1981 cũng nỗ lực hết mình để được thừa nhận Sinh ra mang hình hài của một
3.1.2. Kết cấu trần thuật phức hợp phối hợp các điểm nhìn
Điểm nhìn trần thuật được hiểu là “vị trí từ đó người trần thuật nhìn ra và miêu tả sự vật trong tác phẩm. Không thể có nghệ thuật nếu không có điểm nhìn, bởi nó thể hiện sự chú ý quan tâm và đặc điểm của chủ thể trong việc tạo ra cái nhìn nghệ thuật. Giá trị của sáng tạo nghệ thuật một phần không nhỏ là do đem lại cho người thưởng thức một cái nhìn mới đối với cuộc sống. Sự đổi thay của nghệ thuật bắt đầu từ sự đổi thay điểm nhìn” [41; 113]. Trong tiểu thuyết hiện đại, điểm nhìn không đơn nhất hay bất biến từ đầu đến cuối tác phẩm. Cùng một sự kiện, nhà văn đứng ở những vị trí khác nhau để tường thuật, bình giá. Từ đó, nhân vật và các mối quan hệ được soi chiếu dưới nhiều góc độ, với nhiều tư cách. Chính vì thế nó làm tăng sức hấp dẫn của tác phẩm.
Trong Một thế giới không có đàn bà người kể chuyện có khi xuất hiện ở ngôi thứ nhất, có khi xuất hiện ở ngôi thứ ba luân phiên nhau trong các chương truyện. Điểm nhìn bên trong được kể qua vai của nhân vật “tôi”- quan sát mình, quan sát những người xung quanh như người mẹ kế, Hải, Chavara... và quan sát cuộc sống qua cảm nhận của mình. Qua con mắt của “tôi” thì cha là một người thờ ơ với con và mẹ thì tỏ rõ sự căm ghét: “cha bao giờ cũng giữ một khoảng cách, lạnh lùng với tôi, còn mẹ thì không giấu được sự căm ghét, khinh bỉ khi tôi sán lại gần. Chưa bao giờ tôi được cầm bàn tay trắng trẻo, nõn nà, thơm ngát của mẹ, bà luôn gườm gườm nhìn tôi. Đôi lúc tôi có cảm giác nếu như được phép thì bà sẵn sàng xé tôi ra thành từng mảnh nhỏ” [3;60]. Còn đối với Chavara “Anh ta là một thanh niên khỏe mạnh, vui nhộn và tàn đầy sức sống. Ở đâu có anh là ở nơi đó rộn rã tiếng cười, tiếng đàn ca hát. Các cô gái thường vây quanh ngưỡng mộ... anh ta nổi tiếng là một thanh niên trác táng, quan hệ bừa bài” [3; 150]. Với bản thân mình thì nhiều lần “tôi” đã khẳng định “tôi cô đơn”. Như vậy từ điểm nhìn bên trong “tôi” đã bộc lộ cách nhìn của mình về chính mình và những người xung quanh khiến cho câu chuyện tràn đầy cảm xúc.
Điểm nhìn bên ngoài đươc bộc lộ qua vai kể chuyện toàn tri ở ngôi thứ ba. Người kể chuyện giấu mình đi quan sát khách quan cuộc sống bên ngoài của Phạm Hồng Bàng. Cái nhìn bao quát khiến cho cuộc sống xung quanh của Bàng hiện lên rõ rệt đặc biệt là những người bạn đánh giá về Bàng. Đồng nghiệp cho rằng “Anh ấy là người tốt, sống nghiêm túc, đàng hoàng...là một người kín đáo, ít hòa đồng với mọi người”, “đây là một lãnh đạo nghiêm khắc, khắc nghiệt trong xử sự”, “đây là một người cao ngạo, sống lạnh lùng cô độc và có nhiều bí ẩn trong đời sống riêng tư, anh ta không gần gũi với bất cứ ai trong cơ quan” [3; 108]. Còn tổ trưởng dân phố nhận xét về Bàng “anh ta sống kín đáo”, “ăn mặc, cử chỉ, điệu bộ lạ lùng lắm”... [3; 110-111]. Điểm nhìn bên ngoài giúp cho chúng ta biết về Bàng qua các quan hệ trong xã hội. Từ đó người đọc hiểu một cách khách quan về con người này.
Như vậy, chúng ta thấy người kể chuyện đã nhập vào nhân vật để tạo nên sự liên kết cho hai cốt truyện. Kết hợp hai điểm nhìn như thế, người đọc có cái nhìn toàn diện về Bàng và lí giải được tại sao Bàng lại khó hiểu, lạnh lùng như thế. Ẩn sâu trong tâm hồn con người này là sự băng giá, cô đơn vì không có lửa ấm của tình thương bao bọc. Hiểu được như thế thì người đọc sẽ cảm thông hơn với nỗi khổ của Bàng.
Trong 1981 Nguyễn Quỳnh Trang cũng phối hợp nhiều điểm nhìn khác nhau để trần thuật. Một là điểm nhìn của “tôi” - ngôi thứ nhất, và một là của tác giả - ngôi thứ ba. Dưới góc nhìn của tôi, cuộc sống xung quanh hiện lên chủ quan song cũng có sự đánh giá chính xác. Tôi nhìn thấy ở Phan là “một người khác lạ (...) Phan che giấu bản năng thú tính của mình rất kĩ” và cũng nhìn thấy ở Dương “là một thanh niên hữu ích của thành phố”. Đặc biệt tôi thấy mình “tự tin hơn phần nào”. Nguyễn Quỳnh Trang đã để xã hội, con người thời đại mới hiện lên trong nhãn quan của một người trẻ tổi, trẻ lòng. Đó cũng là một cách để bắt kịp với hơi thở của thời đại.
Ngôi kể thứ ba của 1981 được nhà văn sử dụng để kể thời thơ ấu của Quỳnh “Cô có phòng riêng của cô. Lúc này cô muốn ở một mình (...) cánh cửa mở toang. Chỉ chờ có thế. Cô chạy ào ra ngoài. Biểu hiện chấn động nội tâm sâu sắc”. Cô gái thực chất là “tôi” nhưng được di chuyển ra bên ngoài để nhìn bản thân mình, đánh giá về mình, nói những khát khao của chính mình. Như thế thì những khát khao kia có vẻ khách quan hơn khi chính mình nói về khát vọng thầm kín của mình.
Như vậy, nỗ lực của các nhà văn trong trần thuật phối hợp các điểm nhìn giúp cho tác phẩm hay hơn, hấp dẫn hơn.