6. Đóng góp mới của luận án
3.3.1. Khai đoạn bằng những chỉ dẫn
Truyện ngắn của J. London rất nhiều sự kiện, giàu kịch tính, tổ chức trần thuật đa dạng, giá trị tư tưởng sâu sắc. Những đặc điểm ấy đã thu hết “tầm ngắm” của người đọc mỗi khi khám phá truyện ngắn của ông. Trong khi đó phần khai đoạn thường bị người đọc lướt qua, chưa ai quan tâm để thấy được vai trò hết sức quan trọng của nó. Dưới đây chúng tôi xin được bàn về chức năng chỉ dẫn – một nét độc đáo được thể hiện trong phần khai đoạn các truyện ngắn của ông.
Theo PGS.TS Nguyễn Thái Hòa, chức năng chỉ dẫn (cũng có thể gọi là chức năng dẫn nhập) của truyện kể là “chức năng vừa dẫn người đọc vào một truyện kể nhất định, vừa chỉ cho người ấy thấy những gì phải tự mình tìm hiểu trong một truyện kể, từ đó tạo ra những hứng thú thưởng thức nghệ thuật cho mình” [46, 443]. Đọc truyện ngắn của J. London chúng tôi thấy phần khai đoạn có một vai trò khá đặc biệt. Trước hết, nó có vai trò đưa người đọc thâm nhập vào thế giới truyện kể, và quan trọng hơn là mang đến cho người đọc những chỉ dẫn về không gian, thời gian, bối cảnh, nhân vật, mối quan hệ giữa người kể với chuyện được kể, giữa người kể với nhân vật, nguyên nhân làm nảy sinh xung đột và tình hình buổi ban đầu của nhân vật… Nếu quan tâm nắm bắt những chỉ dẫn được thể hiện trong phần khai đoạn thì người đọc sẽ không khó để tìm ra cách đọc và dễ dàng hơn trong việc nắm bắt ý đồ nghệ thuật của nhà văn. Có thể xem phần khai đoạn như là chìa khóa để mở
cái thế giới đầy bí mật tiềm ẩn trong truyện ngắn của J. London. Chẳng hạn, truyện ngắn Trắng và Vàng mở đầu bằng những lời giới thiệu khái quát về đề tài của truyện, đó là cuộc sống khắc nghiệt ở vịnh San Francisco:
Vịnh San Francisco (…) có nhiều loại cá đa dạng nên mặt nước biển luôn bị cày xới bởi tất cả các loại tàu cá của ngư dân. Để bảo vệ các loài cá khỏi bị đánh bắt bởi đủ hạng người nơi đây, nhiều điều luật đã được thông qua, và có một con tàu tuần tra cá để kiểm tra việc thi hành những điều luật này. Trên con tàu tuần tra có rất nhiều chuyện kỳ thú xảy ra (…). Man rợ nhất phải kể đến chuyện đánh bắt trái phép của ngư dân Trung Hoa, và hành động của đội tuần tra cá chống lại sự phá hoại này [79].
Sau đoạn mở đầu, hàng loạt chi tiết sự kiện và nhân vật lần lượt xuất hiện, tập trung kể về cuộc đấu tranh gay gắt giữa đội tuần tra cá với những ngư dân Trung Hoa đánh bắt trái phép, phá hoại môi trường ở vịnh San Francisco. Như vậy có nghĩa là phần khai đoạn trong truyện ngắn này chính là sự giới thiệu một cách khái quát về bối cảnh, hiện tượng đời sống sẽ được triển khai cụ thể ở những phần tiếp theo của truyện. Đó chính là sự chỉ dẫn mà tác giả đã dành cho người đọc trước khi đi sâu khám phá chiều sâu tác phẩm. Mở đầu truyện ngắn Đặc quyền Linh mục cũng là những lời giới thiệu khái quát, ngắn gọn về câu chuyện sắp được kể ra ở phần tiếp theo:
Đây là câu chuyện của một người đàn ông không đánh giá cao vợ mình, và cũng là chuyện của một người phụ nữ đã làm cho chồng có một vinh dự quá lớn khi cô đã trao cuộc đời mình cho anh ta. Họ là những người lang thang xa lạ đã vội vàng đến với nhau. Câu chuyện liên quan đến một vị linh mục dòng Jesuit. Sự hiện diện của cặp vợ chồng kia đã khiến cho vị linh mục trở thành người nói dối [124].
Đoạn văn trên sẽ giúp cho người đọc nắm bắt một cách khái quát về nội dung câu chuyện; đồng thời cũng giúp người đọc biết những điều cơ bản nhất về các nhân vật trong câu chuyện sắp được kể ở phần sau đó.
Còn đây là khai đoạn của truyện ngắn Một cuộc phiêu lưu trên biển:
Khi còn trẻ tôi là đội trưởng của những người lái khinh khí cầu ở vùng đại dương xung quanh chúng ta. Đó là một nghề nguy hiểm, và tất nhiên tôi có nhiều kinh nghiệm ly kỳ, và ly kỳ nhất là câu chuyện tôi sắp sửa kể ra đây [142].
Những lời mở đầu này như muốn giới thiệu với người đọc về tính chân thực của câu chuyện được kể trong truyện. Đồng thời những lời mở đầu này cũng chỉ cho người
đọc về người kể, điểm nhìn trần thuật, và hơn nữa là tính chất phiêu lưu của câu chuyện sắp được nhân vật chính kể ra.
Phần khai đoạn với những nội dung mang tính giới thiệu, chỉ dẫn như trên còn xuất hiện trong hàng loạt truyện ngắn khác của J. London. Điều đó cho thấy đây là một điểm thống nhất trong phong cách nghệ thuật truyện ngắn của ông. Đây cũng là một trong những điểm cho thấy rõ nhất “chất truyền thống” trong truyện ngắn của J. London. Điều đáng quan tâm là phần khai đoạn đã mang đến cho người đọc những sự gợi ý bổ ích để tiến vào chiếm lĩnh tác phẩm. J. London là nhà văn vô sản, đối tượng người đọc chủ yếu mà ông hướng đến là đông đảo giai cấp công nhân. Có lẽ một phần vì thế mà ông chọn lối mở truyện bằng những chỉ dẫn để người đọc dễ bề tiếp nhận.