Biểu tượng hóa thiên nhiên

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn của Jack London (Trang 128 - 153)

6. Đóng góp mới của luận án

4.3.3.Biểu tượng hóa thiên nhiên

Nghệ thuật biểu tượng hóa thiên nhiên trong truyện ngắn của J. London trước hết thể hiện ở cách lựa chọn hình tượng giàu tính biểu tượng. Như chúng tôi đã từng đề cập, thiên nhiên trong truyện ngắn của J. London khá đa dạng. Nhưng nhà văn đã lựa chọn và tập trung khắc họa một số hình tượng tiêu biểu nhất trong kiểu nhân vật thiên nhiên, đó là

Tuyết trắng giá lạnh trong những khu rừng phương BắcSóng dữ ở miền biển phương Nam – những kẻ thù hoang dại nhất, hung bạo nhất trong thế giới thiên nhiên.

Trong thế giới thiên nhiên mênh mông tiêu điều ở miền Bắc, tuyết trắng với tất cả sự im lặng và giá lạnh khủng khiếp là hình tượng được J. London khai thác triệt để trong rất nhiều tác phẩm. Ông không nhìn tuyết trắng như một nét đẹp tinh khiết của thiên nhiên mà tập trung khai thác hình tượng này như một sinh thể mang

sức mạnh hủy diệt luôn rình rập sự sống của con người. Nét độc đáo ấy đã được ông viết rõ trong truyện của mình:

Tuyết ở vùng này khác với thứ tuyết mà người ta thường thấy ở các vùng đất phương Nam. Nó cứng, nhuyễn và khô, tựa như đường cát trắng. Đá vào nó, nó sẽ bắn đi vèo vèo như cát. Những hạt tuyết không bám vào nhau nên không thể nặn chúng thành những cục hình tròn được. Nó không được cấu tạo thành bông mà thành những tinh thể nhỏ bé và có dạng hình học. Thực ra thì nó chẳng phải tuyết mà là sương giá thì đúng hơn [57, 60 - 61].

Dưới cái nhìn của J. London, tuyết bay trên trời, tuyết phủ kín mặt đất, “chỗ nào băng ùn lại nhiều, mặt tuyết cuộn lên thành những đợt sóng gợn lăn tăn. Từ Bắc xuống Nam, xa hút tầm mắt, tuyết trải trắng một màu mênh mang” [61, 268]. J. London không chỉ miêu tả hình ảnh tuyết trắng bằng màu sắc, hình khối, âm thanh mà còn bằng cả sự cảm nhận. Đặc tính nổi bật của tuyết trong truyện ngắn J. London là sự tĩnh lặng. Trong truyện ngắn Sự im lặng màu trắng ông viết: “thiên nhiên có nhiều cái để nhắc nhở con người về cái chết (…), nhưng mạnh mẽ hơn và khủng khiếp hơn tất cả là sự im lặng Màu Trắng trong cái lạnh lùng, hiu quạnh của nó” [145, 283]. Tuyết trắng băng giá và tĩnh lặng gần như tuyệt đối của vùng đất phương Bắc được J. London miêu tả như một kẻ thù luôn kìm hãm sự sống của con người, đến nỗi “người nào vượt qua được hai mươi ngày đêm trên những con đường cực Bắc thì người ấy đáng được cho cả thánh thần ghen tỵ” [145, 284]. Không chỉ kìm hãm sự vận động, “cái lạnh và sự im lặng còn làm đông giá trái tim” con người, biến con người trở thành “cái phần nhỏ duy nhất của sự sống còn sót lại đang chuyển động giữa một sa mạc chết trắng buốt” [145, 284]. Chưa hết, trong rất nhiều truyện ngắn của J. London, con người dù mạnh mẽ đến đâu nhưng khi đối diện với băng tuyết thì “chỉ cần lệch một tí là có thể gây ra tai hoạ” [145, 284]. Trong truyện ngắn Nhóm lửa, nhân vật người đàn ông dù rất giàu ý chí nghị lực nhưng vẫn phải đầu hàng sức mạnh của băng tuyết và chấp nhận cái chết. Carter Weatherbee và Percy Cuthfert trong truyện Ở một miền đất xa xôi chỉ vì chủ quan, không hiểu biết về sức mạnh hủy diệt của tuyết để rồi cuối cùng cả hai đều không giữ được mạng sống. Nhân vật Mason trong

Sự im lặng màu trắng đành từ dã người vợ yêu quý và bao khát vọng của mình để vĩnh viễn nằm lại bởi tác hại của tuyết.

Nếu như khi viết về miền Bắc J. London tập trung miêu tả hình tượng tuyết trắng, thì khi viết về miền Nam ông đã chọn hình tượng sóng lớn dữ dội để làm nổi bật tính chất hung bạo của biển. Ông am hiểu về biển một cách tường tận, đến mức có thể phân biệt được đặc điểm của từng loại sóng. Trong truyện ngắn

Sóng lớn Kanaka ông viết: “Ở Vaikiki có hai loại sóng: sóng lớn, sóng bạc đầu Kanaka tức là sóng ông, lồng lộn tít tận ngoài khơi và sóng nhỏ gọi là sóng Vakhina, nghĩa là sóng bà, vỗ nhẹ vào bờ” [61, 131].

J. London không dừng lại ở việc gọi tên và đặc điểm của từng loại sóng, mà ông còn miêu tả sóng biển với đầy đủ các cung bậc của nó. Trong truyện Chuyện về cơn bão biển Nhật Bản ông miêu tả:

Những làn sóng đang tổ chức lễ hội diễn những trò hề lạ nhất, cùng với niềm hân hoan chúng nhảy những trò đuổi bắt hung bạo, lên xuống, ở đây, ở đó, và bất kỳ nơi nào, cho đến khi một số bọt sóng màu trắng sữa, màu xanh nổi lên từ mặt đại dương đập lên và tan biến khỏi tầm nhìn [142].

J. London cũng đã dành nhiều tâm huyết để miêu tả cụ thể mọi hình thức dữ dội và nguy hiểm của sóng. Trong truyện Ngôi nhà của Mapuhi, những đợt sóng dữ dội nối nhau xô vào bờ, trở thành mối đe dọa khủng khiếp đối với con người: “Tiếng sóng xô bờ nghe to, rỗng và đe dọa và một đợt sóng cồn lớn bắt đầu nổi lên. Một làn chớp kinh khủng bùng lên trước mắt họ, làm sáng lòa cái ngày âm u, và sấm rền hung dữ quanh họ” [58, 104]. Ở truyện ngắn Ngọc trai của lão Parlay có đoạn:

Nước biển réo lên sùng sục, xoáy tròn, lượn quanh và lao vút ra khơi thành những đợt sóng bạc đầu dũng mãnh nhấp nhô như răng cưa. Mỗi khi một cơn sóng dựng đứng đánh vào phía mũi thuyền, chiếc Malahini lại bị đẩy chệch hướng. Như những chiếc đục thép khổng lồ, từng đợt sóng dúi con tàu dạt sang một bên cửa đầm (…), con tàu lăn lộn, hất tung khối nước qua mặt lan can bên này để rồi lại đón nhận khối nước khác tràn lên qua mặt lan can bên kia. Đôi lúc, mũi chổng hẳn lên trời, đuôi ngụp thẳng xuống biển, nó hắt nước biển chảy xối về phía sau (…), trút ngập xuống và gây bầm dập cho những kẻ bám chắc lấy thân tàu [134].

Sóng biển còn trở nên dữ dội và hung bạo hơn khi có sự cộng hưởng của bão tố. Trong truyện Ngôi nhà của Mapuhi, sóng và gió hợp sức cùng nhau để uy hiếp con người. J. London đã so sánh sức mạnh của sóng gió như “một vật khủng khiếp, quái đản, một cơn cuồng nộ gầm thét, một bức tường sầm sập quật tới và đi qua, rồi lại tiếp tục quật tới và đi qua - một bức tường bất tận” [58, 116].

J. London lựa chọn những hình tượng tiêu biểu nhất để thể hiện rõ tính chất hung bạo của thiên nhiên. Cách khám phá độc đáo ấy đã biến thiên nhiên trở thành một phương tiện truyền tải tư tưởng và quan niệm nghệ thuật của nhà văn. Nói cách khác, thiên nhiên trong truyện ngắn của J. London là một kiểu nhân vật đặc biệt mang ý nghĩa biểu trưng cho hiện thực đời sống con người và xã hội. Liên hệ đặc tính của thiên nhiên với hiện thực đời sống con người và xã hội Mỹ ở thời đại J. London chúng tôi thấy có một sự tương đồng. Tuyết và Sóng trong truyện của J. London, và hiện thực xã hội Mỹ ở thời đại ông đều có chung đặc tính tàn khốc, hung bạo, dữ dội. Điều đó gợi cho chúng tôi liên tưởng về ý nghĩa biểu tượng mà J. London gửi gắm qua kiểu nhân vật thiên nhiên của mình.

Trước hết, với đặc tính hoang dã, hung bạo, giữ dằn, Tuyết và Sóng là biểu tượng về hiện thực xã hội tư bản nước Mỹ thời kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Trong xã hội ấy, con người vì lòng tham, sự ích kỉ mà lạnh lùng vô cảm, sẵn sàng bỏ qua đạo lí để bóc lột và tàn sát lẫn nhau; khái niệm cao thượng, tình thương, sự tương trợ,...đối với con người quả là xa lạ. Đặc tính hoang sơ, lạnh lùng, dữ dội của Tuyết và Sóng thể hiện cái nhìn sâu sắc của J. London trước hiện thực đó.

Màu trắng tinh khiết của Tuyết còn có thể xem là sắc màu của ước mơ khát vọng về một thế giới tươi sáng, trong sạch, một xã hội tươi đẹp; còn tính chất dữ dội của Sóng cũng có thể xem là một sự biểu thị nỗi căm uất lên đến tận cùng của nhà văn đối với hiện thực xã hội. Nhà văn mong muốn có một sức mạnh vô địch nào đó để quét sạch những rác rưởi đang tồn tại trên xã hội tư bản nước Mỹ thời đại bấy giờ.

Tuyết trắng băng giá và Sóng biển dữ dội luôn được J. London khắc họa trong trạng huống đối lập với con người. Sự đối lập ấy là hiện thân cho xung đột giữa con người với con người trong xã hội Mỹ ở thời đại nhà văn.

Thiên nhiên với tất cả tính chất hung bạo của của kẻ hủy diệt trong truyện của J. London không chỉ là sự biểu trưng cho hiện thực đời sống con người và xã hội, mà còn mang thông điệp thức tỉnh lối sống con người. Qua thiên nhiên J. London muốn gửi đến người đọc chúng ta bức thông điệp về lẽ sống: để vượt qua sức mạnh vô địch của thiên nhiên, con người cần phải có mối quan hệ gắn kết với nhau, nếu tồn tại trong tư thế cô độc thì thất bại là lẽ thường tình. Thiên nhiên lạnh lùng, dữ dội, vô cảm vì thế con người càng cần phải hữu cảm nhiều hơn. Cũng qua thiên nhiên, J. London muốn nhắn nhủ người đọc rằng, trong cuộc đấu tranh chinh phục thiên nhiên, con người không chỉ có ý chí nghị lực, lòng gan dạ dũng cảm, mà cần phải biết thích nghi với môi trường sống, cần phải thay đổi những thói quen, lối sống của mình cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Trước thiên nhiên vũ trụ, sức mạnh của con người luôn có hạn. Con người cần phải ý thức được sức mạnh của mình. Nếu chủ quan, quá tự tin vào sức mạnh của mình thì thất bại là điều không tránh khỏi.

Tóm lại, nét đặc trưng của J. London trước hết thể hiện ở chỗ nhà văn luôn khai thác thiên nhiên ở tính chất hung bạo. Ông khai thác tận cùng tính chất hung bạo của thiên nhiên, biến thiên nhiên trở thành kiểu nhân vật mang ý nghĩa biểu tượng, phản ánh hiện thực đời sống con người và xã hội, và đề xuất những triết lí, những bài học nhân sinh sâu sắc; đồng thời bộc lộ những suy tư trăn trở, những ước mơ khát vọng của mình về một xã hội tốt đẹp hơn.

* * *

Như vậy, trong thế giới nhân vật của J. London có đủ mọi loại nhân vật, từ con người đến loài vật và thiên nhiên. Mỗi loại nhân vật đều có những điểm đặc trưng không giống với bất kỳ nhà văn nào. Nếu con người mang đậm chất anh hùng ca thì loài vật luôn ẩn chứa dấu ấn của ngụ ngôn, còn thiên nhiên với tư cách là một kiểu nhân vật đặc biệt mang bản tính hung bạo, là kẻ thù luôn rình rập sự sống con người. Tất cả các kiểu nhân vật trong truyện của J. London đều hướng về mục tiêu phản ánh hiện thực đời sống con người và xã hội, đồng thời bộc lộ những thông điệp về lẽ sống, những triết lí nhân sinh sâu sắc mà nhà văn luôn trăn trở.

Thế giới nhân vật trong truyện ngắn của J. london hết sức phong phú, đa dạng, nhưng mỗi kiểu nhân vật đều có vai trò khác nhau trong tác phẩm. Nhân vật con người luôn giữ vai trò trung tâm trong kết cấu và trong việc biểu đạt giá trị tư tưởng. Nhân vật loài vật có thể xem là những ẩn dụ để phản ánh hiện thực đời sống và kêu gọi sự trỗi dậy của ý thức văn minh từ cõi lòng băng giá của một bộ phận người trong xã hội Mỹ đương thời. Thiên nhiên với tư cách là một kiểu nhân vật đặc biệt được đặt trong quan hệ đối nghịch với con người, đó là những biểu tượng để phản ánh hiện thực đời sống con người và xã hội nhiều trái ngang phi lí.

Thế giới nhân vật được nhà văn tạo nên bởi hệ thống những phương thức nghệ thuật độc đáo, trong đó nổi bật nhất là nghệ thuật anh hùng hóa con người, nhân cách hóa loài vật và biểu tượng hóa thiên nhiên. J. London không mô phỏng mẫu anh hùng có sẵn theo quan niệm truyền thống, cũng không xây dựng nhân vật người hùng theo hướng mà các nhà văn khác đã vạch ra. Tác giả của công trình Đặc trưng truyện ngắn Anh Mỹ [14] xếp truyện ngắn của J. London vào loại Truyện ngắn “Người hùng Klondike” cũng vì lẽ đó.

Loài vật cũng là một kiểu nhân vật hết sức độc đáo trong truyện của J. London. Ông không khắc họa loài vật theo cách của các nhà ngụ ngôn truyền thống; loài vật dưới ngòi bút của J. London cũng không giống với loài vật trong tác phẩm của nhà văn hiện đại nào. J. London để lại dấu ấn riêng ở nhân vật chó sói – loài vật mang trong mình hai đặc tính “văn minh” và hoang dã, trong đó tính chất hoang dã bao giờ cũng được ông tô đậm, khắc sâu. Loài vật trong truyện của J. London là những con vật thực thụ, chúng không biết nói nhưng tính chất hoang dã của chúng lại giúp nhà văn nói được nhiều điều. Loài vật không chỉ có trong truyện của J. London nhưng loài vật theo cách của J. London thì lại không giống với bất kỳ ai.

Thiên nhiên trong truyện của J. London cũng hết sức độc đáo. Dưới cái nhìn của ông thiên nhiên không phải là môi trường thơ mộng như trong tác phẩm của các nhà văn lãng mạn, cũng không đơn thuần là “sân khấu” cho các nhân vật thể hiện mình, mà là một kiểu nhân vật có tính cách riêng, là kẻ thù hung bạo đối với con người. Để khắc họa tính cách hung bạo của thiên nhiên ngòi bút tài năng của

J. London biết chọn những hình tượng mang tính điển hình như tuyết trắng, bão tố và hoang mạc. J. London tập trung miêu tả tính chất hung bạo, dữ dội của thiên nhiên, biến kiểu nhân vật này thành biểu tượng để phản ánh hiện thực xã hội và thể hiện triết lí nhân sinh sâu sắc của mình. Thiên nhiên trong truyện của J. London vì thế cũng là một biểu hiện cho sự sáng tạo độc đáo, riêng biệt của ông.

Nhìn chung, trong thế giới nhân vật của J. London có sự hội tụ, cộng hưởng của nhiều yếu tố. Trước hết là tài năng, cá tính sáng tạo, tư tưởng và quan niệm của nhà văn. Tiếp đến phải kể đến sự chi phối của cuộc đời riêng, của hiện thực xã hội, và đặc biệt là sự ảnh hưởng của các học thuyết lớn ở thời đại nhà văn. Tất cả những yếu tố ấy góp phần tạo nên bản sắc riêng của bậc thầy truyện ngắn J. London.

KẾT LUẬN

J. London là nhà văn lớn không chỉ của riêng nước Mỹ mà của cả nền văn học thế giới. Điều đó được khẳng định qua những gì mà ông đã đóng góp trong thực tiễn sáng tác của mình. Những đóng góp của ông đã được giới nghiên cứu phê bình trong và ngoài nước ghi nhận; nhiều người đã suy tôn ông là một tiểu thuyết gia, một bậc thầy truyện ngắn. Nói riêng về mảng sáng tác truyện ngắn, J. London đã chứng tỏ ông là một cây bút tài năng và giàu sinh lực. Ở ngòi bút của J. London có sự pha trộn giữa truyền thống với hiện đại, có sự chi phối của nhiều trào lưu khuynh hướng văn học khác nhau, có sự ảnh hưởng từ nhiều học thuyết khoa học ở thời đại ông. Tất cả những đặc điểm ấy đều thể hiện rõ trong kho tàng truyện ngắn của J. London. Nói như thế không có nghĩa là J. London không có dấu ấn của riêng mình. Đọc truyện ngắn của J. London chúng ta sẽ thấy, một mặt ông chịu sự chi phối của nhiều trào lưu, khuynh hướng, nhiều nguồn tư tưởng, nhưng mặt khác ông đã hết sức linh hoạt, vận dụng sáng tạo những yếu tố ấy để tạo ra bản sắc riêng của mình. Đề tài của chúng tôi đã chỉ ra, phân tích và lí giải những đặc điểm nổi bật, những điểm đặc

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn của Jack London (Trang 128 - 153)