1981 cũng nỗ lực hết mình để được thừa nhận Sinh ra mang hình hài của một
2.4.3. Đồng tính – những người có phức cảm đồng tính
Khởi phát của đồng tính là do bẩm sinh. Ngay từ khi lọt lòng mẹ đứa trẻ đã có tính dục, không phải đến tuổi dậy thì chúng mới bộc lộ. Lúc đầu đồng tính mới ở dạng tiềm ẩn, bị che khuất hay bị chế ngự bởi một yếu tố nào đó, về sau khi có điều kiện hay có một tác nhân nào thì những ẩn ức chìm sâu kia mới được đánh thức. Vì vậy, khi chưa chưa tìm được câu trả lời “Ta là ai?” thì người đồng tính đã có được những dự cảm về sự khác thường trong con người họ: “Từ khi thằng đàn ông đang hình thành trong em cũng là lúc em thấy trong người có những bất ổn về tâm lí lẫn sinh lí” [3; 198] và “rõ ràng trong bản thân anh ta đang có những ẩn ức nào đó chìm sâu trong tiềm thức và đã bộc lộ qua những giấc mơ trong vô thức”.
Thượng đế đã ban giới tính cho đứa trẻ từ khi còn trong bụng mẹ. Nhưng không phải đứa trẻ nào lớn lên cũng mang bản chất của giới tính mình. Có những đứa sinh ra là con trai nhưng lại thích ăn mặc, trang điểm như con gái; nhưng cũng có những người con gái lại ương bướng, thích những trò chơi mạnh mẽ của con trai và ghét thêu thùa may vá của con gái. Đó như là “chị” trong Phương pháp của A.C.Kinsey. “Chị” xuất hiện trong dòng kí ức của Khảo về tuổi thơ. Qua lời kể của “chị”, thằng bé Khảo lờ mờ biết được “chị” xuất thân trong một “gia đình dòng dõi hoàng tộc ngoài Huế, khá có thế lực,
uy tín” [5; 62]. Nhưng bất hạnh thay, sinh ra là trai nhưng “chị” lại có “sở thích mặc đồ phụ nữ, trang điểm như phụ nữ” [5; 122]. Ngay cả trong giấc mơ, “chị” cũng thấy mình sống trong thân xác của phụ nữ, mặc đồ lụa, phấn son. Chị phải lặng lẽ bỏ nhà lên thành phố sống một mình trong cô đơn với căn bệnh quái gở của bản thân. Sở thích đó khiến “chị” sống trong hoảng loạn: “mấy tháng liền, anh dùng hết lí trí của bản thân để tự cấm cản không cho phép mình được rờ mò đến món đồ gì của phụ nữ nữa” [5; 123]. Nhưng “chị” đâu có biết, mỗi đêm chị lang thang trên phố với bộ đồ phụ nữ để thỏa mãn khát khao của mình. Oái oăm của tạo hóa đã đặt tâm hồn, sở thích của một người phụ nữ trong hình hài của một cậu con trai để biến cậu thành một người đồng tính.
Cũng như nhân vật “chị”, Gia Tân trong Bí mật hậu cung cũng có sở thích quái gở. Sở thích này trong chàng hình thành ngay từ khi còn nhỏ: “Từ nhỏ chàng đã có niềm thích thú riêng khi nhìn mẹ, sau này là Nhị nương cho đến bọn người ở trang điểm. Chàng có một khát khao thầm kín là một ngày nào đó mình sẽ mặc bộ đồ nữ nhân ấy, trang điểm thật đẹp, không hiểu lúc đó mình sẽ ra sao” [6; 138]. Niềm khát khao ấy thôi thúc chàng ngay cả trong các giấc mơ: “Trong giấc mơ điều ấy vẫn hiện về” [6; 138]. Kinh sợ trước giấc mơ kì lạ, Gia Tân cố dập tắt, giấu kín tâm sự trong lòng và lao vào đọc sách để che lấp nó đi. Nhưng từ trong sâu thẳm lòng mình, Gia Tân mong muốn mình trở thành phụ nữ hơn bao giờ hết. Nhìn những bộ quần áo lụa đỏ, áp chúng vào má lòng chàng xốn xang và “dậy nên những cảm giác lạ lẫm khó nói thành lời” [6; 138]. Điều đó đã thôi thúc Gia Tân đến với tình yêu đồng giới, yêu Ngô Minh và “trao trọn trái tim cho chàng” [6; 307].
Trong tiểu thuyết 1981 của Nguyễn Quỳnh Trang, phức cảm đồng tính trong Nhi cũng được thể hiện ngay từ khi còn nhỏ. Sinh ra mang hình của một cậu con trai nhưng Nhi luôn khao khát thay đổi hình thể ấy bởi bản thể của
Nhi là một cô gái giàu tình cảm. Đó là lòng trắc ẩn khi chứng kiến những cảnh đời đáng thương, là che chở cho những người yếu đuối, là xoa dịu nỗi đau của Quỳnh khi Quỳnh mất đi cậu em trai mà cô rất mực yêu quý, là chỗ dựa cho Quỳnh trong những lúc khó khăn, là chia sẻ nỗi cô đơn với những người bạn trong những đêm khuya phố vắng. Không những thế Nhi còn ước mình có cái khuôn ngực vòng eo của phái nữ. Từ đây Nhi quyết định chuyển đổi giới tính. Khi trở thành một người nữ, Nhi càng có điều kiện bộc lộ thiên tính nữ của mình. Nghe hoàn cảnh của Nhân, Nhi đã “tạt xe vào lề đường, tự dưng òa khóc”. Sự yếu mềm của một người phụ nữ cũng đã được bộc lộ trong Nhi: Cô đau đớn trước thói đời trớ trêu, tình yêu trao đi mà không được nhận lại, rồi thì thất vọng trước những cái giá phải trả của người đời...
Bùi Anh Tấn cũng nỗ lực lí giải hiện tượng đồng tính qua việc xây dựng nhân vật Ngô Thuấn trong Bí mật hậu cung. Là một hiệu úy kị mã hơn nữa lại là một mĩ nam nổi tiếng kinh thành Thăng Long, Ngô Thuấn luôn có cảm giác kì lạ mà chính bản thân chàng cũng không hiểu được mỗi khi gần Nhật Tông. Mặc dù có người yêu xinh đẹp, nết na, dịu dàng, nhiều người ghen tỵ- Thuần Khanh nhưng Ngô Thuấn vẫn thấy “không trọn vẹn”, “thiêu thiếu điều gì đó” [6; 47] và “không cuồng nhiệt yêu đương nàng như bao cặp trai gái khác” [6; 48]. Nhưng Nhật Tông xuất hiện “như một tia chớp sáng rực đâm nhói vào trái tim cô đơn của chàng” [6; 48]. Bên Nhật Tông, Ngô Thuấn luôn thấy êm dịu, hạnh phúc. Có khi chàng thấy “thoáng rùng mình, đờ người ra trong giây lát” [6; 16], cũng có khi “thấy sởn gai ốc” [6; 27]. Cảm giác lạ lùng đó khiến Ngô Thuấn sợ hãi và tự chất vấn mình mà không thể trả lời nổi. “Chàng thấy kinh sợ chính bản thân mình vì không hiểu mình là ai. Nhiều năm, từ ngày bước vào tuổi dậy thì là chàng đã phát hiện ra những cảm giác là lạ ở bản thân mình. Những khao khát kì dị làm cho chàng bối rối, sợ hãi” [6;47]. Chàng luôn bất an, sợ hãi, cố kìm nó lại, đè nén xuống bằng cách lao
vào tập võ nghệ, cung kiếm, nuôi ước mơ trở thành một võ tướng oai hùng để khỏi khắc khoải, khao khát. Thế nhưng lí trí không thể chiến thắng được tình cảm, “hình ảnh Nhật Tông đã lấp đầy trái tim” [6; 49] của Ngô Thuấn. Như vậy, mọi điều đã rõ, những cảm giác lạ lùng thường xuất hiện trong Ngô Thuấn chính là những ẩn ức đồng tính. Nhật Tông đã đánh thức bản chất thật bên trong Ngô Thuấn. Nhờ có Nhật Tông mà Ngô Thuấn đã nhận ra những phức cảm đồng tính của mình bị khuất lấp bấy lâu nay.
Kiều Thu trong Les-vòng tay không đàn ông sinh ra là một người con
gái nhưng có cá tính mạnh mẽ như con trai. Kiều Thu không thích thêu thùa may vá mà chỉ thích những trò nghịch ngợm của con trai. Bản tính của chị như vậy nên cũng khó có thể thay đổi khi ba má mong muốn chị trở thành một người thiếu nữ thực thụ. Tất cả mọi hi vọng trông chờ vào việc chị lập gia đình, trong vai trò của người mẹ, người vợ thì có lẽ bản tính đàn ông trong chị sẽ nhường chỗ cho thiên chức của một người phụ nữ. Thế nhưng tất cả đều vô nghĩa bởi: “Từ rất lâu chị luôn cảm thấy bên trong bản thân chị có khuôn mẫu của một con người khác, một tiếng nói khác và một suy nghĩ khác, rất khác với những gì hình dáng bên ngoài của chị, nhiều năm sau chị sống với nó mà không hề hiểu nó là ai, là cái gì, nhưng rõ ràng là những khát khao cháy bỏng nhưng lại không rõ là điều gì” [4; 79-80]. Thật ra khi đi học cũng có dăm ba cái đuôi lẽo đẽo theo sau nhưng chẳng có gã đàn ông nào có thể làm cho chị rung động được cả, trong khi chị lại rất thích biểu lộ sức mạnh để che chở, bênh vực cho những cô bạn yếu đuối, thật lạ. Cho đến một ngày kia, khi bắt đầu vào những năm học cuối cấp ba bắt đầu vào đại học thì chị nhận thấy những ý thích khác thường trong bản thân mình. Trưởng thành chị cũng lấy chồng, có con nhưng trong chị vẫn luôn khát khao một điều gì đó chưa rõ. Chính vì chưa thực sự hạnh phúc trong đời sống vợ chồng nên chị đã li hôn và tìm thấy con người thứ hai của mình khi gặp một cô bé đôi mươi. Tiếng sét ái tình đã đánh thức trong Kiều Thu bản thể đích thực là một les.
Với tiểu thuyết Sông, đây là lần đầu tiên Nguyễn Ngọc Tư đưa vấn đề đồng tính vào tác phẩm của mình. Khác với những nhà văn khác như Bùi Anh Tấn, Vũ Đình Giang, Nguyễn Đình Tú,… Nguyễn Ngọc Tư đã tiếp cận mảng này chủ yếu về mặt tinh thần, về nội tâm con người, về những suy nghĩ và dằn vặt của nhân vật chứ không hoàn toàn khai thác những gì thuộc về thân xác và nhục cảm. “Khi viết Sông, nhiều bạn cũng đã hỏi tôi tại sao không đi sâu vào sex, nhục dục, nhưng tôi nghĩ đồng tính không chỉ có sex. Họ cũng có ẩn ức khác, những mối quan tâm xã hội, có đời sống rất bình thường. Viết về đồng tính đâu cứ phải sex. Khi nhà văn đào sâu tâm tư, ẩn ức của họ cũng rất hấp dẫn” Nguyễn Ngọc Tư chia sẻ. Ân – nhân vật chính trong tác phẩm xuất hiện là người có một cuộc sống đầy đủ, người luôn được mẹ đặt nặng vấn đề trách nhiệm lên vai “vì Ân là đàn ông trong nhà” [9; 144] nhưng không ai lại biết được rằng đằng sau sự hạnh phúc bề nổi ấy là ẩn chứa một nỗi đau khó diễn tả hết. Ân sinh ra là nỗi thất vọng của bà ngoại “cậu bỗng hiểu cái điều mà cả thời thơ ấu không bao giờ hiểu được, rằng bà ngoại cậu đã thất vọng đến chừng nào, về sự có mặt của cậu ở giữa đời này” [9; 152]. Nhưng trên hết, Ân là một người đồng tính và anh không thể không chấp nhận điều đó. Anh không thể nghe lời mẹ để cưới được một cô vợ mà mẹ anh mong muốn. Quyết định bỏ lại sau lưng tất cả khi biết tin người tình đồng tính cưới vợ để bước vào hành trình khám phá sông Di như là sự tất yếu, là một sự lãng quên để chìm vào hư ảo cuộc đời. Ân liên tục bị chìm đắm vào dòng suy nghĩ miên man về Tú - “người tình” của mình, mặc dù không hành động ra bề ngoài như cách trả lời lại tin nhắn của Tú nhưng thông qua những suy nghĩ, nhớ nhung, liên tưởng triền miên về Tú thì ta cũng cảm nhận được sự sâu sắc, tình cảm chân thành của anh. Có thể thấy, trước lúc Ân bỏ đi thì Ân và Tú cũng đã từng dấn thân vào những suy nghĩ biến mất khỏi đời này sau những chuyến đi chỉ có hai người. Bọn cậu muốn biến mất để được sống cùng nhau, tận hưởng những giây phút hạnh phúc bên nhau mà không có sự ngăn cản, gièm pha của
người đời. Nhưng sau khi mối tình ấy chấm dứt thì những suy nghĩ khôn nguôi về Tú hiện lên với tần suất lớn: “Cậu nôn hai lần, cứ ước có Tú vỗ lưng cho, có càm ràm cũng vui. Đáng đời, ai kêu uống cho cố mạng, uống không biết thương chính mình. Tú thường nói vậy. Giờ này Tú làm gì trong tổ, một căn nhà vừa mới mua cuối đường Xuân Diệu?” [9; 56]. Liệu chăng, việc chọn cách dấn thân triền miên vào suy nghĩ kèm theo hành động bỏ đi có thể giúp Ân vơi đi được sự bế tắc trong cuộc đời? Ta thấy được sự giằng xé, đau đớn tâm can trước dòng suy nghĩ miên man về những ham muốn tột độ của cảm xúc mà Ân không kiềm chế được khi nhắc đến những kỉ niệm đẹp nhưng buồn với Tú. Đó là kỉ niệm về thời mới quen biết Tú giữa một cánh đồng hoa cải vàng: “Mùa đông chưa đi được nửa đường rét của nó. Nắng trên những triền núi chảy ròng xuống, khỏa lìm lịm trong thung lũng. Thè lưỡi ra có thể nếm được cái vị thanh thao của nắng. Cậu cũng muốn được những vạt hoa cải vàng nuốt chửng lấy mình, dìm sâu tận đáy” [9; 23]. Bây giờ mọi thứ đều đã trở thành kí ức, một chuỗi kí ức đẹp nhưng buồn man mác. Tất cả ấy bây giờ chỉ còn tồn tại trong những suy nghĩ khôn nguôi và sẽ không bao giờ tắt trong Ân, theo Ân đến hết hành trình trở về chính mình.
Như vậy, chúng ta thử đặt câu hỏi tại sao các nhà văn lại nỗ lực đi tìm câu trả lời cho những hiện tượng đồng tính. Để trả lời cho câu hỏi này thì các nhà khoa học đã tốn rất nhiều thời gian và giấy mực. Nhưng khác với các nhà khoa học, nhà văn chính là những “kĩ sư tâm hồn”. Sức mạnh tác phẩm của họ là không biên giới. Nó lan rộng tới mọi quốc gia, không bị cản trở bởi sự phân chia chiến tuyến. Quả là không sai khi có người ca ngợi sức mạnh của một cuốn sách “hơn cả một đoàn quân”. Vì vậy, thông qua các trang sách, người đọc thấy được sự cảm thông và trân trọng của các cây bút khi viết về những nỗi đau mà người đồng tính đang phải gánh chịu. Đó là một ứng xử mang tính nhân văn mà một xã hội hiện đại không thể thiếu.
Tiểu kết chương 2
Đi sâu khám phá thế giới đồng tính, các tiểu thuyết Việt Nam đương đại đã cho người đọc thấy được những thân phận đau khổ. Họ mặc cảm về sự khác biệt của mình trước số đông nên thu mình vào ốc đảo của riêng mình; họ còn bị cộng đồng xa lánh kì thị để trở thành những kẻ lạc loài. Bên cạnh đó, họ còn rơi vào bi kịch của cuộc đời. Trước thực tại đau đớn phũ phàng như thế, họ đã có những phản ứng khác nhau. Nhà văn với cái nhìn nhân văn, nhân bản của mình đã cho thấy được những khát khao thầm kín của những người thuộc giới tính thứ ba. Họ mãi mãi đi tìm mình với khát vọng được sống là chính mình, khát vọng được cảm thông, bình đẳng, khát vọng được yêu, được hạnh phúc. Điều đáng trân trọng của các nhà văn là họ đã nỗ lực hết mình để giải thích về một hiện tượng dị biệt. Thông qua đó, người đọc thấy được sự thấu hiểu, niềm cảm thông của các nhà văn đối với những người thuộc về thiểu số. Đó là ứng xử văn minh mà xã hội hiện đại đang đề cao.
CHƯƠNG 3: