Dấu ấn các học thuyết của thời đại

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn của Jack London (Trang 104 - 107)

6. Đóng góp mới của luận án

4.1.3. Dấu ấn các học thuyết của thời đại

Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ở Trường Đại học Bekeley, J. London đã tiếp cận với nhiều học thuyết lớn của thời đại. Tư tưởng, quan niệm trong học thuyết của các nhà khoa học đã chi phối mạnh mẽ đến tư tưởng cũng như phong cách nghệ thuật của J. London nói chung, và thế giới nhân vật trong tác phẩm của ông nói riêng.

Trước hết, K. Marx là người mà J. London chịu ảnh hưởng hết sức sâu đậm. Sự ảnh hưởng này thể hiện rõ nhất qua cách nhìn và thái độ của ông đối với con người và xã hội. Như chúng tôi đã đề cập, trong thế giới nhân vật phong phú và đa dạng của J. London, phần lớn các nhân vật trung tâm là những người dân lao động chân chính thuộc tầng lớp dưới của xã hội. Ông viết về lớp người cùng khổ bằng tất cả tình thương yêu và sự cảm thông sâu sắc. Ông đau xót cho số phận bi kịch của họ và khẩn thiết kêu gọi sự đoàn kết, nghĩa tình giữa người với người. Ngược lại, những nhân vật thuộc tầng lớp thống trị - những ông chủ tư bản luôn bị ông phanh phui, vạch trần tội ác và sự tham lam, dối trá. Việc tiếp biến tư tưởng trong các học thuyết của K. Marx đã giúp J. London trở thành nhà văn vô sản đầu tiên của nước Mỹ - nhà văn suốt đời đấu tranh vì quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động;

đồng thời thể hiện giấc mơ về một tương lai tươi sáng: “Nước Mỹ và chắc chắn toàn thể thế giới sẽ bước vào một kỷ nguyên mới lạ và thần kỳ” [83].

Các học thuyết của C. Darwin và H. Spencer cũng có sự ảnh hưởng đậm nét trong lối viết của J. London. C. Darwin đề xuất quy luật chọn lọc tự nhiên của các loài sinh vật; còn triết gia – nhà xã hội học người Đức H. Spencer đã vận dụng quy luật này vào các lĩnh vực đạo đức và xã hội. Quan niệm của các nhà lập thuyết này chi phối mạnh mẽ đến tư tưởng và tác phẩm của J. London, biểu hiện rõ nhất là ở thế giới nhân vật của ông. Nhà nghiên cứu Earl Wilcox từng khẳng định: “Trong tất cả những người áp dụng học thuyết chủ nghĩa sinh tồn của sinh vật đối với xã hội loài người, J. London là người hăng hái nhất” [120, 91]. Đọc truyện ngắn của J. London chúng ta thấy, thế giới nhân vật của ông luôn được đặt trong những cuộc đấu tranh sinh tồn. Trong cuộc chiến dữ dội và quyết liệt ấy, "kẻ sống còn là kẻ biết thích nghi nhất"; chủng loại nào thích nghi nhất với môi trường sống mới có thể sống còn, và bản năng là thứ mạnh mẽ nhất trong con người cũng như loài vật. Truyện ngắn của ông thể hiện một cách sinh động quy luật chiến thắng luôn thuộc về kẻ mạnh, những người yếu thế phần lớn đều phải chịu thất bại. Điều đó được minh chứng qua kết cục bi kịch của hàng loạt các nhân vật trung tâm trong truyện ngắn của ông.

Cuối cùng, có thể nói F. Nietzsche là người mà J. London chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất. Nietzsche thẳng thừng tuyên bố rằng “chúa đã chết”, và ông dùng hình tượng siêu nhân để thay thế chúa (chúa Kitô). Ông coi “siêu nhân là con người siêu đẳng ở trên con người hiện tại (…), siêu nhân có cá tính rõ ràng và có tính sáng tạo, trí lực hơn người, ý chí kiên cường, tính tự do tuyệt đối. Siêu nhân là con người hiện đại mang nơi mình tất cả loài người” [17, 20]. Quan niệm về siêu nhân của Nietzsche đã hiện hình trong nhiều nhân vật của J. London. Các nhân vật trung tâm trong truyện ngắn của J. London luôn là những cá nhân người hùng giàu ý chí nghị lực và có sức mạnh vượt trội hơn người. Trong quan niệm của Nietzsche, con người là sự kết hợp của hai nghịch lí về đạo đức: đạo đức ông chủ, và đạo đức của người nô lệ. Trong đó:

Đạo đức nô lệ là đạo đức của những người bình thường, thiếu sức sống, không có lí tưởng phấn đấu, họ sợ người có sức mạnh. Nietzsche cho rằng đây là đạo đức Kito giáo. Loại đạo đức này thực chất là loại đạo đức kiềm chế cuộc sống và bản năng của con người (…). Đạo

đức ông chủ là đạo đức của một số người thuộc giai cấp quý tộc và thượng đẳng. Cuộc sống và bản năng của họ đuợc thể hiện đầy đủ, không bị ràng buộc [17, 15].

Quan niệm trên đây của Nietzsche đã được J. London tiếp nhận và thể hiện khá rõ ràng trong nhiều truyện ngắn cũng như tiểu thuyết. Chẳng hạn, có những lúc ông đề cao sức mạnh tuyệt đối của lớp người thống trị như trong các truyện ngắn: Con trai của chó sói,

Trắng và vàng, Gã da trắng không tránh khỏi... Tuy nhiên chúng ta cũng không nên quá gay gắt khi phê phán ông về điểm này, bởi xét về động cơ thì J. London chỉ muốn chống lại tiêu cực, nêu cao sự phấn đấu vươn lên của giai cấp nô lệ. Chúng ta không nên quy kết ông đứng hẳn về phía giai cấp cầm quyền, chống lại đông đảo quần chúng nhân dân. Thực tế sáng tác cho thấy ông luôn đứng về phía những người lao khổ và dành cho họ những tình cảm yêu thương chân thành nhất. Chính J. London đã khẳng định:

Những sách của tôi thường không được người đời hiểu cho. Lâu lắm rồi, từ khi mới bước chân vào sự nghiệp, tôi đã bày tỏ thái độ chống Nietzsche và siêu nhân của ông ta trong tiểu thuyết Sói biển. Rất nhiều người đọc tiểu thuyết ấy, nhưng chẳng ai hiểu là tôi nhằm đánh đổ quan niệm siêu nhân. Về sau, tôi lại viết một cuốn tiểu thuyết nữa để chống lại triết lí siêu nhân. Đó là Martin Eden. Tôi còn chống lại những ý kiến của R. Kipling trong cuốn Sức

mạnh của những kẻ mạnh, nhưng chẳng có ai đoán biết điều đó (dẫn theo [2, 111 - 112]).

Một số nét sơ lược trên đây đã cho thấy sự chi phối của các tư tưởng, các học thuyết lớn của thời đại đến thế giới nhân vật trong truyện ngắn của J. London. Việc tiếp biến các học thuyết của thời đại một mặt đã góp phần làm nên sự độc đáo và hấp dẫn cho truyện ngắn của J. London. Nhưng mặt khác cũng tạo nên sự mâu thuẫn trong tư tưởng của ông. Đây đó trong thế giới nhân vật của J. London ta vẫn thấy ông thiếu sự nhuần nhuyễn trong việc vận dụng tri thức của thời đại. Chẳng hạn, ông quá đề cao vai trò của con người cá nhân, biến họ thành những “siêu nhân”, mà chưa chú ý đến sức mạnh của cộng đồng giai cấp, tầng lớp. Một số truyện của J. London có dấu hiệu đề cao sức mạnh và quyền năng thống trị của người da trắng, trong khi tư tưởng chủ đạo của ông là đấu tranh chống lại con đường “man rợ hóa văn minh” của họ. Nhưng đó là những điểm hạn chế quá nhỏ bé so với những đóng góp lớn lao của bậc thầy truyện ngắn J. London.

Tóm lại, với tài năng thiên bẩm của mình, J. london đã xuất phát từ hiện thực đời sống xã hội và cuộc đời từng trải của mình, kết hợp với việc tiếp thu truyền thống

và tiếp biến các nguồn tri thức của thời đại để xây dựng nên một thế giới nhân vật phong phú, đa dạng và độc đáo. Thế giới nhân vật ấy mang đậm dấu ấn cuộc đời riêng của nhà văn, thể hiện cái nhìn sâu sắc về hiện thực và quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn. Đồng thời, thế giới nhân vật cũng là nơi tập trung thể hiện tài năng, cá tính sáng tạo và phong cách nghệ thuật độc đáo của J. London.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn của Jack London (Trang 104 - 107)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(153 trang)
w