Truy tìm bản thể

Một phần của tài liệu ĐỀ TÀI: ĐỒNG TÍNH TRONG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI (Trang 49 - 54)

Tiểu kết chương

2.2.2.Truy tìm bản thể

“Cái tôi là gì? Bằng cách nào nắm bắt được cái tôi?”. Đấy là một trong những câu hỏi cơ bản trên đó tiểu thuyết được hình thành với tư cách là tiểu

thuyết (Kundera). Khi con người ngày càng ý thức và khao khát tìm kiếm chính mình, những tiếng vọng về bản thể trong tiểu thuyết lại âm vang hơn bao giờ hết. Có thể nói, hành trình tìm lại chính mình xuất phát từ nhiều khía cạnh, lí do khác nhau: đó có thể là tìm lại chính tên tuổi, nguồn gốc xuất xứ của mình; đó cũng có thể là tìm lại chính bản thân mà lâu nay nhiều người vẫn cố gắng che đậy. Cuộc sống của con người là một hành trình mải miết kiếm tìm với câu hỏi “Ta là ai? Ta vì ai? sẽ đi về đâu?”. Người đồng tính cũng mang tâm thức chung này. Nhưng, ở họ nó cháy bỏng, day dứt hơn rất nhiều. Việc thừa nhận bản thân mình là ai là một điều khó chấp nhận ngay cả đối với người đồng tính, lại càng khó chấp nhận hơn đối với gia đình, người thân, bạn bè. Chính vì vậy, người đồng tính vừa muốn khẳng định mình lại vừa hoài nghi mình. Họ muốn biết mình là ai nhưng cũng sợ biết mình là ai. Thật mâu thuẫn nhưng cũng thật dễ hiểu. Bởi một mặt họ muốn thoát ra khỏi vỏ bọc để được sống thật với mình, một mặt họ muốn giấu kín mình vì uy tín, địa vị xã hội. Nhưng dẫu sự thực có thế nào thì người đồng tính đều muốn biết sự thật về bản thân mình. Đó là một cách phản ứng khi trong mình đã quá rõ hoặc đang hoang mang lo lắng về bản chất thật của mình.

Đồng tính – hai tiếng đó là nỗi ám ảnh của bao người đặc biệt là người trong cuộc. Dường như nghe đến tiếng đó thôi, nhiều người đã khinh bỉ, rèm pha. Thành Trung trong Một thế giới không có đàn bà là một người như thế. Mang trong mình bản chất là một kẻ đồng tính, Trung thấy sợ hãi cái sự thực “bẩn thỉu” đó. Anh “sợ chính mình cũng là một kẻ đồng tính luyến ái” [3; 91]. Lúc đầu, không cho là thực, anh trở thành luật sư tự biện hộ cho mình: mình đồng tính là do thầy giáo dạy thể hình. Nhưng đó chỉ là những lời ngụy biện, những lời bào chữa sai lầm khi Trung gặp Hoàng “hoàng tử”. Như mặt hồ phẳng lặng, giờ đã xao động. Trung ngỡ ngàng trước vẻ đẹp quyến rũ của Hoàng, tâm hồn anh đã rung động khác thường. Cảm giác này chưa hề có

trong anh khi anh tiếp xúc với phụ nữ. Trung đã chạy trốn chính mình, đã phải kìm nén cảm xúc con người thực của mình. Nhưng không thể, trong anh tràn ngập hình ảnh của Hoàng. Nghĩ đến Hoàng “Trung thấy yên ả trong lòng”. Đặc biệt khi Trung gặp Hoàng ở hồ bơi thì trong anh vỡ òa niềm sung sướng. “Tiếng sét đánh của hai kẻ đồng tính” đã đem họ đến bên nhau. Giờ thì đã rõ, không còn băn khoăn mình là ai, là kẻ đồng tính hay không, Trung và Hoàng đã có thời gian sống hạnh phúc bên nhau.

Cùng chung câu hỏi mình là ai trong cuộc đời này, Yên Thảo trong Les- vòng tay không đàn ông cũng “băn khoăn giữa hai dòng nước” khi chính cô

cũng không biết mình thuộc về giới nào. Là một người có học thức lại giỏi giang, thông minh, quyến rũ, có nhiều người đàn ông ngưỡng mộ nhưng đã ba mươi tuổi mà Yên Thảo vẫn sống độc thân. Cô cũng đã từng yêu và có thai với bạn trai khi du học bên Pháp. Cay đắng thay, người tình đó đã bội bạc, tàn nhẫn bắt cô bỏ đứa trẻ trong bụng khi nó chưa kịp chào đời và bỏ lại cô một mình với nỗi trống trải, cô đơn. Trở về Việt Nam, Yên Thảo cũng có chút tình cảm với Tuấn nhưng Tuấn cũng không phải là người mà cô mong chờ. Niềm tin với đàn ông không còn, Yên Thảo đã làm quen với Kiều Thu, Hương Trang, các chị em les ở quán Quỳnh Hương và đã tìm được ở nơi đây sự cảm thông, chia sẻ. Bằng con mắt của một người đến Việt Nam nghiên cứu về đồng tính, Hương Trang “tin chắc rằng Yên Thảo cũng là một les, chỉ có điều cô ta đang ở ngã ba đường chưa biết đi đâu” [4; 110]. Sự khẳng định của Hương Trang cùng với những lời giảng giải về les của Kiều Thu đã khiến Yên Thảo muốn hỏi “chị đã nhận ra điều gì ở em, và đây phải chăng là lí do mà Kiều Mộng Thu muốn dẫn nàng đến đây, chốn này. Song nàng không dám hỏi bởi vì tự nhiên Dạ Yên Thảo thấy sợ nếu nghe câu trả lời” [4; 144]. Điều đó cho thấy những hoang mang của Yên Thảo “hay mình là một les” [4; 110]. Chới với trong những hoài nghi về bản thể của mình, Yên Thảo đã có câu trả

lời khi nàng gặp Diệu Hiền. Nhìn người con gái xinh đẹp, Yên Thảo dường như đã bị hút mất hồn, cô đăm đăm nhìn mà không nỡ rời xa. Diệu Hiền xuất hiện đã đánh thức bản chất thật, khơi thông những ẩn ức bên trong con người Yên Thảo. Nhờ có Diệu Hiền mà cô giảng viên xinh đẹp Yên Thảo đã tìm được câu trả lời chính xác cho mình.

Trong Sông, Ân và Xu cũng thực hiện cuộc kiếm tìm bản thân mình. Hành trình đi khám phá sông Di hay chính là hành trình tìm cái tôi bản thể của mình. Có lẽ là cả hai nhưng trên hết vẫn là cuộc thám hiểm chính mình. Biến mất để tồn tại, để được tìm kiếm, nhớ nhung và nhắc tới, trong chừng mực nào đó, là một ý niệm mới mẻ được tiểu thuyết này đề cập. Ân băn khoăn tự đi tìm những dấu hiệu nhận ra đồng loại, những người giống như mình “Không phải cậu quan tâm chuyện ngón tay út Bối hay cong tớn lên, như một dấu hiệu của đồng – loại” [9; 10] hay “Anh ta không có dấu hiệu gì là người- giống- như -mình. Anh ta tỏ ra coi khinh nhóm Qúy bà trên quãng đường đi tới cây Bi-ia” [9; 128]. Với Xu thì khác, anh cũng đang trên hành trình tìm lại bản thân nhưng hành trình của anh là để trả lời cho câu hỏi: Anh là ai? Anh đến từ đâu? “Xu cũng giải thích cái sự không nhìn vào bạn đồng hành vì anh ta có thói quen ngắm nghía cảnh vật hai bên đường.

- Biết đâu tôi được đẻ ra ở đó.

Xu nói. Đó là lúc cậu thấy Xu cũng giống mình, đương đầu với một vài câu hỏi khó. Anh ta không biết mình đến từ đâu” [9; 52-53]. Xu không tự biến mất nhưng lại chọn cách kết thúc chuyến du khảo ở Túi, cái rốn của giông gió, nơi sẽ chấm dứt mọi phấp phỏng, phân vân mà cậu từng chia sẻ với Ân. Rồi chính Ân cũng biến mất. Ân mang theo thân thể tinh khiết để vùi lấp vào sông Di, như cách tuyệt tự cơ hội được sống là mình, được phô bày khuyết tật mà số phận đã sắp sẵn. Mỗi nhân vật trong tác phẩm quyết định ra đi với những mục đích khác nhau nhưng nhìn chung họ đều mang trong mình những

băn khoăn, suy nghĩ mông lung, không rõ ràng trên hành trình kiếm tìm của mình, nó thể hiện tinh thần hiện sinh rất rõ nét.

Song song của Vũ Đình Giang cũng hướng đến việc truy tìm bản thể,

nhưng nghịch lí thay, đó là hành trình khám phá, nắm bắt cái tôi đầy trăn trở, giằng xé của những gay. Nếu thân xác là yếu tố đầu tiên để con người hiện hữu, xác định giới tính của mình thì với nhân vật Vũ Đình Giang đó lại là căn nguyên của những đau đớn, của những phận người không biết mình đứng ở đâu giữa ranh giới phân chia muôn đời đực/cái (male/female). Chính vì vậy nhân vật của Vũ Đình Giang vừa muốn khẳng định mình nhưng cũng hoài nghi chính mình. Tôi là ai? Nhà văn không để nhân vật của mình phải thực

hiện một cuộc khám phá truy tìm bản thể như những con người trong Sông. Chính nhà văn đã trả lời cho nhân vật của mình nhưng mù mờ, mông lung: “Tôi thuộc về những vùng tăm tối” [2; 7], “tôi sở hữu thói cô độc... Trong tận cùng bản chất tôi là kẻ vô cảm” [2; 8], “tôi đại diện cho những nhân vật phụ và rất phụ” [2; 10], “sự thực có ít kẻ biết rõ tôi là ai”, “tôi xuất hiện chập chờn, bất thình lình” [2; 10], “chúng tôi là một lũ vô hình, nhưng vẫn là một đám đông” [2; 10]… Các nhân vật trong Song song luôn nghi ngờ “thế giới này có đủ rộng như người ta vẫn tưởng”. Họ chật vật, loay hoay với các câu hỏi về sự sinh tồn, về ý nghĩa của cuộc sống; băn khoăn vì sao trường học chỉ dạy chữ, dạy quan sát thế giới, phân tích xúc cảm mà không dạy con người biết “cách tự vệ, chống trả và kiểm soát những vấn đề tồi tệ vướng phải từ bên trong”. Với những thân phận dị biệt như G.g và H, dù có đến hai người bên nhau, hoặc hơn, họ vẫn chỉ là một, là duy nhất và “vĩnh viễn cô độc từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đi”. Những hoài nghi về bản thể đậm đặc, ám ảnh. Tôi là ai? là G.g, H hay Kan- những con người bị tẩy trắng, bị đánh vắng. G.g, H là kí hiệu hơn là những cái tên, bởi theo lời tự bạch của G.g thì “kí hiệu thường mang nhiều tầng nghĩa bí ẩn hơn” [2; 7] và thích hợp với những

con người thuộc về những vùng tăm tối. Các nhân vật khác nếu có tên thì cái tên đó cũng chỉ mang tính “ngẫu nhiên của hư cấu” (nhân vật Kan) hay chỉ là một cách định danh chung chung (nhân vật “đồng chí”, thằng bé- với những lần xuất hiện và biến mất đột ngột, ông già, nhân vật đám đông với những nhà họa sĩ, nhà thiết kế, những tâm hồn bệnh hoạn, luôn bị ám ảnh bởi cái chết, bóng tối, sự cuồng sát). Kan đã từng lưu ý độc giả “đừng ngạc nhiên khi thấy tôi lại xuất hiện, cũng đừng quá tự tin với trí nhớ của mình”. Kan chỉ là một trong vô vàn những thân phận “ngụp lặn, cựa quậy tìm đường thoát ra khỏi vũng lầy” như những con cá mắc cạn.

Như vậy, cuộc kiếm tìm cái tôi bản thể đích thực của những người thuộc thế giới thứ ba là để trả lời cho câu hỏi họ là ai trong thế giới này và cũng là một cách phản ứng trước thực tai. Trong khi “vạn vật sinh ra theo tự nhiên vốn có âm dương”còn những người đồng tính họ “như những kẻ đứng trên miền giao thoa của hai thái cực giới tính ”. Họ cô đơn, lạc loài, sợ hãi, khát khao tình yêu... Họ chông chênh giữa hai bờ hư-thực. Họ không có nơi nào để bấu víu. Trong khi tâm hồn và thể xác không tìm được tiếng nói chung thì việc quay trở lại tìm câu hỏi ta là ai của người đồng tính là một điều dễ hiểu. Viết ra điều này, các nhà văn mong muốn người đọc hãy có cái nhìn cảm thông hơn, nhân ái hơn đối với người thuộc thế giới thứ ba.

Một phần của tài liệu ĐỀ TÀI: ĐỒNG TÍNH TRONG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI (Trang 49 - 54)