Kết quả nghiên cứu về kết quả xét nghiệm xác định chất ma túy dạng thuốc phiện có trong nước tiểu của bệnh nhân tại thời điểm trước điều trị cho thấy toàn bộ bệnh nhân nghiên cứu tham gia xét nghiệm nước tiểu để tìm chất ma túy trong đó 100% dương tính với chất ma túy dạng thuốc phiện. Kết quả này là hoàn toàn hợp lý, để được tham gia mô hình điều trị bằng thuốc Methadone thì tiêu chuẩn đầu tiên bệnh nhân phải đáp ứng là đang nghiện các
CDTP (theo tiêu chuẩn chẩn đoán nghiện CDTP của Bộ Y tế). Vì vậy, kết quả xét nghiệm nước tiểu dương tính 100% với chất ma túy dạng thuốc phiện cũng đã phản ánh công tác lựa chọn đối tượng tham gia điều trị MMT tại 2 thành phố là tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Kết quả nghiên cứu về tỷ lệ nhiễm HIV ở bệnh nhân trước điều trị Methadone là 28,4%, trong đó bệnh nhân tại TP. Hồ Chí Minh có tỷ lệ dương tính cao hơn (30,1%), ở TP. Hải Phòng tỷ lệ này là 26,6%. Kết quả thu được từ giám sát trọng điểm, điều tra giám sát kết hợp hành vi và các chỉ số sinh học (IBBS) được tiến hành năm 2005 - 2006 cho thấy tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm TCMT trung bình toàn quốc năm là 28,6%, tỷ lệ này tương tự như tỷ lệ nhiễm HIV theo kết quả điều tra tại 2 thành phố [8]. Tuy nhiên, tính riêng mỗi thành phố thì tỷ lệ nhiễm HIV theo kết quả điều tra của đề tài thấp hơn tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm TCMT của các thành phố đó: cụ thể là tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm TCMT của TP. Hồ Chí Minh là 47,6%, của TP. Hải Phòng là 46,25% [54]. Tình hình nhiễm HIV của nhóm TCMT chung trong toàn quốc có xu hướng giảm trong các năm gần đây [7], [13], [33]. Theo kết quả giám sát trọng điểm HIV của Bộ Y tế tại 40 tỉnh/ thành phố, năm 2009 cho thấy tỷ lệ người TCMT nhiễm HIV ở 40 tỉnh năm 2007 là 20,2%, năm 2008 là 20,3%, năm 2009 giảm xuống còn 18,4%. Tỷ lệ người TCMT nhiễm HIV năm 2009 cao nhất ở TP. Hồ Chí Minh, 55,1% [61]. Kết quả giám sát trọng điểm năm 2011 cho thấy tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm TCMT giảm xuống còn 13,4%, tuy nhiên tỷ lệ nhiễm HIV vẫn ở mức cao tại nhiều tỉnh/thành trong đó TP. Hải Phòng là 48% và TP. Hồ Chí Minh là 46% [19], [43]. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm TCMT của Việt Nam vào năm 2010 tương tự như tỷ lệ nhiễm HIV trong khu vực Đông Nam Á, theo báo cáo của UNODC, năm 2012, toàn thế giới ước tính có khoảng 16 triệu người tiêm chích ma túy, trong đó khoảng 3 triệu người đang sống chung với HIV. Ngoại trừ khu vực Cận Saharan, Châu Phi, tiêm chích ma túy chiếm khoảng một phần ba của tất
cả các ca nhiễm mới HIV vào năm 2010. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm TCMT cao nhất ở khu vực Mỹ La tinh (29%), tiếp theo là khu vực Đông Âu (27%), khu vực Đông và Đông Nam Á dưới 17% [117].
Tiêm chích ma túy không chỉ là nguyên nhân chính gây lây nhiễm HIV/AIDS ở Việt Nam mà còn là nguyên nhân của các bệnh lây truyền qua đường máu khác như viêm gan B (HBV), viêm gan C (HCV)… Kết quả điều tra về tỷ lệ nhiễm HBV và HCV ở bệnh nhân trước điều trị Methadone là 16,4% và 56,9%, trong đó tỷ lệ này ở bệnh nhân tại TP. Hồ Chí Minh (20,7%
và 70,1%) cao hơn nhiều so với bệnh nhân ở TP. Hải Phòng (11,8% và 42,8%). Kết quả nghiên cứu của đề tài về tỷ lệ nhiễm HBV và tỷ lệ nhiễm HCV trong nhóm TCMT tại TP. Hồ Chí Minh cao hơn so với kết quả nghiên cứu của Cao Kim Vân và cộng sự (2008), trong nhóm TCMT tại Quận 4, TP.
Hồ Chí Minh tỷ lệ nhiễm HBV là 16,7% và tỷ lệ nhiễm HCV là 42,5% [58].
Báo cáo kết quả nghiên cứu đánh giá và đáp ứng nhanh về tình hình sử dụng ma túy, HIV/AIDS và hoạt động phối hợp liên ngành trong công tác can thiệp giảm tác hại tại tỉnh Bắc Kạn, Hòa Bình và Tuyên Quang (2011) cũng cho thấy tỷ lệ nhiễm HCV rất cao và tỷ lệ nhiễm HBV thấp hơn nhiễm HCV nhiều lần trong nhóm TCMT, tỷ lệ dương tính với xét nghiệm tìm kháng thể kháng HCV đặc biệt cao: 83,6% tại Hòa Bình, 82,4% tại Bắc Kạn và 56% tại Tuyên Quang. Tỷ lệ người tham gia nghiên cứu dương tính với xét nghiệm HBV thấp hơn rất nhiều so với nhiễm HCV (15,4% tại Hoà Bình, 13,6% tại Tuyên Quang và 11,5% tại Bắc Kạn) [16]. Báo cáo của UNODC (2013) [118]
cũng cho thấy TCMT không những là nguyên nhân gây lây nhiễm HIV mà còn là nguyên nhân lây truyền các bệnh khác qua đường máu với tỷ lệ cao hơn rất nhiều lần so với tỷ lệ nhiễm HIV, ước tính tỷ lệ nhiễm HCV trong nhóm TCMT trên toàn cầu vào cuối năm 2010 là 46,7% (có khoảng 7,4 triệu người TCMT bị nhiễm HCV), tỷ lệ nhiễm HBV trong nhóm TCMT trên toàn cầu vào cuối năm 2010 là 14,6% (khoảng 2,3 triệu người TCMT bị nhiễm
HBV). Các nước khu vực Châu Âu được cho là có tỷ lệ nhiễm HCV và HBV cao nhất trên Thế giới, thậm chí một số nước như là Estonia, Thụy Điển và Luxembourg có tỷ lệ nhiễm HCV trong nhóm TCMT trên 80% và tỷ lệ nhiễm HBV trên 70% ở Estonia, Lithuania và vùng Yugoslav [66], [68], [87].
4.1.5. Hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV của bệnh nhân trước khi tham