Đây là chỉ số được đánh giá hàng tháng bởi bộ phận EHS (Environment-Health-Safety), nhằm hướng đến một môi trường làm việc không độc hại, an toàn cho nhân viên và cộng đồng xung quanh.
Các chỉ số hiệu suất chính yếu về môi trường đang được đánh giá tại xưởng offset:
• Đo lường mức độ an toàn: mục tiêu là không xảy ra tai nạn lao động (Nhân viên của bộ phận EHS luôn kiểm tra đột xuất nhà xưởng và đánh giá sự tuân thủ của người lao động về đồng phục, những vật dụng bảo vệ đã trang bị cho người lao động,…)
• Đánh giá về việc phân loại chất thải tại bộ phận sản xuất: nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động và cộng đồng.
Theo khảo sát ý kiến các thợ máy đã từng làm việc trong ngành in offset tại những công ty khác thì họ đánh giá rất cao môi trường làm việc tại Avery Dennison, đặc biệt là không khí ít độc hại hơn. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn những công đoạn phải thực hiện trong phòng riêng và người công nhân thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại. Đây cũng là nguyên nhân mà tại những công đoạn phải tiếp xúc với hóa chất thường thay đổi nhân sự mới, vì công nhân có xu hướng tìm môi trường làm việc an toàn và ít độc hại hơn.
Bộ phận nhân sự sẽ đánh giá và báo cáo chỉ số này hàng quý. Gồm các chỉ số đo lường hiệu suất chính yếu như:
4.2.6.1 Thời gian đào tạo:
Đây là một chỉ số về thời gian đào tạo chủ yếu dành cho công nhân vận hành máy in của công ty về cách thức sửa chữa, bảo trì máy móc đơn giản nhằm tăng thêm kỹ năng cho người lao động tác giả nhận thấy hoạt động này rất được công ty chú trọng thực hiện. Tuy nhiên, hoạt động đào tạo công nhân mới chưa được chú trọng đúng mức, công nhân mới chỉ được học một buổi về qui trình vận hành máy và được đưa xuống xưởng làm thợ phụ ngay và phải mất một khoảng thời gian dài thì người công nhân mới có thể đảm nhận được công việc của người thợ chính. Điều này dẫn đến tình trạng xưởng offset luôn rơi vào tình thế bị động khi có sự biến động về nhân lực, đặc biệt là nhân lực tại công đoạn vận hành máy in.
Trong thời gian tới, Avery Dennison cần phải chú trọng đến việc đào tạo công nhân mới đúng mức hơn, đồng thời hướng đến một đội ngũ công nhân đa kỹ năng nhằm tăng tính linh hoạt về nhân lực, thông qua đó làm tăng hiệu quả hoạt động của xưởng offset nói riêng và toàn thể Avery Dennison nói chung.
Kết luận
Các chỉ số đo lường hiệu suất tại xưởng offset được đo lường trên tất cả các tiêu chí hoạt động chính của doanh nghiệp: tài chính, khách hàng, qui trình nội bộ, nhân viên, môi trường – cộng đồng, đào tạo – phát triển. Qua phân tích cho thấy các chỉ số về tài chính, thỏa mãn khách hàng và qui trình nội bộ được thực hiện khá chi tiết và cụ thể, đã thể hiện được hiệu quả hoạt động của xưởng offset trong các tháng vừa qua, và thông qua những chỉ số hiệu suất trên sẽ góp phần vào việc nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động tại xưởng offset. Tuy nhiên, các nhóm chỉ số như Thỏa mãn nhân viên, qui trình nội bộ, môi trường – công đồng, đào tạo – phát triển vẫn chưa thực hiện đầy đủ và thường xuyên, chưa phản ánh được thực tế hiệu quả hoạt động tại xưởng offset.
Xưởng offset thực hiện các chỉ số đo lường hiệu suất trên cả 6 nhóm chỉ số. Tuy nhiên, do giới hạn về nguồn lực nhân sự và tài chính… và tùy vào từng thời kỳ mà mức độ quan tâm của các cấp quản lý đối với từng nhóm chỉ số khác nhau đối với qui trình vận hành tại xưởng offset. Do đó, việc xem xét, cải tiến và nâng cao hiệu suất công việc tại xưởng offset sẽ được tiến hành trên những nhóm chỉ số được quan tâm nhất. Vì vậy, ở chương tiếp theo tác giả sẽ khảo sát mức độ quan tâm của các cấp quản lý đối với từng nhóm chỉ số hiệu suất, và thái độ của quản lý các cấp và nhân viên đối với các nhóm chỉ số hiệu suất tại xưởng offset để có những đề xuất, kiến nghị phù hợp với nguồn lực hiện tại của xưởng offset.
CHƯƠNG 5
KHẢO SÁT HIỆN TRẠNG
Công ty Avery Dennison RIS Việt Nam đã áp dụng các chỉ số đo lường hiệu suất từ năm 2007. Tuy đây là công cụ đo lường khá mới, Nhưng Avery Dennison RIS Việt Nam đã áp dụng một cách toàn diện công cụ này vào các phòng ban, do được kế thừa phương thức quản lý hiện đại từ tập đoàn và được sự hổ trợ từ một số công ty tại khu vực Châu Á như: Avery Dennison Srilanka, Avery Dennison Hong Kong, Avery Dennison Thailand…. Bộ phận sản xuất đã xây dựng và áp dụng một số công cụ đo lường như: Đánh giá hiệu quả sử dụng thiết bị toàn diện – Total Effective Equipment Performance; Thống kê số liệu đơn hàng – Total order metrics (đánh giá về tỷ lệ hoàn thành đơn hàng, leadtime…) Đạt được thành công như vậy là cả một quá trình nỗ lực của toàn thể đội ngũ nhân viên và các cấp quản lý Avery Dennison RIS Việt Nam. Tuy nhiên, để việc áp dụng các công cụ đo lường vào thực tế ngày một hiệu quả hơn thì không thể thiếu sự đánh giá và hiệu chỉnh thường xuyên, nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống đo lường sao cho phù hợp và phản ánh đúng tình hình hiệu quả hoạt động thực tế tại công ty.
Do đó, trong chương này, tác giả sẽ tập trung khảo sát hiện trạng nhằm tìm hiểu sâu hơn về việc thực hiện các chỉ số đo lường hiệu suất tại xưởng offset để có những đề xuất, kiến nghị góp phần hoàn thiện hệ thống đo lường tại xưởng Offset.
Nội dung chương gồm 3 phần chính:
• Tìm hiểu, nhận định và đánh giá của các cấp quản lý tại xưởng Offset về mức độ dễ hiểu và mức độ phù hợp của các chỉ số hiệu suất tại đây.
• Nhận định về mức độ quan tâm của các cấp quản lý đối với các nhóm chỉ số hiệu suất tại xưởng offset. Thông qua đó, khảo sát các cấp quản lý và trưởng nhóm tại xưởng offset về các chỉ số cần cải tiến.
• Dựa vào kết quả khảo sát để xác định các chỉ số cần cải tiến, tiến hành xác định các nguyên nhân ảnh hưởng và các giải pháp đề xuất.