6. Đóng góp mới của luận án
2.2.1. Trần thuật theo điểm nhìn đơn chủ thể
Trần thuật ở ngôi thứ nhất theo điểm nhìn đơn chủ thể là hình thức trần thuật có một nhân vật xưng “tôi” đóng vai trò là người kể chuyện, có mặt từ đầu đến cuối tác phẩm, kể tất cả mọi chuyện. Trong truyện ngắn của J. London, hình thức trần thuật này được sử dụng hết sức linh hoạt, với hai dạng thức khác nhau.
Thứ nhất là dạng trần thuật theo một điểm nhìn của người tự truyện (autobiographie). Trong những truyện ngắn sử dụng dạng thức kể chuyện này (15/80 truyện, chiếm 18,75 %), người kể chuyện giữ vai trò là nhân vật trung tâm của truyện; người kể chuyện xưng “tôi”, có mặt từ đầu đến cuối truyện và chỉ kể chuyện về mình. Người kể chuyện trong trường hợp này đem tất cả những sự việc, tình cảnh mà anh ta từng nếm trải để tạo thành câu chuyện của mình. Sức hấp dẫn của truyện không đến từ các chi tiết sự kiện như ở hình thức trần thuật theo điểm nhìn bên ngoài, mà đến từ chiều sâu của thế giới nội tâm con người qua giọng điệu kể chuyện giàu chất suy tư của chính người trong cuộc. Người kể chuyện xưng “tôi” trong những truyện ngắn này cùng lúc giữ nhiều vai trò: vừa là nhân vật trung tâm của truyện, vừa là người kể, vừa là đối tượng được kể. Hành động kể chuyện của người kể chuyện cũng đồng thời là hành động tự ý thức, tự nhận thức về bản thân của chính anh ta. Lời kể trong trường hợp này là những lời tâm tư, bộc bạch; đó là sản phẩm của dòng hồi tưởng kết hợp với bày tỏ cảm xúc, ý thức của chính người kể chuyện.
Hình thức trần thuật ở ngôi thứ nhất theo điểm nhìn của người tự truyện cũng đã được nhiều nhà văn sử dụng, ví dụ như người điên – nhân vật chính và cũng là người kể chuyện trong Nhật ký người điên của Lỗ Tấn, nhân vật người họa sĩ – người kể chuyện trong truyện
Ngôi nhà có căn gác nhỏ hay nhân vật N.N – người tự truyện trong Câu chuyện của phu nhân N.N của nhà văn Nga A. Chekhov, nhân vật “tôi” trong tập truyện Đom đóm của nhà văn Nhật Bản đương đại Haruki Murakami… Vậy đâu là dấu ấn riêng của J. London ở hình thức trần thuật này? Trước hết, đọc những truyện ngắn của J. London được trần thuật theo hình thức này chúng ta sẽ bắt gặp bức chân dung tự họa về cuộc đời, con người của chính nhà văn. Ví dụ, truyện Cậu thủy thủ thiếu niên đáng yêu gợi cho người đọc hình ảnh J. London ở những năm tháng ông làm thủy thủ. Ở truyện Gã mặt tròn ta thấy bóng dáng con người tinh nghịch của tác giả ở thủa thiếu thời. Trong Câu chuyện của người lính già
văn. Trong Giấc mơ của Debs có hình ảnh chàng thanh niên J. London đang cổ súy cho giai cấp công nhân vùng lên đấu tranh giành tự do, công bằng. Truyện Một cuộc phiêu lưu trên biển không thể không bắt nguồn từ bản tính ưa phiêu lưu mạo hiểm của chính tác giả truyện ngắn này. Có thể nói, với việc xây dựng hình tượng người kể chuyện là nhân vật chính, xưng tôi, tự truyện, khoảng cách giữa người kể chuyện với tác giả được rút ngắn đến mức tuyệt đối, khiến người đọc có cảm tưởng như chính nhà văn là người đang tự kể chuyện của mình. GS. Phùng Văn Tửu từng nhận định rất đúng rằng: “xưa nay những trải nghiệm của cá nhân nhà văn luôn góp phần không nhỏ vào kho tư liệu sáng tác và bằng những con đường khác nhau - chủ tâm hoặc vô thức - để lại dấu ấn nhiều ít trong tác phẩm, đó là điều không còn phải bàn cãi” [111]. Tuy nhiên, vượt lên trên những dấu ấn về “con người tiểu sử” của nhà văn, những truyện ngắn kể theo ngôi thứ nhất theo kiểu tự truyện còn giúp cho người đọc hình dung được một “con người tinh thần” của ông, một con người không phải trong đời sống thực mà trong thế giới của những câu chuyện. Đó là con người với những suy tư trăn trở, những ước mơ khát vọng, những quan niệm nhân sinh, những thông điệp về lẽ sống. Đây chính là điểm độc đáo của J. London khi sử dụng hình thức trần thuật này.
Thứ hai là dạng trần thuật theo một điểm nhìn của người quan sát (7/80 truyện, chiếm 8,75 %). Đây là một “mánh khóe” nghệ thuật để nhà văn khách quan hóa cái nhìn bên trong của người kể chuyện. Ở dạng này, người kể chuyện là một nhân vật phụ, xưng “tôi”, có mặt từ đầu đến cuối truyện, nhưng anh ta chỉ giữ vai trò là người quan sát và kể lại chuyện của người khác, những chuyện mà anh ta được chứng kiến hoặc được nghe kể lại. Tiêu biểu nhất cho dạng này là truyện ngắn Sự điên rồ của John Harned [61, 342 - 344]. Người kể chuyện trong truyện ngắn này là một nhân vật phụ, xưng “tôi” và kể mọi chuyện anh ta được chứng kiến. Vị trí bên trong truyện kể của nhân vật “tôi” được xác lập bởi mối quan hệ quen biết với các nhân vật khác như chính lời anh ta tự giới thiệu: “Câu chuyện tôi kể ra đây là có thật, xảy ra tại trường đấu bò ở Kito. Tôi ngồi trên khán đài với John Harned, Maria Valenxuela và Luixecvalot”. “Maria Valenxuela là chị họ tôi”, “Luixecvalot là bạn tôi”, “John Harned là một người Mỹ. Lần đầu tiên tôi gặp anh ta ở khách sạn Tivoli ở Panama”. Với tư cách là một nhân vật phụ, mức độ
tham gia hành động truyện chỉ dừng lại ở việc ngồi bên cạnh các nhân vật trong câu chuyện mà anh ta kể, người kể chuyện trong truyện ngắn này chỉ thực hiện vai trò quan sát và thuật lại những gì diễn ra trước mắt mình. Điểm nhìn của người kể chuyện chỉ giới hạn trong những gì anh ta được chứng kiến. Dù chỉ xuất hiện với vai trò là nhân vật phụ, người tham gia rất ít vào hành động truyện, nhưng người kể chuyện xưng “tôi” trong trường hợp này là một mắt xích không thể thiếu trong câu chuyện được anh ta kể. Người kể chuyện dù không được tập trung tô đậm để làm mờ khuất các nhân vật khác, nhưng cũng không phải chỉ là cái bóng mờ nhạt trong tác phẩm. Ngoài vai trò kể chuyện, nhân vật này còn có ý nghĩa thúc đẩy diễn tiến cốt truyện và giữ vai trò “chất xúc tác” để làm rõ tính cách, tâm hồn của các nhân vật khác. Người kể chuyện dù lộ diện, xưng “tôi” nhưng vì cái nhìn của anh ta là cái nhìn khách quan của người quan sát nên rất giống với người kể chuyện ở ngôi thứ ba theo điểm nhìn giới hạn bên ngoài. Tuy nhiên, như chúng tôi đã nói trên đây, người kể chuyện trong truyện ngắn này cũng không thể thoát khỏi cái khung trần thuật theo điểm nhìn bên trong.
Truyện ngắn Vua của người Hy Lạp cũng được kể ở ngôi thứ nhất theo một điểm nhìn của người quan sát. Người kể chuyện xưng “tôi” và kể chuyện về nhân vật Alec khổng lồ - người được mệnh danh là vua của những người Hy Lạp. “Tôi” là nhân vật phụ trong truyện, người chứng kiến và kể lại câu chuyện một cách khách quan. Cốt truyện rất đơn giản, chỉ xoay quanh việc đội tuần tra vây bắt nhân vật Alec khổng lồ. Cuộc vây bắt diễn ra sau nhiều ngày, đến lúc đội tuần tra cảm thấy thất vọng và đầu hàng công việc này thì cơ hội bất ngờ đến. Cuối cùng họ đã bắt sống được kẻ đứng đầu đám người Hy Lạp đánh bắt cá trái phép. Trong truyện ngắn này có khá nhiều lời đối thoại và sự kiện, nhưng đối thoại được đặt trong ngoặc kép nên không có tính độc lập. Lời đối thoại đó vẫn là lời văn gián tiếp được thuật lại qua lời kể của “tôi”. Sau mỗi sự kiện là những lời dẫn dắt rất ngắn, không có những lời bình luận và đánh giá về câu chuyện được kể. Tương tự như vậy, trong truyện ngắn Cái chết của Ligoun, Palitum là nhân vật phụ vào vai người kể chuyện, anh ta kể về cái chết của vị thủ lĩnh già có tên Ligoun.
Nếu nhân vật “tôi” trong các truyện ngắn Sự điên rồ của John Harned, Vua của người Hy Lạp và Cái chết của Ligoun kể về những gì anh ta nhìn thấy, thì “tôi” trong truyện ngắn Chuyện của người huấn luyện sư tử lại kể những gì mà anh ta nghe được. Trong truyện ngắn này người kể chuyện là nhân vật Leopard, kể lại câu chuyện của người đàn ông làm nghề huấn luyện sư tử tên là Wallace. Leopard là nhân vật phụ đứng ở ngoài câu chuyện mà anh ta kể, anh ta chỉ đóng vai người nghe và thuật lại những gì đã được nghe. Việc chuyển điểm nhìn trần thuật vào nhân vật phụ, để cho nhân vật phụ thực hiện nhiệm vụ kể chuyện trong các truyện ngắn này một mặt là cách để lạ hóa, mới hóa nghệ thuật kể chuyện; mặt khác cũng gợi cho người đọc cảm giác tin cậy trước câu chuyện được kể.
Trần thuật ở ngôi thứ nhất theo điểm nhìn của người quan sát (điểm nhìn hướng ngoại/ khách quan của một nhân vật phụ) đã xuất hiện khá nhiều trong truyện ngắn của Lỗ Tấn (tiêu biểu như các truyện Cố Hương, Tiếc thương những ngày đã mất, Khổng Ất Kỷ, Con người cô độc, Trong quán rượu, Lễ cầu phúc,…). A. Chekhov – nhà văn Nga nổi tiếng với nhiều điểm cách tân trong kỹ thuật tự sự cũng có khá nhiều truyện ngắn sử dụng lối trần thuật này (tiêu biểu như các truyện Của hồi môn, Hai người đẹp, Ở chi nhánh bệnh viện, Chuyện một người vô danh,…). Vậy là, bên cạnh những tên tuổi lớn của văn học thế giới như Lỗ Tấn, Chekhov, J. London cũng là một bậc thầy của lối trần thuật ở ngôi thứ nhất theo điểm nhìn của người quan sát. Điểm phân biệt giữa các nhà văn là ở những cái “Tôi” hiện hữu trong lối trần thuật này. Có thể xem hình tượng “Tôi” trong trường hợp này là “phương tiện nghệ thuật” mà các nhà văn sáng tạo ra nhằm thể hiện một cách khách quan ý thức của mình về thế giới bên ngoài. Mỗi nhà văn có một quan niệm và tư tưởng nghệ thuật riêng, một cái nhìn riêng vê hiện thực đời sống xã hội, cái “Tôi” trong tác phẩm của họ thể hiện những điều riêng biệt ấy.
Như vậy, hình thức trần thuật ở ngôi thứ nhất theo điểm nhìn đơn chủ thể trong truyện của J. London có nhiều biến thái khác nhau. Mỗi dạng thức trần thuật có một hiệu quả nghệ thuật nhất định. Dạng người kể chuyện là nhân vật chính tự kể chuyện của mình mang tính tự truyện vừa khám phá một cách sâu sắc những góc khuất trong nội tâm nhân vật, vừa tạo cho người đọc cảm giác đang được đối thoại với chính
người trong cuộc. Chuyện là của “tôi”, do chính “tôi” kể lại, ắt hẳn độ tin cậy sẽ rất lớn. Dạng thứ hai, người kể chuyện giữ vai trò là một nhân vật phụ, người quan sát và tường thuật lại những gì mắt thấy tai nghe. Dạng này có tác dụng khách quan hóa câu chuyện được kể, tạo cho người đọc niềm tin rằng chuyện do “tôi” kể là hoàn toàn có thực. Đó là chuyện “tôi” trực tiếp chứng kiến hoặc nghe những người trong cuộc kể lại chứ không phải do “tôi” bịa ra. Nếu dạng thứ nhất thiên về cách nhìn chủ quan, thì dạng thứ hai là sản phẩm của cách nhìn khách quan.