Chế ngự bản thân, khép mình vào khuôn khổ

Một phần của tài liệu ĐỀ TÀI: ĐỒNG TÍNH TRONG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI (Trang 47 - 49)

Tiểu kết chương

2.2.1.Chế ngự bản thân, khép mình vào khuôn khổ

Mỗi người đều có những ham muốn khác nhau. Người thích tiền bạc, người ham muốn quyền lực, kẻ say mê tửu sắc... Trước những cám dỗ đó, đôi khi con người phải chế ngự những khát thèm của bản thân.Với những người đồng tính, họ phải kiềm chế những đòi hỏi sinh lí, phải “đóng cũi” tình cảm, phải khép mình vào khuôn khổ. Họ phải che giấu đi con người thực của mình. Đó là một trong những cách phản ứng khác nhau của những số phận bên lề.

Bàng trong Một thế giới không có đàn bà luôn phải “sống trong sự giày vò hằng đêm, bởi những đòi hỏi sinh lí” [3; 208]. Nó “luôn gào thét trong lòng” nhưng Bàng “phải dùng nghị lực đè nó xuống trong đau đớn” [3; 208]. Dù anh đã từng thử quan hệ tình dục với vài người đàn bà nhưng không ai có thể làm anh rung động được. Hay nói một cách khác, chẳng một người đàn bà nào làm cho Bàng sung sướng về tình dục lẫn tình cảm, dù là một chút trong cơn say. Bàng đã phải cay đắng thừa nhận thư thế. Khao khát yêu và được yêu đã khiến Bàng bị lưu đày trong vòng ân ái. Không được đáp ứng trong hiện thực, Bàng tìm sự thỏa mãn trong giấc mơ: “thỉnh thoảng trong những giấc mơ, tôi sung sướng được thấy mình quan hệ tình dục với một người đàn ông nào đó mà ban ngày tôi có dịp gặp gỡ anh ta” [3; 207]. Nhưng đến cả trong mơ, anh cũng không được hưởng trọn những đam mê nhục dục của mình. Những khao khát trong anh, nó như một con thú vừa năn nỉ khêu gợi nhưng cũng ngoảnh mặt làm ngơ trước những khát thèm của chủ nhân nó. Cho nên, bằng tất cả lí trí và nghị lực, anh đã cố gắng hết sức để kiềm chế những ham muốn nhục dục đồng giới của mình. Anh đã tìm mọi cách để bao vây nó như “tự hành xác bằng một cuộc sống khổ ải, bằng những công việc liên miên bất tận cho đến kiệt sức” [3; 206] hay “thậm chí còn ăn chay từ ba đến sáu ngày trong một tháng, giảm hẳn ăn thịt cá, đi sâu tìm hiểu những sự uyên thâm của Phật giáo lẫn Đạo giáo với mục đích diệt dục, hi vọng tôn giáo sẽ là một cứu

cánh cho bản thân mình” [3; 206]. Dẫu có cách này cách khác nhưng “cuối cùng bất lực, tuyệt vọng và lại mong mỏi có một người đàn ông (...) để được âu yếm, được quỳ xuống để tôn thờ bằng cả trái tim mình” [3; 207].

Con người khi sinh ra đâu có lựa chọn được số phận cho riêng mình. Nhật Tông trong Bí mật hậu cung cũng thế. Lên năm chàng đã được vua cha phong cho làm Thái tử. Trách nhiệm đổ dồn lên đôi vai, biến chàng thành kẻ già trước tuổi. Chàng sống không có tuổi thơ, không có tình yêu, tất cả chỉ là một Hoàng Thái tử nghiêm cẩn trong mắt mọi người. Có lẽ cuộc sống cứ thế trôi đi, không có gì thay đổi cho đến một ngày chàng gặp Ngô Thuấn. Nếu chàng là một người bình thường thì có lẽ đã được sống với Ngô Thuấn theo ý muốn của mình. Nhưng khốn thay, chàng lại là Hoàng Thái tử, vị vua tương lai của một nước. Tất cả điều đó đã khiến chàng phải đè nén tình cảm của mình với chàng hiệu úy kị mã Ngô Thuấn. Chàng đã từng tâm sự với vua cha về điều đó: “Con đã cố cưỡng lại điều ấy trong tuyệt vọng, rất nhiều đêm dài con thao thức tự hỏi mình là ai, tại sao như vậy. Con luôn khẳng định mình sẽ là vua, là quân vương của một nước thì phải sống cho đáng sống, có điều...” [6; 57]. Mọi cố gắng kìm nén của Nhật Tông đều vô nghĩa khi trong lòng luôn đấy ắp hình ảnh của Ngô Thuấn. Chàng muốn gạt hình ảnh của người yêu ra một bên bằng cách chuyên tâm vào học hành, đèn sách, võ nghệ. Nhưng hai lần muốn rũ bỏ là hai lần chàng ốm thập tử nhất sinh: “mê man mấy ngày (...) không ăn uống gì, tính mạng như đèn treo trước gió. Tất cả thái y tài giỏi trong cung lẫn trong dân chúng đều được triệu đến xem bệnh bốc thuốc nhưng xem ra vô ích” [6; 68].

Nếu Bàng, Nhật Tông phải đè nén những đòi hỏi sinh lí, những khát khao tình yêu thì “chị” trong Phương pháp của A.C.Kinsey phải kiềm chế trước những bộ đồ phụ nữ. Sinh ra là trai nhưng “chị” lại khát khao được là phụ nữ. “Chị” cũng thấy mình sống trong thân xác của phụ nữ, mặc đồ lụa,

phấn son. Càng lớn sở thích này càng mạnh và “chị” đã chống đỡ trong tuyệt vọng. Có lẽ “chị” còn bất hạnh hơn cả thạc sĩ Bàng, kĩ sư Trung bởi họ là gay nhưng không có sở thích quái gở đó. Họ vẫn luôn lịch sự trong những bộ đồ đàn ông. Sở thích đó khiến “chị” luôn hoảng loạn và phải dùng tất cả lí trí và nghị lực để đè nén, để không bao giờ sờ mó đến những bộ đồ của phụ nữ nữa. Nhiều lúc “chị” tưởng mình đã thắng, nhưng “té ra bề ngoài là vậy, nhưng ‘thực ra’ nó vẫn chìm sâu trong vô thức và tự chống đỡ với bề mặt nghiêm khắc bên ngoài ấy bằng sự ngoan ngoãn thua cuộc” [5; 124]. Những rào cản của lí trí đã không thể thắng được những khát khao bản năng khiến “chị” ôm mặt khóc rưng rức, khóc cho số kiếp một người đàn ông “bóng lộ” như mình.

Phải kìm nén trước những khát thèm của bản thân, phải ép mình vào khuôn khổ là một điều không dễ dàng một chút nào. Nó như một con ngựa bất kham không theo ý chủ. Nếu chủ bảo dừng lại thì nó lại cứ đi. Nếu chủ dùng dây cương trói chặt thì nó vẫy vùng vượt thoát. Dẫu bằng cách này hay cách khác, con ngựa bất kham kia vẫn cứ chiến thắng. Cũng như thế, sự chế ngự những khát khao của người đồng tính đã bị thua cuộc.

Thử hỏi tại sao những người đồng tính phải kìm nén mình như vậy. Phải chăng đó là một phần họ không muốn chấp nhận sự thực về mình, một phần vì những định kiến của xã hội, một phần vì danh dự của bản thân, gia đình... Tất cả những thứ đó như “thiên la địa võng” bắt buộc người đồng tính phải kìm nén mình. Như vậy, phải kìm nén bản thân là một bi kịch của người đồng tính. Đó cũng là một sự thực của xã hội khiến người đồng tính chưa dám công khai giới tính thật của mình. Qua đây, các nhà văn đã bộc lộ sự cảm thông, lòng thương xót đối với những kiếp người đau khổ.

Một phần của tài liệu ĐỀ TÀI: ĐỒNG TÍNH TRONG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI (Trang 47 - 49)