Áp lực từ những định kiến cộng đồng

Một phần của tài liệu ĐỀ TÀI: ĐỒNG TÍNH TRONG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI (Trang 36 - 40)

Tiểu kết chương

2.1.2.Áp lực từ những định kiến cộng đồng

Từ khi biết có một giới tính khác với nam/nữ là đồng tính tồn tại thì xã hội đã kì thị với họ. Bởi đồng tính từ góc nhìn của kẻ khác là cái lạ, cái khác biệt nên họ kinh tởm, khinh bỉ. Sinh ra vốn bình thường nhưng xu hướng tình dục của người đồng tính lại khác thường. Vì thế mà người ta có những áp chế, những định kiến nặng nề với người đồng tính. Người ta quen với những điều bình thường (nam nữ yêu nhau) và thực sự ngỡ ngàng trước những điều lạ thường (hai người đồng giới yêu nhau). Trước điều lạ ấy, người ta né tránh và thậm chí kinh tởm. Họ không cho đấy là do tự nhiên, do cơ chế sinh học. Họ đánh đồng với các phạm trù đạo đức, luân lí. Họ cho như thế là sa đọa, bệnh hoạn, vô luân... Những áp lực đó khiến người đồng tính bị phân biệt đối xử, bị kì thị, bị đẩy ra bên ngoài lề xã hội.

Viết về đề tài đồng tính, Nguyễn Quỳnh Trang trong 1981 xây dựng nhân vật Nhi-chuyển đổi giới tính là một người tiêu biểu phải chịu nhiều áp lực từ những định kiến xã hội. Mặc dù là một người ý thức rất rõ về mình nhưng khi chuyển giới là một cô gái xinh đẹp thì Nhi phải hứng chịu những búa rìu của dư luận. Ngay cả người thân trong gia đình cũng kì thị cô, coi việc làm của cô là một việc làm ghê sợ, kinh tởm. Người mẹ- yêu thương con là thế mà khi thấy Nhi trong hình hài một cô gái thì “tuyệt nhiên không hề chạm tay vào

thân xác nó. Khi nó muốn ôm bà dù chỉ một lần bà cũng rùng mình hất tay con ra”. Còn người cha tưởng rằng sẽ bao dung hơn, nghĩ thoáng hơn thì cũng “lo lắng thiên hạ biết con mình là kẻ chuyển đổi giới tính sẽ ảnh hưởng đến uy tín của ông đang gieo trồng”. Vì vậy, để bảo vệ danh dự cho mình thì khi ra đường ông ta phải “ngó trước ngó sau sợ ai đó bắt gặp”. Phải nói rằng Nhi đã đau khổ nhưng cha mẹ đã không động viên, không chịu hiểu mà còn xa lánh, kì thị. Như thế thử hỏi người ngoài có ai chịu hiểu cho Nhi hay không. Không chỉ vấp phải sự kì thị của gia đình, Nhi còn bị đồng nghiệp đối xử không công bằng: “Trong hội thảo khoa học, Nhi trình bày những vấn đề tâm huyết của mình. Họ đã giằng mic từ tay cô, át tiếng cô, nhìn cô bằng con mắt ác cảm”. Không những thế họ còn tìm cách hèn hạ hơn là đưa bằng chứng về việc chuyển đổi giới tính của Nhi. Bên cạnh đó, Nhân- người yêu cô cũng vì kì thị mà không chấp nhận và rời xa cô.

Như vậy, chỉ vì chuyển giới mà Nhi phải hứng chịu sự xa lánh, kì thị của người thân cũng như sự đối xử không công bằng của đồng nghiệp. Muốn được sống là mình của Nhi đã bị những kì thị, những định kiến của xã hội đè nén. Có thể nói định kiến xã hội như một sợi dây thép gai siết chặt những khát vọng chính đáng của con người. Những định kiến vô hình đó có thể ép chết những con người đang trong ngõ cụt.

Sự kì thị của người thân đối với Nhi làm người đọc liên hệ đến sự xa lánh của người anh đối với Quỳnh trong truyện ngắn Bầy thú bông của

Quỳnh của Trần Thùy Mai. Khi biết Quỳnh yêu cô bạn thì người anh đã “lôi

ra một tấm hình chụp nhiều người, trong đó có một cô gái cao, gầy, dài ngoằng, với đôi mắt to đen. Trên khuôn mặt cô gái, có ai dùng bút bi đỏ gạch một dấu chéo thật to, như đánh dấu tội phạm”. Dường như trong tâm thức của gia đình này thì không còn có Quỳnh trên đời. Họ đã “từ” Quỳnh chỉ vì Quỳnh đồng tính và chạy theo tiếng gọi của con tim. Quỳnh như những nhân

vật đồng tính khác đã buộc lòng phải ra đi, phải chạy trốn, phải lựa chọn giữa gia đình, địa vị và tình cảm để rồi dẫn đến những bi kịch.

Nhân vật “chị” trong Phương pháp của A.C.Kinsey cũng là một người phải chịu áp lực của định kiến xã hội. Không giống như những gay hay những les khác bề ngoài là những nam hoặc nữ còn bên trong họ có xu hướng tình dục với người cùng giới, “chị” lại mang thân xác của một người đàn ông nhưng tâm hồn anh lại là tâm hồn của người phụ nữ. Là đàn ông nhưng “chị thích mặc quần áo như phụ nữ, trang điểm như phụ nữ và mong mỏi được sống trong thân xác họ”. Đó là niềm ao ước quái gở mà không thể che giấu. Vì sự kì thị của mọi người, “chị” phải rời xa gia đình lên thành phố sống một mình với “căn bệnh”, sở thích của riêng “chị”. Chỉ vì khác người mà “chị” phải sống trong cô đơn, lạc loài, sợ hãi, cố gắng kìm nén sở thích đó. “Anh dùng hết ý chí của bản thân để tự cấm cản không cho phép mình được mò rờ đến món đồ gì của phụ nữ” [5; 123]. Nhưng không thể, lí trí đâu chiến thắng được những khát thèm từ bên trong. Sở thích kì lạ đó vẫn giày vò, vẫn cứ thôi thúc anh khiến anh hằng đêm lang thang trên phố với những bộ đồ của phụ nữ. Đau đớn, xót xa nhưng không thể chế ngự được bản thân, “chị” trốn chạy sự lạc loài của mình bằng cái chết. Đó là nỗi đau, là bi kịch cho một “bóng lộ” như “chị”. Người đọc xót xa thay cho một thân phận lạc loài như “chị”, xót xa vì những định kiến xã hội còn quá nặng nề. Mặc dù là “luật bất thành văn”, những định kiến xã hội là vô hình nhưng những kì thị đối với họ là không bắt họ chết một cách trực tiếp mà lại dần mòn bằng búa rìu dư luận, bằng sự lỳ thị công khai...

Không trực tiếp nói về sự kì thị của xã hội đối với người đồng tính, nhân vật Dũng trong tự truyện Bóng đã gián tiếp nói bằng khao khát được là phụ nữ mà không bị cuộc đời ghẻ lạnh, xa lánh: “Cảm giác được làm phụ nữ, dù chỉ một lần được chấp nhận, không bị cuộc đời ghẻ lạnh, là niềm khao khát một đời của chúng tôi, nhưng đó chỉ là giấc mơ không bao giờ trọn vẹn”.

Dũng cũng đã khẳng định: “Người đồng tính chúng tôi không có lỗi. Đó không phải là sự lựa chọn của chúng tôi. Xin đừng ghét bỏ, đừng kỳ thị chúng tôi vì một hiện tượng tự nhiên, bẩm sinh. Chúng tôi sinh ra là kẻ lạc loài, phải chịu sống cái phận của kẻ lạc loài.” [39; 322-323]. Đó là lời của một người nhưng cũng là lời của muôn người cùng cảnh ngộ. Tiếng nói đó dường như là tiếng kêu cứu của những con người bị xã hội đẩy sang phía bên kia của đa số, của tự nhiên, của bình thường. Có nghĩa là họ thuộc về thiểu số, phi tự nhiên, bất bình thường. Sống trong thân phận lạc loài, người đồng tính đã cay đắng thừa nhận: “Tất cả mọi người đều coi mình như một con quái vật, coi mình như đã chết rồi, né tránh, xa lánh, và dần dần cắt đứt tất cả quan hệ với mình. Mình hiểu và chấp nhận, không oán trách, đời là vậy, dù có lúc đắng cay nghĩ, sống thật là mình, kể cũng khốn nạn” [39; 243]. Cũng cất lên tiếng nói về sự kì thị, nhân vật đồng tính trong Song song đã ngậm

ngùi kêu than: “Loài người luôn sợ hãi nỗi cô độc và vùng vẫy tìm mọi cách trốn chạy nó, nhưng phần lớn trong số họ nghĩ ra nhiều mánh khóe để che giấu trước cộng đồng. Họ lo sợ sự dũng cảm thừa nhận sẽ kéo theo ánh mắt thương hại; hoặc, tệ hơn, là sự khinh rẻ từ đồng loại về nỗi hèn kém và dị biệt ẩn chứa nơi bản thân” [2;24].

Như vậy, những người đồng tính luôn mang trong mình mặc cảm về sự dị biệt của bản thân và áp lực từ những định kiến của cộng đồng. Cho nên, tâm hồn họ luôn thường trực những cảm giác cô đơn, trống trải, thiếu vắng, lạc loài. Họ cố thoát khỏi sự bủa vây bằng cách thu mình vào ốc đảo riêng. Song bước vào thế giới của riêng mình, người đồng tính phải tự vỗ về an ủi và luôn bị ám ảnh bởi nỗi đau “tật nguyền sinh lí”. Đó là thân phận đau khổ của những mảnh đời không may mắn. Cánh cửa cuộc đời chưa chấp nhận, chưa đối xử công bằng với những người không được tạo hóa cho công bằng. Vì thế, họ đã lên tiếng mong muốn xã hội cảm thông: “Người đồng tính chúng tôi

không có lỗi. Đó không phải là sự lựa chọn của chúng tôi. Xin đừng ghét bỏ, kì thị chúng tôi vì một hiện tượng bẩm sinh, tự nhiên”. Nhà văn Bùi Anh Tấn cũng kêu gọi: “Đó là một thế giới đáng được cảm thông, đáng được chia sẻ”.

Một phần của tài liệu ĐỀ TÀI: ĐỒNG TÍNH TRONG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI (Trang 36 - 40)