6. Đóng góp mới của luận án
2.3.1. Trần thuật theo điểm nhìn toàn tri
Hình thức trần thuật ở ngôi thứ ba theo điểm nhìn toàn tri (omniscience) có chủ thể trần thuật là một người kể chuyện hàm ẩn. Người kể chuyện hàm ẩn không phải là nhân vật trong truyện, nhưng anh ta có khả năng của một đấng toàn năng, thấu suốt mọi chuyện từ quá khứ đến hiện tại và cả những dự cảm, khát vọng trong tương lai của những nhân vật trong cuộc; người kể chuyện không chỉ nhìn thấy thế giới khách quan bên ngoài mà còn nhìn thấu cả tâm can của mọi nhân vật trong câu chuyện được kể.
Điểm nhìn của người kể chuyện di động linh hoạt trên nhiều đối tượng nhưng không trùng với điểm nhìn của bất kỳ nhân vật nào. Hình thức trần thuật ở ngôi thứ ba theo điểm nhìn toàn tri luôn tạo ra “khoảng cách sử thi” giữa người kể chuyện và chuyện được kể. Hình thức trần thuật này là “đặc sản” của nghệ thuật tự sự truyền thống, tồn tại từ nhiều thế kỷ trước. Sang thế kỷ XX, hình thức trần thuật này vẫn được sử dụng, nhưng đang dần được thay thế bởi nhiều dạng thức trần thuật khác.
Trong hệ thống truyện ngắn của J. London mà chúng tôi chọn làm đối tượng khảo sát, hình thức trần thuật ở ngôi thứ ba theo điểm nhìn toàn tri được sử dụng khá nhiều (17/80 truyện, chiếm tỉ lệ 21,25 %). Trong đó, truyện ngắn Người Mehico là một minh chứng điển hình. Xuyên suốt truyện ngắn này là lời kể, tả của một người kể duy
nhất – người đứng bên ngoài nhưng biết tuốt mọi chuyện. Truyện có khá nhiều lời đối thoại, nhưng những lời đối thoại ấy hoàntoàn chịu sự kiểm soát của người kể giấu mặt. Trước hoặc sau lời phát ngôn của nhân vật luôn có lời dẫn của người kể giấu mặt. Ví dụ: “Robert chậm rãi nói:…”, “…Gã thư kí nói”, “Rivera nói:…”, “… Tên Xpaido dặn”… Lắm lúc người kể chuyện dừng lại bình luận về một sự việc anh ta vừa kể. Ví dụ: sau khi kể về những việc làm hữu ích của Rivera cho cách mạng, người kể chuyện tiếp tục nhận xét: “Ấy thế mà họ vẫn không sao ưa Rivera được. Họ không hiểu anh. Cách sống của anh khác họ. Anh không hề thổ lộ tâm tình với ai,…” [61, 38], hay những nhận xét của người kể hàm ẩn sau khi kể về tình thế mới của cách mạng: “Tóm lại, họ là những người sôi sục, vốn bị ruồng bỏ, trôi dạt trong cái thế giới hiện đại cực kỳ hỗn mang này. Súng và đạn, đạn và súng…, đó là tiếng gào thét không dứt và vĩnh viễn của họ” [61, 44]. Đến phần cuối truyện ta thấy xuất hiện những đoạn hồi tưởng về quá khứ hay mơ tưởng về viễn cảnh cách mạng trong tương lai của Rivera. Đây là lúc Rivera hồi tưởng về quá khứ:
Anh nhìn thấy mảnh sân nhỏ lọt thỏm giữa ngôi nhà và bà mẹ anh vất vả, bận bịu vì nấu nướng, vì việc nhà nặng nhọc mà vẫn dành được thời gian để vuốt ve, âu yếm anh. Còn cha anh nữa, Rivera nhìn thấy người cha cao lớn, ria rậm, ngực nở, một con người tốt nhất đời, thương yêu mọi người, có trái tim lớn tràn đầy tình thương mà vẫn dành tình cảm chứa chan cho người vợ và đứa con bé bỏng đang chơi ở góc sân. Hồi ấy tên anh không phải là Rivera mà là Phecnande, đặt theo họ của cha và mẹ anh…. Lúc đó anh chưa hiểu được; bây giờ nhìn lại dĩ vãng anh có thể hiểu [61, 58 - 59].
Còn đây là đoạn Rivera mơ về viễn cảnh: “Trong cảnh huy hoàng vinh quang, Rivera thấy cuộc cách mạng đỏ vĩ đại tràn lên khắp đất nước. Những khẩu súng hiện ra trước mắt anh” [61, 68].
Như vậy, truyện ngắn Người Mehico được kể ở ngôi thứ ba, người kể chuyện là người đứng bên ngoài nhưng có khả năng nhìn thấu mọi chuyện bên ngoài cũng như bên trong nhân vật, có thể nhìn thấy cả quá khứ và tương lai của nhân vật. Điểm nhìn của người kể chuyện lướt khắp mọi nơi nhưng không trùng khít với điểm nhìn của bất cứ nhân vật nào. Xen lẫn những đoạn kể, tả là những lời bình luận, đánh giá của chính người kể về những sự việc và con người được kể. Truyện dù được trần thuật theo một
điểm nhìn của người kể chuyện hàm ẩn, nhưng điểm nhìn ấy lại di động linh hoạt theo thời gian và không gian vận hành của các nhân vật. Có thể nói điểm nhìn của người kể chuyện di chuyển liên tục theo bước chân của các nhân vật, đặc biệt là nhân vật chính. Bởi vậy dù kể theo một điểm nhìn nhưng vẫn hạn chế được cảm giác đơn điệu.