CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN TRƯỜNG CÁN BỘ
1.5. NỘI DUNG PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN
Từ các quan điểm và lí luận nêu trên cho phép xác định được nội dung phát triển đội ngũ giáo viên như sau:
1.5.1. Xây dựng quy hoạch phát triển đội ngũ giáo viên.
Quy hoạch đội ngũ giáo viên là bản luận chứng khoa học về phát triển đội ngũ đó để góp phần thực hiện các định hướng của địa phương và của chính nhà trường về công tác nhân sự, phục vụ việc xây dựng kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, đồng thời làm nhiệm vụ điều khiển, điều chỉnh trong công tác quản lý, chỉ đạo các cấp quản lý.
Yêu cầu lập quy hoạch xây dựng đội ngũ:
- Xây dựng được một đội ngũ giáo viên, cán bộ, nhân viên đủ về số lượng, loại hình, đồng bộ và cân đối về cơ cấu;
- Cần phải dự kiến được các biến động về nhân sự xảy ra trong thời gian từ 3 đến 5 năm. Do vậy, cần lập quy hoạch phát triển đội ngũ giáo viên cho từng giai đoạn;
- ĐNGV đủ theo bộ môn, theo trình độ đào tạo, theo thâm niên nghề nghiệp, độ tuổi, nam nữ...có đủ ĐNGV cốt cán.
Quy hoạch phát triển đội ngũ giáo viên chuyên ngành phải đảm bảo được yêu cầu về chuyên môn vừa phải đảm bảo yêu cầu về năng lực sư phạm, khuyến khích những giáo viên thật sự tâm huyết, trách nhiệm với nghề, cống hiến tài năng cho sự nghiệp giáo dục; Đồng thời có cơ sở để thay thế những giáo viên, cán bộ quản lý không đủ phẩm chất, năng lực công tác. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn chất lượng đội ngũ nhà giáo và giáo viên chuyên ngành.
- Phải tổ chức điều tra, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ giáo viên chuyên ngành về tình hình tư tưởng, đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy...
- Hàng năm phải rà soát, bố trí, sắp xếp lại những giáo viên không đáp ứng yêu cầu của nhà trường bằng các giải pháp như: luân chuyển, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ...
- Có kế hoạch chuẩn bị ĐNGV theo quy định của Bộ
Tóm lại, việc lập quy hoạch xây dựng đội ngũ giáo viên nhà trường cần căn cứ vào kế hoạch phát triển của nhà trường và là nhiệm vụ quan trọng của người hiệu trưởng. Tất cả hướng đến mục tiêu: đảm bảo đủ về số lượng, ổn định về chất lượng để thực hiện tốt kế hoạch, nội dung, đào tạo của trường
1.5.2. Tuyển chọn và sử dụng đội ngũ giáo viên
Việc tuyển chọn giáo viên và đề bạt cán bộ là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng của nhà trường để thực hiện mục tiêu đào tạo của nhà trường. Công tác tuyển chọn, bố trí, sử dụng đội ngũ giáo viên cần phải được làm công khai, dân chủ. Việc sắp xếp, sử dụng ĐNGV phải chọn được “đúng người” và giao “đúng việc” để họ phát huy hết năng lực cá nhân, cống hiến được nhiều cho tổ chức.
Việc tuyển chọn, sắp xếp đội ngũ giáo viên, đề bạt cán bộ phải tuân theo những nguyên tắc và tiêu chuẩn nhất định để tìm ra những người có phẩm chất, năng lực phù hợp với nhiệm vụ được giao.
Hình thức đề bạt cán bộ có thể là bầu cử hoặc chỉ định. Việc lựa chọn hình thức nào do người hiệu trưởng quyết định.
1.5.3. Đào tạo, bồi dƣỡng đội ngũ giáo viên.
Trong quá trình Hội nhập kinh tế hiện nay, việc đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên của các trường phải được diễn ra thường xuyên, liên tục và phải có kế hoạch dài hạn, nếu không sẽ bị tụt hậu và bị đào thải.
Việc đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng có thể được thực hiện bằng nhiều phương thức khác nhau đề tạo điều kiện tốt nhất để tạo ra những giáo viên có chất lượng cao đáp ứng với yêu cầu của nhà trường.
Việc bồi dưỡng nhằm mục tiêu đạt chuẩn theo quy định của bậc học, ngành học và để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Bên cạnh việc đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng tri thức, văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên, người hiệu trưởng cũng cần phải coi trọng việc bồi dưỡng tư tưởng, chính trị, đạo đức cho giáo viên để họ có thể hoàn thiện mình hơn đáp ứng được yêu cầu của nhà trường và của xã hội.
1.5.4. Kiểm tra, đánh giá đội ngũ giáo viên
Kiểm tra, đánh giá là một khâu quan trọng trong công tác phát triển đội ngũ vì chỉ có kiểm tra, đánh giá đúng mới lựa chọn và sắp xếp cán bộ hợp lý và mới sử dụng được khả năng tiềm ẩn của mỗi người.
Đánh giá cán bộ, GV thực chất là xem xét nhân cách của họ, đây là vấn đề rất nhạy cảm và tế nhị. Việc kiểm tra, đánh giá còn ảnh hưởng đến uy tín của
người lãnh đạo. Đánh giá đúng, chính xác thì sẽ là nguồn kích thích, động viên cán bộ, giáo viên nâng cao hiệu quả công tác, uy tín người lãnh đạo tăng. Ngược lại, kiểm tra, đánh giá sai lệch, thiên vị, không công bằng làm cho uy tín lãnh đạo giảm, cán bộ, giáo viên thì chán nản, không tập trung trong công việc, ảnh hưởng đến tâm lý và không khí làm việc của tập thể.
Hiệu quả đánh giá phụ thuộc vào nghệ thuật đánh giá. Tiêu chuẩn đánh giá phải dựa trên cơ sở các tiêu chuẩn trong văn bản Nhà nước và văn bản của bản thân các trường. Tiêu chuẩn cơ bản nhất trong đánh giá là sự công tâm.
1.5.5. Thực hiện chế độ chính sách đối với đội ngũ giáo viên.
Mỗi một nhà trường đều có quy định, chuẩn riêng để duy trì nề nếp, trật tự, kỷ cương của trường mình. Người làm tốt thì được khen thưởng, người vi phạm sẽ bị kỷ luật. Việc khen thưởng và kỷ luật chính xác sẽ tạo nên sự công bằng trong tập thể và sẽ đạt được hiệu quả giáo dục cao.
Khen thưởng kịp thời sẽ có tác dụng động viên mọi thành viên trong tập thể phấn đấu. Kỷ luật nghiêm minh sẽ tạo nên nề nếp kỷ cương cho tập thể.
Việc thực hiện tốt chế độ chính sách đối với giáo viên là điều kiện cần để động viên, khuyến khích giáo viên cống hiến tốt hơn nữa cho công tác giảng dạy. Một chế độ chính sách tốt sẽ là sự động viên kịp thời giáo viên, giúp họ tái tạo sức lao động tốt hơn và ngược lại. Vì vậy, trong công tác phát triển đội ngũ giáo viên cần phải rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định, chính sách, chế độ về bổ nhiệm, sử dụng, đãi ngộ, kiểm tra, đánh giá đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cũng như các điều kiện bảo đảm việc thực hiện các chính sách, chế độ đó, nhằm tạo động lực thu hút, động viên đội ngũ nhà giáo toàn tâm, toàn ý phục vụ sự nghiệp giáo dục. Có chế độ phụ cấp ưu đãi thích hợp, có chính sách và quy định cụ thể thu hút các trí thức, cán bộ khoa học có trình độ cao ...
1.6. TRƯỜNG BỒI DƯỠNG CÁN BỘ TRONG HỆ THỐNG