Nhân cách hóa loài vật

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn của Jack London (Trang 124 - 128)

6. Đóng góp mới của luận án

4.3.2. Nhân cách hóa loài vật

Đọc truyện ngắn của J. London chúng tôi thấy có một sự tương đồng giữa thế giới loài vật với thế giới con người. Nếu như con người trong truyện của J. London có đủ mọi giai cấp, tầng lớp, sắc tộc và quê hương bản quán khác nhau, thì loài vật cũng hết sức phong phú và đa dạng; từ những con vật to lớn như ngựa, sư tử, chó sói, cừu, dê, thỏ,… đến cả những loài côn trùng bé nhỏ như giun, dế… Nếu như trong thế giới con người có những “siêu nhân” thì trong thế giới loài vật đa dạng J. London chỉ tập trung bút lực vào việc khắc họa hình tượng những con chó sói – chúa tể của loài vật ở miền Bắc cực.

Như chúng tôi đã nhắc tới ở trên, đặc tính của loài chó sói trong truyện của J. London là có sự pha trộn giữa “văn minh” và “hoang dã”, trong đó tính chất hoang dã luôn được nhà văn khắc họa đậm nét hơn. Ở đây chúng tôi muốn bàn về một khía cạnh khác trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của J. London, đó là nghệ thuật nhân cách hóa loài chó – sói.

Nghệ thuật nhân cách hóa loài vật của J. London trước hết thể hiện qua cách đặt tên cho chó như thể tên người. J. London không gọi loài vật này theo đại từ chỉ giống như đực, cái, mà ông thường đặt cho những con chó trong truyện của mình những cái tên như Kiche, Liplip, Coli, Mafo, Cheroki, Cassiar, Siwash, Husky, Sukum, Toots, Ysabel, Enmo, Diable, Carmen… Cách đặt tên như thế là một thủ pháp để “người hóa” loài vật của J. London. Mặt khác cũng không ngoài ý đồ cá thể hóa từng con chó với những dấu hiệu riêng biệt.

Bên cạnh việc đặt tên, nhà văn thường sử dụng những từ ngữ, câu chữ và lối so sánh, nhân hóa vốn chỉ dành cho con người để miêu tả hay đề cập đến loài chó sói. Đọc truyện của ông chúng ta sẽ thấy xuất hiện rất nhiều từ ngữ định danh như: sói mẹ, sói con, sói anh, kẻ, hắn, hay những từ ngữ, câu chữ diễn tả cử chỉ hành đọng của chó như: bằng lòng, âu yếm, từ chối, lo sợ, đe dọa, oán giận, khổ đau, một vị khách khó tính… Ta cũng sẽ bắt gặp rất nhiều câu văn miêu tả loài chó kiểu như: “cứ nhìn con Sukum thì biết nó bản lĩnh lắm” (Sự im lặng màu trắng), “bố của Diable là một con sói to lớn. Mẹ của Diable giọng khàn khàn, cặp mắt nham hiểm và là hiện thân của thần ác và thủ đoạn quỷ quyệt” (Chú chó Diable). Con chó trong truyện Nhóm lửa được nhà văn miêu tả:

Con vật có vẻ lo lắng trước cái rét kinh hồn đó. Nó biết trời rét như vậy thì đi đâu cũng không phải lúc. Linh tính của nó nhạy bén hơn sự xét đoán của con người nhiều (…). Khi trời mỗi lúc một tối dần, lòng khao khát có một đống lửa xâm chiếm con vật [61, 271]. Còn đây là những câu văn J. London miêu tả con sói trong truyện Sói xám:

Nó chơi đùa với họ ở giữa một vùng đá cuội. Nó không hay thổ lộ tâm tình. Nó là một con sói to và năng động (…). Nó chứng minh nó là một con chó khó gần, không bằng lòng với những ưu ái của họ, từ chối để họ đặt tay lên nó, đe dọa họ với những chiếc răng nanh và bộ lông cứng, với một thái độ cách biệt xa lạ như một vị khách đến từ hành tinh khác [130]. Đặc biệt hơn, J. London thường so sánh loài chó sói với con người ở một số điểm tính cách. Chẳng hạn trong truyện Hội những người già có đoạn:

Những con chó của chúng tôi là thuộc loài chó sói, chúng có bộ lông dày và rất ấm, không hề biết sợ giá buốt và bão tuyết. Và chúng tôi cũng giống chúng - cũng không sợ giá buốt, bão tuyết, (…). Những con chó của chúng tôi rất can đảm, chúng tôi cũng rất can đảm [145, 755].

Trong truyện Tình yêu cuộc sống nhà văn đã so sánh sự kiên trì của người và sói: “sự kiên trì của con sói thật ghê gớm. Sự kiên trì của con người cũng ghê gớm không kém” [54, 89]. Trong truyện Chú chó Diable, J. London đặt con chó bên cạnh ông chủ Black Leclere, cả người và chó đều có chung một điểm tính cách hung dữ và ác độc, đều là “nòi giống của quỷ”.

Những con chó sói dưới ngòi bút của J. London thuộc nhiều nòi giống khác nhau, mỗi con gắn với một đặc điểm hình hài và tính cách riêng biệt, tạo thành một “xã hội” loài chó tồn tại song song, ngang hàng với xã hội loài người: có chó Toots, loại chó ỷ Nhật Bản lùn tịt, con khác là Ysabel, loại chó Mexico trụi lông, có con Enmo thuộc nòi St.Bernard khổng lồ, có con Shep là chó chăn cừu Scotland, có chó Eskimo mang dòng máu của loài sói ở miền đất Klondike, có chó lông xù yếu ớt đến từ miền đất phương Nam… J. London luôn đặt những con chó ấy bên cạnh con người, trong bối cảnh có thật - bối cảnh lao động nặng nhọc trên các hoang mạc ở vùng Bắc Mỹ. Trong bối cảnh ấy, mỗi con chó mang một điểm tính cách riêng: con Bill hiền lành, con Joe nhỏ nhen và hay cáu bẳn, con Spitz thường thích cầu hòa, con Pike láu cá thường hay giả ốm, con Sukum mạnh mẽ hung dữ, con Diable

độc ácranh mãnh như con quỷ, con Brown thông minhgiàu tình nghĩa… Mỗi con một đặc điểm tính cách riêng giống như loài người vậy.

Điểm độc đáo nhất và cũng là điểm thể hiện rõ nhất tài năng xây dựng nhân vật loài vật của J. London là nghệ thuật khắc họa thế giới tâm lí phức tạp của loài chó sói. Nếu loài chó trong ngụ ngôn biết tự nói năng và bộc lộ tình cảm, thì loài chó trong truyện của J. London lại là những con vật thực thụ, chúng cũng có thế giới nội tâm phong phú, phức tạp, nhưng chúng không biết nói. Bởi vậy, người kể chuyện phải miêu tả diễn biến tâm lý của chúng. Thế giới tâm lí loài chó có khi được người kể chuyện miêu tả bằng lời văn trực tiếp. Chẳng hạn:

Đàn chó đã mệt mỏi từ xế trưa, nhưng lúc này chúng tỏ ra như có thêm một nguồn sinh lực mới. Trong đám những con chó khôn có một vẻ bồn chồn, chúng hung hăng nhưng bị dây kéo cản lại, chúng căng mũi đánh hơi và dỏng tai lên nghe ngóng. Chúng bực tức với những con có vẻ thờ ơ, thúc giục những con này bằng cách táp nhẹ vào mông chúng. Những con bị trách móc như vậy cũng xúm lại, hùa vào khiến

cả bầy hung hăng thêm. Sau cùng, con đầu đàn của chiếc xe dẫn đường rít lên một tiếng mãn nguyện, rạp mình xuống tuyết rồi lao về phía trước [82, 7].

Con chó trong truyện Sói xám khi gặp lại Skiff Miller – người chủ cũ của mình, “cái tai của nó vểnh xuống, miệng của nó cười to”, nó “cọ sát vào chân của người mới đến và sủa. Đó là một tiếng sủa vui mừng”. Khi chờ đợi những người chủ bàn luận để đưa ra phán quyết về việc đưa nó đi theo chủ cũ hay để nó lại với những người chủ mới, “sự lo sợ của chó sói bắt đầu trở thành một cơn giận. Nó khao khát có mặt bất cứ nơi nào. Nó muốn ở hai nơi, với người chủ cũ và với ông chủ mới, (…). Nó nhảy lên kích động, căng thẳng hướng về nơi này, hướng về nơi khác với sự do dự đau lòng, không biết được suy nghĩ của mình, khát khao cả hai và không có sự lựa chọn, thốt ra những tiếng rên rỉ và bắt đầu thở hổn hển”. Cho đến khi ông chủ cũ rời xa nó, “nó đã thay đổi suy nghĩ” và chạy nước kiệu qua đường mòn rồi đi xa (Sói xám - những chữ in nghiêng do NTĐ nhấn mạnh).

Để thể hiện tâm lý của loài chó, J. London chủ yếu sử dụng kiểu lời văn nửa trực tiếp. Đây là một biện pháp nghệ thuật khá thú vị, một nét đặc trưng trong thi pháp truyện ngắn của J. London. Về mặt ngữ pháp, lời văn nửa trực tiếp là lời của tác giả thể hiện qua phát ngôn của người kể chuyện, nhưng nội dung và phong cách lời văn lại thuộc về nhân vật, ví dụ như trong truyện Nhóm lửa:

Con vật có vẻ lo lắng trước cái rét kinh hồn đó. Nó biết trời rét như vậy thì đi đâu cũng không phải lúc (…), nó linh cảm được mối nguy hiểm, dù chỉ lơ mơ, làm nó sợ, cứ bám sát lấy gót chủ, rồi mỗi lần anh có cử chỉ khác thường là nó lại mong chủ mình chóng về đến trại (…) và khi thấy chủ đi xuống men theo lòng sông, nó cụp đuôi thất vọng [61, 271 - 272].

Ở truyện ngắn Sói xám nhà văn viết:

Nó chán nãn bởi sự lạnh lẽo của con người, những người mà trước đó chưa bao giờ lạnh lùng. Không một lời đáp trả từ họ, nó không nhận được sự giúp đỡ. Họ không quan tâm đến nó. Nó cảm thấy như họ đã chết [130].

Với kiểu lời văn nửa trực tiếp J. London đã gây cho người đọc ấn tượng vế sự hiện diện của ý thức, tâm lí của loài chó, cho phép người đọc thâm nhập vào thế giới nội tâm loài chó, qua đó thể hiện tư tưởng nghệ thuật của mình.

Cuối cùng, nếu như chó trong truyện ngụ ngôn là loài vật gian xảo, độc ác, thì trong truyện của J. London, không ít lần nhà văn xây dựng những con chó giàu lòng trung thành và tình yêu thương đối với người chủ. J. London đặc biệt quan tâm khám phá tình nghĩa của loài chó đối với con người. Chẳng hạn như con chó trong các truyện ngắn Sói xám, Nhóm lửa…

Khi nhấn mạnh tính chất “văn minh” của loài chó sói, nhà văn rất khéo léo chọn lựa cách đặt tên, từ ngữ, câu chữ, phép nhân hóa và lối so sánh ngang bằng giữa con người với con chó. Đặc biệt hơn cả là những khám phá vào thế giới nội tâm của loài chó. Trong thế giới nội tâm phức tạp của loài chó, J. London rất quan tâm đến việc khắc họa lòng trung thành, tình nghĩa yêu thương mà con chó dành cho con người. Đến đây chúng ta có thể khẳng định nhân cách hóa loài vật là một phương thức nghệ thuật xây dựng nhân vật độc đáo, một điểm nổi bật trong thi pháp truyện ngắn của J. London. Nhà văn chủ tâm nhân cách hóa loài vật không ngoài mục đích phê phán lối sống thực dụng, và thiếu vắng tình nghĩa của một bộ phận người trong xã hội đương thời. Đồng thời nhà văn dường như cũng muốn thức tỉnh người đọc bằng một câu hỏi nhức nhối: loài vật còn biết suy tư trăn trở, giàu lòng trung thành và nặng nghĩa tình, vậy loài người sẽ phải sống thế nào để hướng đến một xã hội văn minh?

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn của Jack London (Trang 124 - 128)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(153 trang)
w