Trần thuật theo điểm nhìn bên ngoài

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn của Jack London (Trang 48 - 52)

6. Đóng góp mới của luận án

2.3.2. Trần thuật theo điểm nhìn bên ngoài

Trần thuật ở ngôi thứ ba theo điểm nhìn bên ngoài là hình thức trần thuật có người kể chuyện đứng bên ngoài chuyện được kể và kể theo điểm nhìn bên ngoài (External) của mình. Về lí thuyết, ở hình thức trần thuật này người kể giấu mặt chỉ tập trung kể lại những gì mắt thấy tai nghe, không biểu lộ thái độ, không bình giá, không khai thác thế giới nội tâm nhân vật. Chữ “bên ngoài” ở đây đồng thời được hiểu với hai nghĩa. Thứ nhất, người kể chuyện không phải là nhân vật trong truyện, anh ta giấu mặt đứng bên ngoài thế giới truyện kể. Thứ hai, giới hạn trường nhìn của người kể chuyện là những gì anh ta mắt thấy tai nghe, không thể nhìn thấu thế giới nội tâm nhân vật. Quyền năng của người kể chuyện chỉ dừng lại ở việc kể, tả một cách khách quan những gì anh ta nghe thấy và nhìn thấy. Trần thuật theo điểm nhìn bên ngoài sẽ kéo theo một hệ quả là truyện thường có nhiều chi tiết, sự kiện, nhiều đối thoại, nhiều trường đoạn miêu tả. Ngược lại, hình thức trần thuật này sẽ không có chỗ cho những lời nhận xét, đánh giá, bình luận, lại càng không có chỗ cho nhân vật hồi tưởng về quá khứ, mơ ước về tương lai. Tuy nhiên, đâu đó trong các truyện ngắn được kể ở ngôi thứ ba theo điểm nhìn bên ngoài của J. London ta vẫn thấy xuất hiện dấu vết của các trạng huống tâm lí nhân vật qua cách miêu tả của người kể chuyện. Chẳng hạn, “họ trố mắt nhìn”, “họ trở ra lo lắng nhìn biển, nhìn trời”, “ông ngồi xuống và đăm đăm nhìn cảnh biển”, “ông bình tĩnh nói”, “hắn bàng hoàng”…

Trong hệ thống truyện ngắn của J. London mà chúng tôi chọn làm đối tượng khảo sát có 8/80 truyện sử dụng hình thức trần thuật ở ngôi thứ ba theo điểm nhìn bên ngoài, chiếm tỉ lệ 10 %, tiêu biểu là các truyện Con tàu bệnh dịch, Một Giáng sinh ở KlondikeNgôi nhà của Mapuhi. Trong đó, truyện ngắn Con tàu bệnh dịch kể về một hiện thực khủng khiếp xảy ra trên chuyến tàu khởi hành từ miền Tây để đi San Francisco. Ngay từ ngày khởi hành con tàu đã gặp phải một trở ngại lớn. Nó bị quá tải

bởi vô số hàng hóa và 158 hành khách trên tàu, khiến cho con tàu chạy rất chậm. Trong điều kiện ấy, con tàu lại gặp phải một cơn bão và bị cuốn vào biển Thái Bình Dương, không còn nguồn hỗ trợ bên ngoài nào nữa. Càng tồi tệ hơn khi dịch sốt lan truyền trên tàu, nhưng bác sĩ của con tàu bỏ mặc cho hành khách tự chăm sóc lấy. Thật may là trong số hành khách trên tàu có hai bác sĩ. Chandler là một bác sĩ trẻ đang trên đường trở về sau chuyến thực tập ở Peru, anh ta giỏi kiến thức nhưng chưa hề qua thực tế chữa bệnh. Cô Appleton cũng là một bác sĩ chưa đầy hai mươi lăm tuổi, vừa tốt nghiệp và chưa có kinh nghiệm chữa bệnh. Trong khi hành khách trên tàu đang nhốn nháo, hoảng loạn thì hai người này đã tranh luận với nhau khá gay gắt về cách chữa trị bệnh dịch. Cuối cùng, họ đã giúp cho đám hành khách kia thoát khỏi móng vuốt tử thần. Tất cả hành khách reo hò vui sướng, còn hai bác sĩ trẻ đã tìm được tiếng nói chung cả về cách chữa bệnh và tâm hồn. Họ nắm tay nhau vui sướng mà không nói nên lời. Họ hạnh phúc vì đã gắn kết được những người bạn đồng hành bị bỏ rơi trên tàu.

Câu chuyện trên đây chủ yếu được kể theo điểm nhìn bên ngoài của người kể chuyện hàm ẩn. Với dung lượng câu chữ dài gần mười lăm trang (theo bản tiếng Anh) tác giả đã đi sâu vào miêu tả một cách tường tận mọi sự kiện, cử chỉ, hành động của các nhân vật. Ngoài phần kết có diễn tả tâm trạng của hai bác sĩ và đám đông hành khách (trong vòng chưa đầy một trang) thì người kể chuyện không dừng lại để miêu tả nội tâm của nhân vật nào, cũng không có bất kỳ lời nhận xét đánh giá nào về những gì được kể. Mặc dù truyện có nhắc đến nỗi lo lắng của hai vị bác sĩ và tâm trạng hoảng loạn của đám đông hành khách lúc bệnh dịch xảy ra, niềm vui sướng hạnh phúc của mọi người lúc bệnh dịch được đẩy lùi, nhưng những biểu hiện tâm trạng đó không được miêu tả chi tiết mà chỉ được kể một cách khái quát. Việc kể này hoàn toàn thuộc về điểm nhìn khách quan bên ngoài của người kể chuyện hàm ẩn. Người đọc có cảm tưởng như người kể chuyện đang đứng rất gần đám hành khách; anh ta chứng kiến và kể lại một cách khách quan những gì mắt thấy tai nghe diễn ra trên con tàu.

Một truyện ngắn khác được kể theo điểm nhìn bên ngoài của người kể chuyện hàm ẩn là Một Giáng sinh ở Klondike. Truyện ngắn này có độ dài hơn bốn trang (theo bản tiếng Anh). Trong đó, chỉ có chưa đầy mười dòng đầu là được kể theo điểm nhìn

bên trong của nhân vật, đó là những dòng thư mà nhân vật Clarence viết cho mẹ trong ngày Giáng sinh ở Klondike, ngày 25 tháng 12 năm 1897. Phần còn lại là những lời đối thoại rất ngắn của các nhân vật Clarence và George được trích dẫn, xen lẫn lời văn miêu tả của người kể chuyện hàm ẩn. Hai trang cuối của truyện do người kể hàm ẩn trực tiếp kể về nhiều sự kiện xảy ra trong ngày Giáng sinh. Sự kiện đầu tiên là, trong khi mọi thức ăn đều cạn kiệt thì nhân vật George bất ngờ tìm thấy cái hộp chứa món súp giả ba ba để thêm vào thực đơn của buổi tối. Sự kiện thứ hai là sự xuất hiện của hai người đàn ông lạ. Họ cũng hết nhẵn thức ăn sau hai tháng hành trình đến miền Bắc, và họ đến để tìm kiếm thức ăn cho bữa tối. Vậy là bữa tối Giáng sinh có thêm hai người bạn cộng với món thịt nai mà họ vừa mang đến. Sự kiện thứ ba, trong lúc bốn người đàn ông đang chuẩn bị bữa tối thì một chiếc xe trượt tuyết cùng một người đàn ông lạ khác xuất hiện. Ông ta mang đến vài cân đường cùng hai hộp sữa đặc. Thực đơn bữa tối Giáng sinh lại có thêm hai món. Sự kiện thứ tư, trong khi họ vừa ngồi vào bàn ăn thì bất ngờ một phóng viên đến gõ cửa, anh ta mang đến những lá thư từ quê nhà mà Clarence và George đã mong ngóng từ lâu.

Qua sự tóm tắt sự kiện trên đây chúng ta thấy truyện ngắn Một Giáng sinh ở Klondike dù có dung lượng ngắn nhưng rất nhiều sự kiện, nhiều đối thoại, và đan xen giữa các lời đối thoại là những lời miêu tả rất ngắn gọn. Người kể chuyện hàm ẩn đã kể tất cả những gì trong giới hạn trường nhìn bên ngoài của mình, không mảy may có những đoạn hồi tưởng hay suy tư, trăn trở,… trong nội tâm các nhân vật. Người kể chỉ chú tâm kể, tả hành động, thuật lại lời nói của các nhân vật, và không có bất kỳ một sự bình luận hay phán xét nào về những sự việc được kể. Tuy nhiên, “nội dung của một tác phẩm không đồng nhất với cốt truyện mà rộng hơn, đường biên của nó bao gồm cả những vấn đề liên quan đến cách tổ chức cốt truyện ấy” [113, 161]. Ý nghĩa của truyện ngắn Một Giáng sinh ở Klondike không nằm trên bề mặt các chi tiết sự kiện và con người được kể, mà chủ yếu nằm trong cách tổ chức, sắp xếp các chi tiết sự kiện và con người.

Truyện ngắn Ngôi nhà của Mapuhi được J. London sáng tác năm 1909. Có thể tóm tắt truyện ngắn này như sau: Trên đảo san hô Hikueru, nơi bão tố hoành hành dữ dội, gia đình bà lão Nauri rất nghèo khổ, họ ước mơ có được một ngôi nhà vững

chắc để tránh sự đe dọa của phong ba bão táp. Ước mơ của họ sắp trở thành hiện thực khi Mapuhi - con trai bà lão mò được viên ngọc trai đáng giá nghìn vàng. Họ muốn đổi viên ngọc quý lấy ngôi nhà mà lâu nay họ từng mơ ước. Thế nhưng ước mơ ấy bị dập tắt khi gã lái buôn Toriki cướp mất viên ngọc rồi bán cho kẻ khác. Thật bất ngờ là ngay sau đó bão tố nổi lên, biển dậy sóng cuốn trôi hàng ngàn người xuống biển. Bà lão Nauri cũng bị bão ném ra biển. Trong khi trôi dạt trên biển, bà lão tình cờ lấy lại được viên ngọc từ xác chết của Levy, người đã mua lại viên ngọc từ tay Toriki. Từ cõi chết, bà lão đã vượt qua mọi gian truân để trở về, mang theo viên ngọc quý. Gia đình bà lão được đoàn tụ và họ lại mơ uớc về ngôi nhà.

Toàn bộ diễn biến câu chuyện trên đây được kể bởi người kể ở ngôi thứ ba theo điểm nhìn bên ngoài. Lời văn tự sự trong truyện gồm lời kể, tả, đối thoại. Truyện có khá nhiều nhân vật, sự kiện. Tất cả được kể và tả theo cái nhìn khách quan, với một giọng kể trung tính. Trong truyện ngắn này không có những trường đoạn miêu tả tâm lí hay bình luận gì. Thế giới nội tâm con người bị khuất lấp bởi rất nhiều hành động, lời nói, chi tiết sự kiện. Ngoài cái mơ ước về ngôi nhà của nhân vật Mapuhi được nhắc đi nhắc lại (được trích dẫn, đặt trong dấu ngoặc kép) thì hiếm thấy những câu chữ thể hiện rõ nội tâm nhân vật. Người kể chuyện đứng ngoài câu chuyện được kể nên anh ta cũng chỉ kể những gì trong phạm vi giới hạn trường nhìn của mình. Cái hay của truyện ngắn này nằm ở cách tổ chức sắp xếp các chi tiết, sự kiện, con người. Với cách tổ chức trần thuật này J. London đã gửi gắm đến người đọc nhiều ý tưởng sâu xa. Bão táp cuộc đời có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng trong bão tố con người cần phát huy ý chí nghị lực để vươn lên. Có được điều này thì ước mơ của con người ắt sẽ thành hiện thực. Những kẻ toan tính mưu mô, ích kỷ lọc lừa cuối cùng đều không được trời đất dung tha. Hạnh phúc chỉ đến với những người lao động chân chính và giàu ý chí nghị lực mà thôi.

Chúng ta biết rằng, trần thuật ở ngôi thứ ba theo điểm nhìn bên ngoài là lối kể khách quan, hiếm khi có sự bình giá, dẫn giải, không miêu tả ý nghĩ bên trong của nhân vật, không có những đoạn hồi cố hay mơ tưởng của nhân vật. Hạn chế của hình thức trần thuật này là những gì được kể chỉ trong giới hạn “bên ngoài”, trong khi đó

thế giới “bên trong” của con người là cả vũ trụ đầy bí ẩn luôn cần được khám phá. Nhưng hình thức trần thuật này lại có ưu điểm là tạo ra được những khoảng trống cho người đọc suy ngẫm. Với hình thức trần thuật này, những gì ngoài giới hạn hiểu biết của người kể chuyện là những gì đòi hỏi người đọc phải tư duy, bởi vậy mà phát huy cao độ vai trò “đồng sáng tạo” của người đọc. PGS.TS. Nguyễn Thị Mai Chanh từng lập luận rất hay về vấn đề này: “Khi người kể chuyện tự hạn chế điểm nhìn trong một giới hạn, thực ra là anh ta muốn mở ra một giới hạn mới cho người đọc tự khám phá” [20, 78]. Lập luận của tác giả Nguyễn Thị Mai Chanh quả rất đúng với trường hợp J. London, bởi truyện ngắn của ông thường chứa những mạch ngầm ý nghĩa mà nhà văn không thể hiện rõ trên bề mặt ngôn từ. Ngay cả khi truyện kết thúc mà người đọc vẫn rất khó nhận biết tư tưởng nghệ thuật mà nhà văn gửi gắm trong đó, ví dụ như truyện ngắn Một Giáng sinh ở Klondike mà chúng tôi đã phân tích trên đây. Điểm sáng tạo của J. London khi sử dụng lối trần thuật ở ngôi thứ ba theo điểm nhìn bên ngoài là ở mạch tư duy thể hiện qua cách sắp xếp sự kiện. Bản thân các sự kiện nếu đặt riêng lẻ chưa hẳn đã nói lên điều gì, nhưng xét chúng trong mối quan hệ với nhau thì người đọc sẽ nhận ra những tầng ngầm ý nghĩa.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn của Jack London (Trang 48 - 52)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(153 trang)
w