Bi kịch của những kẻ “bên lề”

Một phần của tài liệu ĐỀ TÀI: ĐỒNG TÍNH TRONG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI (Trang 40 - 46)

Tiểu kết chương

2.1.3.Bi kịch của những kẻ “bên lề”

Theo Từ điển văn học “Bi kịch phản ánh không chỉ bằng tự sự mà bằng

hành động của nhân vật chính, mối xung đột không thể điều hòa giữa cái thiện và cái ác, cái cao cả và cái thấp hèn... diễn ra trong một tình huống cực kì căng thẳng mà nhân vật thường chỉ thoát ra nó bằng cái chết bi thảm gây nên những suy tư và xúc động mạnh mẽ đối với công chúng” [41; 18-19]. Bi kịch

có nhiều kiểu khác nhau, nhưng trong cuộc sống cũng như trong văn học phổ biến là bi kịch khát vọng. Bi kịch này xảy ra do những xung đột gay gắt không thể khắc phục giữa khát vọng của con người và khả năng không thể thực hiện được những khát vọng đó. Thế giới nhân vật đồng tính trong các tiểu thuyết đương đại mang trong mình những mặc cảm về thân phận, và chịu những áp lực từ những định kiến. Họ muốn vượt thoát ra khỏi mình, mong muốn mình trở thành một người khác không phải là người đồng tính. Nhưng như một kết quả tất yếu, không còn cách nào khác cuối cùng nhân vật đồng tính phải tìm đến cái chết. Chỉ có chết mới trốn chạy được mặc cảm và định kiến xã hội.

Trong tiểu thuyết Một thế giới không có đàn bà người đọc ấn tượng về nhân vật Bàng- một người độc thân hơn bốn mươi tuổi, một thạc sĩ, nhà khoa học- đã thu xếp một vụ án mạng cho mình. Lúc đầu người đọc băn khoăn với câu hỏi: tại sao Bàng lại phải thuê người giết mình? Nhưng khi biết được những mặc cảm về sự dị biệt so với số đông, hình dung ra nếu mọi người biết được sự thực về bản thân của Bàng thì chúng ta đã hiểu phần nào. Bàng vốn là một người lạnh lùng, khó gần, ghét đàn bà cũng chỉ vì tuổi thơ của anh bị ám ảnh bởi người mẹ kế bí hiểm, nhiều nghi ngại và người cha lạnh nhạt với con. Khi đi du học bên Đức, chính Chavara-người bạn học ở cùng phòng đã

đánh thức bản chất thật tiềm tàng trong Bàng. Bàng hoảng sợ và ghét sự thực tàn nhẫn đó. Nhưng anh không thể chối bỏ vì những cảm giác sung sướng, hân hoan mà anh chưa từng được nếm trải trong đời đã được Chavara đem lại. Cũng thật trớ trêu, ghét thứ tình cảm trái khoáy đó nhưng từ trong đáy lòng anh khao khát Chavara làm tình với anh lần nữa, rồi lần nữa. Khi trở về nước, để quên phần “con” trong mình, Bàng đã lao vào học tập, nghiên cứu; để ngụy trang cho mình, Bàng đã phải sống lạnh lùng, khó hiểu. Song như một đốm lửa âm ỉ trong lòng chỉ cần một cơn gió thoảng nhẹ cũng khiến cho nó bùng cháy. Bàng đã gặp lại Hải–người bạn từ thuở thiếu thời giờ làm cùng cơ quan, lại ở cùng nhau nên con thú trong Bàng đã hiện nguyên hình. Hạnh phúc không kéo dài được bao lâu thì Hải đã chết trong một chuyến đi công tác. Bàng một lần nữa lại rơi vào cô đơn. Bàng đã lao vào các cuộc chơi ban đêm ở quán bar, quan hệ với Thanh và những người đồng tính khác. Bàng biết cái giá mà mình sẽ phải trả là như thế nào: “Nhìn những quan hệ nhầy nhụa, không có giới hạn cấm cản của những kẻ đồng tỉnh tôi thừa biết cải giá phải trả cho bản thân mình và họ trong một ngày khôngxa” [3; 405]. Cũng vì quan hệ tình dục bừa bãi, cũng vì đắm mình trong những cuộc truy hoan nên cuối cùng Bàng đã đến bệnh viện xét nghiệm vì “những cơn ho kéo dài, cộng thêm ngực tôi thường đau nhức, tôi khám bệnh và chữa trị hơn nửa năm nay nhưng không khỏi” [3; 381] và điều anh tiên đoán cũng sớm đến: “Anh bị HIV dương tính đang chuyển sang giai đoạn 2-AIDS” [3; 382]. Vì quá đau khổ, vì danh dự gia đình, vì danh dự của bản thân nên Bàng đã không còn cách nào khác là lựa chọn cho mình cái chết. Những lời nhắn nhủ của Bàng trong những trang nhật kí trước lúc đi xa đã khiến người đọc thương cảm cho số kiếp của một người đồng tính “nếu có kiếp sau tôi được sống lại (...) tôi mong mình sẽ là một người đàn ông đàng hoàng, khỏe mạnh (...) có quyền yêu và siết trong vòng tay mình một người đàn bà mà tôi yêu thương” [3; 149].

Vì đồng tính mà phải tìm đến cái chết không chỉ của Bàng mà còn của Lê Viễn. Biết mình là một người đồng tính mắc chứng khổ dâm, Lê Viễn đã dùng nghị lực để đè nén những khát thèm của bản thân. Những mong thoát khỏi được “căn bệnh” của mình, Lê Viễn muốn lấy vợ để có thể tìm thấy bản chất đàn ông trong mình. Nhưng một người đồng tính sao có thể “chữa trị” được bằng cách lấy vợ? Lê Viễn đã hoàn toàn sai lầm. Không còn cách nào khác, anh đã phải treo cổ tự tử để bảo vệ danh dự cho mình.

Ta thấy bi kịch của Bàng, Lê Viễn có lẽ là một kết cục tất yếu. Bởi họ muốn người đời không cười chê, muốn danh dự được bảo toàn, muốn thỏa mãn khát vọng nên họ phải kìm nén bản thân, phải che giấu thân phận, họ không đủ dũng cảm để vượt qua chính mình. Như vậy, với những người như Bàng, Lê Viễn để giữ được hình ảnh của mình trong mắt người thân, gia đình, bạn bè thì không còn cách nào khác là tìm đến cái chết. Dường như chết là cứu cánh cuối cùng, là cách giải thoát duy nhất đối với họ.

Như một quy luật tất yếu cho những gì mình đã gây ra, cuối cùng G.g trong Song song cũng phải hứng chịu bi kịch cho đời mình. G.g đã thực hiện những cuộc tiêu diệt: dìm chết mặt trời mùa hè rồi ngâm vào thuốc độc, cuồng sát 13 con sói trong một đêm và đặc biệt là giết hai ông cháu nhà hàng xóm không một chút tình cảm. Đến một ngày G.g thấycô đơn, hoang mang, lo sợ, bất an, cuối cùng tự thú tội và tự kết liễu cuộc đời: “Tôi chỉ giết được người sống, không thể giết được các thây ma (…) Cuộc đời tôi, cuối cùng, đọng lại một mình con sói ở bên là bạn (…) Roẹt! Tôi đi đây. Một quầng đỏ loang dài trên mặt nước, thấm vào dải lụa đỏ bịt mõm con sói” [2; 313]. H là người tình, cũng là người đồng hành cùng G.g trong cuồng sát, sau cái chết của G.g, H đem đồ đạc của G.g đốt nhưng lại nghe tiếng khóc ơ hờ của G.g, của con sói, và của những nạn nhân mà H từng giết trong đời. H quyết định “bay lên cao (…) Kết thúc chuỗi ngày vật lộn trong bóng tối. Tôi sẽ chìm dần dưới tầng nước sâu. Vĩnh viễn” [2; 315-316].

Thoạt nhìn, những pha hành động cuồng sát, con người khát máu trong G.g, ít nhiều trong H, ta thấy Song song không mang nội dung tư tưởng. Nhưng thật ra, điều đó, là bài học nhân sinh “ác báo” với hai cái chết tự sát của G.g và H để cho người đọc tự hiểu mình hơn. Không những thế, ít nhiều tác phẩm chỉ ra được nguyên nhân sâu sa của sự cuồng sát – chính là những ám ảnh tuổi thơ. Đó bài học trong việc giáo dục và hình thành nhân cách cho trẻ.

Nếu như Bàng, Lê Viễn, G.g, H chủ động tìm đến cái chết để giải thoát cho số kiếp của một người đồng tính thì Mẫn trong Thám tử yêu vì mối tình đồng tính của mình mà bị tai nạn chết. Dẫu rằng anh không chủ động tìm đến cái chết nhưng cái chết xảy ra với anh liên quan đến mối tình trai (do anh quá đau khổ vì tưởng rằng người yêu của mình bị tai nạn chết). Tình cờ quen nhau trên đường phố mà dần dần tình yêu giữa nhà thiết kế trẻ Minh Mẫn và chàng công an Vũ Hiệp nảy nở. Đó là một “tình yêu thực sự không vụ lợi còn hạnh phúc nào bằng. Mấy năm đó Mẫn sống hạnh phúc trong tình yêu” [7; 322].Vũ Hiệp đến đã tắm mát tâm hồn Mẫn khiến Mẫn hạnh phúc vô bờ, mọi thứ xung quanh không còn ý nghĩa gì hết. Mẫn đã tâm sự với Hiệp: “Em yêu anh và suốt đời chỉ yêu anh thôi. Không có anh thế gian này không có ý nghĩa gì với em nữa” [7; 150]. Tưởng chừng hai người có thể sống hạnh phúc bên nhau, nhưng cuộc đời không lường trước hết được điều gì. Trong một lần truy đuổi cướp, Vũ Hiệp bị tai nạn và Mẫn tưởng người yêu của mình chết. Cú sốc tâm lí đó khiến Mẫn rơi xuống tột cùng của đau khổ và anh “gào thét trong đau đớn” [7; 306] và “tưởng như phát điên” [7; 306]. Từ đỉnh cao của niềm hạnh phúc vô bờ bỗng đột ngột rơi xuống vực sâu của nỗi thất vọng. Thế nên nhân chuyến đi nước ngoài biểu diễn, Mẫn định ở lại với gia đình bên Mỹ luôn, không về Việt Nam nữa. Trong chuyến đi định mệnh đó, Mẫn đã mất trong một vụ tai nạn. Cuộc tình dâng hiến trọn vẹn bị đứt quãng nửa chừng ấy kéo

dài được ba năm bốn tháng lẻ ba ngày thì chấm dứt trong đau đớn tột cùng. Ở đây, Mẫn chết trong tai nạn chứ không phải Mẫn tự tìm đến cái chết. Nhưng dù sao đó cũng là một kết cục đáng thương, đáng buồn cho một số kiếp của một người đồng tính.

Cũng giống như nhiều nhân vật đồng tính khác, cuộc đời của kĩ sư Trung trong Phương pháp của A.C.Kinsey là một chuỗi dài những bi kịch. Bản thân là một người đồng tính, Trung đã phải chịu nhiều những dằn vặt, đau khổ. Đã thế, gia đình lại nghèo túng chẳng bao giờ đủ ăn, đủ mặc mà mẹ bị ung thư đang nằm chờ chết. Không có tiền, Trung đành đi làm callboy trong động của má mì Pho để có thêm tiền phụ ba thuốc men cho má. Làm trai bao, Trung đã phải sống hai mặt “luôn phải sống giả hiệu, bề ngoài luôn phải là một con người lịch sự, nhã nhặn và ga lăng với đàn bà. Lúc nào cũng có cảm giác mình đang là một diễn viên với cái mặt nạ che mặt” [5; 268]. Gặp Trần Anh, một “gay kín” và được sự giúp đỡ của vị giám đốc này nên Trung đã thoát ra khỏi động điếm trai của Pho. Giữa họ đã nảy nở tình yêu đồng giới. Tưởng rằng từ đây cuộc sống Trung đã đổi thay vì đã tìm được tình yêu đích thực của mình. Nhưng do những dằn vặt trong lương tâm vì mình là kẻ thứ ba đã phá hoại hạnh phúc gia đình người khác, Trung đã quyết định chia tay Trần Anh mặc dù đây là quyết định vô cùng khó khăn. Khi biết Khảo là kẻ vừa tống tiền, vừa tống tình và đã lừa mình, Trung đã giết kẻ xấu xa đó. Hình ảnh Trung bước ra khỏi cơ quan điều tra đứng giữa ngã năm đường đã gợi lên bao suy nghĩ trong lòng độc giả. Bi kịch của cuộc đời Trung là bi kịch của cuộc đời một kĩ sư trẻ khi mới bước vào tuổi ba mươi: “cuộc đời Trung đáng lẽ phải là những trang sống đầy niềm tin của những ước mơ và khát vọng vươn lên trong công việc, trong cuộc sống, tình yêu và hạnh phúc như biết bao thanh niên trẻ khác khi vào đời. Tiếc rằng số phận không chiều chàng trai này” [5; 280].

Cũng như Long, Trung phải trả giá cho những gì khi làm trai bao, Sang trong Lạc giới phải gánh chịu nỗi bất hạnh tột cùng của một “tú ông”. Hắn mất bản năng của một người đàn ông: “Đàn ông có cái vật linh thiêng ấy để làm thằng-đàn-ông, và cũng để yêu thương, che chở cho người đàn bà, để tạo ra giống nòi duy trì sự tồn tại của loài người” [1; 197]. Bởi cái của quý ấy của hắn đã bị mụ Sương hủy diệt: “Mụ pha chế liều thuốc hủy diệt tinh trùng vào cốc rượu nho” [1; 184] để biến hắn thành một phế nhân. Một người như Sang “đã từng sống trong muôn vàn thừa thãi và đĩ điếm bu quanh như ruồi bu vào mẩu bánh ngọt. Mẩu bánh ngọt rơi vãi thì ít, mà ruồi bu quanh thì nhiều (...) Người ta mua dâm thì phải trả tiền, hắn thì dâm dâng lên tận miệng, lại còn được tiền mang về. Mà tiền hắn mang về, không phải đồng, cắc mà là biệt thự, là mảnh đất ở trung tâm, là căn hộ chung cư cao cấp, là những chuyến du lịch Châu Âu dài ngày” [1; 204]. Nhưng giờ thì hắn phải gánh chịu những gì mà hắn đã gây nên: “ổ điếm đực, điếm gay bị phá, trùm xã hội đen bị xử lí chỗ kín” [1; 191]. Có thể nói đó là bi kịch của một kẻ kinh doanh trên thân xác con người và quá coi trọng đồng tiền.

Nếu như mặc cảm của bản thân khiến nhân vật đồng tính tự đẩy mình ra xa thì sự kì thị của cộng đồng lại đẩy người đồng tính rơi vào cô đơn, lạc loài. Trước mặt là núi, sau lưng là sông, không còn cách nào khác, tìm đến cái chết có lẽ là cách giải quyết duy nhất. Nhi trong 1981 cũng phải tìm cách trốn chạy cuộc đời bằng một bi kịch. Khi công việc bị mất, tình yêu rời bỏ, gia đình xa lánh thì sự mạnh mẽ trong Nhi không còn nữa, cô đã tìm đến tự tử. “Nhi vào nhà tắm, bỏ quần áo, xả nước lạnh từ vòi hoa sen, nằm soãi trên nền gạch men. Nghe từng tiếng nước chảy, nghe tiếng mình khóc... Khi cánh cửa bị đẩy tung ra thấy mặt Nhi nhợt nhạt, chân tay tê cứng” [8; 295]. Tự tử là cách tồi tệ nhất khi con người không tìm được một nơi để bấu víu, một bến đỗ bình an. Nhưng có lẽ ngoài tự tử thì không còn cách nào khác khi gọng kìm của kì thị

cứ siết chặt lấy con người. Có lẽ khi sang thế giới khác sẽ không còn những lời đàm tiếu, sự ghẻ lạnh, sự ghê sợ đối với Nhi nói riêng và người đồng tính nói chung.

Tìm đến cái chết cũng là một bi kịch không những của những nhân vật đồng tính trong tiểu thuyết mà cả trong tự truyện. Đó là Dũng (Bóng) cũng có vài lần tìm đến tự tử nhưng không thành, là Tuyên (Đời Callboy) treo cổ tự tử vì cuộc đời nhớp nhúa... Họ tìm đến cái chết hay nảy ý định tìm đến cái chết cũng là một cách muốn giải thoát khỏi cuộc đời. Họ cũng muốn sống, muốn cống hiến mình cho gia đình, xã hội. Nhưng chính xã hội lại đóng cánh cửa cuộc đời không chấp nhận họ.

Như vậy, xây dựng lên những nhân vật thuộc giới tính thứ ba rơi vào bi kịch, các nhà văn mong muốn người đọc hãy cảm thông đối với những người không muốn mình bị đồng tính. Mỗi người một số phận nhưng đã tạo nên những mảnh ghép muôn màu cho thế giới đồng tính. Ở họ đều có chung một kết cục bi thảm. Phải chăng đó là ngõ cụt hay sự nhìn nhận còn tiêu cực của các nhà văn. Dẫu sao các nhà văn đã đạt được những thành công bước đầu khi xây dựng kiểu nhân vật đồng tính có số phận bi kịch. Đồng thời cũng góp phần làm phong phú mô hình nhân vật bi kịch cũng như nguồn cảm hứng về cái bi đang là một trong những đặc điểm chủ đạo của văn xuôi sau 1975.

Một phần của tài liệu ĐỀ TÀI: ĐỒNG TÍNH TRONG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI (Trang 40 - 46)