Tình hình triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone ở một số quốc gia trên thế giới

Một phần của tài liệu ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ MÔ HÌNH ĐIỀU TRỊ THAY THẾ NGHIỆN CÁC CHẤT DẠNG THUỐC PHIỆN BẰNG THUỐC METHADONE TẠI THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG VÀ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH (2009 2011) (Trang 36 - 41)

1.4.2.1. Tình hình triển khai điều trị Methadone tại Mỹ

Điều trị thay thế bằng thuốc Methadone đã được Vincent Dole và Marie Nyswander triển khai lần đầu tiên vào năm 1964 [120]. Sau khi có các bằng chứng khoa học về tác dụng của điều trị bằng Methadone, chương trình này đã được triển khai ở hầu hết các bang của Mỹ, bao gồm cả Puerto Rico và quần đảo Virgin và được chính phủ Mỹ thừa nhận đây là biện pháp quan trọng giúp ngăn ngừa lây nhiễm HIV. Qua thời gian, số cơ sở điều trị thay thế bằng Methadone và số bệnh nhân được điều trị ngày càng gia tăng. Năm 2004 có 1.100 cơ sở điều trị duy trì bằng thuốc Methadone (MMT) tại 44 bang của nước Mỹ, đến năm 2010 tăng lên 1.433 cơ sở tại 46 bang [72].

Năm 1972, chương trình MMT được FDA - Mỹ công nhận là liệu pháp hiệu quả nhất trong điều trị cai nghiện ma túy và được công nhận ở ba cấp độ liên bang. Năm 2001, Bộ Y tế Mỹ đã thiết lập một hệ thống mới để quản lý và giám sát chương trình MMT. Theo quy định mới này, hệ thống quản lý, giám sát chương trình MMT chuyển từ FDA sang Cục quản lý dịch vụ y tế của Trung tâm điều trị nghiện chất [74], [81].

1.4.2.2. Tình hình triển khai điều trị Methadone tại Canada

Ingeborg Paulus và Robert Halliday đã thiết lập chương trình MMT đầu tiên trên thế giới tại thành phố Vancouver, bang British Columbia vào năm 1959 [85]. Tuy nhiên, phải đợi đến khi Vincent Dole và Marie Nyswander công bố các kết quả nghiên cứu, chương trình MMT tại Canada

mới được mở rộng. Năm 1972, lần đầu tiên Chính phủ Canada ban hành Hướng dẫn quốc gia về kê đơn thuốc Methadone. Hiệu quả điều trị thấp cùng với sự quản lý chặt chẽ dẫn đến số người tham gia chương trình MMT đã giảm từ 1.700 người vào năm 1972 xuống còn khoảng 600 người vào năm 1982 [69], [86].

Sau khi dịch HIV/AIDS xảy ra, quan điểm điều trị thay thế bằng Methadone tại Canada đã thay đổi, đó là MMT với mục tiêu điều trị lâu dài, điều trị suốt đời cho người nghiện ma túy, đồng thời mục đích quan trọng khác là để dự phòng lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu khác. Vì vậy, số cơ sở điều trị và số người điều trị bằng Methadone tại Canada đã tăng lên rất nhiều. Năm 1996, Chính phủ Liên bang đã phân cấp trách nhiệm cho các bang để quản lý, kiểm soát và triển khai chương trình MMT [70], [85]. Các trường y tại Canada được các bang giao trách nhiệm triển khai chương trình MMT từ việc quản lý, giám sát chương trình, đào tạo bác sĩ, tư vấn viên, phát triển hệ thống cung ứng, cấp phát thuốc Methadone tại các nhà thuốc, tại cộng đồng tới việc xây dựng các hướng dẫn điều trị. Mỗi bang tại Canada có những mô hình điều trị, kê đơn, phân phối và cấp phát thuốc Methadone khác nhau, như tại British Columbia có 4 loại hình tổ chức điều trị Methadone: điều trị bởi bác sĩ gia đình, điều trị tại phòng mạch tư, điều trị tại trung tâm phối hợp đa ngành và điều trị tại nhà tù; một số bang khác còn có thêm các loại hình điều trị tại bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh bằng ngân sách nhà nước, trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng, thậm chí có những cơ sở do người bệnh tự trả phí điều trị. Ngoại trừ tại các cơ sở điều trị trả tiền, thì kinh phí để đảm bảo cho các cơ sở MMT hoạt động do chính quyền các bang chi trả, các nhà thuốc tại Canada có trách nhiệm cấp phát Methadone hàng ngày cho người bệnh [115], [116].

1.4.2.3. Tình hình triển khai điều trị Methadone tại Úc

Tính đến cuối năm 2010 số người tiêm chích ma túy tại Úc là 149.591 người, tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm người tiêm chích ma túy chỉ khoảng 1%, tuy nhiên tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan C là 54,6% [71], [79].

Điều trị thay thế bằng Methadone bắt đầu tại New South Wales, từ năm 1969. Tuy nhiên, trong những năm 1970, điều trị thay thế bằng Methadone chỉ được coi là những thử nghiệm với quy mô nhỏ. Sự thất bại của MMT giai đoạn ban đầu tại Úc dẫn đến năm 1977, Bộ Y tế Úc quy định chương trình MMT chỉ là một trong những biện pháp điều trị cai nghiện và chỉ được sử dụng cho những người nghiện ma túy nặng, mãn tính. Theo đó, số người tham gia điều trị Methadone đã sụt giảm từ năm 1977 đến năm 1985 [91], [110], [124].

Những năm đầu của thập kỷ 80, nhiễm HIV được phát hiện, nhanh chóng phát triển thành một đại dịch, cùng với sự gia tăng tình trạng tội phạm, bệnh tật và tử vong liên quan đến nghiện CDTP. Trước tình hình đó, điều trị thay thế bằng Methadone đã được xác định là một trong những giải pháp hữu hiệu cần được triển khai [71], [125]. Tháng 3, năm 1985 tại Hội nghị về chống lạm dụng ma túy, liệu pháp MMT được cho là liệu pháp có hiệu quả nhất trong điều trị cai nghiện Heroin và phòng, chống lây nhiễm HIV. Cũng trong năm này, hướng dẫn quốc gia đầu tiên về Điều trị thay thế bằng Methadone đã được Bộ y tế Úc ban hành và đến năm 1993, chính sách quốc gia về thuốc Methadone trong chiến lược phòng, chống ma túy đã được Thủ tướng Úc phê duyệt. Sau khi hướng dẫn quốc gia đầu tiên về MMT được ban hành, số người tham gia điều trị đã tăng nhanh chóng, từ 2000 người năm 1985, tăng lên 14.996 người năm 1994, đến nay có trên 2.132 cơ sở điều trị với 35.850 người được điều trị Methadone trên toàn lãnh thổ của Úc. Chương trình điều trị Methadone được thực hiện tại cả hệ thống y tế công lập và tư nhân [88], [98].

1.4.2.4. Tình hình triển khai điều trị Methadone tại các nước châu Âu

Điều trị duy trì bằng thuốc Methadone có một lịch sử lâu dài và đa dạng trên khắp lục địa châu Âu. Ở các quốc gia châu Âu, chương trình MMT đã được triển khai rất sớm: tại Thụy Điển, Anh, Hà Lan và Đan Mạch vào cuối những năm 1960; Phần Lan, Bồ Đào Nha, Ý, Luxemboug vào những năm 1970; Áo và Tây Ban Nha vào thập niên 1980; Ireland, Đức, Hy Lạp và Pháp muộn nhất là vào những năm 1990 [77], [78]. Số người nghiện ma túy được tham gia chương trình MMT tính trên 100.000 dân trong độ tuổi từ 16 đến 64 tuổi cũng rất khác nhau ở các nước, năm 1997 tỷ lệ này cao nhất ở Tây Ban Nha là 206 người, tỷ lệ từ 96 đến 145 người tại Anh, Bỉ, Italia, Hà Lan và Ireland, 75 người ở Đan Mạch và Đức, ở Bồ Đào Nha là 33 người, ở Thụy Điển và Pháp là từ 12 đến 16 người, thấp nhất là tại Phần Lan, Luxembourg và Hy Lạp với 6 người [84], [94], [97].

1.4.2.5. Tình hình triển khai điều trị Methadone tại các quốc gia châu Á - Tại Hồng Kông: Cuối năm 1974, Chính phủ Hồng Kông bắt đầu mở 2 cơ sở điều trị thay thế bằng Methadone đầu tiên trong khu vực châu Á, đến năm 1976 một mạng lưới rộng lớn các phòng khám Methadone đã được mở ra. Năm 2004, có 21 cơ sở MMT được triển khai, phân bố đều khắp các địa bàn của Hồng Kông, điều trị cho 7.056 người, bao phủ khoảng 95% người sử dụng ma túy tại đây. Chi phí để điều trị thay thế bằng Methadone tại Hồng Kông là 01 đô la Hồng Kông cho 1 người/1 ngày (một đô la Hồng Kông quy đổi khoảng 2.770 đồng Việt Nam) và được giữ cho đến ngày nay. Trong khi đó giá 1 lần khám y tế hiện tại ở Hồng Kông là 45 đô la Hồng Kông. Chương trình này được coi là một trong những chương trình dự phòng HIV liên quan đến sử dụng ma túy thành công nhất vì Hồng Kông vẫn duy trì được tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người sử dụng ma túy thấp dưới 0,1% cho đến năm 2004 [92].

- Thái Lan: Triển khai chương trình điều trị thay thế bằng Methadone từ năm 1979 và hiện có khoảng 4.000 - 10.000 người đang được điều trị, tuy nhiên độ bao phủ vẫn còn rất hạn chế [99], [113].

- Malaysia: có các phòng khám tư nhân điều trị Buprenorphine cho khoảng 13.000 người nghiện. Chương trình điều trị thay thế bằng Methadone tại nước này được bắt đầu từ tháng 10/2005 với khoảng 4.000 bệnh nhân hiện đang tham gia điều trị. Tính đến năm 2010, Malaysia có 95 cơ sở và dự kiến tăng lên đến 674 cơ sở vào năm 2012, điều trị cho 44.428 người [79].

- Indonesia: Quốc gia này bắt đầu triển khai chương trình điều trị thay thế bằng Methadone từ năm 2003 và đến năm 2011, đã thiết lập 74 phòng khám Methadone trên toàn quốc, trong đó riêng thủ đô Jakarta đã có 7 phòng khám, hiện có khoảng 1.300 người nghiện đang được điều trị bằng Methadone.

- Myanmar: Nước này lần đầu tiên triển khai chương trình thí điểm điều trị thay thế bằng Methadone tại 6 điểm trên toàn quốc cho 400 người nghiện tham gia, đến cuối năm 2011, đã có 11 cơ sở điều trị Methadone được thiết lập (điều trị cho 1.637 người).

- Trung Quốc: Tính đến cuối năm 2010 số người tiêm chích ma túy tại Trung Quốc là 2.350.000 người với tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm đối tượng này ở mức 6,4% và tỷ lệ nhiễm viêm gan C rất cao (67%). Năm 2004, 8 cơ sở điều trị thay thế bằng Methadone đầu tiên đã được thành lập, người nghiện phải trả tối đa là 1,2 đô la Mỹ mỗi ngày để được tham gia điều trị. Đến cuối năm 2010 đã có 738 cơ sở điều trị thay thế bằng Methadone tại 28 tỉnh, số người tham gia điều trị cho 140.000 người.

Chương trình điều trị thay thế bằng Methadone tại Trung Quốc được đánh giá là đã có một tác động đáng kể đối với công tác cai nghiện và giảm nhiễm HIV ở những người sử dụng ma túy của quốc gia này. Trong năm 2008 và năm 2009, con số ước tính số nhiễm HIV mới được ngăn chặn tương ứng

là 2.969 và 3.919 người (không bao gồm lây truyền thứ phát), tiêu thụ Heroin giảm khoảng 17 tấn đến 22,4 tấn, và ước tính giảm được từ 939 triệu USD đến 1,24 tỷ USD do buôn bán và sử dụng Heroin [93].

1.4.3. Hiệu quả của điều trị thay thế bằng thuốc Methadone trên thế giới

Một phần của tài liệu ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ MÔ HÌNH ĐIỀU TRỊ THAY THẾ NGHIỆN CÁC CHẤT DẠNG THUỐC PHIỆN BẰNG THUỐC METHADONE TẠI THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG VÀ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH (2009 2011) (Trang 36 - 41)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(145 trang)
w