Các biến ngẫu nhiên với thái độ và ý định sử dụng EMA

Một phần của tài liệu các nhân tố tác động đến thái độ và ý định sử dụng kế toán quản trị môi trường nghiên cứu các doanh nghiệp tại đồng bằng sông cửu long (Trang 82 - 89)

CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ THUYẾT

2.3. Phát triển giả thuyết nghiên cứu

2.3.2. Các biến ngẫu nhiên với thái độ và ý định sử dụng EMA

Khi sử dụng lý thuyết ngẫu nhiên để nghiên cứu về hệ thống KTQT hay hành vi của các DN, ngoài các biến phổ biến như quy mô, chiến lược, thị trường, công nghệ sản xuất thì sự bất định của môi trường (Environmental Uncertainties) là biến thu hút được sự quan tâm nhiều nhất (Abdel-Kader & Luther, 2008; Chenhall, 2003;

Otley, 2016). Điều này xuất phát từ một số lý do như kết quả nghiên cứu đạt được khả quan khi sử dụng biến này, sự trỗi dậy của vấn đề toàn cầu hóa làm tăng các yếu tố mơ hồ, bất định hay biến này có thể dễ dàng đo lường được (Otley, 2016).

Chính sự trỗi dậy của vấn đề quốc tế hóa kinh tế thế giới bắt buộc các DN phải phản ứng nhanh để thích nghi (Mokhtar và cộng sự, 2016), đây là lý do cho việc các DN tích hợp, chuyển đổi dần từ hệ thống KTQT truyền thống đến một hệ thống tiến bộ và tổng quát hơn mà trong đó EMA là một trong những kết quả của sự tiến bộ trên.

Và theo Osborn (2005) thì sự bất định về môi trường có thể xem là một biến ngẫu nhiên (Contingency variable) dẫn đến việc thực thi EMA. Theo đó, khi DN cảm nhận sự bất định của vấn đề môi trường càng lớn thì càng thúc đẩy những DN này

phải linh hoạt hơn, thay đổi nhiều hơn trong chiến lược môi trường và thực hành kế toán tại đơn vị để có thể đương đầu khi các tình huống không mong muốn xảy ra trong thực tế (Lewis & Harvey, 2001; Otley, 2016). Nói cách khác, khi thông tin môi trường khó dự đoán thì những người ra quyết định có xu hướng xử lý thông tin nhiều hơn để giảm bớt rủi ro phát sinh từ sự bất định này (Gordon & Narayanan, 1984).

Như ta đã nói phía trên, lý thuyết ngẫu nhiên được xem như là một lý thuyết trọng tâm trong việc nghiên cứu KTQT từ những năm 1960 (Mokhtar và cộng sự, 2016) và cách đây 30 năm thì Parker (1997) là người đầu tiên tiếp cận EMA theo hướng lý thuyết này. Tính từ thời điểm đó đến nay, một số tác giả cũng tiếp cận theo hướng này để tiếp cận việc sử dụng cũng như thúc đẩy EMA tại các DN. Dù vậy, các biến ngẫu nhiên được chọn thường chủ yếu tập trung vào một số biến như ngành hoạt động, quy mô, chiến lược môi trường, cấu trúc DN, tình trạng sở hữu, tổ chức hệ thống kiểm soát môi trường (Christ & Burritt, 2013; Ferreira và cộng sự, 2010; Frost & Wilmshurst, 2000; Mokhtar và cộng sự, 2016; Parker, 1997; Phan và cộng sự, 2017; Qian và cộng sự, 2011). Điều đó có nghĩa là dù biến sự bất định môi trường được nghiên cứu nhiều trong KTQT (Abdel-Kader & Luther, 2008;

Chenhall, 2003; Hoque, 2004) nhưng khi đi vào lĩnh vực EMA thì biến này dường như chưa được khám phá nhiều (Qian và cộng sự, 2011). Thêm vào đó, việc không giống nhau về kết quả như Pondeville và cộng sự (2013) cho thấy sự bất định của môi trường chẳng có tác động đến hành vi sử dụng hệ thống kiểm soát quản trị môi trường, trong khi Latan và cộng sự (2018) chứng minh được nhân tố sự bất định môi trường thúc đẩy các DN chấp nhận EMA. Cho nên việc mở rộng nghiên cứu biến sự bất định về môi trường là điều cần thiết. Đồng tình với Latan và cộng sự (2018), tác động trực tiếp của biến sự bất định của môi trường với thái độ, ý định của người làm công tác kế toán đối với việc sử dụng EMA được tác giả kỳ vọng tồn tại với giả thuyết sau:

H2a: Sự bất định của môi trường tác động thuận chiều đến Thái độ sử dụng EMA.

H3a: Sự bất định của môi trường tác động thuận chiều đến Ý định sử dụng EMA.

Ngành hoạt động (Industry)

Ngành hoạt động của một DN cũng là nhân tố được nghiên cứu nhiều trong KTQT nhiều năm trước đây, chủ yếu nói về tác động của nó đối với sự thiết kế của hệ thống. Từng ngành khác nhau, các quy định, sự kỳ vọng của xã hội sẽ khác nhau, chính điều này làm việc định hình hệ thống KTQT cũng khác nhau (Abdel-Kader &

Luther, 2008; Hoque, 2004). Xét dưới góc độ ảnh hưởng đến môi trường, ngành hoạt động của DN có thể chia thành 2 loại, nhạy cảm hoặc ít nhạy cảm với môi trường. Trong đó nhóm ngành nhạy cảm với môi trường là các ngành dễ dàng tạo ra tác động mạnh đến môi trường. Và nhóm ngành ngược lại với điều này sẽ được xếp vào loại ít nhạy cảm với môi trường (Mokhtar và cộng sự, 2016). Theo kết quả trước đây, các ngành được xếp vào nhóm nhạy cảm là công nghiệp hóa học, xây dựng, giao thông, khai thác mỏ và tài nguyên, dầu khí, các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp … (Deegan & Gordon, 1996; Frost & Wilmshurst, 2000). Trên thực tế, các ngành khác nhau sẽ chịu các áp lực khác nhau liên quan đến môi trường (IFAC, 2005). Cho nên sẽ là hợp lý khi Frost và Wilmshurst (2000) giả định rằng các DN hoạt động trong ngành bán lẻ sẽ có quy trình và chính sách quản lý môi trường khác với DN ngành khai khoáng hay hóa học. Và cũng chính vì sự khác nhau này mà Ferreira và cộng sự (2010) sử dụng biến ngành hoạt động với vai trò kiểm soát đối với việc thực hành EMA, bởi dù không kiểm định biến này với vai trò như biến độc lập tác động vào việc sử dụng EMA nhưng tác giả vẫn lo ngại kết quả của bài có thể bị thay đổi do sự tác động của biến này.

Kể từ lúc nhân tố này được vận dụng để nghiên cứu về EMA, vẫn luôn tồn tại những kết quả không đồng nhất. Một số bài nghiên cứu cho thấy các hoạt động kế toán môi trường (gồm cả EMA) sẽ được sử dụng nhiều trong các ngành nhạy

cảm với môi trường (Davey & Coombes, 1996; Wilmshurst & Frost, 2000). Frost và Seamer (2002) cho rằng các ngành trong lĩnh vực nhạy cảm với môi trường có xu hướng dễ dàng chấp nhận, phát triển việc thực hành quản lý môi trường để định hướng các bên liên quan đối với thành quả môi trường của công ty và các hoạt động kế toán môi trường bao gồm EMA sẽ được DN hoạt động trong lĩnh vực nhạy cảm với môi trường ứng dụng nhiều hơn. Nhiều năm sau đó, các kết quả này tiếp tục được ủng hộ khi Ferreira và cộng sự (2010) minh chứng ngành hoạt động là yếu tố duy nhất tác động vào việc thực hành EMA và vấn đề đổi mới. Tuy nhiên, Frost và Wilmshurst (2000) lại cho rằng ngành hoạt động tác động đến việc lập các báo cáo môi trường mà không có bất cứ ảnh hưởng nào đến các hoạt động của EMA. Tương tự, Mokhtar và cộng sự (2016) kết luận không có sự khác nhau trong việc ứng dụng EMA tại các DN trong ngành nhạy cảm và ít nhạy cảm. Như vậy, việc không thống nhất giữa kết quả của các nghiên cứu khi đặt ngành hoạt động như là một biến ngẫu nhiên trong mối quan hệ với vấn đề sử dụng cũng như thực hành EMA tại các DN trong thực tế. Cho nên sẽ là cần thiết để lập lại một nghiên cứu như vậy nhằm hiểu biết nhiều hơn đối với ngành hoạt động. Hai giả thuyết sau được đưa ra:

H2b: Ngành hoạt động tác động thuận chiều đến Thái độ sử dụng EMA.

H3b: Ngành hoạt động tác động thuận chiều đến Ý định sử dụng EMA.

Quy mô doanh nghiệp (Size)

Cùng với biến ngành hoạt động, quy mô DN cũng được xem xét, phân tích nhiều trong lĩnh vực KTQT. Kết quả cho thấy các DN với quy mô lớn thường dễ dàng chấp nhận hệ thống kiểm soát quản lý đạt chuẩn và các kỹ thuật KTQT phức tạp hơn các DN có quy mô nhỏ (Cadez & Guilding, 2008; Chenhall, 2003; Ferreira và cộng sự, 2010). Điều này là do chuyển từ những kỹ thuật đơn giản sang những kỹ thuật phức tạp đòi hỏi phải có nguồn lực và chuyên gia – là những điều mà chỉ có những DN quy mô lớn mới có thể đáp ứng (Abdel-Kader & Luther, 2008). Việc tổ chức và ghi nhận các thông tin liên quan môi trường được xem là một kỹ thuật phức tạp và DN sẽ phải tốn kém rất nhiều để sử dụng kỹ thuật này. Cụ thể DN sẽ

chi một khoản tiền lớn để thiết lập một hệ thống mới, việc này sẽ kéo theo hàng loạt các vấn đề bắt buộc phải làm như đào tạo nhân viên, thuê mướn chuyên gia để vận hành hệ thống này (Mokhtar và cộng sự, 2016). Có thể thấy rõ ràng điều này qua việc Henriques và Sadorsky (2007) minh chứng được quan hệ của việc áp dụng các thực hành môi trường và quy mô của DN. Marshall và Brown (2003), Henri và Journeault (2008) cũng kết luận rằng với quy mô lớn thì DN sẽ tự tin hơn, đủ nguồn lực hơn về con người cũng như tài chính để cam kết cho việc đưa EMA vào thực hành trong thực tế.

Ngược lại các DN với quy mô nhỏ thường đối mặt với các rào cản về nguồn lực phục vụ cho việc đào tạo tiếp thu công nghệ mới. Chính việc thiếu nguồn lực này mà đôi khi các DN không sở hữu một hệ thống KTQT thực sự, kéo theo việc không mặn mà hoặc gặp nhiều khó khăn trong việc chấp nhận tích hợp một hệ thống EMA (Phan và cộng sự, 2017). Một vấn đề nữa là thái độ cũng như ý thức về môi trường ở các DN nhỏ thường rất hạn chế, điều này có thể xuất phát từ việc các DN ở quy mô này không cảm nhận được rõ ràng các lợi ích đạt được (cải thiện sứ mệnh, tầm nhìn, mở rộng thị trường) khi chấp nhận ứng dụng EMA (Venturelli &

Pilisi, 2005). Như vậy, sự không giống nhau trong việc cảm nhận lợi ích và chi phí giữa hai loại hình DN quy mô khác nhau có thể là cơ sở để chúng ta giả định rằng hoạt động EMA diễn ra ở nhiều mức độ khác nhau ở các DN có quy mô khác nhau.

Ngoài ra, Hackston và Milne (1996) cho rằng DN càng lớn, hoạt động càng nhiều thì tác động lên môi trường càng lớn. Nên nếu xét thêm yếu tố tác động bên ngoài thì các DN với quy mô lớn sẽ chịu sự giám sát nhiều hơn từ chính phủ, khách hàng, nhà đầu tư, đối tác… Và chính từ những áp lực từ các đối tượng này mà các DN quy mô lớn sẽ có xu hướng tăng cường nhiều hơn các hoạt động EMA (Patten, 2002). Trên thực tế, việc xem xét tác động của quy mô DN đến EMA vẫn chưa được thực hiện nhiều (Christ & Burritt, 2013). Mối quan hệ giữa quy mô DN và mức độ ứng dụng EMA tồn tại chưa thống nhất giữa các nghiên cứu. Một số kết quả cho thấy DN lớn thường ứng dụng EMA nhiều hơn (Christ & Burritt, 2013; Frost &

Seamer, 2002), trong khi một số khác không tìm được mối liên hệ giữa hai yếu tố này (Ferreira và cộng sự, 2010; Mokhtar và cộng sự, 2016; Phan và cộng sự, 2017).

Do đó, việc tiếp tục nghiên cứu về mối quan hệ này trong bối cảnh DN là cần thiết.

Để mở rộng hiểu biết về yếu tố quy mô DN, hai giả thuyết sau được đưa ra:

H2c: Quy mô DN tác động thuận chiều đến Thái độ sử dụng EMA.

H3c: Quy mô DN tác động thuận chiều đến Ý định sử dụng EMA.

Sự hỗ trợ từ quản lý cấp cao (Top management support)

Từ lâu, việc quản lý các tác động từ môi trường hiển nhiên là sự phối hợp của tất cả các bộ phận quản lý DN, trong đó có các nhà lãnh đạo và nhà quản lý của các đơn vị hỗ trợ (kế toán, tài chính, quản lý môi trườg, nghiên cứu phát triển, marketting…) (Burritt và cộng sự, 2003). Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng bộ phận lãnh đạo có vai trò quyết định không chỉ riêng trong trường hợp này mà xét chung cho tất cả các vấn ở DN. Catarino và cộng sự (2011) đưa ra 8 giai đoạn thực hiện phương pháp chuỗi giá trị bền vững (Sustainable Value Methodology) cho quy trình sản xuất sạch cũng đã khẳng định việc thực hiện cuối cùng tùy thuộc vào quyết định của lãnh đạo, không nhận được sự hỗ trợ từ cấp quản lý này thì mọi thứ giống những ý kiến nằm trên giấy hơn là những kết quả thu được từ thực tế.

Masanet-Llodra (2006) cũng cho rằng việc tích hợp một hệ thống quản trị môi trường vào quy trình quản lý chung của một DN phải được quyết định bởi những người quản lý cấp cao, tương tự như việc hoạch định chiến lược. Hay khi nghiên cứu về việc quản lý môi trường tại DN, Darnall và cộng sự (2008) tin rằng sự ủng hộ từ lãnh đạo là sự đảm bảo cho DN hiểu biết và thực hiện các cam kết môi trường.

Trong lĩnh vực KTQT trước đây, biến ngẫu nhiên sự ủng hộ từ các nhà quản lý là một trong những nhân tố quan trọng nhất tác động đến việc chấp nhận các hệ thống kỹ thuật kế toán hiện đại như quản lý theo hoạt động (Activity-based management), hệ thống đo lường thành quả (Performance measurement systems) hay quản lý chất lượng tổng quát (Total quality management) (Baird và cộng sự,

2007; Tung và cộng sự, 2011). Đi sâu hơn vào EMA, một số nghiên chứng minh mối tương quan tích cực của biến này đối với việc ứng dụng EMA trong thực tế.

Kokubu và cộng sự (2003) cho thấy kế toán môi trường dường như dễ dàng được chấp nhận từ cấp quản lý cao xuống thấp hơn là đi theo hướng ngược lại. Một nghiên cứu về EMA tại Nhật Bản cũng khẳng định rằng việc ứng dụng EMA và nhận được lợi ích từ việc này sẽ rất khó khăn nếu không có sự ủng hộ từ các nhà quản lý, bởi các lợi ích từ một HTTT quản lý chỉ hiện hữu khi các nhà quản lý thật sự hiểu được và sử dụng thông tin từ chính hệ thống này (Kokubu & Nashioka, 2005). Gần đây nhất, Phan và cộng sự (2017) cũng kết luận mối tương quan giữa biến sự ủng hộ của lãnh đạo với mức độ sử dụng EMA ở các DN Úc. Tuy vậy, với tầm quan trọng mà ta đã lập luận ở trên thì việc sử dụng biến này trong các nghiên cứu về EMA ở các quốc gia đang phát triển rõ ràng cần nhận được sự quan tâm nhiều hơn. Cho nên việc hiểu biết thêm về mối tương quan này tại Việt Nam là điều hoàn toàn cần thiết. Kỳ vọng như kết quả của Trinh Huu Luc và Nguyen Thi Thu (2019), tác giả cũng kỳ vọng về mối tương quan của sự hỗ trợ của các nhà quản lý với thái độ, ý định của bộ phận kế toán trong việc sử dụng EMA. Hai giả thuyết sau được đặt ra:

H2d: Sự hỗ trợ từ quản lý cấp cao tác động thuận chiều đến Thái độ sử dụng EMA.

H3d: Sự hỗ trợ từ quản lý cấp cao tác động thuận chiều đến Ý định sử dụng EMA.

Trên cơ sở giả định về tương quan giữa các biến ngẫu nhiên với thái độ và giữa Thái độ đến Ý định, đồng thời việc tồn tại các kết quả khác nhau trong mối quan hệ của các biến ngẫu nhiên đến Ý định cũng như việc vận dụng EMA, tác động gián tiếp của các biến ngẫu nhiên đối với Ý định thông qua Thái độ được kỳ vọng tồn tại. Kỳ vọng này là có căn cứ khi các điều kiện để thiết lập giả thuyết phù hợp với các lập luận xoay quanh nội hàm biến trung gian Y của Hair Jr và cộng sự (2021) trong mối quan hệ X -> Y -> Z (Chapter 7 - Mediator and Moderator Analysis).

Cụ thể là (1) mối quan hệ của X đến Z vẫn chưa hoàn toàn thống nhất giữa các nghiên cứu và (2) mối quan hệ của X đến Y và Y đến Z là có cơ sở để suy luận. Y lúc này được dùng để xem xét có là nguyên nhân tạo ra một tác động khác biệt khi xuất hiện trong mối quan hệ của X đến Z. Trên thực tế, một số nghiên cứu cũng minh chứng Thái độ có vai trò trung gian trong mối quan hệ của một biến ngẫu nhiên đến Ý định hành vi (Aman và cộng sự, 2012; Paul và cộng sự, 2016). Việc mở rộng thêm các mối quan hệ này có ý nghĩa quan trọng đối với tri thức về mức độ tác động của các biến ngẫu nhiên đến Ý định dùng EMA tại DN. Giả thuyết sau được đặt ra:

H4: Tồn tại mối quan hệ gián tiếp từ Sự bất định của môi trường (a), Ngành hoạt động (b), Quy mô DN (c), Sự hỗ trợ của quản lý cấp cao (d) đến Ý định sử dụng EMA thông qua Thái độ sử dụng EMA.

Một phần của tài liệu các nhân tố tác động đến thái độ và ý định sử dụng kế toán quản trị môi trường nghiên cứu các doanh nghiệp tại đồng bằng sông cửu long (Trang 82 - 89)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(245 trang)
w