Kết cấu lồng ghép truyện trong truyện và kiểu cốt truyện khung

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn của Jack London (Trang 75 - 153)

6. Đóng góp mới của luận án

3.2.3.Kết cấu lồng ghép truyện trong truyện và kiểu cốt truyện khung

Đây là kiểu cốt truyện có sự đan lồng một hoặc một số truyện thành phần trong một truyện lớn bao trùm, được gọi là truyện khung. Hình thức kết cấu này tạo nên kiểu cốt truyện khung (frame plot). Với hình thức kết cấu này, mỗi tác phẩm truyện ngắn được cấu thành bởi nhiều truyện khác nhau được liên kết lại. Trong đó chỉ có

một truyện bao trùm do người kể chuyện kể lại giữ vai trò là khung truyện, còn những truyện khác do các nhân vật trong truyện kể giữ vai trò như những thành phần để cấu thành một truyện lớn tương ứng với nhan đề. Các truyện thành phần không tách rời mà luôn đan xen vào nhau một cách linh hoạt, tạo ra ấn tượng về sự chân thực của chuyện được kể, kéo độc giả lại gần với thế giới nghệ thuật của tác phẩm hơn, đồng thời tạo sự sinh động cho truyện. Việc lồng ghép nhiều truyện trong một truyện là một cách thức để tránh khỏi lối kể chuyện đơn điệu và tạo sự luân phiên điểm nhìn, góp phần làm cho sự việc và con người được nhìn nhiều chiều hơn, mang tính khách quan hơn. Đồng thời hình thức kết cấu này cũng là một cách để các nhân vật tự bộc lộ mình; đặc biệt là thế giới nội tâm nhân vật được thể hiện một cách tự nhiên hơn. Kết cấu truyện lồng truyện và kiểu cốt truyện khung đã xuất hiện từ lâu trong lịch sử văn học, có thể kể đến một số hiện tượng tiêu biểu như Nghìn lẻ một đêm của người Ả Rập, Câu chuyện mười ngày của Boccaccio, Người trong bao của Chekhov…

Trong hệ thống truyện ngắn của J. London có khá nhiều truyện được kết cấu theo dạng này (12/80 truyện, chiếm 13,75 %). Tiêu biểu như truyện ngắn Ngọc trai của lão Parlay. Truyện ngắn này được chia thành năm phần. Phần đầu kể về hành trình của đám thương nhân đến đảo Hikihoho. Trong phần đó có câu chuyện về gốc tích của lão Parlay do nhân vật Grief kể. Phần thứ hai kể về cuộc gặp gỡ ở nhà lão Parlay. Đan xen trong phần thứ hai có chuyện về sự tích các viên ngọc do nhân vật Parlay kể. Phần thứ ba kể về cuộc tranh giành thủy thủ trên bãi biển, được kể bởi người kể chuyện hàm ẩn. Phần thứ tư kể về cuộc vật lộn với bão biển của đám thương nhân. Phần này chủ yếu được kể bởi người kể chuyện hàm ẩn, nhưng có xen lẫn một câu chuyện do gã thổ dân Kanaca kể, đó là chuyện Narit cướp ngọc trai và giết chết lão Parlay. Phần cuối kể về kết cục bi kịch của các nhân vật, do người kể hàm ẩn thực hiện. Như vậy, truyện ngắn Ngọc trai của lão Parlay có sự đan xen của nhiều truyện, do nhiều nhân vật kể lại. Điểm nhìn trần thuật trong truyện di chuyển liên tục từ người kể hàm ẩn sang các nhân vật, từ nhân vật này sang nhân vật khác.

Tương tự như vậy, truyện ngắn Trong những cánh rừng miền Bắc cũng được cấu tạo bởi nhiều truyện đan xen nhau. Truyện được kể ở ngôi thứ ba theo điểm nhìn

bên trong. Người kể chuyện hàm ẩn có mặt từ đầu đến cuối để tổ chức, sắp xếp lời kể của các nhân vật; còn các nhân vật luân phiên kể những chuyện khác nhau. Cụ thể, nhân vật Fairfax kể về cuộc sống của thổ dân vùng Barren, về chuyện anh ta bị lạc và kết hôn với Thom – con gái vị tù trưởng và đã ở lại đây năm năm. Nhân vật Van Brunt kể về quá khứ năm năm trước và mời gọi Fairfax trở về quê hương. Vị tù trưởng Tantlatch kể chuyện về vai trò của Fairfax ở bộ tộc kể từ ngày anh ta xuất hiện. Pháp sư Chugungatte kể chuyện về cuộc hứa hôn giữa Thom và chàng trai trẻ Keen – một thủ lĩnh của bộ tộc trước khi Fairfax lạc đến bộ tộc. Nhân vật Keen kể chuyện về vai trò của anh ta, cuộc sống của anh ta kể từ khi Thom trở thành vợ của Fairfax. Như vậy, truyện ngắn Trong những cánh rừng miền Bắc có sự đan xen của nhiều truyện khác nhau. Lối kết cấu lồng ghép giúp cho tác giả mở rộng phạm vi phản ánh hiện thực, khách quan hóa câu chuyện được kể, tạo nên ảo giác nơi người đọc về tính khách quan, chân thực của những chuyện được kể.

Kết cấu lồng ghép truyện trong truyện và kiểu truyện khung là một hình thức cốt truyện độc đáo, biểu hiện đa dạng trong truyện ngắn của J. London. Kiểu cốt truyện này đã giúp tác giả mở rộng phạm vi hiện thực được phản ánh, đồng thời mở rộng khả năng bộc lộ tư tưởng nghệ thuật của nhà văn. Kiểu cốt truyện lồng ghép truyện trong truyện đòi hỏi phải có nhiều người kể và điểm nhìn trần thuật luôn chuyển đổi linh hoạt, phá vỡ tính đơn điệu của lối kể chuyện một điểm nhìn trong văn học truyền thống. Tuy vậy, kiểu cốt truyện được cấu tạo bởi nhiều truyện đan xen đòi hỏi phải có dung lượng câu chữ nhiều, diễn tả nhiều lớp nghĩa, nên không dễ tiếp nhận đối với lớp người đọc phổ thông.

Cốt truyện trong truyện ngắn của J. London hết sức phong phú, đa dạng. Khảo sát hệ thống truyện ngắn của ông chúng tôi thấy vẫn còn không ít truyện có kết cấu cốt truyện theo phong cách truyền thống (kiểu cốt truyện năm thành phần). Bên cạnh đó ông cũng đã có những nỗ lực đáng kể trong việc tiếp cận những dạng thức kết cấu cốt truyện theo lối tư duy hiện đại. Sự đan xen cũ - mới về hình thức kết cấu tạo nên sự đa dạng trong nghệ thuật tự sự của J. London, góp phần làm phong phú nghệ thuật văn xuôi của nước Mỹ và nhân loại trong bối cảnh giao thời.

J. London tập trung sáng tác theo ba kiểu cốt truyện (cốt truyện tuyến tính, cốt truyện gấp khúc, và cốt truyện khung). Ba kiểu cốt truyện này tuy không còn xa lạ trong văn học thế giới thời kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nhưng dưới ngòi bút của J. London những kiểu cốt truyện này vẫn mang những điểm đặc trưng thú vị. Sự độc đáo của J. London không chỉ ở sự đa dạng về hình thức kết cấu và các phương thức, biện pháp tổ chức cốt truyện mà còn ở việc biến cốt truyện trở thành một phương tiện góp phần tạo nghĩa cho tác phẩm. Cốt truyện được tổ chức như thế nào? Bằng cách nào? Cốt truyện ấy truyền tải thông điệp gì? Trả lời những câu hỏi ấy chúng ta sẽ thấy được dấu ấn riêng của J. London ngay trong những kiểu cốt truyện vốn đã quen thuộc. 3.3. Phương thức tổ chức cốt truyện trong truyện ngắn của Jack London

3.3.1. Khai đoạn bằng những chỉ dẫn

Truyện ngắn của J. London rất nhiều sự kiện, giàu kịch tính, tổ chức trần thuật đa dạng, giá trị tư tưởng sâu sắc. Những đặc điểm ấy đã thu hết “tầm ngắm” của người đọc mỗi khi khám phá truyện ngắn của ông. Trong khi đó phần khai đoạn thường bị người đọc lướt qua, chưa ai quan tâm để thấy được vai trò hết sức quan trọng của nó. Dưới đây chúng tôi xin được bàn về chức năng chỉ dẫn – một nét độc đáo được thể hiện trong phần khai đoạn các truyện ngắn của ông.

Theo PGS.TS Nguyễn Thái Hòa, chức năng chỉ dẫn (cũng có thể gọi là chức năng dẫn nhập) của truyện kể là “chức năng vừa dẫn người đọc vào một truyện kể nhất định, vừa chỉ cho người ấy thấy những gì phải tự mình tìm hiểu trong một truyện kể, từ đó tạo ra những hứng thú thưởng thức nghệ thuật cho mình” [46, 443]. Đọc truyện ngắn của J. London chúng tôi thấy phần khai đoạn có một vai trò khá đặc biệt. Trước hết, nó có vai trò đưa người đọc thâm nhập vào thế giới truyện kể, và quan trọng hơn là mang đến cho người đọc những chỉ dẫn về không gian, thời gian, bối cảnh, nhân vật, mối quan hệ giữa người kể với chuyện được kể, giữa người kể với nhân vật, nguyên nhân làm nảy sinh xung đột và tình hình buổi ban đầu của nhân vật… Nếu quan tâm nắm bắt những chỉ dẫn được thể hiện trong phần khai đoạn thì người đọc sẽ không khó để tìm ra cách đọc và dễ dàng hơn trong việc nắm bắt ý đồ nghệ thuật của nhà văn. Có thể xem phần khai đoạn như là chìa khóa để mở

cái thế giới đầy bí mật tiềm ẩn trong truyện ngắn của J. London. Chẳng hạn, truyện ngắn Trắng và Vàng mở đầu bằng những lời giới thiệu khái quát về đề tài của truyện, đó là cuộc sống khắc nghiệt ở vịnh San Francisco:

Vịnh San Francisco (…) có nhiều loại cá đa dạng nên mặt nước biển luôn bị cày xới bởi tất cả các loại tàu cá của ngư dân. Để bảo vệ các loài cá khỏi bị đánh bắt bởi đủ hạng người nơi đây, nhiều điều luật đã được thông qua, và có một con tàu tuần tra cá để kiểm tra việc thi hành những điều luật này. Trên con tàu tuần tra có rất nhiều chuyện kỳ thú xảy ra (…). Man rợ nhất phải kể đến chuyện đánh bắt trái phép của ngư dân Trung Hoa, và hành động của đội tuần tra cá chống lại sự phá hoại này [79].

Sau đoạn mở đầu, hàng loạt chi tiết sự kiện và nhân vật lần lượt xuất hiện, tập trung kể về cuộc đấu tranh gay gắt giữa đội tuần tra cá với những ngư dân Trung Hoa đánh bắt trái phép, phá hoại môi trường ở vịnh San Francisco. Như vậy có nghĩa là phần khai đoạn trong truyện ngắn này chính là sự giới thiệu một cách khái quát về bối cảnh, hiện tượng đời sống sẽ được triển khai cụ thể ở những phần tiếp theo của truyện. Đó chính là sự chỉ dẫn mà tác giả đã dành cho người đọc trước khi đi sâu khám phá chiều sâu tác phẩm. Mở đầu truyện ngắn Đặc quyền Linh mục cũng là những lời giới thiệu khái quát, ngắn gọn về câu chuyện sắp được kể ra ở phần tiếp theo:

Đây là câu chuyện của một người đàn ông không đánh giá cao vợ mình, và cũng là chuyện của một người phụ nữ đã làm cho chồng có một vinh dự quá lớn khi cô đã trao cuộc đời mình cho anh ta. Họ là những người lang thang xa lạ đã vội vàng đến với nhau. Câu chuyện liên quan đến một vị linh mục dòng Jesuit. Sự hiện diện của cặp vợ chồng kia đã khiến cho vị linh mục trở thành người nói dối [124].

Đoạn văn trên sẽ giúp cho người đọc nắm bắt một cách khái quát về nội dung câu chuyện; đồng thời cũng giúp người đọc biết những điều cơ bản nhất về các nhân vật trong câu chuyện sắp được kể ở phần sau đó.

Còn đây là khai đoạn của truyện ngắn Một cuộc phiêu lưu trên biển:

Khi còn trẻ tôi là đội trưởng của những người lái khinh khí cầu ở vùng đại dương xung quanh chúng ta. Đó là một nghề nguy hiểm, và tất nhiên tôi có nhiều kinh nghiệm ly kỳ, và ly kỳ nhất là câu chuyện tôi sắp sửa kể ra đây [142].

Những lời mở đầu này như muốn giới thiệu với người đọc về tính chân thực của câu chuyện được kể trong truyện. Đồng thời những lời mở đầu này cũng chỉ cho người

đọc về người kể, điểm nhìn trần thuật, và hơn nữa là tính chất phiêu lưu của câu chuyện sắp được nhân vật chính kể ra.

Phần khai đoạn với những nội dung mang tính giới thiệu, chỉ dẫn như trên còn xuất hiện trong hàng loạt truyện ngắn khác của J. London. Điều đó cho thấy đây là một điểm thống nhất trong phong cách nghệ thuật truyện ngắn của ông. Đây cũng là một trong những điểm cho thấy rõ nhất “chất truyền thống” trong truyện ngắn của J. London. Điều đáng quan tâm là phần khai đoạn đã mang đến cho người đọc những sự gợi ý bổ ích để tiến vào chiếm lĩnh tác phẩm. J. London là nhà văn vô sản, đối tượng người đọc chủ yếu mà ông hướng đến là đông đảo giai cấp công nhân. Có lẽ một phần vì thế mà ông chọn lối mở truyện bằng những chỉ dẫn để người đọc dễ bề tiếp nhận.

3.3.2. Tạo dựng và tổ chức tình huống truyện đa dạng

Tình huống truyện là một yếu tố hết sức quan trọng trong mọi tác phẩm tự sự. Trong truyện ngắn, tình huống thường là bối cảnh mang tính nghịch lí, mâu thuẫn,… mà tác giả tạo ra để triển khai cốt truyện, để nhân vật suy nghĩ, hành động và bộc lộ tính cách của mình. Tình huống truyện vì thế cũng là một trong những phương diện thể hiện tài năng sáng tạo của tác giả. Từ vai trò quan trọng đó mà việc tìm hiểu các dạng thức tình huống truyện trong tác phẩm văn học trở nên cần thiết trong quá trình tìm hiểu thế giới nghệ thuật của một nhà văn. Đối với J. London, tình huống truyện là một trong những phương diện nghệ thuật cơ bản giúp nhà văn triển khai cốt truyện, thể hiện thành công thế giới nhân vật và góp phần biểu lộ tư tưởng nghệ thuật của mình. Khảo sát truyện ngắn của ông chúng ta sẽ thấy tình huống truyện xuất hiện dưới nhiều dạng thức; mỗi dạng tình huống lại được nhà văn khai thác một cách triệt để ở nhiều cấp độ khác nhau (có tình huống xung đột, tình huống ngẫu nhiên, tình huống thử thách,…). Nhiều khi trong cùng một truyện lại có sự đan xen, lồng ghép nhiều tình huống truyện, tình huống này gọi tình huống kia xuất hiện, và mỗi tình huống mang lại một hiệu quả nghệ thuật riêng, góp phần thể hiện chủ đề tác phẩm. Cách giải quyết tình huống của J. London cũng biến thiên đa dạng và không bao giờ có sự lặp lại.

J. London là nhà văn có biệt tài trong việc xây dựng và xử lí các dạng tình huống xung đột. Các tình huống xung đột trong truyện của ông được thể hiện một

cách phong phú ở nhiều dạng thức khác nhau, bao gồm xung đột giữa con người với thế giới tự nhiên, giữa con người với xã hội, và giữa con người với con người.

Tình huống xung đột giữa con người với thế giới tự nhiên thường được J. London tạo dựng bằng cách đặt con người vào môi trường thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt. Trong môi trường ấy, con người thường xuất hiện trong tư thế đơn độc. Trong tình huống xung đột gữa con người với thế giới tự nhiên, con người trong truyện của J. London bao giờ cũng là con người hành động, vượt lên tất cả sự đe dọa của thế giới tự nhiên để bảo toàn sự sống của mình và vươn tới những mục đích tốt đẹp. Thế giới tự nhiên mênh mông hoang vắng, khốc liệt, đầy bất trắc khiến cho tính cách của nhân vật bộc lộ rõ nét hơn trong cuộc tồn sinh dữ dội và quyết liệt. Với những truyện ngắn được xây dựng trên nền tảng xung đột giữa con người với thế giới tự nhiên, diễn tiến cốt truyện luôn đồng hành với quá trình bộc lộ phẩm chất, tính cách và tâm hồn của nhân vật chính. Tiêu biểu cho loại tình huống này là truyện ngắn Sự im lặng màu trắng. Trong truyện ngắn này, “thiên nhiên có nhiều cái để nhắc nhở con người về cái chết (…) nhưng mạnh mẽ và khủng khiếp hơn cả là sự im lặng màu trắng trong cái lạnh lùng, hiu quạnh của nó” [145, 283 - 284]. Đối lập với thiên nhiên lạnh lùng, vô cảm thì “con người là cái phần nhỏ duy nhất của sự sống còn sót lại đang chuyển động giữa một sa mạc chết trắng buốt” [145, 284]. Một bên là thiên nhiên bao la, vô cảm, với sức mạnh hủy diệt, một bên là con người bé nhỏ với sức mạnh hữu hạn. Cuối cùng Mason – nhân vật chính của truyện đành phải gác lại giấc mộng về cuộc sống giàu sang và từ biệt người vợ yêu quý của mình để nằm lại trong tuyết trắng. Cái chết của Mason là một lời cảnh tỉnh đối với con người trong cuộc đấu tranh chinh phục thiên nhiên.

Qua tình huống xung đột giữa con người với thế giới tự nhiên J. London đã thể hiện tư tưởng mang tính triết lí của mình: thế giới tự nhiên bao la và bí hiểm khôn lường, sức mạnh của con người ta hữu hạn. Muốn chiến thắng trong cuộc chinh phục tự nhiên thì con người phải đoàn kết xích lại gần nhau để có thêm sức mạnh. Tình huống xung đột giữa con người với thế giới tự nhiên hoang dã còn có thể được

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn của Jack London (Trang 75 - 153)