Báo cáo của UNODC (2012) [117] cảnh báo nguy cơ sử dụng ma túy trên Thế giới đang có xu hướng trẻ hóa, đặc biệt là nhóm tuổi dưới 20, tội phạm ma túy đang chuyển hướng tập trung lôi kéo nhóm tuổi dưới 20 vào sử dụng, nghiện ngập ma túy. Bởi vì đây là nhóm những người đang ở thời kỳ phát triển, tâm lý chưa hoàn thiện, dễ bị tác động bởi môi trường xung quanh, dễ bị lôi kéo, kích động, thích thể hiện bản thân để chứng tỏ bản lĩnh của mình. Báo cáo của Bộ Công an và Bộ LĐ-TB&XH (2011 - 2012) cũng cho thấy tuổi sử dụng ma túy tại Việt Nam cũng đang có xu hướng trẻ hóa, người nghiện ma túy chủ yếu là người trẻ, thậm chí là học sinh trung học cơ sở, tiểu học, theo báo cáo cuối năm 2010, gần 70% người nghiện ma túy ở độ tuổi dưới 30 trong khi năm 1995 tỷ lệ này chỉ khoảng 42% [3], [4].
Kết quả nghiên cứu về độ tuổi bắt đầu sử dụng ma túy của đề tài cũng đã phản ánh xu hướng trên của Thế giới cũng như tại Việt Nam, tuổi lần đầu sử dụng ma túy ở nhóm dưới 20 chiếm tỷ lệ cao nhất (46,2%), điều này là cảnh báo cho việc cần tăng cường các biện pháp truyền thông, giáo dục nhằm hạn chế việc ma túy tấn công vào giới trẻ, học sinh, sinh viên, nhóm tuổi này khi bị nghiện thì hậu quả sẽ rất nặng nề cả về sức khỏe, thể chất, tinh thần.
Đồng thời là gánh nặng rất sớm cho cả bản thân, gia đình và xã hội. Có sự khác nhau về độ tuổi bắt đầu sử dụng ma túy ở nhóm tuổi dưới 20 giữa TP.
Hồ Chí Minh và TP. Hải Phòng, tỷ lệ này ở TP. Hồ Chí Minh là 60%, gần gấp đôi so với TP. Hải Phòng là 31,5%. Kết quả nghiên cứu của Trương Tấn Minh và cộng sự (2008) cũng cho thấy người nghiện ma túy có độ tuổi dưới 20 chiếm tỷ lệ cao nhất với tỷ lệ 53,8% [42].
Kết quả điều tra cũng cho thấy nhóm từ 30 tuổi trở lên chiếm tỷ lệ thấp nhất (9,7%). Điều này cũng là hợp lý với sự phát triển tâm sinh lý của con người bởi vì đây là thời kỳ chín chắn hơn, đã có nhiều kinh nghiệm sống, tâm sinh lý vững vàng, ít bị tác động bởi môi trường bên ngoài.
Về thời gian nghiện ma túy, kết quả nghiên cứu cho thấy, thời gian nghiện ma túy từ trên 5 năm đến 10 năm chiếm tỷ lệ cao nhất (46,2%), tiếp đến là từ trên 1 năm đến 5 năm (36,4%), trên 10 năm (16,6%) và từ 1 năm trở xuống chiếm tỷ lệ thấp nhất (0,8%). Kết quả nghiên cứu của Cao Kim Vân và cộng sự tại Quận 4, TP. Hồ Chí Minh (2008) cho thấy thời gian nghiện trung bình là từ 4 - 6 năm [59]. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi khác kết quả nghiên cứu của Trương Tấn Minh và cộng sự (2008) thời gian sử dụng ma túy dưới 5 năm chiếm tỷ lệ cao nhất (48,0%). Qua kết quả nghiên cứu cho thấy những người tham gia mô hình điều trị Methadone tại TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội là những người có thời gian nghiện tương đối lâu chủ yếu trên 05 năm (62,8%), kết quả nghiên cứu này là phù hợp, phản ánh việc xét chọn bệnh nhân tham gia mô hình điều trị Methadone là đúng với hướng dẫn của Bộ Y tế, phù hợp với các tiêu chuẩn ưu tiên trong chọn đối tượng tham gia điều trị Methadone, ưu tiên lựa chọn những người nghiện lâu, tái nghiện nhiều lần, cai nghiện bằng những phương pháp khác thất bại. Những người có thời gian nghiện lâu thường rất khó cai nghiện, tỷ lệ tái nghiện cao, điều trị Methadone chỉ là một trong những giải pháp được lựa chọn cuối cùng. Để người nghiện ma túy đoạn tuyệt hẳn với ma túy cần phải làm tốt công tác phát hiện sớm người nghiện, người mới sử dụng chất ma túy điều này cũng là một trong các yếu tố đảm bảo sự thành công của cai nghiện và hạn chế tái nghiện.
Việc điều trị nghiện cho những trường hợp nghiện mới, nghiện nhẹ dễ dàng hơn rất nhiều so với nghiện nặng và lâu năm [26], [36].
Kết quả nghiên cứu về loại ma túy thường sử dụng cho thấy Heroin được bệnh nhân sử dụng nhiều nhất (83,8%), tỷ lệ sử dụng thuốc phiện chiếm
14,9%, kết quả nghiên cứu này phù hợp với tiêu chuẩn lựa chọn bệnh nhân tham gia điều trị Methadone đó phải là người bệnh đang nghiện các CDTP theo tiêu chuẩn chẩn đoán nghiện CDTP của Bộ Y tế [6]. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy người nghiện ma túy còn sử dụng các loại ma túy khác không phải là loại ma túy CDTP: tỷ lệ sử dụng ma túy tổng hợp 11,5%, hoặc cần sa 15%, kết quả này cũng phù hợp Báo cáo của Bộ Công an (2013) về xu hướng sử dụng ma túy trong giới trẻ hiện nay. Để tạo được cảm giác phê, nhiều ảo giác, tác dụng kéo dài, người nghiện ma túy thường có xu hướng nghiện đa chất ma túy, trộn các loại ma túy truyền thống: Heroin, thuốc phiện với ma túy tổng hợp, hoặc trộn với các chất tân dược gây nghiện khác (Seduxen), chất gây tê (Lidocain). Tình trạng nghiện đa chất rất nguy hiểm cho sức khỏe người nghiện ma túy, thậm chí dẫn đến shock thuốc, tử vong, đồng thời gây rất nhiều khó khăn trong việc điều trị cai nghiện nói chung và điều trị Methadone nói riêng.
Tình hình sử dụng ma túy tại 2 thành phố có sự khác nhau, tỷ lệ sử dụng thuốc phiện tại TP. Hải Phòng cao hơn gấp gần 5 lần so với bệnh nhân ở TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ sử dụng Cần sa ở TP. Hồ Chí Minh lại cao hơn 2,5 lần so với bệnh nhân ở Hải Phòng. Theo báo cáo của Bộ Công an (2013), việc sử dụng các loại ma túy thường có liên quan đến việc trồng, buôn bán các chất ma túy tại địa phương, khu vực lân cận. Các tỉnh miền núi phía Bắc hiện nay vẫn còn tình trạng trồng cây thuốc phiện trong các hẻm núi, cánh rừng sâu, và có đường biên giới tiếp giáp gần với khu tam giác vàng là trung tâm trồng và chế biến các chất ma túy từ cây thuốc phiện của cả Thế giới. Các tỉnh phía Nam thường trồng Cần sa liên quan đến tập tục trồng cây Cần sa trước đây để cho gia súc hay ăn, mau lớn, đồng thời tiếp giáp với Campuchia, quốc gia sử dụng Cần sa chiếm đa số.
Kết quả điều tra về cách thức sử dụng ma túy cho thấy, cách sử dụng ma túy nhiều nhất là hút (90,9%), tiếp đến là đường tiêm chích vào mạch máu
(82,7%), các loại đường sử dụng khác chiếm tỷ lệ thấp. Sử dụng bằng đường tiêm chích ở 2 thành phố tương đương nhau và ở mức cao trên 80%. Kết quả nghiên cứu của đề tài cũng phù hợp với loại ma túy bệnh nhân sử dụng chủ yếu là Heroin (83,8%), phù hợp với các kết quả nghiên cứu khác [37], [35], nghiên cứu của Cao Kim Vân và cộng sự (2008) chủ yếu là tiêm chích ma túy (91,6%) [59], báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH năm 2011 cho thấy cách thức sử dụng ma túy cũng có nhiều thay đổi, nếu như năm 1995 chỉ có chưa đến 8%
số người nghiện dùng đường tiêm chích ma túy và hơn 88% chủ yếu hút, hít thì tới cuối năm 2009 số người chích ma túy chiếm hơn 3/4 tổng số người nghiện ma túy của cả nước. Hình thức sử dụng ma túy chủ yếu là tiêm chích với việc dùng chung bơm kim tiêm đã dẫn tới tỷ lệ lây nhiễm HIV cao trong nhóm người nghiện chích ma túy (17,2%) [3]. Báo cáo của Bộ Công an 2012 về tình hình sử dụng ma túy trong toàn quốc, do người nghiện chủ yếu sử dụng Heroin nên trong toàn quốc, hình thức sử dụng ma túy chủ yếu là tiêm chích và hút.