Đầu tiên là vấn đề số lượng mẫu khảo sát. Cỡ mẫu tác giả sử dụng trong bài cho NCĐL chính thức là 215. Con số này dù đáp ứng được điều kiện của kỹ thuật phân tích PLS-SEM (Goodhue và cộng sự, 2012; Marcoulides & Saunders, 2006) nhưng tác giả cho rằng nếu cỡ mẫu có thể thu thập nhiều hơn nữa thì có thể nâng cao hơn tính khái quát của kết quả. Thực tế, quá trình thu thập dữ liệu từ đối tượng khảo sát cho các nghiên cứu về các vấn đề môi trường không phải là dễ dàng. Vì tâm lý sợ các định kiến xã hội, nên các cá nhân rất ngại hoặc không muốn cung cấp thông tin trong các cuộc khảo sát (Hamschmidt & Dyllick, 2001). Vì vậy trong tương lai cần cân nhắc tiếp cận hiệu quả hơn để giảm loại tâm lý này.
Thứ hai, đối tượng khảo sát là KTT hoặc cá nhân phụ trách tài chính tại DN, bởi họ sở hữu kinh nghiệm và nhận thức sâu sắc về việc gắn thông tin, dữ liệu môi trường vào HTTT kế toán. Đặc biệt, họ có quyền hoặc tiếng nói quan trọng trong việc xây dựng hệ thống thu thập thông tin môi trường. Tuy nhiên, kế toán viên cũng đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ quá trình ra quyết định quản lý liên quan đến các thực hành kế toán bền vững (Albelda, 2011; Berry et al., 2009; Burnett &
Hansen, 2008). Họ tham gia trực tiếp vào vận hành HTTT kế toán. Do đó, việc xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến ý định thực hiện EMA của nhóm này là hoàn toàn hợp lý, cung cấp cơ sở quan trọng cho nhà quản lý trong quá trình triển khai EMA nói riêng và HTTT phục vụ PTBV nói chung. Vì vậy, để có thêm góc nhìn đa chiều về thái độ cũng như ý định sử dụng công cụ cho mục tiêu bền vững, cần thiết xem xét mở ộng thêm đối tượng bao gồm cả nhóm chủ DN. Tuy nhiên, việc mở rộng này đòi hỏi sự điều chỉnh mô hình, ví dụ như loại bỏ các biến "sự hỗ trợ của quản lý cấp
cao" hay "KSHV cảm nhận" do không phù hợp với đặc thù của nhóm đối tượng mới..
Thứ ba, biến ngẫu nhiên trong mô hình của luận án còn hạn chế và chưa thực sự mang tính đột phá trong phạm vi nghiên cứu của luận án. Kết quả đã minh chứng được sự tương thích của các lý thuyết nền tảng xã hội trong việc nghiên cứu EMA, các nhà nghiên cứu có thể xem xét vận dụng lại hoặc phát hiện thêm dạng lý thuyết này trong tương lai. Đặc biệt, theo Christ và Burritt (2013), số lượng các biến ngẫu nhiên trên thực tế chưa được đưa vào nghiên cứu trong lĩnh vực EMA là rất nhiều.
Đơn cử có chiến lược môi trường, cấu trúc DN hay phong cách lãnh đạo, quản lý.
Vì thế trong tương lai, căn cứ trên nguồn lực và bối cảnh mà các tác giả có thể lựa chọn nhiều hơn các biến ngẫu nhiên này để khám phá cũng như mở rộng thêm sự hiểu biết về EMA.
Thứ tư, vẫn còn một số tồn tại trong đo lường của một số biến. Đối với biến quy mô, tác giả đo lường theo số lao động thường xuyên (được chi trả bảo hiểm), cách đo lường này cũng được nhiều tác giả sử dụng (Christ & Burritt, 2013). Dù vậy, tiêu chí phân loại quy mô DN tại Việt Nam lại bao gồm nhiều yếu tố hơn, bao gồm cả vốn, số lượng lao động và doanh thu theo từng lĩnh vực hoạt động (theo Nghị định số 39/2018/NĐ-CP). Nên trong tương lai các tác giả có thể cân nhắc lại cách thức đo lường biến này, dù rằng nhiều tiêu chí sẽ làm tăng sai số do chọn mẫu.
Đối với thang đo ý định thực hiện EMA, tác giả tiếp thu lại từ các nghiên cứu trước đây (Ferreira và cộng sự, 2010; Frost & Wilmshurst, 2000), khi xem xét gợi ý của các chuyên gia ở phần NCĐT lại nhận được một số quan điểm phải cân nhắc loại bỏ (chẳng hạn như “công ty sẽ phát triển và sử dụng KPIs liên quan đến môi trường trong 5 năm tới”). Các ý kiến chủ yếu liên quan đến nguồn lực thực tế của các DN.
Như vậy, trong tương lai, khi nguồn lực thay đổi thì thang đo của biến ý định thực hiện EMA cũng cần cân nhắc thay đổi cho hợp lý. Đối với thang đo áp lực các bên, để gói gọn phạm vi tác giả chỉ xem xét áp lực từ phía ngoài DN, bao gồm từ chính phủ, từ xã hội, từ nhà cung cấp và từ khách hàng. Các nhà nghiên cứu cũng có thể xem xét đề cập thêm áp lực từ nội bộ. Dù vậy, các tác giả phải cẩn trọng đối với sai
lệch của dữ liệu thu thập được vì tâm lý sợ định kiến từ cấp trên trong trường hợp này rất cao.
Thứ năm, kết quả từ dữ liệu chứng minh được tác động nghịch của biến KSHV xét ở vai trò điều tiết lên mối tương quan của thái độ đến ý định thực hiện EMA. Điều này đi ngược lại với những suy luận và giả định ban đầu, làm giảm tác động của thái độ lên ý định, nghĩa là trái lại với kỳ vọng của Fishbein và Ajzen (2011), Yzer (2012). Tác giả có nhìn nhận và lý giải rằng do EMA còn quá mới ở Việt Nam, các DN chưa nhìn nhận đầy đủ về vấn đề này, nên có thể phát sinh tâm lý ỷ lại, thụ động khi cảm nhận được các nguồn lực xung quanh trong việc thực hiện EMA. Điểm hạn chế tác giả muốn nhắc đến ở đây là đặc điểm mẫu (có thể) đã làm thay đổi những giả định của lý thuyết. Đây cũng chỉ là suy luận để giải thích cho kết quả này. Chính vì vậy, cần có các nghiên cứu thực nghiệm sâu hơn khi EMA trở nên thông dụng hơn tại Việt Nam, hoặc nghiên cứu phạm vi mẫu rộng hơn, với các đặc tính rõ ràng, cụ thể hơn, từ đó có những kết quả khái quát hơn những gì đã trình bày trong luận án này.
Cuối cùng, phạm vi nghiên cứu của luận án chỉ xem xét đến động lực đưa EMA vào thực tiễn tuy nhiên lại chưa đề xuất một mô hình để ứng dụng EMA một cách phù hợp tại Việt Nam. Khi xét ở phương diện tài chính, các chỉ tiêu trong mô hình tổng hợp EMA theo đề xuất của Schaltegger và cộng sự (2000) đã cho thấy EMA là chủ đề nghiên cứu, thực hành của lĩnh vực kế toán nói chung (Christ &
Burritt, 2013). Nhưng cũng có những nghiên cứu trước khẳng định EMA là đối tượng của đa ngành, đa lĩnh vực (Bartolomeo và cộng sự, 2000; Ditz và cộng sự, 1995). Việc này dù khuyến khích sự tham gia nghiên cứu của các bên nhưng cũng tạo ra không ít khó khăn, bởi nếu không có sự tập trung sẽ làm chậm quá trình phát triển của EMA, đặc biệt tại các nước đang trong quá trình vận dụng các công cụ phục vụ mục tiêu bền vững hóa. Chính vì thế trong tương lai, các mô hình ứng dụng EMA với các chỉ tiêu phù hợp với các DN Việt Nam cần được nghiên cứu xây dựng, đề xuất.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 5
Với kết quả trình bày ở Chương 4, tác giả nhận định những đóng góp của luận án mang lại cả ở phương diện lý thuyết lẫn thực tiễn. Góc độ lý thuyết, ngoài mở rộng thêm sự hiểu biết về EMA, luận án tiếp tục khẳng định sự phù hợp trong việc vận dụng các lý thuyết trên nền tảng xã hội trong việc nghiên cứu EMA, cũng như mở rộng hơn các mối quan hệ của các biến trong nhóm các lý thuyết này khi vận dụng vào bài nghiên cứu. Ở góc độ thực tiễn, việc nghiên cứu các tác động xoay quanh EMA là cơ sở tác giả gợi ý các hàm ý để các bên xem xét vận dụng trong việc ra các quyết định liên quan đến PTBV trong tương lai. Cuối cùng, tác giả cũng nhìn nhận các tồn tại của luận án về số lượng biến ngẫu nhiên, số lượng mẫu khảo sát, đối tượng thực hiện khảo sát và cả cách thức đo lượng biến. Đây là những gợi mở định hướng nghiên cứu trong tương lai về chủ đề EMA.
KẾT LUẬN CHUNG
EMA đã được rất nhiều các nghiên cứu và tổ chức khác nhau công nhận trong việc mang lại những lợi ích thiết thực cho DN trong các vấn đề liên quan đến môi trường và đặc biệt là trong tư duy PTBV. Tuy EMA được vận dụng rất hiệu quả tại các nước phát triển nhưng việc khám phá và đưa EMA vào thực tiễn tại các nước đang phát triển, lại đang rất hạn chế. Do đó, việc nghiên cứu xoay quanh chủ đề EMA là cần thiết.
Trên cơ sở lược khảo tài liệu cũng như các lý thuyết liên quan, tác giả xây dựng, đề xuất mô hình nghiên cứu sự tác động của các nhân tố ngẫu nhiên, áp lực các bên liên quan đến thái độ và ý định sử dụng EMA. Mô hình bao gồm các giả thuyết về các mối quan hệ trực tiếp, gián tiếp và điều tiết của các biến xoay quanh ý định sử dụng EMA.
Nghiên cứu được thực hiện theo hai giai đoạn: (1) Phỏng vấn chuyên sâu, thảo luận với các chuyên gia và thu thập dữ liệu sơ bộ, nhằm đánh giá và điều chỉnh thang đo cho phù hợp với bối cảnh Việt Nam. (2) Tiến hành thu thập dữ liệu chính thức để kiểm định mô hình và giả thuyết.
Kết quả phân tích từ 215 mẫu dữ liệu cho thấy hầu hết các mối quan hệ giả định đều có ý nghĩa thống kê, ngoại trừ các mối tương quan gián tiếp giữa áp lực các bên, ngành hoạt động, sự hỗ trợ từ lãnh đạo đến ý định thông qua biến trung gian thái độ.
Nghiên cứu mở rộng tri thức về EMA tại Việt Nam, cung cấp cơ sở thông tin cho các nhà quản lý và hoạch định chính sách trong việc ra quyết định liên quan đến môi trường, quản lý chi phí môi trường và hướng tới PTBV. Tuy nhiên, nghiên cứu vẫn còn tồn tại hạn chế cần được khắc phục trong tương lai.