Các nghiên cứu về sử dụng EMA

Một phần của tài liệu các nhân tố tác động đến thái độ và ý định sử dụng kế toán quản trị môi trường nghiên cứu các doanh nghiệp tại đồng bằng sông cửu long (Trang 36 - 39)

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU

1.1. Các nghiên cứu nước ngoài

1.1.3. Các nghiên cứu về sử dụng EMA

Từ sau sự nổi lên của EMA như một phương án hiệu quả hỗ trợ ghi nhận thông tin liên quan đến môi trường, làm cơ sở ra các quyết định quản lý, hoạch định (Schaltegger & Burritt, 2000) thì song song với dòng nghiên cứu giới thiệu, hướng dẫn là sự xuất hiện dòng nghiên cứu về vấn đề sử dụng EMA. Cụ thể, các tác giả xem xét mức độ tồn tại cũng như lợi ích mà thực hành EMA mang lại tại một DN (Burritt và cộng sự, 2009; Papaspyropoulos và cộng sự, 2012; Viere và cộng sự, 2011) hay một nhóm các DN cùng ngành (Koefoed, 2008; Kokubu & Nashioka, 2008). Thực tế, dòng nghiên cứu này mang lại những lợi ích nhất định. Một mặt, khi EMA còn quá mới mẻ, các nghiên cứu sử dụng góp phần hiện thực hóa công cụ EMA, hay nói cách khác là cầu nối kéo những gì đang được bàn trên lý thuyết gần hơn thực tiễn. Mặt khác, đây cũng là cơ hội để các bên có liên quan cùng nhìn nhận, phân tích, từ đó phục vụ tốt hơn cho quá trình ra quyết định. Có thể minh họa bằng các nghiên cứu sau:

Đầu tiên, Koefoed (2008) đã mô tả và phân tích mức độ sử dụng EMA của ngành công nghiệp kim loại tại Nam Phi. Tại đây, EMA được thiết kế như một công cụ để đối sánh, giám sát sự tiêu hao nguyên liệu và sản sinh chất thải. Số liệu phục

vụ phân tích được trích xuất từ các dự án sản xuất sạch vận hành ở Nam Phi từ 2000 đến 2004. Kết quả thể hiện công cụ EMA có thể tính toán và phân tích rất tốt các chỉ số định lượng cũng như lượng hóa các nhân tố định tính trong sản xuất. Qua đó giúp tiết kiệm 60-90% lượng nước và 20-50% lượng hóa chất sử dụng, gián tiếp làm giảm sự ảnh hưởng của sản xuất ngành đến môi trường. Tuy nhiên tác giả cũng cho rằng, việc vận hành công cụ này phải cần có chuyên gia và lao động có tay nghề. Nhất là trong tương lai nên phát triển một công cụ dễ dàng ứng dụng hơn bởi việc thu thập dữ liệu đầu vào cho EMA là quá khó khăn.

Một năm sau đó, Burritt và cộng sự (2009) thực hiện đánh giá tác động của EMA tại một DN xay xát lúa gạo ở miền Bắc Philippine. Lần này, nhóm tác giả đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi liệu rằng trong bối cảnh thu hút đầu tư vào sản xuất sạch, EMA có hữu dụng cho việc ra quyết định của DN hay tiến trình hoạch định chính sách của nhà nước hay không. Kết quả khẳng định EMA là động lực thúc đẩy việc chấp nhận một cách tình nguyện của các nhà quản lý đối với công nghệ sản xuất sạch. Ngoài ra, hệ thống các thông tin được cung cấp bởi EMA mang đến những lợi ích ảnh hưởng đến việc ra các quyết định dài hạn của các bên. Đối với DN, việc nhận dạng, thu thập đầy đủ các dòng thông tin của EMA mang lại sự cải thiện trong nhận thức vấn đề môi trường, xã hội. Đối với quá trình hoạch định chính sách, thông tin từ EMA lại là nền tảng để ra quyết định hiệu quả, chẳng hạn trong tình huống nghiên cứu này, nhờ có EMA mà chính phủ sẽ có căn cứ để có sự hỗ trợ hiệu quả trong việc khuyến khích các DN xay xát khác vận hành hệ thống Carbon hóa tự động.

Trong dòng nghiên cứu này, có một tình huống được sử dụng là một công ty tại Việt Nam. Viere và cộng sự (2011) đánh giá việc vận dụng EMA để làm giảm tác động môi trường trong chuỗi cung ứng cà phê tại công ty TNHH Neumann Gruppe Việt Nam. Bằng việc kết hợp công cụ đánh giá vòng đời sản phẩm (Life Cycle Assessment – LCA) với EMA đã giúp nhà quản lý nhận diện rõ hơn các tác động mà chuỗi cung ứng tạo ra đối với môi trường, đồng thời là các lựa chọn để hạn chế, cải thiện các tác động đó. Nói cách khác, EMA làm tăng tính hữu dụng của

LCA trong việc thỏa mãn thông tin liên quan đến môi trường phục vụ cho yêu cầu ra quyết định của DN. Và chính những tiêu chuẩn mới của chuỗi cung ứng được tạo ra từ sự kết hợp này là giải pháp làm tăng tính hiệu quả, qua đó đáp ứng mục tiêu PTBV trong thị trường sản xuất cà phê cạnh tranh ở Việt Nam.

Trong một nghiên cứu khác ở công ty sản xuất các sản phẩm thuộc da, Jinga và cộng sự (2014) muốn minh chứng rằng EMA có thể giúp các công ty cải thiện quy trình sản xuất và thành tích hoạt động nói chung. Phương pháp mà tác giả thực hiện là gắn mô hình EMA được đề xuất bởi Burritt và cộng sự (2002) vào quy trình sản xuất một sản phẩm, từ lúc chuẩn bị nguyên liệu cho đến khi sản phẩm hoàn thành. Tác giả quan sát trực tiếp, xem xét các tài liệu lưu trữ và phỏng vấn các nhà quản lý, kế toán viên tại công ty. Sau quá trình tổng hợp, kết quả thể hiện việc gắn với mô hình EMA giúp DN nắm rõ được những chi phí môi trường, sự hao hụt nguyên liệu, số lượng phế liệu cũng như cách thức xử lý chúng, là cơ sở để lãnh đạo có phương hướng thích hợp trong thời gian tới. Ngoài ra, việc các nhà quản lý có kết hợp vấn đề môi trường để cải tiến tiến trình ra quyết định nhưng không hiệu quả là xuất phát từ các hành động tự phát mà chưa có liên kết trong một hệ thống.

Gần hơn, bài nghiên cứu của Thabit và Ibraheem (2019) thảo luận, làm rõ mô hình và các kỹ thuật EMA để sử dụng vào các DN trong ngành công nghiệp lọc dầu ở I-Rắc, nhằm cải thiện quá trình PTBV của các DN này. Dữ liệu định tính từ các mô hình đã được áp dụng tại một vài DN được thu thập. Nhóm tác giả kết luận EMA phù hợp để phục vụ cho quá trình PTBV. Tuy nhiên, một số rào cản trong việc sử dụng EMA vẫn còn tồn tại liên quan đến công cụ thu thập, đo lường dữ liệu môi trường hay vấn đề tăng chi phí dịch vụ, sản phẩm. Nên dù EMA đang là xu hướng nhưng vẫn cần thời gian và sự chuẩn bị để công cụ này hiệu quả hơn trong thực tế.

Cuối cùng, bằng dữ liệu trên các báo cáo và hồi quy đa biến, Nyahuna và Swanepoel (2022) điều tra tác động của các thực hành EMA lên các chỉ báo bền vững môi trường của 45 công ty niêm yết chuyên khai thác mỏ và xi măng ở Nam

Phi, một quốc gia thuộc những nền kinh tế mới nổi. Kết quả thể hiện EMA tạo ra những tác động tích cực cho 2 chỉ báo sử dụng tài nguyên nước và lọc nước thải, tuy nhiên lại không phát hiện mối quan hệ nào với chỉ số thải carbon. Tác giả kết luận việc sử dụng EMA tại các công ty này chưa tương xứng để đảm bảo PTBV môi trường.

Qua các nghiên cứu có thể thấy EMA mang lại hiệu quả trong việc thu thập, phân tích, quản lý các dữ liệu, thông tin môi trường tại DN. Đặc biệt EMA cũng làm tăng nhận thức cũng như hỗ trợ lãnh đạo ra quyết định phục vụ PTBV. Dù vậy, để sử dụng EMA một cách hữu hiệu không dễ dàng, lý do đến từ khó khăn của hệ thống thu thập dữ liệu đầu vào và chi phí vận hành.

Một phần của tài liệu các nhân tố tác động đến thái độ và ý định sử dụng kế toán quản trị môi trường nghiên cứu các doanh nghiệp tại đồng bằng sông cửu long (Trang 36 - 39)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(245 trang)
w