Mặc cảm về thân phận

Một phần của tài liệu ĐỀ TÀI: ĐỒNG TÍNH TRONG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI (Trang 32 - 36)

Tiểu kết chương

2.1.1. Mặc cảm về thân phận

Ngay từ khi biết mình là đồng tính, người đồng tính đã mang sẵn trong mình sự khác biệt so với số đông. Chính vì vậy, họ luôn sợ hãi, bất an và mặc cảm về sự dị biệt đó. Họ trốn chạy bằng cách co vào thế giới của riêng mình và sống xa lánh mọi người. Họ tự tạo cho một một vách ngăn để tránh người khác thâm nhập vào đời sống riêng. Có thế thì bí mật về sự dị biệt kia mới được bảo toàn.

Bàng trong Một thế giới không có đàn bà là một nhân vật tiêu biểu cho sự mặc cảm về thân phận. Từ khi còn nhỏ, Bàng đã “sống lặng lẽ như cây cỏ”, ít nói hay buồn, lại hay khóc một mình. Khi phát hiện ra mình là gay thì Bàng mặc cảm về mình và hoảng sợ vô cùng. Anh sợ nếu ai đó biết được “sự thực về mình” thì “cả thế giới sẽ phỉ nhổ vào”. Vì vậy, anh càng sống khép kín, càng giữ khoảng cách với mọi người xung quanh để thu hẹp vào “ốc đảo” của riêng mình. Anh đã không tìm đến để tâm sự với bất cứ ai mà chỉ kí thác vào

những trang nhật kí: “Tôi cũng không tìm đến kết thân với bất kì một gã pêđê nào hay lượn lờ ở đâu đó (...) Làm sao mọi người có thể hiểu được sự phi lí và mâu thuẫn đau khổ đến cùng cực, tuyệt vọng trong tâm hồn tôi không? Cũng chính vì vậy, tôi che giấu mình dưới một vỏ bọc của một gương mặt lạnh lùng, khó tính, bẳn gắt, cao ngạo không gần gũi bất cứ ai. Tôi đã tự tạo nên xung quanh một rào cản và không cho phép ai xâm nhập vào. Cứ thế tôi sống trong khổ hạnh như một tu sĩ” [3; 208]. Vì mặc cảm bởi sự dị biệt, vì không muốn chia sẻ cùng ai nên Bàng phải ngụp lặn với sự cô đơn của riêng mình. Bàng đã từng tâm sự: “Tôi rất cô đơn. Trong căn buồng nhỏ trên gác hai, tôi rút sâu vào trong đó như cố thủ cho riêng mình. Sống âm thầm né tránh mọi người” [3; 70]. Với đồng nghiệp Bàng cũng có thái độ thờ ơ, lạnh lùng, khó hiểu. Điều đó đã khiến họ thấy sợ Bàng. Hầu hết mọi người trong cơ quan anh công tác, hàng xóm nơi anh ở đều cho rằng anh “sống kín đáo quá”, “khép mình”, “cao ngạo, lạnh lùng, cô độc, có nhiều bí ẩn trong đời sống riêng tư” [3; 108]. Họ đưa ra những nhận xét như thế đâu có sai nhưng họ đâu hiểu trong Bàng đang bị đè nặng bởi nỗi mặc cảm khiến anh khó có thể hòa nhập với mọi người xung quanh. Đó là nỗi đau thân phận mà một người đồng tính như Bàng không biết giãi bày hay chia sẻ cùng ai. Sự mặc cảm ấy khiến anh bị ngập và bị nhấn chìm trong cô đơn. Có lẽ bởi vậy mà khát vọng có người yêu thương và thấu hiểu trong anh luôn hiện diện.

Khác với Bàng, Hoàng trong Một thế giới không có đàn bà được sinh ra trong một gia đình êm ấm, hạnh phúc, được sống cùng ba mẹ và vợ chồng anh hai nhưng Hoàng lúc nào cũng mặc cảm và thấy bơ vơ, trống trải: “trong căn nhà rộng của mình, nhiều lúc Hoàng thấy bơ vơ vì không biết tâm sự cùng ai” [3; 189]. Bước sang tuổi 16, Hoàng đầy sợ hãi về tình cảm lạ lùng của mình với cậu bạn thân. Muốn xóa đi nỗi sợ về sự dị biệt, Hoàng tìm đến anh trai để tâm sự. Nhưng chưa nghe xong anh đã mắng mỏ “tí tuổi đầu đã đòi

yêu đương”. Khi thú thực về mối tình đồng giới của mình với gia đình thì anh bị anh trai đánh đập, xỉ vả, mẹ khóc lóc, bố sốc đến nỗi đột tử. Vì thế, anh phải từ bỏ mối tình của mình, dọn ra sống riêng và mở quán Sài Gòn Boys. Cũng từ đấy “mỗi ngày, Hoàng thường vật vã tự nguyền rủa mình không biết bao nhiêu lần với niềm đau buốt nhói. Vẫn coi mình là một thằng đồng tính, nhưng không còn bất cứ kẻ đồng tính nào có thể đem đến cho Hoàng sự rung động nữa” [3; 193]. Phải nói rằng nỗi mặc cảm về thân phận đã không cho Hoàng được sống là chính mình, không cho anh được hưởng hạnh phúc bên người mình yêu. Sự mặc cảm của Hoàng khiến người đọc nhớ đến Nguyễn trong Cô đơn, Dũng trong Tình nhớ trong tập truyện ngắn Cô đơn của Bùi Anh Tấn. Mối tình của Nguyễn với chàng thực tập năm nào đã trôi qua hơn hai mươi năm. Nhiều lúc Nguyễn tưởng cảm giác ấy đã ngủ yên. Nhưng không, nó vẫn cứ ẩn nấp đâu đó và thỉnh thoảng lại chợt tỉnh làm Nguyễn phấp phỏng lo âu. “Nguyễn luôn sống trong cay đắng vì hiểu (...) niềm đau của riêng mình”.

Nếu Bàng là tiêu biểu cho gay về sự mặc cảm thì Kiều Thu trong Les-

vòng tay không đàn ông lại tiêu biểu cho những les về sự mặc cảm. Là tổng

giám đốc công ty nhập khẩu dược phẩm A, thông minh, mạnh mẽ là một Kiều Thu bên ngoài nhưng “có ai biết mỗi khi đêm về nằm một mình, chị thèm khát một bờ vai để sẻ chia, hờn giận” [4; 325]. Khi nhận ra mình là “một người đàn bà thích quan hệ đồng tính nữ, là một lesbian đúng nghĩa” [4; 83], Kiều Thu rất ngượng ngùng, mặc cảm và luôn sống trong lo sợ bị người khác phát hiện. Nàng bối rối không biết chia sẻ cùng ai mà đành một mình cam chịu. Lấy chồng là một giải pháp để thoát khỏi sự mặc cảm của bản thân, những mong cân bằng lại tâm sinh lí. Nhưng không thể “chữa chạy” sự mặc cảm đó bằng cách xây dựng mái ấm gia đình với một người đàn ông. Không bao lâu cuộc sống gia đình sụp đổ. Và thế là, từ một người có mái ấm gia đình

bên chồng và con gái, Kiều Thu trở thành một người phụ nữ cô đơn, luôn sống trong mặc cảm tôi lỗi vì sự khác biệt của bản thân.

Hầu hết các nhân vật đồng tính trong các tiểu thuyết đương đại khi phát hiện ra giới tính thật của mình đều sợ hãi, bất an về sự dị biệt, trái khoáy. Ngô Thuấn trong Bí mật hậu cung cũng rất hoảng sợ về sự khác lạ trong mình. “Chàng thấy kinh sợ chính bản thân mình vì không hiểu mình là ai. Nhiều năm, từ ngày bước vào tuổi dậy thì là chàng đã phát hiện ra những cảm giác là lạ ở bản thân mình. Những khao khát kì dị làm chàng bối rối sợ hãi” [6; 47]. Chàng đã cố gắng đè nén điều ấy không hé môi với bất cứ ai, kể cả em và hai người anh. Dần dần cảm giác đó cứ lớn lên trong chàng khiến chàng muốn quên đi bằng cách lao vào tập võ nghệ, cung kiếm. Thế nhưng mọi cố gắng của chàng hiệu úy kị mã đã không thể chiến thắng. Luôn chế ngự trong chàng là sự mặc cảm về sự dị thường của bản thân nên chàng muốn xa lánh mọi người. Vì thế, “chàng đã ôm nỗi niềm ấy cho riêng mình” [6; 50] và ngụp lặn với nó. Cũng như Kiều Thu muốn xóa đi mặc cảm bằng cách lấy chồng thì Ngô Thuấn cũng muốn thoát khỏi sự khác biệt trong mình bằng cách muốn cưới Thuần Khanh. Nhưng không đơn giản là để xóa nhòa khoảng cách về sự dị biệt trong tâm hồn bằng một cách giản đơn như lấy vợ/ chồng. Điều đó cho thấy muốn sự mặc cảm cố hữu trong người đồng tính biến mất thì bản thân người đồng tính không nên quá sợ hãi mà phải chấp nhận sự thực. Quan trọng hơn là xã hội cần cảm thông, cần vỗ về an ủi những con người bất hạnh này. Có như thế người đồng tính mới có thể hòa nhập vào xã hội và coi mình bình thường như những người bình thường khác.

Như vậy, những nhân vật đồng tính trong các tiểu thuyết đương đại đều là những người mang thân phận đau khổ. Nhiều lúc họ cũng muốn gào thật to cho cả thế giới biết rằng tôi là ai, tôi muốn yêu, muốn sống dưới ánh mặt trời như mọi người khác. Nhưng nỗi mặc cảm của bản thân đã đè nặng khiến họ

ngậm ngùi quay trở về với vỏ bọc của mình. Những con người này đã không rời xa với quan niệm về con người trong văn học Việt Nam thời kì đổi mới–quan niệm đã được tổng kết thành triết lí: “Đã gọi là một kiếp người thì không chỉ có vui mà còn có buồn, thường là buồn nhiều hơn, không chỉ có thắng mà còn có bại, thường thì bại nhiều hơn, không chỉ có đúng mà còn có nhầm lẫn, thường là nhầm lẫn nhiều hơn. Có những kiếp người một đời đau buồn, một đời thất bại, một đời nhầm lẫn, những tiếng kêu thống thiết của họ vẫn còn vang vọng tới tận hôm nay”.

Một phần của tài liệu ĐỀ TÀI: ĐỒNG TÍNH TRONG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI (Trang 32 - 36)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(108 trang)
w