Một thế giới nhân vật phong phú và đa dạng

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn của Jack London (Trang 97 - 101)

6. Đóng góp mới của luận án

4.1.1.Một thế giới nhân vật phong phú và đa dạng

Nói đến nhân vật trước hết là nói đến những con người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm văn học. Những con người ấy có thể có tên riêng, cũng có thể không có tên riêng (ví dụ như trong truyện ngắn của J. London rất nhiều nhân vật chỉ được gọi là gã, hắn, người đàn ông). Khái niệm nhân vật trong tác phẩm văn học nhiều khi được sử dụng như một ẩn dụ, không chỉ con người cụ thể mà còn có loài vật hoặc một sự vật được miêu tả trong tác phẩm (ví dụ nhân vật chó sói trong truyện của J. London, đồng tiền trong tiểu thuyết của Balzac,…).

Trong truyện ngắn của J. London có đầy đủ mọi lớp người đang sinh sống trên lãnh thổ rộng lớn của đất nước Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, có người già, trẻ em, đàn ông, phụ nữ; có đông đảo những người lao động thuộc tầng lớp dưới đáy xã hội và có cả những người thuộc tầng lớp thượng lưu; có người miền Nam, người miền Bắc, người ở nơi đô thị, người ở rừng sâu hay hải đảo xa xôi, với đầy đủ mọi sắc tộc. Thế giới nhân vật đông đảo, đủ mọi giai tầng, chủng tộc, quê quán khác nhau hội tụ trong truyện ngắn của J. London đã góp phần cho ta thấy tầm bao quát hiện thực rộng lớn của ông. Những hiện thực, những suy tư trăn trở của ông mang tính nhân loại và thời đại chứ không chỉ là những nhát cắt bé nhỏ của cuộc sống thường nhật ở một vùng miền nào đó.

Trong thế giới nhân vật của J. London, những người da trắng xuất hiện khá nhiều nhưng ít khi giữ vai trò nhân vật chính, và nhà văn thường miêu tả lớp người này một cách mờ nhạt trong sự tương phản với “lớp người dưới vực thẳm”. Phần lớn nhân vật người da trắng thuộc về thế giới thượng lưu trong xã hội. Đó là những ông chủ tư bản giàu có và ác độc, những thương gia tham lam, hay những tên ác quỷ nhân danh “thế giới văn minh” để bành trướng xâm lược và đàn áp các bộ tộc da màu. Đọc truyện ngắn của J. London chúng ta sẽ thấy cái gọi là “văn minh” của bọn người da trắng thực chất chỉ là giả dối. Người da trắng khoe mẽ văn minh và tự phong cho mình cái quyền làm chủ thế giới, nhưng họ đã “khai hóa văn minh” bằng cách buộc trẻ em phải lao động mười hai tiếng một ngày (Kẻ bỏ đạo), dùng súng đạn để trấn áp các bộ tộc da màu (Con trai của chó Sói, A! A! A!), dùng rượu độc để làm ngu muội thổ dân và xâm chiếm

những miền đất xa xôi (Những người thích đùa ở New Gibbone), bắt ép thổ dân da đen làm nô lệ trong các đồn điền (Solomon quần đảo khủng khiếp, Gã da trắng không thể tránh khỏi), gieo rắc bệnh dịch và giết người vô tội (Koolau hủi). Biết bao người dân lao động chân chính phải sống trong cảnh đói nghèo, cơ cực, bị các ông chủ tư bản bóc lột đến tận xương tủy (Lớp người dưới vực thẳm). Cũng cần phải nói thêm rằng, J. London vạch trần tội ác của người da trắng nhưng ông hoàn toàn không có thái độ phân biệt chủng tộc, mà ngược lại ông luôn thiết tha mong mỏi sự đoàn kết yêu thương giữa các sắc tộc trong cùng một xã hội. Niềm mong mỏi ấy đã được ông thể hiện qua việc xây dựng một tình bạn cao đẹp giữa một người da trắng tên là Charley với một người da đen tên là Otoo trong truyện ngắn Người ngoại đạo.

Đối lập với lớp người thượng lưu da trắng, những nhân vật thuộc “lớp người dưới vực thẳm” xuất hiện rất nhiều. Hầu hết nhân vật trung tâm trong truyện của J. London đều thuộc lớp người này. Đó là những con người mạnh mẽ, cường tráng, có ý chí nghị lực phi thường, bất chấp mọi nguy hiểm để vươn tới mục đích tốt đẹp của mình. Tiêu biểu như nhân vật người đàn ông trong truyện Tình yêu cuộc sống, Naass trong truyện

Odyssey của phương Bắc, TomKing trong truyện Miếng bít tết, Rivera trong truyện

Người Mehico, Koolau trong Koolau hủi… J. London luôn đứng trên lập trường của một nhà văn vô sản để miêu tả và dành cho lớp người cùng khổ tấm lòng đồng cảm sâu sắc của mình; ông viết về họ như viết về chính những gì ông từng nếm trải.

Nhân vật phụ nữ cũng xuất hiện rất nhiều trong truyện ngắn của J. London. Theo thống kê của Hensley và E. Dennis trong Jack London Echos, (Vol. 3 số 1, Tháng 1 năm 1983), trong toàn bộ truyện ngắn của J. London có đến 223 nhân vật nữ. Số lượng nhân vật nữ xuất hiện nhiều như thế phần nào đã thể hiện được tư tưởng dân chủ, bình đẳng trong J. London. Phần lớn các nhân vật phụ nữ trong truyện của J. London đều thuộc về lớp người lao động dưới đáy xã hội. Nhưng vì số lượng nhân vật nữ rất nhiều, lại mang nhiều điểm độc đáo, bởi vậy chúng tôi tách loại nhân vật này ra để làm rõ hơn sự đa dạng và độc đáo trong thế giới nhân vật của J. London. Điểm độc đáo không phải ở số lượng, mà là ở quan niệm của J. London về loại nhân vật này. Thông thường, nói đến người phụ nữ là nói đến dáng vẻ liễu yếu đào

tơ, tính cách dịu dàng, yếu đuối, chịu đựng vất vả… J. London nhìn người phụ nữ ở một góc độ khác. Dưới con mắt của ông, phụ nữ là những nhân vật có phẩm chất gan dạ, dũng cảm, mạnh mẽ chẳng khác gì những đấng nam nhi. Họ không bao giờ bằng lòng chịu đựng cuộc sống mất tự do. Trước những khó khăn thử thách trong cuộc sống họ không hề mềm yếu mà ngược lại, họ hết sức mạnh mẽ trước mọi tình huống. Đồng thời, J. London vẫn không quên ngợi ca vẻ đẹp nữ tính vốn là đặc tính của loại nhân vật này. Chẳng hạn, nhân vật Ruth trong truyện ngắn Sự im lặng màu trắng là một phụ nữ da đỏ điển hình cho kiểu nhân vật người phụ nữ của J. London. Bình thường, Ruth cũng như bao người phụ nữ khác, cũng có những mơ ước về cuộc sống gia đình hạnh phúc, cũng rạo rực trái tim trước những lời nói yêu thương của chồng. Nhưng trước cảnh ngộ Mason (chồng nàng) bị cây thông đè nặng lên người và đang đứng trên bờ vực của cái chết thì khó ai có thể tưởng tượng được rằng: “Cô gái da đỏ này chẳng hề ngất đi, hoặc lên tiếng khóc than như những chị em phụ nữ da trắng khác trong trường hợp này, (…) và bình tĩnh lắng nghe tiếng rên của chồng” [145, 285]. Nhân vật Ruth với những đặc điểm tính cách như trên gợi người đọc liên tưởng đến nhân vật người đàn bà không tên trong tác phẩm Một mùa đông ở Stockholm của nhà văn hiện đại Thụy Điển Agneta Pleije, “đó là một người đàn bà tiềm ẩn những tính cách đối nghịch: yếu đuối và mạnh mẽ, ngây thơ và trải nghiệm, nhẫn nhục mà vẫn giữ được niềm kiêu hãnh; dễ đổ vỡ, tuyệt vọng, nhưng vẫn chủ động vượt qua những tình huống bi kịch, kể cả những lúc đau đớn nhất, tuyệt vọng nhất trong cuộc đời” [90, 227].

Ở truyện Trí khôn của người mở đường, cô gái da trắng Eppingwell cũng hội đủ hai nét tính cách: mạnh mẽ và nữ tính. Trong khi những người đàn ông cùng đi với nàng trong chuyến hành trình khai phá những vùng đất mới đều đã mệt mỏi và tỏ ra yếu đuối trước sự đe dọa của băng tuyết thì Eppingwell luôn luôn nở một nụ cười và nói những lời cổ vũ. Tính cách của Eppingwell đã được nhà văn miêu tả qua trạng thái tâm lí và hành động mạnh mẽ:

Cô luôn luôn nở một nụ cười và nói những lời cổ vũ dành cho những người khuân vác khốn khổ nhất. Khi bóng tối phủ dần trên con đường, cô dường như trở nên cứng cáp và sức mạnh lớn hơn (…). Cô đã hát cho đám đàn ông trong đêm ấy, cho đến khi họ cảm thấy hết mệt mỏi và đã sẵn sàng để đối mặt với tương lai cùng niềm hy vọng mới [145, 352].

Người phụ nữ là kiểu nhân vật xuất hiện khá phổ biến trong truyện ngắn của J. London. Dù là người da màu hay người da trắng, J. London đều xây dựng họ với hai nét tính cách nổi bật: vừa mạnh mẽ, gan dạ, vừa dịu dàng nữ tính. Vẻ đẹp nữ tính thì phụ nữ khắp thế gian này đều có, J. London không làm mờ khuất nét đẹp này; đồng thời ông luôn cố tình làm nổi bật nét tính cách mạnh mẽ, cứng rắn, gan dạ, dũng cảm của người phụ nữ. Đó là phẩm chất cần thiết đối với tất cả mọi người trong cuộc chiến sinh tồn. Nhưng dường như J. London làm nổi bật chất “nam tính” của các nhân vật phụ nữ còn vì ý đồ thể hiện tư tưởng bình đẳng trong cách nhìn nhận của ông về người phụ nữ.

Bên cạnh kiểu nhân vật con người, thế giới nhân vật trong truyện ngắn J. London còn có kiểu nhân vật loài vật. Kiểu nhân vật này xuất hiện khá phổ biến trong truyện ngắn của ông. Điểm nổi bật trong việc xây dựng nhân vật loài vật của J. London là ông chỉ tập trung viết về loài chó sói. Loài vật trong truyện của ông không giống với loài vật trong truyện ngụ ngôn của La Fonten, của Anderxen và Perrault, cũng không đơn thuần là những tác phẩm viết về động vật như C. Darwin. Những con chó trong truyện của ông là những sinh thể bán văn minh bán hoang dã, trong đó tính chất tự nhiên hoang dã được ông khắc họa hết sức đậm nét. Con cáo, con cừu trong ngụ ngôn của La Fonten biết nói và hành động như con người; con chó, con mèo trong truyện của Perrault là những con vật đội lốt người để truyền tải nhiều bài học luân lí… Chó sói trong truyện của J. London là loài vật thực thụ được nhà văn sử dụng như những ẩn dụ để phản ánh hiện thực “hoang dã” đang tồn tại trong đời sống của một bộ phận người Mỹ.

Thế giới nhân vật trong truyện ngắn của J. London còn có một kiểu nhân vật đặc biệt - nhân vật thiên nhiên. Điểm độc đáo của J. London là ở chỗ ông không miêu tả thiên nhiên như cái nền khung cảnh tươi đẹp cho các nhân vật xuất hiện. Dưới ngòi bút của ông, thiên nhiên mang những nét đặc trưng không lẫn vào đâu được. Đó là những cánh rừng rậm hoang vu, những hoang mạc phủ đầy băng tuyết, những quần đảo khủng khiếp, những bãi biển đầy sự nguy hiểm và những thung lũng thiếu vắng hơi thở của sự sống. Thiên nhiên xuất hiện trong truyện ngắn của J. London với tư cách là những nhân vật có tính cách riêng, tồn tại trong mối quan hệ tương phản với con người. Nét tính cách nổi bật của thiên nhiên trong truyện ngắn J. London là hoang sơ, lạnh lẽo, hung

bạo, dữ dằn. Thiên nhiên với đặc điểm nổi bật đó trước hết là đối tượng để thử thách con người, giúp cho nhà văn thể hiện một cách khách quan tính cách của con người. Nhưng sâu xa hơn, tính chất hoang sơ, lạnh lùng, hung bạo của thiên nhiên có thể xem là biểu tượng về một xã hội lạnh lùng, vô cảm ở thời đại nhà văn.

Như vậy, với tư tưởng nghệ thuật tiến bộ và tài năng sáng tạo của mình, J. London đã xây dựng thành công một thế giới nhân vật đa dạng và hết sức độc đáo. Mỗi kiểu nhân vật có những nét đặc trưng riêng. Tuy vậy, các kiểu nhân vật đều mang một mẫu số chung: tất cả đều hướng về phản ánh bức tranh hiện thực xã hội nước Mỹ, đồng thời thể hiện những trăn trở, những ước mơ khát vọng và triết lí sâu sắc về cuộc đời và con người của chính nhà văn.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn của Jack London (Trang 97 - 101)