Thiên nhiên kẻ hung bạo

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn của Jack London (Trang 117 - 119)

6. Đóng góp mới của luận án

4.2.3. Thiên nhiên kẻ hung bạo

Thiên nhiên là đề tài quen thuộc của thi ca muôn thủa. Có lẽ không có một nhà văn nào lại không viết về thiên nhiên hoặc không đề cập đến thiên nhiên trong tác phẩm của mình. Nhưng nếu các nhà văn khác miêu tả thiên nhiên với vai trò là không gian tồn tại của nhân vật, thì trong truyện của J. London thiên nhiên lại xuất hiện với tư cách là những nhân vật có tính cách hung bạo, tồn tại trong mối quan hệ tương phản, thù địch với con người. Nếu các nhà văn khác chủ yếu đi tìm vẻ đẹp thơ mộng, hữu tình và đầy sức sống của thiên nhiên thì J. London lại nhìn thiên nhiên ở đặc tính hoang sơ, hung bạo, luôn đe dọa sự tồn sinh của con người. Thiên nhiên trong truyện ngắn của J. London khá đa dạng: “Đó là vùng Bắc cực hoang vu mịt mù tuyết rơi và gió hú. Đó là những cơn lốc, cơn bão ghê người. Đó là băng lở, động đất, chó sói, đói, rét, bệnh dịch và trăm ngàn nguy hiểm của rắn độc và thú dữ trên các hòn đảo hoang vu. Tất cả tự nhiên đe doạ con người” [25, 432]. Trong đó, có hai mảng thiên nhiên được xây dựng với những đặc tính riêng, giữ vai trò như những nhân vật đặc biệt trong truyện ngắn của J. London, đó là thiên nhiên phương Bắc hoang sơ, và thiên nhiên miền biển phương Nam dữ dội.

Khảo sát hệ thống truyện ngắn của J. London chúng tôi thấy thiên nhiên miền Bắc xuất hiện rất nhiều (11 tập truyện). Vì sao ông lại dành nhiều tâm huyết để viết về thiên nhiên miền Bắc đến vậy? Trước hết, đây là vùng đất hết sức quen thuộc với bản thân nhà văn. Vào những năm 1897 - 1898, J. London đã từng cùng với hàng vạn người hành trình về vùng đất phương Bắc theo tiếng gọi của cơn sốt vàng. Ông đã trải qua nhiều gian khổ ở vùng đất này. Bởi vậy khi viết về Bắc cực, J. London đã viết về chính những gì mà ông đã trải nghiệm và được chứng kiến. Dưới ngòi bút của ông, vùng đất này hiện lên với vẻ tĩnh lặng, hoang sơ, khắc nghiệt và thiếu vắng hơi thở của sự sống. Có thể nói đây là một vùng hoang mạc chết. Trong truyện Tình yêu cuộc sống

nhà văn đã khái quát lên đặc điểm của vùng đất hoang sơ này: “Một quang cảnh không lấy gì làm phấn khởi. Đâu đâu cũng là đường chân trời mềm mại. Các trái đồi đều thấp. Chẳng có cây to, cây nhỏ, cũng chẳng có cỏ. Chẳng có gì ngoài một sự tiêu điều mênh mông ghê gớm” [58, 62]. Cũng trong truyện ngắn này nhà văn viết: “Suốt cảnh

tiêu điều này vẳng tới vẳng lui tiếng sói hú, dệt cả bầu không khí thành một tấm màn đe doạ có thể sờ mó thấy” [58, 79]. Hoang mạc và tuyết trắng vùng Bắc cực trong tác phẩm của J. London không chỉ là cái sân khấu cho các nhân vật của ông được thể hiện mình, mà còn là nhân vật đặc biệt mang ý nghĩa biểu tượng về một xã hội vô cảm, thù địch, đầy những mối hiểm hoạ đang tồn tại trên nước Mỹ ở thời đại nhà văn.

Cùng với miền hoang mạc Bắc cực, thiên nhiên vùng biển phương Nam cũng xuất hiện trong nhiều tác phẩm của J. London. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, J. London đã có bốn tiểu thuyết và sáu tập truyện ngắn lấy bối cảnh từ vùng biển miền Nam. Là con người của hành động, ưa phiêu lưu mạo hiểm, J. London đã từng đến miền biển phương Nam để làm thuỷ thủ, săn bắt hải cẩu và khám phá vẻ đẹp của vùng biển hoang sơ này. Bởi vậy miền biển phương Nam đã ăn sâu trong máu thịt của ông. Nét đặc trưng của J. London là ở chỗ ông đã dành nhiều tâm huyết để viết về biển với đầy đủ tính chất hoang sơ, dữ dội và sức mạnh tàn hại khủng khiếp của nó. Tính chất hoang sơ, hung bạo của vùng biển phương Nam trước hết thể hiện ở hình ảnh sóng lớn dữ dội. Trong truyện ngắn Sóng lớn Kanaka nhà văn viết:

Những đợt sóng lao quá mạnh vào bờ. Nước do những đợt sóng Kanaka dữ tợn liên tiếp xô vào phía bờ. Trong khi hạ xuống, chúng lại chảy ngược ra khỏi cùng với dòng chảy nói trên, lẫn xuống bên dưới những đợt sóng dữ tợn khác đang xô tiếp đến [58, 19].

Sự hoang dã và hung bạo của thiên nhiên miền Nam còn được tô điểm thêm bởi những trận bão tố. Trong truyện ngắn Ngôi nhà của Mapuhi, sóng và gió được nhà văn thể hiện như những kẻ thù cùng nhau gia tăng sức mạnh tàn phá môi trường bình yên của con người: “Gió ào ào tới một cây pandan trên đầu và vèo qua những cây dừa mé bên kia (…) rồi đến cơn mưa từ đằng xa tiến tới, làm cho nước hồ bốc lên cuồn cuộn” [59, 99]. Sau một trận cuồng phong cảnh tượng này càng trở nên ghê sợ hơn:

Trong số một nghìn hai trăm người sống đêm hôm trước, nay chỉ còn lại ba trăm. Trong hồ ngổn ngang xác chết. Không một ngôi nhà, một túp lều nào đứng vững. Trên khắp đảo san hô, không còn lấy hai viên đá nào chồng lên nhau. Một phần năm mươi số cây dừa còn đứng vững thì cũng đã tả tơi, không cây nào còn lấy một quả trên cành [58, 99].

Thiên nhiên miền biển phương Nam còn được nhà văn mô tả qua hình ảnh những quần đảo hoang sơ, đầy ắp sự chết. Trong truyện ngắn Solomon quần đảo khủng khiếp J. London

viết: “người nào vốn không quen với cuộc sống ở những nơi cách xa nền văn minh, và mới đặt chân lên hòn đảo, thì có thể tưởng Solomon là một địa ngục thực sự” [58, 119].

Có thể khẳng định rằng, miền biển phương Nam hoang sơ, đầy mầm mống của sự chết trong tác phẩm của J. London là hình ảnh biểu tượng về hiện thực khốc liệt của xã hội nước Mỹ ở thời đại ông – một xã hội đầy những bất công ngang trái, chết chóc, khổ đau, đầy những hiểm họa bất trắc đối với con người. Trong cuốn sách Đi qua những vùng biển phía Nam với Jack London (Through the South Seas with Jack London) Martin Johnson đã viết: “Cũng vẫn là cảnh biển trời, non nước mà nhiều nhà văn đã từng viết, nhưng Jack London lại nắm bắt nó theo cách riêng của mình. Ông tạo nên một đặc trưng từ cái bình thường, cái riêng từ cái chung. Người ta luôn muốn đến khám phá vùng biển miền Nam từ những trang viết của ông” [153, 149].

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn của Jack London (Trang 117 - 119)