định này. Eagly và Chaiken (1993) lập luận tương tự với kết quả này, khi họ cho rằng mặc dù áp lực các bên có thể thúc đẩy một hành vi nhất định, nhưng cá nhân có thể không có ý định thực hiện hành vi đó nếu họ không tin vào khả năng của mình. Dù vậy, tác động nghịch chiều của mối quan hệ kiểm soát từ KSHV lên thái độ đến ý định cũng là điều cần phải xem xét. Việc này có thể lý giải do áp lực là từ bên ngoài, cá nhân không thể điều tiết, nhưng thái độ lại xuất phát từ bên trong cá nhân nên có thể phát sinh tâm lý ỷ lại, thụ động khi cảm nhận được các nguồn lực xung quanh trong việc thực hiện EMA. Do sự phức tạp của mối quan hệ giữa KSHV và ý định hành vi, Eagly và Chaiken (1993) đề xuất rằng việc nghiên cứu vai trò điều tiết của KSHV có vai trò quan trọng hơn so với việc chỉ tập trung vào ảnh hưởng trực tiếp của nó lên ý định hành vi. Tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu trước đây sử dụng TPB lại xem KSHV như một yếu tố độc lập tác động đến ý định (Fishbein & Ajzen, 2011). Mặc dù tác động điều tiết có ý nghĩa thống kê của KSHV đã được chỉ ra, nhưng hệ số tác động lại thấp, tương tự như kết quả của Yzer (2012). Do đó trong tương lai nên định hướng vào vai trò điều tiết của KSHV để mở rộng hiểu biết và tính khái quát của biến số này trong TPB nói chung và lĩnh vực EMA nói riêng.

Kết quả cũng cho thấy tương quan có ý nghĩa thống kê giữa quy mô DN, sự hỗ trợ từ quản lý cấp cao và KSHV cảm nhận. Điều này củng cố quan điểm của Fishbein và Ajzen (2011) rằng tính khả dụng của thông tin và nguồn lực cần thiết tác động đến KSHV của cá nhân, tức là niềm tin vào năng lực thực hiện hành vi.

Đồng thời, kết quả này cũng mở rộng hiểu biết về ảnh hưởng của các yếu tố nền tảng lên các yếu tố cấu thành ý định hành vi trong bối cảnh EMA, như Petraitis và cộng sự (1995) đã khuyến nghị. Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu trong tương lai, trên nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là EMA, để hiểu sâu hơn về mối quan hệ này.

Một phần của tài liệu các nhân tố tác động đến thái độ và ý định sử dụng kế toán quản trị môi trường nghiên cứu các doanh nghiệp tại đồng bằng sông cửu long (Trang 154 - 163)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(245 trang)
w