Các nghiên cứu trong nước

Một phần của tài liệu các nhân tố tác động đến thái độ và ý định sử dụng kế toán quản trị môi trường nghiên cứu các doanh nghiệp tại đồng bằng sông cửu long (Trang 39 - 45)

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU

1.2. Các nghiên cứu trong nước

Tương tự nước ngoài, một số nghiên cứu liên quan đến việc chấp nhận (nhận thức, ý định) cũng được thực hiện. Với việc vận dụng linh hoạt các lý thuyết, các tác giả khám phá các yếu tố ảnh hưởng đến ý định, nhận thức cho việc sử dụng EMA (Lâm Thị Trúc Linh, 2019; Nguyễn Thị Ngọc Oanh, 2016; Trinh Huu Luc &

Nguyen Thi Thu, 2019). Sự đa dạng trong trong lựa chọn chủ đề nghiên cứu luôn được khuyến khích trong bất cứ lĩnh vực nào và bất kỳ kết quả nào của các bài nghiên cứu này cũng mở rộng thêm sự hiểu biết của các bên đối với EMA.

Cụ thể, Nguyễn Thị Ngọc Oanh (2016) thực hiện nghiên cứu về ý định sử dụng EMA của các DN sản xuất (khu vực phía Nam). Công cụ được sử dụng là khảo sát. Kết quả đã chứng minh được các nhân tố ảnh hưởng đến ý định áp dụng EMA bao gồm: nhận thức sự hữu ích EMA, nhận thức về rào cản khi áp dụng EMA, áp lực tuân thủ quy chuẩn, áp lực cưỡng chế. Tuy nhiên theo kết quả thì các nhân tố này chỉ mới giải thích được 56,9%, như vậy vẫn còn một số nhân tố tác động khác chưa phát hiện. Do các rào cản trong việc tiếp cận đối tượng khảo sát, nên độ tin cậy nghiên cứu chưa đạt được như mục tiêu đề ra. Tác giả cũng đề cập hướng nghiên cứu tiếp theo. Cụ thể là mở rộng đối tượng và phạm vi, đề xuất thêm

các nhân tố tác động đến việc sử dụng EMA tại các DN Việt Nam. Cùng với đó là việc mở rộng nghiên cứu sang các công cụ kỹ thuật của EMA để phù hợp với thực tiễn Việt Nam và làm tài liệu hướng dẫn áp dụng cho các DN.

Ở một góc độ khác, Trinh Huu Luc và Nguyen Thi Thu (2019) dựa trên lý thuyết ngẫu nhiên để tìm hiểu sự tác động của 4 nhân tố Quy mô, Ngành hoạt động, Chiến lược môi trường và Sự hỗ trợ của quản lý cấp cao đối với nhận thức của người làm kế toán về vai trò của EMA ở 210 DN. Kết quả cho thấy ngoài nhân tố chiến lược môi trường, các nhân tố còn lại đều đạt mức ý nghĩa. Điểm mới của bài viết này là tiếp cận vấn đề ở góc độ nhận thức của người tổ chức công tác kế toán.

Đây là điều cần được quan tâm hơn góp phần nâng cao nhận thức đối với EMA ở Việt Nam. Dù vậy, nhóm mẫu tác giả khảo sát chỉ tập trung ở 3 tỉnh khu vực ĐBSCL, điều này tác động đến tính khái quát của kết quả. Hay số lượng các biến ngẫu nhiên được lập luận lựa chọn từ lý thuyết còn quá ít so với những đặc điểm, điều kiện hoạt động của DN trên thực tế, nghĩa là khoảng trống của kết quả cần được khám phá ở đây là không nhỏ.

Sau 2 năm, Trịnh Hữu Lực và cộng sự (2021) tiếp tục tìm hiểu về các yếu tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng EMA tại các DN thủy sản ở tỉnh Bạc Liêu. Sử dụng SEM, nghiên cứu cho thấy các tác động tích cực đến ý định sử dụng EMA bao gồm thái độ, KSHV và áp lực từ các bên liên quan. Đặc biệt, KSHV có tác động tích cực đến thái độ và áp lực các bên liên quan đến ý định sử dụng EMA của bộ phận kế toán. Mặc dù đã mở ra một hướng nghiên cứu mới cho EMA, nhưng phạm vi khảo sát vẫn còn hạn chế, chỉ tập trung ở một tỉnh.

Như vậy, qua các nghiên cứu trên có thể thấy các lý thuyết dựa trên nền tảng xã hội vẫn là lựa chọn chủ yếu để nghiên cứu EMA, dù ko đi sâu vào nội hàm các thực hành EMA. Kết quả thể hiện Quy mô, Thời gian, Ngành hoạt động thường được các tác giả chú ý. Các vấn đề về cỡ mẫu, hay phạm vi mẫu cũng như số lượng biến được các tác giả nhìn nhận là hạn chế. Dù đây là một hướng nghiên cứu mà theo Christ và Burritt (2013) sẽ giải quyết được khoảng vênh giữa nhu cầu trên lý

thuyết với tình hình sử dụng EMA của các DN trên thực tế, nhưng vẫn chưa được nhiều tác giả thực hiện trên thực tế.

1.2.2. Các nghiên cứu về những nhân tố tác động đến việc sử dụng EMA

Kể từ khi EMA được nhìn nhận là một công cụ để kiểm soát tác động của các hoạt động kinh doanh đến môi trường, trên thế giới đã xuất hiện rất nhiều nghiên cứu thực nghiệm phân tích các nhân tố tác động đến việc tổ chức EMA (Ferreira và cộng sự, 2010; Jamil và cộng sự, 2015; Latan và cộng sự, 2018). Dù vậy, tại Việt Nam loại nghiên cứu này chỉ mới xuất hiện gần đây. Một cách tổng quát, các lý thuyết khác nhau được sử dụng để lập luận biến và xem xét ảnh hưởng của các nhân tố đến việc sử dụng EMA (Huỳnh Lê Phi Yến, 2019; Nguyễn Thị Hằng Nga, 2019; Nguyễn Thị Minh Cẩm, 2018; Nguyễn Thị Mỹ Hằng, 2018;

Nguyễn Thị Nga, 2017). Tuy tồn tại sự khác nhau, nhưng kết quả mang nhiều ý nghĩa, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển EMA. Một số nghiên cứu cụ thể như sau:

Đầu tiên, thông qua nhóm các lý thuyết lan truyền sự đổi mới, lý thuyết ngẫu nhiên và lý thuyết thể chế, Nguyễn Thị Nga (2017) đã kiểm định các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng áp dụng KTQT chi phí môi trường trong các DN sản xuất thép.

Kết quả cho thấy các DNSX thép tại Việt Nam cần xây dựng định mức, lập dự phòng và xây dựng báo cáo kế toán chi phí quản trị môi trường. Cùng với đó, tác giả đã khám phá được 4 nhân tố có tác động đến việc áp dụng KTQT chi phí môi trường là áp lực cưỡng chế, nhận thức của lãnh đạo, vai trò của bộ phận KTQT và truyền thông nội bộ. Tuy vậy, tác giả cho rằng lượng thông tin thu thập được rất hạn chế, chưa đáp ứng được kỳ vọng. Ngoài ra, việc không thể kiểm định chất lượng thang đo đối với nhân tố vai trò của bộ phận KTQT với 2 biến quan sát cũng là 1 trong các hạn chế của nghiên cứu.

Tiếp đến, Nguyễn Thị Minh Cẩm (2018) dùng nhóm lý thuyết hợp pháp, các bên liên quan, sự phụ thuộc nguồn lực, thể chế và ngẫu nhiên để đề xuất mô hình các nhân tố tác động đến việc sử dụng EMA (DN xây dựng ở TP.HCM). Kết quả

hồi quy cho thấy chỉ 2/6 biến có ảnh hưởng đến việc sử dụng EMA (Áp lực bên ngoài và Nhận thức của lãnh đạo). Mức độ giải thích chỉ ở mức 49% là hạn chế của đề tài. Tác giả khuyến khích các biến và phạm vi nên được mở rộng trong tương lai.

Tiếp cận ở góc độ khác, bài nghiên cứu của Nguyễn Thị Mỹ Hằng (2018) tìm hiểu sự tác động của Phong cách lãnh đạo đối với mức độ sử dụng EMA tại các DN trên địa bàn TPHCM. Bằng việc sử dụng đan xen nội dung của lý thuyết ngẫu nhiên và lý thuyết hành vi lãnh đạo, tác giả thực hiện lập luận hình thành các giả thuyết trên SEM. Kết quả kết luận tồn tại mối tương quan của cả phong cách lãnh đạo chuyển đổi và chuyển giao với mức độ sử dụng EMA. Qua đó, tác giả mở rộng thêm sự hiểu biết về EMA qua việc thiết lập và bổ sung một nhân tố mới. Dù vậy, tác giả vẫn cho rằng, trong tương lai các nghiên cứu về EMA nên thu thập số lượng mẫu nhiều hơn, mở rộng xem xét nhiều cách tiếp cận hơn về phong cách lãnh đạo.

Một nghiên cứu nữa xem xét các nhân tố ảnh hưởng đến việc sử dụng EMA tại các DN sản xuất thép khu vực phía Nam Việt Nam của Huỳnh Lê Phi Yến (2019). Với phương pháp hỗn hợp và nhóm lý thuyết thể chế, các bên liên quan, hợp pháp, ngẫu nhiên trong lập luận biến, kết quả hồi quy công nhận sự tác động của các nhân tố: áp lực từ các bên, cảm nhận về lợi ích của EMA, quy chuẩn pháp lý, nhận thức của lãnh đạo, nhu cầu công bố thông tin và khó khăn khi sử dụng EMA. Tác giả cho rằng vẫn còn hạn chế một số tồn tại, tiêu biểu là vấn đề lựa chọn biến cho nghiên cứu, thực tế vẫn còn nhiều biến chưa được xem xét, đặc biệt một số lựa chọn biến còn mang tính chủ quan. Cuối cùng, việc giới hạn mẫu trong lĩnh vực sản xuất thép khu vực phía nam phần nào làm giảm tính đại diện trong mẫu của nghiên cứu này.

Cũng với lý thuyết ngẫu nhiên, Nguyễn Thị Hằng Nga (2019) kết hợp với lý thuyết thể chế để phát triển các giả thuyết tìm hiểu mức độ ảnh hưởng của 6 nhân tố đến việc sử dụng EMA tại các DN sản xuất phía Nam. Với sự kết hợp chặt chẽ giữa các bước của 2 phương pháp NCĐT và định lượng, tác giả cung cấp một kết quả tin cậy và nhiều góc độ, đặc biệt là sự xuất hiện các mối quan hệ gián tiếp càng mở

rộng hơn sự hiểu biết về EMA. Cụ thể, kết quả thể hiện việc dùng EMA ở mức độ vừa phải và đơn giản, nghĩa là mới ghi chép thông tin mà chưa phân tích, đánh giá hiệu quả về môi trường. Ngoài ra, tất cả các mối quan hệ của các nhân tố (Áp lực cưỡng ép, Áp lực quy chuẩn, Áp lực mô phỏng, Chiến lược môi trường, Môi trường kinh doanh, Sự phức tạp của nhiệm vụ) đều có ý nghĩa. Tác giả gợi ý trong tương lai các nghiên cứu nên mở rộng các đối tượng khảo sát và xem xét dữ liệu ở nhiều thời điểm để tăng cường độ khái quát của kết quả.

Cuối cùng, một nhóm các lý thuyết khác nhau (ngẫu nhiên, xã hội học, quan hệ lợi ích – chi phí, lập quy kinh tế, thể chế, nguồn lực DN, đại diện) được Phan Đức Dũng và Lê Thị Diệu Linh (2019) vận dụng để xem xét về các nhân tố ảnh hưởng đến việc sử dụng EMA (DN sản xuất, miền Trung). Kết quả khẳng định sự tương thích của 5 nhân tố gồm đặc điểm DN, chi phí để tổ chức EMA, năng lực của kế toán viên, nhận thức của nhà quản lý và áp lực thể chế.

Cơ bản, các bài nghiên cứu trên đã vận dụng được nhiều lý thuyết để lập luận, kiểm định sự ảnh hưởng đến việc dùng EMA, bước đầu tạo ra nhiều góc độ tiếp cận khác nhau từ các vấn đề nhận thức của lãnh đạo, các loại áp lực khác nhau cho đến các vấn đề truyền thông, phong cách lãnh đạo. Một số tồn tại vẫn còn xoay quanh số lượng biến, quan hệ các biến, số mẫu khảo sát còn hạn chế, và dữ liệu khảo sát chỉ được thu thập trong một ngành duy nhất, không mang tính đại diện.

Đặc biệt, kết quả của cùng một biến không thống nhất ở các bài nghiên cứu. Các vấn đề này là khoảng trống để các tác giả trong tương lai xem xét khi thực hiện nghiên cứu hướng các nhân tố tác động.

1.2.3. Các nghiên cứu về sử dụng EMA

Khi phần lớn DN Việt Nam chưa áp dụng kế toán môi trường do nhiều rào cản khác nhau như hệ thống pháp luật, nguồn lực và nhận thức của nhà quản trị (Huỳnh Đức Lộng, 2015a), các nghiên cứu về việc sử dụng EMA cũng gặp nhiều hạn chế. Hầu hết các nghiên cứu tập trung vào thu thập và đánh giá thông tin về thực trạng sử dụng EMA tại một đơn vị hoặc lĩnh vực cụ thể, từ đó đề xuất giải

pháp để áp dụng công cụ này hiệu quả hơn. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, những nghiên cứu này đã mang lại cái nhìn trực quan hơn về cách tiếp cận EMA cho các bên liên quan như nhà hoạch định chính sách và nhà quản lý DN. Một số nghiên cứu điển hình bao gồm:

Đầu tiên, khi khảo sát 87 DN sản xuất, Trịnh Hiệp Thiện (2010) cho thấy các DN sản xuất Việt Nam có quan tâm đến môi trường, mô hình quản lý có đặc điểm của EMA, nhưng mức độ hiểu biết và sử dụng còn rất thấp, chất lượng thông tin môi trường rất hạn chế. Nguyên nhân của vấn đề này được cho là xuất phát từ việc thiếu kinh nghiệm trong tổ chức KTQT cũng như mức độ hiểu biết hạn hẹp về EMA của các nhà quản lý cấp cao. Từ đó, các giải pháp được tác giả đề xuất để tổ chức sử dụng EMA vào các DN sản xuất Việt Nam trong tương lai, nổi bật là việc ứng dụng kỹ thuật phân tích chi phí môi trường theo mức độ hoạt động và kỹ thuật phân tích chu kỳ sống (LCA) để xem xét mức độ tác động đến môi trường.

Nguyễn Thị Tiền (2014) thực hiện nghiên cứu về EMA tại Vicem Hải Vân.

Kết quả thể hiện chi phí môi trường được ghi nhận, phản ánh trên sổ sách kế toán.

Tuy nhiên việc tập hợp, phân loại còn nhiều hạn chế, các khoản chi phí liên quan được nhận diện là rất nhỏ so với con số thực tế. Các định hướng áp dụng EMA được tác giả đề xuất để tập hợp, phân bổ chi phí môi trường một cách chặt chẽ hơn.

Dù vậy, các định hướng đó quá tập trung vào việc nhận diện, phân loại chi phí mà không gợi mở nội dung, phương pháp tiếp cận EMA cho DN.

Tương tự, Phạm Thị Thu Hiền (2012) xem xét việc áp dụng EMA tại COSEVCO (DACERA) cho thấy thực tế công ty không tổ chức công tác EMA mà chỉ thực hiện ghi nhận các chi phí môi trường có liên quan. Dù vậy, nhiều hạn chế vẫn còn tồn tại, minh chứng với việc công ty chỉ ghi chép chi phí xử lý chất thải đầu ra mà không tính đến khoản chi phí đầu vào tạo ra chất thải. Và dù tác giả có nghiên cứu hướng áp dụng EMA nhưng cũng chỉ bó hẹp ở phạm vi nhận diện, phân bổ chi phí môi trường.

Một nghiên cứu khác của Thiều Kim Cường và Nguyễn Thị Quỳnh Nga (2017) tại các DN thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hưng Yên vẫn cho kết quả khá giống với các nghiên cứu phía trên. Các hoạt động môi trường của DN dừng lại ở mức sơ khai, manh mún, chưa được thực hiện một cách đầy đủ, khoa học và hệ thống. Công tác nhận diện, ghi nhận, hạch toán chi phí, thu nhập, tài sản cố định và nợ phải trả liên quan đến hoạt động môi trường còn lúng túng, nhập nhằng. Kết quả là không đáp ứng được nhu cầu thông tin của các bên, nhất là nhu cầu ra quyết định của lãnh đạo DN.

Gần hơn, nghiên cứu về kế toán môi trường của Nguyễn Thị Tấm (2018) cho thấy dù thực hiện kết hợp chặt chẽ nội dung tổ chức công tác KTTC và KTQT nhưng vai trò của kế toán môi trường tại các DN này lại rất mờ nhạt. Đặc biệt, Nguyễn Đăng Học và cộng sự (2021) minh chứng dù các DN có theo dõi và phản ánh chi phí môi trường nhưng nhiều chi phí không được theo dõi riêng mà nằm trong phần chi phí quản lý chung hay các thông tin vẫn chủ yếu được sử dụng để báo cáo tác động hay lập đề án môi trường chứ không phục vụ cho công tác ra quyết định của các nhà quản lý.

Như vậy, các kết quả trên thể hiện việc các DN dù có ý thức quan tâm và thu thập các thông tin môi trường nhưng không tổ chức công tác EMA độc lập. Ngược lại, các DN tận dụng mô hình tổ chức hệ thống KTTC để hạch toán các khoản chi phí môi trường, hoặc được phản ánh qua tài khoản chi phí sản xuất, hoặc được phản ánh qua tài khoản chi phí quản lý. Điều này ít nhiều hạn chế tính hiệu quả của thông tin cung cấp phục vụ cho quá trình ra quyết định của các nhà quản lý và các bên liên quan.

Một phần của tài liệu các nhân tố tác động đến thái độ và ý định sử dụng kế toán quản trị môi trường nghiên cứu các doanh nghiệp tại đồng bằng sông cửu long (Trang 39 - 45)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(245 trang)
w