Nghệ thuật khắc họa tâm lí nhân vật

Một phần của tài liệu ĐỀ TÀI: ĐỒNG TÍNH TRONG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI (Trang 87 - 92)

1981 cũng nỗ lực hết mình để được thừa nhận Sinh ra mang hình hài của một

3.2. Nghệ thuật khắc họa tâm lí nhân vật

M. Bakhtin cho rằng: Nhân vật trong tiểu thuyết chủ yếu được khám phá từ chiều sâu tâm lí. Vì vậy, việc miêu tả nội tâm, khắc họa tâm lí nhân vật là ưu điểm và cũng là thế mạnh của thể loại tiểu thuyết. Nhà văn Thạch Lam cho rằng: “Nhà tiểu thuyết có tài là nhà văn diễn tả đúng và thấu đáo cái tâm lí uyển chuyển của con người”. Còn Nhất Linh cho rằng: “Những cuốn tiểu thuyết hay là những cuốn tả đúng sự thực cả bề ngoài lẫn bề trong, diễn tả được một cách sinh động các trạng thái tâm lí phức tạp, đi thật sâu vào sự sống với tất cả những chuyển biến mong manh tế nhị của tâm hồn”. Như vậy, sự biểu hiện hợp lí và sâu sắc nội tâm góp phần rất lớn tạo nên sức sống của nhân vật đồng thời cũng khẳng định tài năng của người cầm bút. Để làm được điều đó, các nhà văn phải hiểu sâu sắc cuộc sống, nắm bắt được những biểu hiện, những trạng thái tâm lí, những suy tư thầm kín ẩn náu trong tâm hồn con người.

Thế giới tâm hồn con người bình thường đã vô cùng phức tạp, thế giới nội tâm những người đồng tính còn phức tạp hơn nhiều bởi họ ít có cơ hội bộc lộ mình, họ tự thu mình vào vỏ ốc của cô đơn. Đồng thời trong họ ẩn giấu nhiều điều khúc mắc, trăn trở, dằn vặt và những khát khao mà khó có thể bộc

bạch, giãi bày với bất kì ai. Nhà văn - “kĩ sư tâm hồn” có thể đi sâu khai thác thế giới bên trong đầy bí hiểm ấy để có thể nắm bắt và thể hiện qua những trang viết của mình.

Trong tiểu thuyết Một thế giới không có đàn bà nhà văn Bùi Anh Tấn đã rất thành công trong việc miêu tả tâm lí của Thành Trung khi phát hiện mình bị đồng tính. Tác giả đã đặt nhân vật của mình vào tình huống vừa bất thường vừa mang tính tự nhận thức để nhân vật khám phá ra bản chất thật của mình với nhiều đau khổ, dằn vặt. Thành Trung là một thiếu úy cảnh sát tham gia phá vụ án thạc sĩ, nhà khoa học Phạm Hồng Bàng bị bắn chết tại nhà riêng. Là một sĩ quan trẻ, đẹp trai, con nhà khá giả, gia đình gia thế, học hành giỏi giang, Thành Trung là niềm ao ước của nhiều cô gái. Thế nhưng đã 23 tuổi nhưng Trung chưa một lần dẫn cô bạn gái nào về nhà giới thiệu với bố mẹ. Trong anh “luôn nuôi trong lòng nỗi căm ghét, ghê sợ, né tránh những gã pêđê” [3; 224]. Chính vì vậy nên Trung và các bạn hay bày ra “trò quái ác, hành hạ những gã pêđê (...) và thấy mình có những cảm giác thích thú đến hằn học khi được hành hạ những con người này” [3; 224]. Trung cũng không hiểu sao mình lại có cảm giác ghê tởm những con người ẻo lả, õng ẹo, xanh đỏ như vậy và anh tự hỏi “phải chăng chính là sự ám ảnh năm xưa?” [3; 224]. Khi còn là một cậu thanh niên mười bảy Trung bị thầy giáo đồng tính dạy thể hình dụ dỗ vào trò chơi tình dục và thầy “đem đến cho nó những cảm giác lạ của tình dục” [3; 90]. Chính điều đó làm Trung sợ và cũng “sợ chính mình là một kẻ đồng tính” [3; 224]. Trung đã lao vào học, luyện tập để xóa đi ý nghĩ cũng như kí ức về người thầy giáo năm xưa và luôn muốn khẳng định: “tôi là một thằng đàn ông, một chiến sĩ công an, tôi là đàn ông” [3; 224]. Thế nhưng mọi cố gắng của Trung đều vô nghĩa và “tất cả đã khác từ khi anh gặp Hoàng” [3;224]. Nhìn người con trai điển trai, “đột nhiên Trung anh có một cái gì đó là lạ, khác hẳn vẻ chán ghét thường có đối với những gã pê đê mà anh thường

gặp (...) Trung trấn tĩnh những cảm xúc dị thường trong lòng mình” [3; 179]. Đặt nhân vật vào tình huống thử thách buộc phải suy nghĩ, Bùi Anh Tấn đã để Trung có sự giằng xé về tinh thần. Sau cuộc gặp gỡ với Hoàng thì Trung đã suy nghĩ rất nhiều về mình. Điều đó được nhìn nhận qua con mắt của người cha. Ông nhận thấy “Trung đang có dằn vặt về tinh thần và đây là điều anh không muốn nói cho ai biết, tự chịu đựng một mình, nhưng không phải tình yêu trai gái mà là một điều gì đó rất khác” [3; 225]. Thế rồi, cuộc gặp gỡ lần hai với Hoàng ở hồ bơi khiến Trung nhận ra con người thứ hai trong mình. Hai kẻ đồng tính đã lao vào cuộc yêu và sống hạnh phúc với nhau một thời gian.

Như vậy, những đấu tranh tư tưởng, những giằng xé nội tâm, những rung động tinh vi trong đáy sâu tâm hồn của chàng sĩ quan công an trẻ Thành Trung đã được nhà văn mổ xẻ, phân tích một cách cặn kẽ thuyết phục. Không phải là một nhà văn chuyên nghiệp nhưng với tâm huyết của một người cầm bút chuyên viết đề tài đồng tính, Bùi Anh Tấn đã cho người đọc thấy được tài năng trong nghệ thuật khắc họa tâm lí nhân vật thuộc giới tính thứ ba.

Đối với các nhà văn, việc nghiên cứu “con người bên trong con người” “là phương pháp quan trọng nhất để chiếm lĩnh hiện thực”. Bùi Anh Tấn đã phát huy thế mạnh trong ngòi bút của mình để tiếp cận hiện thực thông qua tâm lí nhân vật. Xây dựng đời sống nội tâm của những les cũng là một thành công trong ngòi bút của anh công an trẻ này. Cô Út trong Les-vòng tay không

đàn ông là một người có tâm lí khá phức tạp. Lặng lẽ, âm thầm, khó tính là

một cô Út mà khiến nhiều người cháu đã không ở được cùng cô. Thế nhưng có ai hiểu được từ khi mới mười ba tuổi cô đã bị người cha nuôi hãm hiếp trong một cơn say rượu: “rượu và sự thiếu thốn lâu ngày bỗng chốc là cơn khát trong người gã bùng dậy” [4; 124]. Thế rồi hắn ta “bịt ngang miệng bé, vật cô bé xuống (...) cô bé giãy giụa trong tuyệt vọng” [4; 124]. Cú sốc tâm lí

đó khiếnÚt sống với nỗi ám ảnh, hoảng loạn, mãi mãi không bao giờ quên được cùng “với một nỗi thương lòng khủng khiếp, không bao giờ nguôi ngoai” [4; 164]. Từ đó mà cô sống lãnh cảm, khép mình như một nữ tu dòng kín. Những tưởng cuộc sống của cô cứ thế âm thầm trôi đi. Thế nhưng người hàng xóm tên Lý-người đàn bà Thái Bình to mập xuất hiện đã khiến cô Út thay đổi, dễ tính hơn, yêu đời hơn và đặc biệt “luôn mong ước mỗi ngày được gặp cô Lý một lần” [4; 354]. Trong một lần cô Lý uống rượu say với trạng thái rất phấn khích đã ôm Út và hôn với nụ hôn nồng nàn đã khiến Út “đờ đẫn một lúc khá lâu” [4; 353]. Nhà văn dường như đã thâm nhập vào nội tâm nhân vật, viết lên chính những suy nghĩ của Út: “thật ra mình là ai, tại sao mình có thể trở lên như thế này” [4; 354]. Nhà văn đã khéo léo dùng ngoại cảnh để miêu tả nội tâm nhân vật khi xuất hiện trong dòng suy nghĩ của cô Út là tiếng sét lẫn trong trời mưa tầm tã. Tiếng sét đó làm mọi người giật mình nhưng cũng đánh thức Út nhớ về tiếng batoong của Hội đồng Mía vang lên đầy đe dọa. Vì thế, Út đã lao ra ngoài trời mưa và đuổi theo tiếng batoong lóc cóc, lọc cọc. Phân tích những diễn biến tâm lí của Út một cách tỉ mỉ, chi tiết, Bùi Anh Tấn đã cho thấy được những đau khổ mà một người như Út đang phải trải qua.

Viết Bí mật hậu cung Bùi Anh Tấn đã “phục chế lịch sử” chỉ bằng một vài cứ liệu ít ỏi còn sót lại nhưng anh đã làm sống dậy dưới mắt độc giả tâm lí của những bậc tiền nhân một cách trọn vẹn. Nhà văn đã khắc họa thành công tâm lí nhân vật như Nhật Tông, Ngô Minh, Dương Đức Vệ... và đặc biệt là Ngô Thuấn. Từ khi gặp Nhật Tông, Ngô Thuấn đã thấy trong mình có một nỗi nhớ cồn cào, một nỗi nhớ lạ không giải thích nổi. Khi được Nhật Tông ngồi sau ngựa ôm ngang người thì “Ngô Thuấn thoáng rùng mình, đờ người ra trong giây lát, một cảm giác rạo rực khác thường len lén qua tim” [6; 16]. Phải là một người am hiểu tâm lí người đồng tính một cách tỏ tường thì Bùi

Anh Tấn mới diễn tả tinh tế cảm giác của một người đàn ông bên cạnh một người đàn ông. Nhà văn nhiều lần nói đến “cảm giác lạ” của Ngô Thuấn khi bên Nhật Tông. Đặc biệt nhà văn dường như hòa vào “đứa con tinh thần” của mình để diễn tả những dằn vặt, đau khổ khi Ngô Thuấn “hiểu chính mình là ai và đang yêu ai” [6; 50] và lời của nhà vua: “muốn ở bên Nhật Tông phải tịnh thân, phải trở thành thái giám” [6; 70]. Điều kiện nghiệt ngã ấy khiến “Ngô Thuấn chết lặng đi mấy khắc, mất hết tri giác” [6; 75]. Từ triều đình đi ra, chàng đã phi ngựa một mạch ra ngã ba sông Thiên Phù và sông Tô Lịch, cởi trần, nhảy xuống xuồng, chèo hối hả và “nước mắt ròng ròng trên gương mặt tuấn tú (...) cô đơn, tuyệt vọng” [6; 72]. Chàng đau đớn khôn cùng mà không biết giãi bày cùng ai. Hàng loạt câu hỏi tại sao vang lên “tại sao ông trời không cho chàng sống bình thường như mọi người xung quanh? Tại sao ông trời nỡ đày đọa chàng như vậy? Phải chăng kiếp trước chàng đã làm gì nên tội để nay ông trời chừng phạt?” [6; 72].“Hỏi trời trời khôn thấu”, chàng quay lại trách hiền đệ Nhật Tông “giá như cậu ta đừng kiếm cớ gặp chàng, cứ để trái tim chàng ngủ yên với nỗi niềm mãi mãi thì đâu có xảy ra cơ sự” [6; 74]. Vô cùng hoang mang trước sự thực tàn nhẫn đó, Bùi Anh Tấn đã rất khéo léo trong việc đã để Ngô Thuấn tìm đến nơi cửa Phật để tĩnh tâm. Được đại sư Trí Không giảng giải về Bát bất trung đạo, “Ngô Thuấn cúi đầu thì thầm... con hiểu rồi, con sẽ không tự ải nữa và chấp nhận cuộc sống này” [6; 80]. Tinh thần được trấn an, giờ đây Ngô Thuấn phải đối diện với cha nuôi, với người yêu Thuần Khanh khi họ biết quyết định làm thái giám của chàng mà họ không thể biết được lí do. Khi nghĩa phụ phân tích phải trái, Tạ Đức Sơn bất lực trong cay đắng “Ngô Thuấn muốn quỳ xuống bật khóc, thú tội (...) tiếc thay chàng không làm được điều đó mà chịu đựng trong câm nín”. Không những thế, trước những lời đàm tiếu củadư luận, Ngô Thuấn còn không dám ra ngoài bởi những lời nói mỉa mai và ánh mắt cay nghiệt mà mọi người dành cho chàng.

Như vậy, nỗi đau khổ của “một người đàn ông đường công danh đang rạng rỡ, đẹp đẽ, có chức tước, có người vợ sắp cưới xinh đẹp, bỗng nhiên bỏ tất cả đi làm thái giám” [6; 90] đã được Bùi Anh Tấn rọi soi từ nhiều phía. Tất cả đã làm rõ hơn tâm lí của một người đồng tính khi ở vào tình thế buộc phải lựa chọn. Thông qua đây nhà văn muốn thức tỉnh con người hãy bao dung hơn, hãy chấp nhận tình yêu đồng giới.

Trong các tiểu thuyết Việt Nam đương đại viết về đề tài đồng tính còn rất nhiều những nhân vật khác được các nhà văn khắc họa thành công tâm lí. Nhưng do khuôn khổ của một luận văn nên chúng tôi chưa có điều kiện để viết ra hết ở đây. Nhìn chung trong quá trình phát hiện ra con người thứ hai trong mình, các nhân vật đồng tính đều hoảng sợ, bất an, cố kìm nén quên đi tình cảm thật của mình với người đồng giới. Nhà văn cũng rất tinh tế trong việc khám phá, phát hiện những rung động tinh vi, những trạng thái tâm lí phức tạp của các nhân vật. Đó là tài năng của các cây bút cùng thế mạnh của nghệ thuật ngôn từ mà không loại hình nghệ thuật nào có được.

3.3. Ngôn ngữ

Một phần của tài liệu ĐỀ TÀI: ĐỒNG TÍNH TRONG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI (Trang 87 - 92)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(108 trang)
w